Có Gì Đẹp Hơn Yêu Em – Ngô Kha

Chuyên mục tổng hợp tất cả các tác phẩm của tác giả Ngô Kha

Họa sĩ Đinh Cường vẽ nhà thơ Ngô Kha
Họa sĩ Đinh Cường vẽ nhà thơ Ngô Kha

Ngô Kha sinh ngày 2/3/1935 tại làng Thế Lại Thượng, Huế, trong một gia đình khoa bảng. Ông tốt nghiệp thủ khoa khoá 1 Đại học Sư phạm Huế, cử nhân luật khoa, từng dạy văn và công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo – Huế từ năm 1960 cho đến ngày mất tích (ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị chính quyền cũ bắt âm thầm và từ đó không còn ai gặp lại nữa). Trên bục giảng, với tri thức, lòng nhiệt huyết và lý luận sắc bén, thầy giáo Ngô Kha là một người gây ảnh hưởng lớn cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Huế. Trong phong trào đấu tranh đô thị, Ngô Kha cũng là một biểu tượng đầy bản lĩnh, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và thái độ của giới trí thức văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Vào đầu thập niên 1970, nhà thơ Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh Tự quyết (cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San, Chu Sơn). Ông cũng là người sáng lập và là Chủ tịch Mặt trận văn hoá dân tộc miền Trung do Thành uỷ Huế chỉ đạo năm 1972. Đến ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị nhà cầm quyền tại Thừa Thiên bắt và thủ tiêu. Ông được nhà nước công nhận liệt sĩ vào cuối năm 1981. Thơ Ngô Kha với những thi ảnh choáng ngợp vẫn còn lay động sâu sắc người đọc. Trong đó trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí được xem như là một biểu tượng của dòng thơ siêu thực Huế mà đến nay chưa tác phẩm nào vượt qua được. Tác phẩm của Ngô Kha đã xuất bản bao gồm: “Hoa cô độc” (thơ, 1961), “Ngụ ngôn của người đãng trí” (trường ca, 1969), Trường ca Hoà bình (1969). Năm 1991, Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã xuất bản tuyển tập “Thơ Ngô Kha”. Tháng 10/2005, bạn bè và học trò của nhà thơ đã tổ chức xuất bản cuốn sách “Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ”, do một số thân hữu trí thức Huế sưu tầm và biên soạn. Hàng năm, vào 25/12 âm lịch, bạn bè và những người yêu thơ Ngô Kha vẫn hội tụ về ngôi nhà cũ của ông ở đường Bạch Đằng để tưởng niệm. Tại Huế đã có một con đường được đặt tên Ngô Kha từ năm 2005.


Có Gì Đẹp Hơn Yêu Em

Có gì đẹp hơn yêu em?
một ngày tuy không hò hẹn
tâm tư vẫn tìm về nhau
anh nhìn bóng đêm cuối tháng nghẹn ngào
thời gian không còn chung thuỷ!Yêu em
anh tin cuộc đời
gửi lời nhớ thương bằng tâm niệm
hồn vẩn vơ theo màu áo em phất phới hương bay
anh nhìn những mái lầu nghiêng lệch
dòng sông không còn trong bằng tình chúng mình yêu nhauCuộc đời làm sao ví lòng người?
hai con tàu ngược chiều
nếu vật chất che mờ không trung và trái đất
không bao giờ thay đổi lòng mình khi đã yêuAnh thường nhủ
đời em như nền mây
hồng thắm, nhạt mờ
lộng lẫy hay mơ buồn
theo dòng thời gian biến đổi
anh vẫn yêu em
như thuở ban đầu
dù nền trời dập dồn vân vũ
anh tin
tình yêu kết nụ đơm bôngAnh dang tay đón em
bằng nỗi lòng ấp ủ
dù người đời mặc cả tình thươngAnh vẫn còn yêu
như ngày xuân cũ
và còn nghe mãi
âm điệu màu hoa niênMây trời
dòng sông
khoang thuyền
trôi nổi!…
thành quách
lâu đài
danh vọng
phai mờ!…Tất cả là xa xí phẩm
lòng người giữ mãi tình yêuPhượng cầu hoàng
héo hắt chờ đợi
dù phượng hoàng chúa tể chim trời
yêu tiếng nói tuyệt vời
anh còn yêu em mãi…Anh vẫn còn chờ em
anh vẫn còn đợi em
dù dòng sông đổi lòng
bể sâu cuồng sóngAnh đón em
bằng hơi thở
hò hẹn âm thầm
như trái núi
đá bia
không biết nói
lịch sử còn nhắc nhở
sao trên trời
im lìm bỡ ngỡ
có ai biết?
một vì sao mãi đợi chờ
vì vẫn trọn lời yêu em.


 

Mặt trời mọc

Tặng các bạn tôi – Sinh viên Sĩ quan trừ bị Thủ Đức Khoá 161.
1.

Cửa mắt này rộng mở cho thời gian đi qua
người con gái ngày xưa
người con gái hôm nay
tôi không còn nhớ
hay chỉ là mơ hồ
nước mắt nào làm thành chuỗi ngọc xanh
thế kỷ này nằm bệnh và tôi chờ em đem tiếng hát
lời vu vơ
vẫn là lời vu vơ ấy
cho tôi biết ngày mai mặt trời làm gì
tình yêu em mang làm tôi phiêu du đến chân trời nào đó
tôi không nói gì
dù vẫn còn trên trái đất
và như loài thảo mộc
thèm ăn hương đồng với sương mai
nghĩ đến ngày xưa em làm người yêu lấy hoa dệt áo
nghĩ đến bây giờ người con gái đan áo cho tình nhân bằng nước mắt
thời chinh chiến này
nói chuyện về cái chết của đứa con trai
thản nhiên
lịch sử cũng biết khiêu vũ
mọi người cùng đi điệu valse
mọi người cùng theo điệu twist
chiến tranh nhảy rock

2.

Cho tôi ở lại bộ binh để làm nữ hoàng của chiến trận
buổi mai thức dậy thấy ánh nắng vô tư diễu hành trên các đọt cây
doanh trại đẹp như những vần thơ
Tôi nhớ đến rượu hoàng hoa
mà tủi thương người lính thú
cho tôi làm người lính gác giặc
những chiều đóng quân nghe âm thanh cao vút của rừng thông
lặng chờ tiếng gọi âm thầm tự trong lòng đất huyền bí
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
những người Cộng sản
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khoá mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
Ta phải chiến đấu
nên ta phải sống bằng sự thức tỉnh và báo động thường trực
chúng ở đây
chúng ở đó
người lính gác giặc phải thức suốt đêm canh
rồi ngày cũng sẽ tàn
đêm không còn nữa
anh lính gác giặc
chúng ta giã từ vị trí bố phòng trở về mái nhà nằm ngủ với chim bồ câu
rồi bình minh đi xem những cây lúa trổ bông – nhắn nhủ cho tất cả mọi người – sự phá sản này làm cho tôi nhiều đêm thức ngủ

3.

Người con gái không hiểu nỗi buồn của người lính chiến
tôi vẫn thèm nói đến câu “hữu thân hữu khổ”
như lời nguyền rủa chân thành loài người của tôi
như mỗi lần tôi hằng nói
chọn cuộc đời làm ngôi mộ
Hãy vẽ thật huy hoàng trên cái chết
người Ai Cập có Tự tháp
người Hy Lạp có Nhã điển
người Da Đen có thánh ca
Việt Nam có tuẫn tiết
chúng ta hẹn hò bất diệt
như dân tộc Việt Nam bao lần đứng lên
ca dao làm mạch sống
Cách mạng để thành công
đất mẹ xưa vốn gầy
người yêu ta từng khóc
bóng tối dẹp tan
ta ngồi trông mặt trời mọc
ngày mai ngoài đồng cỏ ca hát
mọi người đi hái hoa
chúng mình gọi tên nhau ngày hồi sinh
em mặt trời mọc
và anh Tự-Do.

Đăng trên tạp chí Mai, số 40 năm 1964.


BÀNG HOÀNG

Xiềng tay lại ngồi khóc
Nhìn giấc mộng đi qua
Ngày liền theo bóng tối
Đời tàn trong chớp mắt
Kiếp sống ôi lạnh lùng
Thân đời không chiếu chăn
Một nụ cười cô độc
Đêm rừng dài sao băng
Tháng ngày lẫn trôi xa
Tử thần gõ guốc ma
Hồn bơ vơ ngái ngủ
Những chiều mưa gió sa
Chiêm bao trên dòng sông
Tương tư giữa quãng đồng
Mấy năm già rồi nhỉ?
Giang hồ vẫn tay không.


Bài thơ hôm nay

Khoang trời rừng dài tiếp nối
những vì sao đổi ngôi
mưa điên cuồng gió loạn
bóng đen làm mặt trời
còng lưng
người ca bài sám hối
trên bàn tay lạnh lùng
mùa đông tới
nhắc nhở
tâm sự cồn gân xanh

Muốn viết lên bài thơ
nhưng bút đời rét rỉ
mực cạn dòng chảy hết mùa xuân
tim khô gầy
thoi thóp thanh tân
đời dông tố
đốt linh hồn cầu nguyện
niềm than thở
dập tan kỷ niệm
vì đau thương khoá kín cô đơn
tuổi mùa xuân mãi mãi tủi hờn
bừng thức dậy đông sầu tím nhớ
người rên siết côn trùng nức nở
chiều mồ côi khoác áo chùng tu
nhớ nhung còn
tuyết lũng âm u
nỗi xót xa
khúc tình 18

Người quỳ lạy
lời van xin như bể thảm
nước cuồng lan, thú dữ – làm thinh
triều dâng lên môi tím yên lành
ngủ một giấc cuộc đời tan hy vọng
người đi vào thời gian cao rộng
mà vô tình quên vị thuốc trường sinh
còn đắng cay ở lại với mình
chiều dĩ vãng chở đầy khoang thổ mộ
xe đi hết quãng đường hầm hố
chuỗi ngày xanh xào xạc theo nhau
chiếc lá vàng mang nặng âm sầu
đêm trở dậy khép vòng tay ác quỷ…

Đốt đuốc lên hỡi linh hồn bé nhỏ!
hãy ca vàng khúc hát núi rừng
người hãy về diễn lại mùa xuân
trên vũ trường
dành một chút tình yêu kể lể
xin thơ ngây trái hồng 17
và môi em
viết bài thơ thế hệ mong tìm.


Gió

I.

Tôi chẳng phải là chim
Sao biết đường bay mỏi
Đôi cánh này ngông cuồng và rồ dại
Gió đã đến rồi
Xin một bàn tay đắp lên vết thương
Sao gió không ru nỗi buồn tôi đi ngủ
Bây giờ gió là đứa trẻ hoang tàn
Đem cuộc đời tôi làm kẻ hát dạo
Lần tôi trở lại
Sao chẳng là em
Mà chỉ là gió trong vườn làm tôi rơi nước mắt
Đất nầy xiềng xích
Nên người tử tù một lần ghi tội danh làm sự nghiệp
Gió có đôi bàn chân nhỏ
Bước đi trên những miền thầm kín của tâm hồn nầy
Tôi quỳ lạy
Gió đừng đem tôi đi thăm những nơi tôi lớn lên
Vì tôi sẽ khóc
Như chồi hoa mùa đông hãi hùng nhìn vết giầy bạo tàn của gió để lại
Có những ý nghĩ cần phải xóa
Cũng như gió đã lạnh lùng
Ra đi
Có lẽ gió đang hóa thân ở miền nào
Tôi làm sao hay biết
Bây giờ tháng Năm
Mùa hạ về vườn nở hoa và kết trái
Gió có còn màu trinh cho các chồi bông
Xin đừng quên màu hồng nhiệt tình cho các trái cây
Rồi gió ra đi
Đừng ở lại làm gì
Thảo mộc trong vườn không muốn gió nhìn khi tàn tạ
Và một ngày vô định
Gió sẽ về miền hư vô xa lắm
Như thế thì chỉ có một lần
Tôi và gió gặp nhau vào giờ này
Buổi trưa bằng lòng cho chúng ta yên lành trò chuyện
Tôi đã nhìn thấy một thời khắc vô cùng linh diệu
Gió mang thi hài người yêu đi qua giấc ngủ cô đơn của loài hoa hổ ngươi
Bây giờ gió còn trẻ
Chúng mình nói chuyện về tình yêu
Có người bảo gió đa tình
Vì gió đã từng ở lại ban đêm trong những khu rừng
Kể tâm tình với những giòng sông
Gió đã từng hôn lên những mảnh trăng và những đóa hoa
Bây giờ tan vỡ
Tôi biết gì về gió?
Gió là một nhà thơ
Gió là một nghệ sĩ khát tình
Như loài nai rừng thèm uống nước trong những giòng suối đêm
Ôi lời thì thầm của gió và trái đất
Bây giờ là cổ sử
Hằng đêm tôi đến tìm gió trên những con đường công viên sau thành phố
Để nói chuyện người yêu
Gió kể cho tôi nghe những mối tình vĩ đại những giấc mơ thần tiên
Nhưng tôi im lặng như bóng cây
Vì chắc gió cũng biết rồi
Tôi sẽ không đủ can đảm trở về trên con đường cũ
Khi tôi kể cho gió nghe câu chuyện tình độc nhất
Thì tôi chỉ còn lại nhân thể hoang tàn với trái tim cô độc
Xin gió nghe tôi
Dù đã một lần bội tình với gió
Trong cuộc đời này có lúc tôi không còn nữa
Nhưng gió vẫn muôn đời với thiên tình thần thoại
Gió vẫn còn tự do rong chơi
Gió vẫn hồn nhiên mãi mãi
Như tình yêu bao giờ cũng vẫn còn trẻ lại
Như mặt trời ngày nào cũng tập đi.

II.

Và gió đêm nay thức làm gì
Linh hồn ta để tang chờ gió qua sông
Gió ơi
Gió làm gì một mình
Đêm không gầy và không xanh xao như nỗi niềm của gió
Giòng sông thì vẫn còn một mình ca bài ca nguyên thủy
Và sông còn buồn lãng du
Bây giờ ta đánh thức linh hồn
Đợi chờ gió về cùng những vần thơ khắc khổ
Bãi cát âm thầm như nắng mưa là chuyện tâm tình những lần về quê hương úp mặt
Bây giờ vào khuya hơi thở đất mềm
Trời cũng mưa
Gió hãy xếp cánh trở về cùng ta
Giấc ngủ nầy là nơi dừng chân của gió
Hỡi gió
Gió xanh
Gió hồng
Gió tím
Gió rừng
Và gió đại dương
Ta đợi chờ gió đến
Niềm đau nầy đã một lần mòn mỏi
Gió có về linh thiêng
Như lòng ta hằng réo gọi
Như tuổi đời ta chảy giọt máu xanh
Gió ơi
Gió hiền lành
Gió thương cuộc đời của người con gái nhỏ
Gió hót
Gió reo
Gió đọc bài thơ
Gió hôn lên vết thương
Gió săn sóc
Cho những lần đau giấc ngủ
Gió thánh thần
Gió đọc kinh cầu cho tuổi trẻ
Gió viết tình yêu ta
Như một lần vết chim
Gió khắc lên bia đời ta
Như một lần chối bỏ
Hỡi gió
Gió yêu
Cùng gió nhớ
Bao giờ gió đến hôn ta
Ước mong lần gió trở lại
Ta chưa làm một hạt bụi thời gian
Gió
Gió hồn nhiên
Gió thiên đàng
Đường bay của loài chim đêm đã mỏi
Hải điểu cũng sầu như bãi bọt xanh
Hỡi gió
Và gió
Có nghe gì không
Có thấy gì không
Có con mọt nằm gõ bụi trên án thư
Gỗ tùng hương nhớ rừng cũng còn đau vì gió
Đây lửa hồng
Và đây là giây ngũ sắc
Ta muốn cùng gió ta tá túc đêm nay
Thời gian không có lần thứ hai hở gió
Bây giờ ở ngoài ấy có một bầy sói dữ
Chúng sẽ cắn lên mình gió
Và gió có đau không
Gió ơi
Khi gió đến hội cùng tôi trên bờ sông này
Thì vũ trụ giận tôi nằm im như trái đất buổi đầu lịch sử
Tôi là đứa trẻ đã lỡ đánh rơi quá khứ trong thành phố nầy
Bây giờ đi qua đây làm cho tôi muốn khóc
Thôi đừng bảo rằng
Nước mắt là phù phiếm
Hỡi gió và gió
Đêm nay xin ngủ yên đừng thức giấc làm gì
Cây khô giận hờn
Tôi muốn gió chẳng bao giờ là một niềm kinh dị
Rồi có lúc gió đau ốm
Gió sẽ về giữa hoàng hôn khóc bóng đêm
Khi gió trở mình buồn phiền làm ngôi mộ
Giường chiếu chăn
Chỉ là lời dỗ dành
Hư vô là tiếng gọi
Bây giờ căn bệnh gió hồng lên
Máu chảy tràn tóc đỏ
Làm sao cho gió khép mi
Khi cuộc đời xanh còn mở mắt
Ta vẫn nói
Chắc một ngày rồi gió sẽ chết
Ở vô biên gió sẽ lịm như sao
Trong cô đơn gió dẫn ta vào
Niềm vô vọng như đau lên thi thể
Thế là gió một mình
Làm kẻ giang hồ cô độc
Cũng như ta vẫn một mình đi hoang trên xác chữ khuya
Mà thôi gió
Một kiếp người phận nhỏ
Lời thơ này đã hóa tiền thân
Nhớ quê hương
Đất chúa cũng tần ngần
Và xứ phật
Tình yêu không tiếng gọi
Chân đã mỏi
Thân tượng đồng buốt lạnh
Ta ngủ vùi
Đợi gió làm chim bay.


Người con trai

Cho Tường

Người con trai ấy ngủ
Buổi chiều đem lại cành dương
Và đóa hoa thơm
Nhớ đừng quên nụ hôn mười lăm trên đôi mắt
Người con trai ấy chẳng bao giờ gặp em
Nhưng anh sẽ không thấy nó nhìn hoang liêu khi tỉnh dậy
Trời còn mưa nên nó còn đau khổ
Mùa hạ nước đầy hơn tháng chạp
Nó trốn chạy khúc nhạc buồn gợi nhớ tên em
Nên trở về đây
Ôm tượng đá lạnh lùng tưởng linh hồn con gái
Trời mưa mùa hạ
Trên bãi cát vàng
Mặt trời vật mình than khóc
Nó nhìn khói vương
Ở cuối đường này
Những hình đốm đen
Lều tranh tiêu điều hồng lên sắc máu
Những người tị nạn
Nó đốt lên nụ cười le lói
Mái tóc rủ buồn tha ma
Chiều đi hấp hối
Trở về ôm bóng người yêu
Hốt hoảng
Ước mơ em làm dòng sông
Để soi mình thấy bóng
Xin vào trú ẩn lòng em
Đêm nay
Muốn về bên này dạ hội
Em bỏ ra đi!
Những ngọn đèn tím đỏ
Viễn phương còn là thành phố
Nó đớn đau rời qua Phi châu làm quân tình nguyện
Con đường bệnh hoạn hôm nay
Nếu được gần em
Chỉ cầm một âm giai
Thì chúng ta đâu còn đơn lẻ
Anh vẫn thương đứa con trai lạc loài
Nếu một ngày mai
Nó say lên
Tay cầm vừng trăng ném xuống công viên
Anh chỉ thấy đời dài bằng cô độc.


I.

Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí
Ngày nằm bệnh tôi mơ thấy vòng tay núi
Khúc hát ngu ngơ của bông lau
Tháng giêng từ giã thuốc đắng đi tìm cỏ may
Tôi không thấy nàng mặc áo chim
Chỉ có người hư vô và mặt trời
Tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu
Có những con đường mang tên em chưa ra đời
Những con đường mọc đầy cây ma tuý
Có những đường mòn mang tên kẻ ngoại tình
Tôi mang trái tim người say rượu
Bây giờ mùa xuân
Vườn cây đã thay đổi áo
Những tin mừng về trên bãi cát.
Người say rượu ca ngợi sự vinh hoa của cánh đồng
Những dòng sông chưa khô nguồn lãng mạn
Người say rượu quỳ bên gốc cây già
Uống ánh mặt trời và dòng phù sinh vô tận
Tôi và người say rượu hát bài ngụ ngôn
Bây giờ kẻ ngoại tình đã ngủ say trong lòng gió
Và than đá đã thức dậy
Nghe gỗ hương nói thì thầm
Những hạt cơm đen của mùa Đông
Những hạt cơm thơm mùi tóc hồng
Trên đá môi trên lời ca thần thoại
Than nuôi dưỡng người say rượu
Như tôi hằng nuôi dưỡng sự cô đơn.
Trên lời ca du mục
Người say rượu uống hoả châu
Đội mũ triều thiên
Người say rượu bước vào công viên dã tràng
Mây hồng hoang mở ngõ
Giữa khu rừng mộng mị của người thiếu nữ da đen
Người say rượu hái trái nho tươi của em
Với bàn tay khảm xà cừ
Của loài rắn ngàn năm nuôi trong địa đàng
Buổi sáng mai tình cờ em phun nọc độc
Trên màu xanh vô vị của thuỷ tinh.
Người say rượu hát bài trần tấu kẻ bán than
Những tiếng trầm dấu tích thời đá cũ
Tiếng kim châm như nước mắt em
Tôi cầm tay người say rượu nói về trái đam mê
Chiều đóng cổng giam cầm năm đứa con trai
Trong khu vườn tiền sử
Những đứa con trai đầu đội mũ rêu xanh
Trên ngón tay hoang đường mang lời tự tình của núi
Tiếng dương cầm của hoa lài
Tuẫn tiết
Người say rượu cầm tay đứa con trai
Gọi tên ngày ra đời
Đứa con trai giằng co với người say rượu
Cả hai đi khỏi vùng ảnh hưởng của dòng sông
Đứa con trai xua đuổi người đàn bà từ thiện
Sau tàng cây khổ hạnh người say rượu loã thể như một chiếc lá sen
Đứa con trai thì mọc đầy lông vũ
Người con gái mộng mị chiến tranh
Người say rượu ca ngợi cơn say
Với đôi mắt đục ngầu của dòng sông
Người say rượu mệt mỏi về câu chuyện hoà bình
Như đọc kinh buổi trưa
Người đàn ông xăm mình đi giữa hai hàng cột
Người đàn bà ngồi trên công viên
Tay cầm con sư tử đá
Ra lệnh chiến tranh
Cơn say đến giáp mặt tử thần
Trong thung lũng yêu kiều của loài immortel
Người say rượu cắm hoa immortel lên vết thương
Và vết thương nẩy lộc
Trong tấm áo cỏ khô mùa hạ
Người say rượu đắp bùn lên trái tim
Đứa con trai nhìn hiền hoà
Người say rượu lẩm nhẩm một mình
Mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp
Tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
Không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
Chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh
Người con gái đứng nhìn cánh sao lạc loài
Trên nét mặt hiền hoà bất động của em
Tôi thấy nốt ruồi son chói lọi
Tiếng chim sành hót trong tiềm thức người say rượu
Vỏ cây nứt một loài hoa vô sắc
Tôi lạc vào miền vô vi
Bài diễn văn cuốn theo lớp lá khô
Người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ
Đêm sửa soạn bài ngụ ngôn của người đãng trí
Lá từ giã cành cây làm lễ đọc kinh
Người con gái lặng yên xem chúc thư
Bó hoa tôi mang đến dòng sông bây giờ đã héo.

II.

Tôi đem đến thời gian để lấy chiêm bao
Hằng đêm thắp nến đi vào giấc ngủ
Trang sách mở trên gối
Tôi thấy những cánh đồng bình thản vô cùng
Những chiếc chân mọc dài của cao nguyên
Những vầng trán ưu tú của cha mẹ, người yêu và bạn bè
Những cửa sổ của bầy cừu
Trên dòng suối có tiếng đàn lục huyền
Em gái tôi để tóc xoã như bó đuốc
Tôi hay nói chuyện về những dòng chữ ngụ ngôn
Những dòng chữ chảy từng hàng não sống
Trên chiếc máy in hùng hồn của thác nước
Những dòng chữ khai sinh
Vào ngày trẻ con hát đồng dao
Trang sách mở đầy hoa
Những đoá hoa nở ra trí thức
Những đoá hoa nở ra thi sĩ
Trang sách mở đầy cái kén
Những sợi tơ buộc giấc ngủ của người yêu
Bây giờ con trăng ngó trên đầu
Tôi bỏ một mình tôi ở lại
Nhà mọi người giờ nầy đã úp mái
Chỉ có bầy gà hoang đẻ trứng vàng trên tàng cau
Tôi khép kín giới hạn
Đánh thức nàng thơ và người thợ mộc
Với lưỡi liềm của mặt trăng
Tôi xây mái linh hồn
Cho thân thế tôi trú ngụ
Nửa khuya ở phố tơ lụa về
Gương mặt tôi xanh chàm như áo chim
Bây giờ em đóng cửa
Nhốt bóng trăng ở ngoài ngõ
Tiếng con thằn lằn thở dài
Cây đàn thuỷ tinh chở tôi qua dãy núi
Đi thăm kỷ niệm
Hồi ký khoác áo da và đánh bóng
Tôi cưỡi lạc đà qua rừng gió
Người con gái chăn dê thức dậy
Má nàng đầy những phấn thông
Tôi ngạc nhiên hiền hoà
Mùa hạ đánh rơi chiếc túi da cam rồi đấy
Người con gái ngửa cổ trắng như búp măng
Tôi hát nghêu ngao
Nhìn thấy tôi đứng bóng
Người con gái cười như cát bay
Tôi đi vào bãi mía
Người con gái dụ dỗ tôi rời lạc đà
Cát nung bàn chân tôi mưng mủ
Người con gái cười như nứt nẻ
Nước mắt thì vô vọng
Tôi nói bằng âm hao
Thời khắc dài như đương bay ác mộng
Người con gái ném đồng tử trên bãi cát
Đôi quạ vàng đạp cánh kêu tiếng người
Sa mạc là một tấm pha lê
Tuổi thơ của tôi
Chỉ là những đốt xương trắng
Người con gái lãng mạn
Ném sợi tơ vàng
Tôi đuổi bắt tôi
Chập chờn cơn ác mộng
Người con gái gõ từng tiếng lên sọ dừa
Chúng tôi đồng ca
Con đà điểu mang cánh tay người yêu trở lại
Người con gái mang bộ mặt đồng đen
Tôi bẻ nhánh xương rồng quơ lên như không
Người con gái ho khúc khắc rất đau đớn
Tôi chạy theo cánh sao cỏ mùa
Người con gái biến đi mất
Bây giờ chỉ còn sa mạc
Và khoảng vô hình nhìn tôi vĩnh viễn
Tiếng hoan hô nổi lên
Tiếng hoan hô hùng hồn như bầy thú đá
Tôi im lặng níu cánh tay người yêu tôi mùa hạ
Người con gái ghen tuông đốt khói đen nám mặt tôi
Cơn đau dày xéo
Những móng vuốt thần thoại
Người con gái héo hắt dưới mặt trời
Con đà điểu cắp cánh tay người yêu tôi đi
Chiếc nhẫn cưới bay mất
Tôi không còn cuộc hôn nhân kỳ dị
Người con gái đâm mù mắt tôi
Bằng hai quả trứng vàng
Tôi ăn quả trứng vàng mộng mị
Người con gái vẫy bàn tay hư vô
Che giấu sợ hãi
Tôi cầu nguyện mọi người đừng bỏ tôi
Bây giờ tôi phải đi theo người em gái
Cuộc giang hồ có ngàn lần ái ân
Những con đà điểu đã che khuất huyền thoại
Cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần
Con đà điểu đập cánh ăn năn
Nỗi vô vọng hồi sinh trong gió
Cơn bãi cát cuốn tôi đi mờ mịt
Chúng tôi ra khỏi vùng phán xét của loài người
Con lạc đà khuyên tôi nên quay về thung lũng mùa xuân
Cỏ lên dày như tóc non
Nhưng tôi không còn gì
Mùa hạ đốt tim tôi thành khói trắng
Người con gái trở về mang theo lời hẹn của chim muông
Nhưng con lạc đà ra đi biền biệt
Rùng mía chỉ còn bông lau
Bầy quạ vàng và tử thi của hai người bạn


Mai có hòa bình

Mùa đổ lá thu mơ trời tháng tám
Nhớ nhau thì về chẳng quản đường đi
Ngày xưa đất nước phân kỳ
Em theo tiếng gọi quên thì gấm hoa

Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hoà bình khác thể yêu đương
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu

Trời có tơ đan nắng hanh vườn cũ
Áo thô bạc màu hẹn buổi vinh quy
Chim vỗ cánh bay theo đàn tình tự
Xứ mẹ con về góp hội trùng tu

Người rời đỉnh non cây tì dốc núi
Một bước về xuôi một quyết đổi đời
Nếm mật Trường Sơn nằm gai chiến sĩ
Cơm áo hoà đồng gánh cả đôi vai

Con nước phù sa đắp bồi thành luỹ
Giọt máu kiên cường nuôi lúa đồng hoang
Em vẫn dày công trên đường kháng chiến
Mãi có anh hùng chí hướng bền gan.


Nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha: Từ “Ngụ ngôn người đãng trí” đến “Trường ca hòa bình”

 

1.

Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông              

Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí…

Một ngày đầu  tháng 2-1973 (27 Tết), ngay sau khi hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết,  khi Ngô Kha đang ở nhà với mẹ già thì một toán mật vụ nhảy xuống xe, bắt ông tống lên xe chạy như bay về nhà lao Thừa Phủ… 20 tháng sau, ngày 25-13-1974, mẹ anh (80 tuổi) viết lá thư thống thiết gửi đến Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa đòi lại con mình nhưng không được trả lời. Bức thư có đoạn:

“Tôi nay đã 80 tuổi, không còn sống được bao nhiêu năm, chỉ còn nương tựa vào đứa con trai duy nhất là Ngô Kha, nay cũng bị chính quyền bắt giữ không cho biết tin tức, tôi làm sao sống nổi…”.

Trong tù ngục, Ngô Kha bị hành hạ dã man rồi chúng bí mật thủ tiêu ông.  Bây giờ, thân xác ông đã thấm vào đất trời Huế, hòa tan vào cõi hư vô xanh thẳm.

Cơn bão cuốn tôi đi mờ mịt
chúng tôi ra khỏi vùng phán xét của loài người

(Ngụ ngôn người đãng trí)

nhưng ông vẫn như hiện hữu từng ngày với những con đường, con đò, dòng sông và hàng cây long não Huế. Gia đình và học trò của ông xin lấy ngày cuối năm âm lịch làm ngày giỗ Ngô Kha. Ngày Hiến chương Nhà giáo hàng năm, nhiều học trò ông ngày xưa gọi nhau tụ tập về bên sông Hương, nâng chén rượu, đọc thơ nhớ thầy và đọcNgụ ngôn của người đãng trí: 

và than đá đã thức dậy
nghe gỗ hương nói thì thầm
những hạt cơm đen của mùa Đông

2. Thơ Ngô Kha là nỗi cô đơn trên cuộc hành trình dằng dặc đi tìm chính mình. “Hoa cô độc”, tên tập thơ đầu tay, cũng chính là hình tượng triết học lay động, là phát hiện của Ngô Kha, được một thế hệ trí thức trẻ Huế những năm 60 của thế kỷ trước dùng để gọi tên một miền cảm thức siêu hình như làn gió mới thổi về:

Đại lộ dòng sông đêm
mặt trời vô hình tan vỡ

(Đêm ba mươi- Hoa cô độc).

Nói về thơ Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, những linh cảm phận người đã được Ngô Kha cảm nhận làm lạnh xương sống người đọc, khi nhà thơ vào tuổi hai mươi tràn trề yêu thương và khát vọng:

nó trốn chạy khúc nhạc buồn gợi nhớ tên em

nên trở về đây

ôm tượng đá lạnh lùng tưởng linh hồn con gái

(Người con trai- Hoa cô độc). 

Đọc thơ ông, tôi luôn hình dung một Ngô Kha trầm tư, già cả, trong những năm 60 của thế kỷ XX ấy, đã rong ruổi khắp nhân gian, đánh bạn với những

“người ca bài sám hối
trên bàn tay lạnh lùng”

,với

“tim khô gầy thoi thóp thanh tân…

Cuối cùng của cuộc tìm kiếm đó là hình hài cuộc sống thực, rất u uẩn:

còn đắng cay ở lại với mình
chiều dĩ vãng chở đầy khoang thổ mộ…

(Bài thơ hôm nay- Hoa cô độc).

Cuộc lang thang của thi sĩ với nỗi cô đơn phận người cộng thêm một trời máu lửa chiến tranh trên quê hương yêu dấu đã đẩy tâm hồn chàng đến cõi tuyệt vọng. Đó là hoàn cảnh ra đời của trường ca“Ngụ ngôn của người đãng trí” vào năm 1968, năm chiến tranh vào hồi ác liệt nhất.Ngụ ngôn… là tiếng thét đòi giải thoát khỏi không gian tù ngục.

“Khoảng hư vô như cánh tay gối đầu.
Giấy trắng là cánh đồng của bầy ngựa già đi lang thang”.

Trường ca Ngụ ngôn… bắt đầu với lời đề từ siêu thực như thế. Tiếp theo là vô vàn những thi ảnh lạ lùng, phi lý, những cuộc vật lộn, giằng xé, những tiếng thở dài, những tiếng thét, những ánh hỏa châu… Rất nhiều câu thơ tài hoa, lạ lùng đọc lên như tiếng nấc, như tiếng sét, sắc sảo. Ngụ ngôn… miên man những hình ảnh, câu chữ tưởng như rời rạc, xô bồ, ngang dọc không cấu trúc, bỗng đua nhau sống dậy, mọc lên từ trái tim và trí tưởng tượng đắm đuối của nhà thơ. Tất cả được huy động để khắc đậm hình tượng những cơn ác mộng, đẩy tới tận cùng của cơn đau dằng xé, đến nỗi, nhà thơ phải thốt lên:

những dòng chữ chảy từng hàng não sống.

Những mảnh hiện thực tâm linh hiếm hoi trong Ngụ ngôn… cũng đậm chất  ẩn dụ nhưng rất đời, rất xác tín về tương lai cuộc sống:

vì trái tim là một quả đồng hồ treo
em nhớ mỗi ngày lên dây
sự sống bắt đầu từ đó

Đó là niềm tin, là sự thức tỉnh, cũng là điểm tựa cho Ngô Kha trở về với thực tại trong những tháng ngày nóng bỏng cuộc đấu tranh xuống đường của bạn bè sinh viên Huế với nhiều bài thơ về chiến tranh, trong đó có Trường ca hòa bình.Trong chiến tranh ác liệt  thế mà Ngô Kha đã nghĩ đến

một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây…

(Cho những người nằm xuống).

Sự tiên đoán đó bây giờ đã thành hiện thực! Trường ca hòa bình không hư vô sâu thẳm hay bát ngát mù sương như Ngụ ngôn người đãng trí, nhưng đó là chứng chỉ cho giai đoạn dấn thân quyết liệt của Ngô Kha trong cuộc chiến đấu giành tự do cho dân tộc, cũng là chứng chỉ cho chất thi sĩ dấn thân của Ngô Kha, quyết liệt như nhà thơ cộng sản Petopy của Hungari. Trường ca hòa bình là tiếng hát phấn khích về tương lai đất nước khi cuộc kháng chiến đang dần vào hồi kết:

ta bỗng nghe xao xuyến trên thân người
muôn vó ngựa dập dồn trong thớ thịt. 

Bằng sức tưởng tượng phong phú, Ngô Kha đã hình dung khung cảnh đất nước sau hòa bình với nhiều hình ảnh đầy phấn khích:

Nghe lụa mát trong hồn khi chiến tranh vừa tẩm liệm…
ta vá lại cánh đồng từ các hố bom…
hạt mầm sâu mừng rỡ thoát thai…
nhìn hàng cây tượng đá hồi xuân

như con ngựa say tình bên lá cỏ…

Đó là sự đồng cảm, đồng hành cùng cuộc chiến đấu sống còn của toàn dân tộc.

Có thể nói, với Ngô Kha, Hoa cô độc và Ngụ ngôn người đãng trílà sự phát tiết tài hoa của thi sĩ trên hành trình của người lữ khách cô đơn, mang đậm chất hiện sinh siêu thực, là hiện thân của cái đẹp tâm linh, tâm cảm. Còn với Trường ca hòa bình là sự nhận chân lịch sử đất nước, là sự dấn thân trong cuộc đấu tranh. Và anh đã vĩnh biệt bạn bè, người thân, đã tan trong hư vô vì sự dấn thân quyết liệt đó.

3. Thân sinh Ngô Kha là ông Ngô Tuyên, một quan triều Nguyễn, từng giữ chức tri huyện Lệ Thủy, thẩm phán Tòa án Huế, mẹ là Cao Thị Uẩn.  Bà Uyển sinh được  7 người con, Ngô Kha là con út. Ngô Kha có hai bằng đại học: sư phạm và luật khoa. Năm 1962, Ngô Kha bị bắt quân dịch. Bà chị  Ngô Thị Huân  đã “chạy” cho Ngô Kha được chuyển ra Huế làm trợ lý báo chí cho Phòng Tham mưu vùng I chiến thuật. Ngô Kha là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, lại hăng hái tham gia xuống đường cùng bà con phật tử Huế chống Mỹ-Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963. Năm 1964, Ngô Kha giải ngũ về dạy học. Ông cùng Trần Quang Long lập ra nhóm đấu tranh, gọi là “Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng” và “Quán bạn”, tham gia xuất bản tờ tin “lực lượng” kêu gọi tuổi trẻ đấu tranh, đòi hòa bình dân chủ. Năm 1966,  Ngô Kha đã vận động hàng trăm sĩ quan, binh lính ở Huế  ly khai thành lập chiến đoàn mang tên Nguyễn Đại Thức chống Mỹ- Thiệu.  Chiến đoàn này còn lên chốt chặn tại đỉnh đèo Hải Vân với quyết tâm chặn quân chính phủ từ Đà Nẵng ra Huế. Nhưng sự không thành, Ngô Kha bị bắt đi tù ở Phú Quốc một thời gian. Năm 1970, Ngô Kha đã cùng các bạn đấu tranh xuất bản tập san“Tự quyết”, thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do ông làm chủ tịch, tổ chức triển lãm tội ác của Mỹ tại Huế. Tháng 3-1972, Ngô Kha bị cảnh sát Sài Gòn ở Huế bắt bỏ tù. Sau cuộc đấu tranh dữ dội của học sinh các trường, cảnh sát đã phải trả tự do cho Ngô Kha. Một năm sau, ông  lại bị bắt bất ngờ ở nhà như đã kể. Lần này thì Ngô Kha đã vĩnh viễn xa học trò, xa những đồng chí đã cùng nhau “xuống đường” bao nhiêu năm trời.

NGÔ MINH

Trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, trí thức ở Huế và các đô thị miền Nam, trong các thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Ngô Kha đã xuất hiện như một gương mặt nổi bật nhất. Theo trí nhớ của những người bạn từng sát cánh bên anh trong những ngày biến loạn ấy: Ngô Kha là một con người có cách ăn nói hùng hồn, lý luận sắc bén, trình bày có sức thu hút mãnh liệt.

Theo tài liệu của tác giả Nguyễn Duy Hiền đã công bố trong tác phẩm “Ngô Kha – Ngụ ngôn của một thế hệ”, do NXB Thuận Hóa ấn hành tháng 12 năm 2005: Nhà thơ Ngô Kha sinh ngày 2 tháng 3 năm 1935, tại làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Ông là con út trong một gia đình khá đông anh em (4 trai, 3 gái). Thân phụ của nhà thơ là cụ Ngô Tuyên, làm quan nhà Nguyễn, từng giữ chức Tri huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi chánh án Quảng Bình. Ngô Kha tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Đại học Sư phạm Huế (1958-1959), cử nhân Luật khoa (1962), rồi trở thành giáo sư dạy Văn và Công dân ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo- Huế từ năm 1960 cho đến ngày bị địch bắt và thủ tiêu vào năm 1973.

Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở miền Nam Việt Nam mà đặc biệt là ở Huế, một bộ phận tuổi trẻ, đặc biệt là giới học sinh sinh viên bùng nổ phong trào đấu tranh chống lại chế độ Sài Gòn. Người trí thức trẻ Ngô Kha những ngày ấy đã xông xáo dấn thân với phong trào tranh đấu. Nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của anh thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam cùng với những người bạn cùng thời như Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn…và chính những tác phẩm đó đã gây nên một tầm ảnh hưởng rất lớn đối với anh em học sinh sinh viên tranh đấu trong những ngày đầy biến động ở miền Trung.

Để dấn thân vào phong trào đấu tranh lúc đó, Ngô Kha đã gia nhập vào sinh hoạt với các bạn đồng niên trong nhóm “Quán Bạn” với Trần Quang Long; “Tuyệt Tình Cốc” với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Tháng 1 năm 1990, trong một bài viết về nhà thơ – liệt sĩ Ngô Kha, có tựa đề là “Nhớ Ngô Kha”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết:

“…Con người hành động mãnh liệt đã đến với anh sau nhiều năm đầy day dứt và ám ảnh về lẽ sống, về tuổi trẻ và vận mệnh đất nước, và điều đó còn để lại những dấu tích thật sâu đậm trên chặng đường dài gian khổ của thơ anh.”

Trong những năm 1960, thơ Ngô Kha xuất hiện như một nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch. Ngô Kha nói thủng thẳng với bóng mình:

“Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng
chung quanh anh phù sa cát đỏ
Anh hỏi thầm về đời mình:
Gỗ đá có buồn không?
Chim chóc có buồn không?”.

Sau khi cho ấn hành tập thơ “Hoa Cô Độc”, Ngô Kha lại cho ra đời tập “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Đây là tác phẩm mà Ngô Kha đã gửi gắm rất nhiều tư tưởng và thái độ của mình trong một giai đoạn lịch sử mà chính tác giả là chứng nhân. Một bản trường ca hùng tráng mà theo đánh giá của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trong tác phẩm này chứa đựng tất cả ngôn ngữ và hình tượng ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh. Là lời tự tố cáo đau đớn của một con người đang cố tìm cách thoát thân trên một mảnh đất bị chiếm đóng bởi quạ đen, pháo sáng và lưỡi lê, ở đó như nhà thơ đã nói

“tên mọi người đã ghi vào viên đạn”…

Năm 1964, địch đàn áp nhóm “Quán bạn” cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha bị bắt giam một thời gian rồi anh được trả tự do sau những đợt đấu tranh quyết liệt của học sinh, sinh viên đô thị đòi trả tự do cho anh.

Năm 1966, sau khi bị động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức của quân đội sài Gòn và đóng quân một thời gian ở Đức Hòa, Đức Huệ tỉnh Long An. Ngô Kha trở về Huế, ông tham gia đấu tranh và là một trong những thành viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai (sau đơn vị này lấy tên là chiến đoàn Nguyễn Đại Thức). Cuộc đấu tranh thất bại, Ngô Kha lại bị bắt và bị đày đi Phú Quốc một thời gian. Năm 1970, Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San. Năm 1971, Ngô Kha chủ biên tập san “Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung”, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế.

Nhà thơ – Nhà báo Thái Ngọc San một người bạn ít tuổi trong nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết của Ngô Kha nhớ lại: Đầu những năm 70, thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Từ quan điểm “đòi hòa bình, độc lập, chống bạo lực, đứng ngoài mọi phe phái chủ nghĩa” (của nhóm Tự quyết) đến việc công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, con đường đến với cách mạng của Ngô Kha như một lẽ tất yếu, bùng cháy theo ngọn lửa của mặt trận đường phố:

“Mừng anh em như mới chào đời
Ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới
Ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy
Như Trường Sơn hùng vỹ đời đời…”

(Trường ca Hòa bình).

Chính vì sự tuyên chiến và dứt khoát đứng về phía “Trường Sơn hùng vỹ” ấy mà nhà chức trách đương thời ở Huế đã rất điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha.

Anh Nguyễn Công Thắng, một người học trò cũ của thầy giáo Ngô Kha đã nhớ về người thầy đáng kính của mình rằng: Chúng tôi theo học ban C (ban Triết, ngoại ngữ), nhưng môn học chúng tôi thích nhất, chờ đợi nhất là một môn phụ, mỗi tuần chỉ 1 giờ: Môn Công dân Giáo dục của thầy Ngô Kha. Hồi ấy, cái tên Ngô Kha đã vượt ra ngoài phạm vi của ngôi trường Quốc Học cổ kính để trở thành biểu tượng của giới trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, chống chiến tranh xâm lược. Thật lạ, con người có vóc dáng nhỏ nhắn, gầy guộc ấy là sự tổng hòa ý chí rắn rỏi của một con người hành động, tâm huyết và sự sắc sảo của một trí thức chân chính và sự hồn nhiên, bay bổng của nhà thơ…

Những giờ học với thầy Kha bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Thay vì giảng bài một cách “hiền lành”, thầy Ngô Kha dường như chỉ bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân trong một xã hội nhiễu nhương về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình. Có lẽ đó là bài học giáo dục công dân đúng nhất trong bối cảnh đen tối thời ấy…

Tháng 1 năm 2005, trong bài viết “Bài ca bi tráng của phong trào đô thị Huế”, nhà thơ-nhà báo Thái Ngọc San có kể lại rằng: Có một đêm, Ngô Kha đưa Thái Ngọc San về căn nhà của mình ở làng Thế Lại Thượng, ngồi bên bậc cửa cạnh lối ra khu vườn nhà nơi có cây vải trạng đầy kỷ niệm. Ngô Kha đã tâm sự với Thái Ngọc San một điều tận tâm can mà Ngô Kha đã muốn thổ lộ từ lâu: Đó là việc Ngô Kha muốn gặp lãnh đạo cách mạng nội thành Huế để tâm tình và nhờ Thái Ngọc San tìm cách liên lạc giúp. Nhưng không ngờ lời tâm tình ấy đã trở thành một lời trối trăn vĩnh cửu vì sau đó không lâu Ngô Kha bị sa vào tay giặc và bị thủ tiêu, Thái Ngọc San thoát ly lên chiến khu và hai người vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nhau từ đó.

Lời kể của nhà thơ – nhà báo Thái Ngọc San rất trùng khớp với câu chuyện giữa nhà thơ Ngô Minh với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có lần, vì biết ông Tường là bạn chí thân với Ngô Kha nên Ngô Minh thắc mắc rằng vì sao lúc đó “tổ chức” không tìm cách để đưa Ngô Kha lên chiến khu? Ông Tường bảo rằng, ngày ấy “tổ chức” đã có liên lạc với Ngô Kha nhưng khi Kha chưa kịp đi thì bị bắt. Cũng có thể Kha chần chừ giữa việc lên rừng với ở lại tranh đấu trong lòng đô thị với bạn bè, trong khi đó mật vụ địch theo dõi từng bước đi, nên không thoát được…

Mật thám bắt và thủ tiêu Ngô Kha. Thân xác ông được táng cụ thể chỗ nào thì vẫn còn trong vòng bí mật như những câu thơ mà sinh thời Ngô Kha đã viết:

“Con đã đi bao năm
Mẹ không rời ngưỡng cửa
Và nay
Gió cũng tang bồng
Nhưng thi sĩ vẫn nằm im trong nhà tù vĩnh cửu…”

Gần đây, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã khoanh vùng được nơi táng Ngô Kha ở cồn mồ làng An Cựu. Sau năm 1975 cồn mồ đó đã bị giải tỏa san lấp để dựng xí nghiệp Gỗ Hương Giang, nay là khu kho ngoại quan phía sau trạm xăng dầu gần Bến xe phía Nam thành phố Huế.

Ngày 1/1/1981, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã ký giấy chứng nhận hy sinh số 153 và đề nghị Nhà nước truy phong liệt sỹ cho nhà thơ-nhà giáo Ngô Kha. Ngày 3/11/1981, Ngô Kha được công nhận là liệt sỹ và một con đường ở gần nơi ngày xưa ông sống cũng được mang tên Ngô Kha.

Phan Bùi Bảo Thi




Chiều mưa dông

Tôi bốc khói lên
hạt bụi chiều mưa dông
nứt nẻ
những phiến nặng nề trong hồn
cúi đầu xin thêm niềm đau khổ
nuốt đầy tâm trạng cô liêu
vật mình trong cơn bệnh hoạn
Những giọt mưa nhảy nhót bơ vơ
sánh đặc nỗi niềm trong đáy cốc
xin thêm hạt đường
tách nước trà nóng
những tảng mây về chiếm cô đơn
làm mưa gió
bầu trời gầm thét
như một con thú rừng khát máu
chiều cháy
bùng lên
từng đoàn man rợ đuổi theo
niềm bí ẩn trên ngọn cây
những con mèo hoang
chim nhỏ trên giàn ẩm ướt
chiếc hoa ti gôn đỏ lối đi đầy kỷ niệm
lều tranh thức giấc bi quan
khói xanh gọi cơm chiều
đi ngủ
kẻ phiêu lưu đốt thuốc
đá hoang liêu vào tiềm thức
chạy đến cuối đường
lửa tắt
đoàn ma treo lưỡi hái trên nóc nhà
doạ con nít
người đàn bà
nhìn qua khe hở
về liên hoan nhảy múa
những con chồn đen khoác màu dạ hội
những con gà tìm chuồng hoảng kinh
hai tay tôi úp trên đầu
nhìn chiêm bao
khép cửa phiêu lưu
ngoài kia gió về ẩm đục
người đi trên sa mạc
chiếc khăn lông cừu màu trắng mặt người con gái vô tư
tôi thức canh chừng linh hồn
chiều mưa dông
tiếng kêu cứu vang lên như mặt trời vỡ mật

 

8-3-1961

Tác giả xuất bản và trình bày, nhà in Đại học ấn hành, Huế, 24-3-1961.
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan.


ĐIÊN 

Tôi kẻ điên
thế kỷ nầy thác loạn
Người về đâu
xin mượn ánh gương soi
giữa cô đơn
chiếu rọi cuộc đời
tôi là bóng
bên ngoài ảo ảnh
Thân bé nhỏ
giữa trời hoang dông bão
sống lạc loài
phố thị xôn xao
muốn yêu đời chẳng có ngọt ngào
tình vốn đẹp nhân tình đắng xót
đau đớn mãi
tuổi đời vàng vọt
chết chóc nhiều
bi luỵ khóc than
mảnh khăn tang chưa phải áo ngự hàn
làm ấm linh hồn độc ác
Thế hệ chết!
ngày mai tiêu diệt
tôi ngồi chờ viễn ảnh mồ côi
tôi mãi nhìn pháo nổ trên thây người
thân gục ngã
muôn làn máu đổ
thân ngã gục
muôn làn máu đổ
thân ngã gục muôn người giãy giụa
mắt hờn căm đỏ rực chiến chinh
thét cuồng điên
loạn cả kinh thành
chiều tận thế!
van xin người tỉnh lại

Tôi kẻ điên
trọn đời cuồng dại
tôi chỉ là một kẻ vong thân
khát tình thương chẳng thiết phân trần
còn cái bã con người
xin trả lại
Đời buôn bán
hãy đem thân tôi đoạn mãi
được giá rồi
xin hãy kết ước nhanh
nó là người
còn một chút thần linh
đem đấu giá! … lấy tiền kinh phí
đem bán hết cả hoà bình nhân thế
để con người
quằn quại hôm nay
tôi điên rồi hay lảo đảo cuồng say
tôi điên rồi
không còn một bàn tay
ôm mộng tưởng những ngày thơ bé dại

Ôi thế nhân
tiền thân
hiện tại
Ôi thần linh, ma quái, ôi người
tôi ngồi đây, nghe mãi nhịp tim tôi.


Hành trình

Chuyến xe chiều chở đầy người
với sương mù và núi đi theo
và cô đơn lăn đều trên bánh
chuỗi cười để lại đằng sau
trên xe chiều mẹ cùng em
mùa thu và bầy chim đồng nội
có khoảng không dành riêng cho lũ bướm
với bàn tay kí ức vẫy bên đường
ta thấy em cài hoang liêu trên mái tóc
với mùi hương cánh đồng lúa chín
bằng đam mê chất đầy hành lý
miên man đi từ mặt đất nôn nao
ta nghe bước trên chân sỏi đá
tiếng trống khua hay từng lớp bụi hồng
xe lăn đi
trên đường bay của gió
hành trình qua năm cửa giác quan
rời cao nguyên
xe vượt suối đau thương
từ tối tăm
về kinh thành hy vọng
xe đi từ trái tim buổi sáng
để tìm em trong lũng đá mù
xe đi từ mùa xuân
khi núi hãy còn xanh
qua mùa đông
khi trăng vùi đất ẩm
xe lăn đi
trên đường sơn kỷ niệm
từng hàng cây vói gió gọi trên đồi
qua cửa ô
khu rừng dang cánh rộng
ngăn mây về qua vó ngựa trường sơn
khi nắng đã xuống lòng khe và suối
ném vòng hoa lên mặt nước dòng sông
khi chuyển động trở về trên bãi vắng
gối lên thềm vô định của chiều hôm
xe nghiêng nghiêng
trục quay và bánh gõ
Trong vòng tay nhịp võng của thời gian
giốc đi lên tường đá dựng câm buồn
đang thiếp ngủ như mối tình si dại
khi tĩnh vật đã thay lời trí nhớ
cửa bình nguyên mở rộng đón ta về
trên khoang xe
người vật cỏ cây
đang cúi xuống giữa lòng chiều vàng dã
xe lăn đi
qua những miền đất mẹ
mọi người vào vực tối của chân dung
khi ánh sáng tách rời vạn vật
trong âm thầm nghe động vết thương
khi hạnh phúc vỡ tan tinh thể
từng cánh sao cát bụi trên đường
ta nhìn thấy trong mắt em những mảng trời
đang kết hợp mái nhà lạnh lẽo
trên thân xác
điêu tàn còn nương dấu
giữa lòng quê
cuộc chiến bỏ quên người
xe lăn đi
đất mở rộng cơn đau
đường gai chạy qua đồng máu chảy.

Huế, 11.1969


HOA NIÊN

Tình yêu chết
để tang trong thầm lặng
mộng vỡ rồi như lạc mẹ chiều xuân
ở nơi đây mà xa vắng muôn trùng
là tất cả ngày đi không trở lại

Tình đã chết
một đời trẻ dại
hương đã buồn kết trái cô đơn
tuổi hoa niên nào ai khỏi tủi hờn
đêm tỉnh dậy nghe linh hồn lạnh cóng

Tình yêu chết
một chiều biển động
thuyền ra đi sóng trở về không
bãi cồn rêu cát trắng lưng dòng
ngày xuống thấp trời mùa đông mù mịt

Tình đã chết
con tàu đi biền biệt
nấm mồ hoang xanh biếc sân ga
tiếng thời gian thổn thức mưa qua
nghe bão tố trong lòng vũ trụ.


MÙA ĐÔNG CHIẾN TRANH Ở HUẾ

Tặng Diễm Châu

Xin được nói với em lời chân tình

trong vùng lửa chiến tranh tôi chỉ là thỏi sắt
với ngày tháng của trái cây treo rực đỏ đầu cành
lao đầu vào tuyệt vọng
nên muốn thổ lộ cùng em
đêm tối mùa đông
cửa ngõ hồn tôi không đèn không đuốc
dù ngọn nến thắp lên để tiễn chân một ngày
theo điệu kèn đưa ma của ban quân táng
dù hư vô đã trở về từng giọt nước
từ nhà xác khổng lồ
khu rừng đang đứng gác
bên hành lang giòng sông trần tình cuộc chiến
những luỹ thành dựng lên từ tiếng kêu hoang
với mảnh trăng im lìm trong cơn sốt rét
dưới chân kì đài dựng bia tử sĩ
tôi thấy lá cờ vàng bọc áo quan thuỷ tinh
giòng nước đen vẫn im lìm trôi
như những lời cầu nguyện
tôi nhìn thấy tháp chuông
mưa thì vẫn không thôi ru hoài điệu cổ bản
mưa vẫn không thôi ru hờ ở trên cao
núp dưới tàn cây sồi với những ngôi nhà cổ kính
thánh thần đã ngủ yên
trong chiếc nôi thuỷ thạch
của phiên khúc trùng âm nhức buốt
của người nghệ sĩ cổ truyền
những tiếng ngũ âm chảy trên gỗ quý
như nốt ruồi cô đơn
di động trong tim
bóng tối Việt Nam
mấy nghìn năm trên thành quách này
đã vùi chôn trong lòng thiên thể
trên cánh tay vàng úa mùa đông
nỗi chết truyền đi qua từng chiếc lá
tôi nghe tiếng động cơ của chiếc xe đêm
âm thầm làm vệ sinh cho thành phố
đang tiến về từ các cống rãnh
như một lũ chuột đồng
tôi thấy người vô danh đi trên vỉa hè
tìm kiếm kẻ thân yêu trên bảng số
khi trời đổ mưa
tôi thấy người chị
tay cầm cây nhang
với vầng mây cô đơn trải làm khăn chế
tối thấy người lính trẻ
chĩa súng dài trên mặt nước
với giòng sông
tôi thấy đứa bé mồ côi
ngước nhìn ảnh cha
với tương lai trên chiến địa
tôi vẫn thấy thành phố nằm ở đó
ôm em trong vòng đai an toàn
của kẽm gai cọc sắt
tôi trú ẩn ngoại ô
từng đêm đen mất ngủ
con đường tôi thường đến thăm em
cửa thành đóng kín
tiếng côn trùng vọng mãi đêm đêm
tôi thấy dưới ánh đèn khuya
gương mặt Việt – nam vỡ ra từng mảnh
trên bức tường già của Đại – nội
em đã đóng kín cổng giờ này
gió từ bức tường câm phả lại
trên đầu tôi
bầu trời căng như một cánh cung
sợi tóc chĩa vào lòng đêm
những mũi tên không kỳ hạn
đang trổ một con đường.

Huế, 11.1969
Đăng trên tạp chí Đất nước số 16, Sài Gòn, tháng 12-1969.


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

Em về như bóng trăng nguyên thủy

Hư Vô Em về như bóng trăng nguyên thủy Em về...

Báo Giấy Số 3

Bạn đọc có thể đọc trực tiếp hoặc in...

Poem: Your Lifestyle Awaits

Biên soạn bởi John Miles | Tháng Chín 15, 2021 Monique...

TUẦN THƠ 51: CHUỖI THƠ: NGƯỜI VỢ TRẺ

XÂU CHUỖI THƠ: NGƯỜI VỢ TRẺ Hường Thanh   THƠ DẠI người mẹ...

TUẦN THƠ 21: ĐỪNG BUỒN

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

TUẦN THƠ 05: DẶN ANH

TUẦN THƠ: DẶN ANH Frank O'Hara BUỔI SÁNG Tôi phải nói với...

Related Articles

The Mafia Has Competition, It’s Nice to Be Important (2 Poems)

Diana Hunter McGuerty The Mafia Has Competition There seem to be a lot of things that really are quite useless... Ranks and titles, corporate heads, and...

Câu hát dòng Lam

Câu hát dòng Lam Bùi Minh Huệ Từ thuở nhỏ, tôi đã được nghe nhiều câu dân ca man mác, da diết và sâu lắng về...

XÂU CHUỖI THƠ: CHUYỆN TÌNH NGƯỜI BÁN VÉ SỐ

  XÂU CHUỖI THƠ ______________ CHUYỆN TÌNH NGƯỜI BÁN VÉ SỐ ĐI DÉP BẰNG BÀN TAY TRÁI Nguyễn Văn Vũ ĐỜI BỤI lếch thếch trên những con đường đầy xe đầy người...

Khám phá thêm từ THO VIET

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc