Như thế…Tôi đã đến với Tân hình thức.

    Bài dự thi “ Giải thơ Tân hình thức”

    Nguyễn Ngọc Trìu

    Cái mới của thơ Tân hình thức Việt thật lạ ! Cái mới không xuất phát từ hình thức mà từ đòi hỏi của nội dung. Điều đó khiến tôi tò mò, khám phá và trải nghiệm. Ban đầu tôi lay hoay với vắt dòng, hì hục với lặp lại, mơ hồ với tính truyện,  ngỡ ngàng với ngôn ngữ đời thường (nhất là từ bỏ tu từ ). Quả là khác, khác rất xa  so với cách làm thơ gieo vần. Cứ viết, cứ viết rồi tôi cũng nhận rathêm : Cần phải bỏ thói quen biểu hiện cảm xúc trực tiếp; cần giấu cảm xúc của người viết đi, giấu kín sau câu chuyện và các chi tiết cấu thành câu chuyện.

    Cứ viết, rồi dần dà tôi cũng nhận ra tính truyện khiến cho Tân hình thức xích lại gần đời sống , đời thực (dẫu vẫn có sự tham gia của yếu tố ảo giác ). Tân hình thức không trở thành đánh đố người đọc như một số xu hướng làm mới thơ ca trong vài thập kỉ qua. Câu chuyện mà mỗi bài Tân hình thức mang  đến dễ nhớ và dễ bám sâu vào trí nhớ của người đọc.Tôi nghĩ, sức hấp dẫn của thơ Tân hình thức một phần lớn là đây, trong khi đó cái hay của thơ vần điệu thường ở từ, ở hình ảnh, ở nhịp điệu… đọng lại trong một cặp câu hoặc một khổ thơ. Tính truyện cũng là yếu tố góp một phần lớn làm nên khả năng hội nhập dễ dàng của Tân hình thức. Thơ vần điệu ít có khả năng này.

    Gần đây các nhà thơ lớn của thơ Tân hình thức cho rằng  một bài Tân hình thức có giá trị phải có ý tưởng mới lạ và nhạc tính. Con đường tắt… đã được chỉ ra. Rõ ràng, có thước đo khoa học hẳn hoi (ở một chừng mực nào đó) , không mơ màng  như xác định cái hay của một bài thơ  theo lối gieo vần. Ý tưởng mới lạ phải nhờ vào tài năng . Khó rồi…Ý tưởng mới lạ đến từ tính truyệnhay còn từ đâu nữa ? Thật không dễ trả lời. Nhà thơ  Inrasara dư thừa sức viết là vậy, thế mà, sau 18 bài tân hình thức, đành tạm chia tay với dòng thơ này, vì “ không đủ  ý tưởng mới ”.  Có nhạc tính, mà tính nhạc ở mỗi bài cần có nét riêng… Càng khó, càng khó để trở thành “ dân ca của thời hiện đại ” nói như nhà thơ Mai Văn Phấn.

    Cái khó của thơ Tân hình thức còn ở phía người đọc. Độc giả chưa quen với cách đọc một mạch từ đầu đến chữ cuối cùng, rồi mới đọc lại và tự ngắt theo ý của người đọc, từ đó sẽ  nhận ra đoạn giàu nhạc tính nhất trong bài. Từ lối ngưng nghỉ theo từng dòng thơ của thơ gieo vần đến cách đọc liền mạch vắt dòng liên tục của thơ Tân hình thức là sự chuyển đổi không phải một sớm một chiều.

    Thôi thì cứ viết và chờ, bài thơ hay vẫn đang ở phía trước kia mà!

    Có một điều rất cần chia sẻ, không hiểu sao từ khi đến với thơ THT,vài năm nay, tôi gần như không còn cảm hứng viết thơ gieo vần. Có lẽ nó là 2 hệ hình tư duy thơ khá xa nhau chăng …

    tháng 11/ 2020

    Quan niệm nghệ thuật và “triết lý sáng tác” của Edgar Allan Poe

    83 . HOÀNG KIM OANH . Quan niệm nghệ thuật và “triết lý sáng tác” của Edgar Allan Poe * Hoàng Kim Oanh

    BÀI VIẾT NHÂN KỶ NIỆM  EDGAR ALLAN POE NHÂN SINH NHẬT 216

    TÓM TẮT

     Từ Baudelaire, Mallarmé, Valléry…, quan niệm thẩm mỹ về cái Đẹp và triết lý sáng tác thơ, truyện của nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe – nhà thơ, lý thuyết gia của quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, ông tổ của truyện trinh thám, kinh dị và phiêu lưu huyễn tưởng thế giới – đã “nhập tịch” vào quan niệm nghệ thuật của nhiều nhà thơ, nhà văn lãng mạn Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX. Đó là quan niệm nghệ thuật về Cái Đẹp thuần khiết, độc lập với Đạo đức và Chính trị, và “Nỗi buồn là địa hạt chính đáng nhất của thơ ca”. Đặc biệt hơn, Poe còn đề cao lý trí, cho rằng “nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ”. “Triết lý sáng tác” kì lạ của ông tuy ban đầu bị nhiều cây bút lên án, nhưng đến nay, đã trở thành những công thức sáng tác mẫu mực không chỉ cho văn học Mỹ mà còn cả văn học thế giới, trong đó có văn học Việt Nam.  

    Edgar Allan Poe (19.1.1809-7.10.1849)

    1.     Mở đầu

     Giới nghiên cứu lâu nay vẫn cho Edgar Poe là một nhà thơ chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, là “lý thuyết gia” đầu tiên của thi phái này. Có lẽ bởi sáng tác của ông không quan tâm đến những vấn đề chính trị, xã hội, mà chỉ hướng về nội tâm con người. Và có thể bởi Poe quá chú trọng đến hình thức nghệ thuật sáng tác. Thực ra vấn đề này không phải không có những tranh cãi, phủ định, xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có người cho rằng sáng tác của ông có ý đồ kỹ thuật quá đậm, nhà thơ chỉ là một “thợ văn” hơn là một thiên tài nghệ thuật đích thực. Thậm chí còn đánh giá tác phẩm của ông“chỉ là những mảnh ráp nối từ cuộc đời ông”, “chỉ là sản phẩm của một kẻ loạn thần kinh, đầu óc bệnh hoạn, thiếu thăng bằng”. Ngay cả JamesRussell Lowell, mặc dù là một nhà văn thiên tài cũng cho rằng “hai phần năm trong số những tác phẩm của Poe chỉ là những chuyện tầm phào” (Lê Đình Cúc, 2001, 154). Thế nhưng, đến nay, đã có nhiều bài báo, công trình đặt lại vấn đề này, và đề cao “nhà thơ điên” Edgar Allan Poe là “thiên tài bí ẩn, kì lạ nhất” của văn học Mỹ và thế giới, người để lại nhiều ảnh hưởng nhất ở các nền văn học Đông – Tây thế kỉ XIX đến nay. Bài viết này tập trung tìm hiểu quan niệm thẩm mỹ độc đáo của Poe về Cái Đẹp và những cách tân độc đáo của ông trong việc sáng tạo ra “triết lý” sáng tác thơ, thiết lập các nguyên tắc thẩm mỹ trong truyện ngắn, để lại nhiều dấu ấn trong nghệ thuật sáng tác văn chương Việt Nam.

    2. Quan niệm nghệ thuật về Cái Đẹp của Edgar Allan Poe

           2.1. Cái Đẹp thuần khiết và Tự nó

       “Trước Poe chưa có nền văn học Hoa Kỳ” (J. Cabau, 2009, 35), thế hệ của Poe chính là người khai sinh nó. Edgar Allan Poe được coi là người mở đường chotrường phái thơ tượng trưng, là “lý thuyết gia” đầu tiên của quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” với quan niệm độc đáo, khác lạ về sáng tác so với những tác gia cùng thời. Trong các tiểu luận phê bình tiêu biểu của Poe, nhiều lần ông khẳng định bản chất của thơ là phải Đẹp. Dù muốn tả một cảm xúc, một tâm trạng hay một chân lý thì những thứ đó cũng phải được bao phủ bởi Cái Đẹp, nếu không thì không thể thành thơ. Theo Poe, Cái Đẹp thuần khiết trong sáng vốn không ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào, hoàn toàn nằm trong tưởng tượng của nhà thơ. Nếu tách tưởng tượng ra khỏi vạn vật thì cũng có nghĩa là đi ngược với quy luật của tự nhiên, làm cho hiện thực cuộc sống trở nên nghèo nàn trần trụi đi, và, sẽ không còn Cái Đẹp (Sonnet –To Science). Quan niệm này rất được các nhà tượng trưng Pháp đề cao. Với Poe, “Cái Đẹp là lĩnh vực chính đáng duy nhất của thi ca. Đó là một niềm vui thích rất mãnh liệt, rất cao cả, và cũng rất thuần khiết mà con người chỉ có thể tìm thấy trong sự chiêm ngưỡng Cái Đẹp”.[1] (Baym Nina, 1989,1322). Có lẽ Poe cũng là người đầu tiên sớm phân biệt rõ Cái Đẹp với Chân lý và Sự đam mê: “Trong thực tế, Chân lý đòi hỏi sự chính xác còn Đam mê thường là thô thiển (những người thực sự đam mê sẽ thông cảm với tôi), mà cả hai điều này (sự chính xác và thô thiển) lại hoàn toàn đối lập với cái Đẹp”[2]. Và thơ của Poe đã thuần túy đi vào Cái Đẹp bởi cái đẹp của chính nó, chính mục đích của Thi ca.

     Trong tiểu luận khá nổi tiếng khác, Nguyên lý thơ (The Poetic Principle) Poe đã định nghĩa bổ sung: “Thơ ca như là sự sáng tạo nhịp điệu của cái Đẹp. Trọng tài duy nhất của nó là Thẩm mỹ. Với Trí tuệ hoặc Lương tâm, nó chỉ có mối tương quan phụ. Trừ phi ngẫu nhiên, nó không có mối liên hệ gì với Trách nhiệm hay Sự thật.” [3]. Poe cũng nhấn mạnh: “bản thân của nguyên lý thơ – nói một cách đơn giản và chặt chẽ – là sự Khát khao của Con người về cái Đẹp cao cả, sự biểu lộ của nguyên lý này luôn luôn căn cứ vào việc nâng cao sự phấn chấn của tâm hồn, hoàn toàn độc lập với Cảm xúc là sự say sưa của Trái tim, hoặc với Sự thật là sự thỏa mãn của Lý trí”[4].

      2.2. Nỗi buồn là giọng điệu phù hợp nhất của thơ ca

    Mặt thứ hai trong quan niệm về Cái Đẹp của Poe cũng khác hẳn những quan niệm quen thuộc thông thường khi ông cho rằng: “Cái Đẹp ở bất cứ kiểu loại nào, khi đạt tới cực độ thì bao giờ cũng làm người ta phải nhỏ lệ, do đó giọng thơ phải buồn. Vì thế, u buồn chính là giọng điệu phù hợp nhất của thi ca.”[5] (Baym Nina, 1989,tr.1323). Và ông chọn: “Cái chết của người phụ nữ đẹp (trẻ) là đề tài thơ mộng nhất” (The Philosophy of Composition). Hình tượng trung tâm trong nhiều tác phẩm của ông đều có nhân vật nữ chính hoặc điên loạn chết, hoặc ốm yếu và tàn tạ đến chết bởi một căn bệnh quái ác: lao phổi. (Ligeia, Moreilla, Berenice, Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher, Bức chân dung hình ô-van…). Chính vì luôn tự dày vò trong suy nghĩ đau đớn về cái chết, nhiều bài thơ của Poe mang trạng thái tuyệt vọng – một thứ khoái cảm trong sự tự hành hạ dày vò chính mình, một kiểu bệnh tâm lý (sadism). Bài thơ Con quạ (The Raven) với điệp khúc “Nevermore- không bao giờ nữa” vì vậy đã trở thành một kiệt tác làm nên tên tuổi của Poe và quan niệm về Cái Đẹp của ông: Cái Đẹp là cái u sầu. Nỗi – đau – mất – người – phụ – nữ – yêu – dấu đã trở thành kiểu đề tài “độc quyền” của Edgar Poe. Cũng như nói đến Edgar Poe là người ta nghĩ đến hình ảnh con quạ và nỗi ám ảnh: “Và con quạ vẫn không bay đi, còn đậu đó (…), ánh sáng đèn giội lên nó, rọi bóng nó trên đất, và tâm hồn tôi không bao giờ thoát lên khỏi cái bóng chập chờn trên đất ấy, không bao giờ nữa!” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 29).

    Song, cũng cần phân biệt đề tài Cái chết của Poe không nhằm miêu tả bản thân cái chết mà là quá trình con người nhận thức về cái chết và kiểu chết. Suy nghĩ và phản ứng của con người ra sao trước cái chết. Đối mặt hay sợ hãi, chạy trốn? Poe thường miêu tả thật chi tiết những cảm nhận của con người khi đang dần chết đi và những nỗ lực vùng vẫy của họ để được trở về dương thế. Theo Poe, nhận thức quy luật về cái chết không phải là sự yếu đuối mà chính qua đối mặt với cái chết, sức mạnh con người lại được khẳng định. Trong nhiều truyện huyễn tưởng kì ảo của Poe, nhân vật của ông đều trở về từ cái chết. “Không có sự đổi mới nào tránh được cái chết. Con người, như một cuộc chạy đua, không nên mất hết hy vọng, anh ta phải được sống lần nữa.”[6] (E. Poe, 1984, 597). Gia tài nghệ thuật của Poe, ngoài những thông điệp về Cái chết, Tình yêu và Nỗi buồn còn mang nặng những trăn trở giằng xé phản thân của con người khi tự đối bóng để đi tìm cái bản ngã đích thực của mình (William Wilson, Con người của đám đông, Trái tim thú tội, Con mèo đen…).

      2.3. Nghệ thuật vị linh hồn con người

    Có thể nói một cách khách quan hơn, theo cách dùng từ của Eric Calson, tuy đề cao cái Đẹp, cho trọng tài duy nhất của thơ ca là Thẩm mỹ và đối lập nó với Đạo Đức, Lương tâm…, Poe không hoàn toàn chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” (Art for Art’s Sake) mà đúng hơn là đi theo quan điểm “Nghệ thuật vị linh hồn con người “(Art for the Soul ‘s Sake) (Eric Calson, 1973, 3). Có lẽ điều này mới thật phù hợp với quan điểm nghệ thuật của Edgar Poe. Nghệ thuật trước hết vì chính bản thân việc thoả mãn những cảm xúc thuần túy của con người trước Cái Đẹp, đồng thời cũng là sự khám phá thế giới tâm hồn đa dạng phức tạp của con người. Đó cũng là con đường tuy không trực tiếp nhưng cũng phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân sinh chăng? Hiểu được, hiểu đúng về con người phải chăng cũng chính là mục đích mà thơ ca nói riêng và văn chương nói chung luôn hướng tới để làm cho cuộc sống này, thế giới này ngày một tốt đẹp hơn. Chính nhà văn Mỹ Emerson, người hoàn toàn không theo quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” cũng thấy rằng: “bao giờ cái đẹp cũng phục vụ cho tư tưởng và sự nâng cao tinh thần” (Nguyễn Đức Đàn, 1997, 126).

    Những quan điểm thẩm mỹ tưởng như kì lạ này của Poe về Cái Đẹp, Cái Chết và Kiểu trở về từ cái chết, cũng như sự nhận thức về cái chết đã được tiếp nhận và tiếp biến trong văn chương Việt Nam. Thơ lãng mạn Việt Nam từ những năm 30 cũng đầy ám ảnh về cái chết, có lẽ không chỉ đơn thuần là cái nhìn bi quan yếu đuối mà còn ẩn một thông điệp của sự phản kháng, phủ định thực tại đen tối và khẳng định sức mạnh con người? Còn “cái chết của người con gái đẹp – người yêu dấu” của Poe, cho đến nay, đã trở thành một trong những chủ đề được nhiều cây bút tài hoa ưa thích và khai thác thành công nhất. Quan niệm nghệ thuật của Edgar Poe đã được Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê và một số nhà văn, nhà thơ Mới khác tiếp nhận trong buổi giao thời với tâm thế khao khát cách tân văn học nước nhà theo con đường hiện đại hoá phương Tây. Chính thức hoặc không chính thức, các nhà thơ Mới này đều có những tuyên ngôn độc đáo về thơ và vai trò của người nghệ sĩ. Có lẽ, với họ, Cái Đẹp tuyệt đối, cái Đẹp thuần khiết, không chịu ảnh hưởng của đạo đức, luân lý ràng buộc, khát khao giải phóng cái Tôi ở mọi cung bậc cũng chính là “khát vọng thành thực” phá vỡ xích xiềng lạc hậu sáo mòn của văn học ảnh hưởng văn hoá Hán ngàn năm trước, trong những năm đen tối ngột ngạt nô lệ của đất nước, tìm một hướng đi mới cho văn học dân tộc. Nghĩa là, ở một mặt nào đó, đã phục vụ nhân sinh?

    3. Quan điểm sáng tác: “Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ”

                  Poe rất tôn thờ Nghệ thuật, coi đó là nữ hoàng cao cả nhất. Và nhà thơ, như một thiên mệnh, là người trung gian giữa ý tưởng của Thượng Đế và khát vọng của con người. Ông tự ví tâm hồn mình “như một dây đàn”, chỉ rung lên bởi cảm xúc mãnh liệt mà Nàng Nghệ thuật mang đến. Những giấc mơ xa xôi với những “Nàng Thơ”, “Nàng Tiên” – thường được Poe đề cao với một vẻ đẹp thiên thần, bất tử – như là một phương tiện, một phương thuốc nhiệm màu “Để giải thoát trái tim tôi, và những hy vọng sắp tàn”. Bởi vì hễ khi nào: “Còn tin vào những giấc mơ. Tôi còn bị quyến rũ bởi Nàng thơ.”(Gửi nàng Louise Olivia Hunter)[7] Mà như chúng ta biết, cuộc đời lẫn thơ của Poe luôn đầy những giấc mơ. Đó là chuỗi kiếm tìm trong vô vọng “thiên đường đã mất” (Paradise Lost), là sự trốn lánh “thực tại đau buồn đầy hỗn loạn và dục vọng đua chen”. Giấc mơ là một phần đời của Poe. Bởi, với nhà thơ bất hạnh này:

     “Tôi chỉ hạnh phúc trong giấc mơ.

      Tôi hạnh phúc.

      Và tôi yêu điều đó.[8]

      (Những giấc mơ)

               Tuy nhiên, cần hiểu rõ hơn những tuyên ngôn tưởng chừng như đầy mâu thuẫn của Poe. Có lẽ Poe là nhà văn đầu tiên có ý thức phân định rạch ròi: Bản chất của thơ ca là Cái Đẹp thuần khiết, còn quá trình sáng tạo ra bài thơ lại hoàn toàn là vấn đề của lý trí. Đề cao lý trí, “Etga Pô đã quan niệm sáng tác thơ ca không phải là một hoạt động thần bí, hoặc có tính may rủi ngẫu nhiên mà chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của lý trí.” (Hà Minh Đức, 1997, 147). Trong tiểu luận Nguyên lý thơ (The Poetic Principle), Poe viết: “Chia thế giới trí óc thành ba phần khác biệt rõ ràng, chúng ta có Trí tuệ thuần tuý, Thẩm mỹ, và Ý thức Đạo đức. Tôi đặt Thẩm mỹ ở vị trí giữa, bởi nó chỉ có thể chiếm vị trí này trong trí óc.” (Baym Nina, 1989, 1334)[9] Từ những “tuyên ngôn” của Poe, Nguyễn Hiến Lê cũng rút ra kinh nghiệm sáng tác: “hứng thú “chỉ quan trọng có 5%, còn chín mươi lăm phần trăm nữa là công phu” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 38). Việc chọn bài thơ ‘Con quạ’ để giải thích quá trình sáng tác của Poe có lẽ cũng là việc làm độc nhất vô nhị thời bấy giờ. Poe đã chứng minh “không có một điểm nào trong bố cục của bài thơ có thể quy cho sự ngẫu nhiên hay trực giác, mà tác phẩm đã phát triển từng bước cho đến khi hoàn thành với kết quả chính xác và nghiêm ngặt của một bài toán”[10] (Baym Nina, 1989, 1321). Dù còn dè dặt, Hà Minh Đức cũng đánh giá trường hợp cá biệt của Poe mang ý nghĩa tích cực bởi thể hiện được “ý thức của nhà thơ chỉ đạo chặt chẽ quá trình sáng tác” và đã “nói lên được một cái gì chung cho hoạt động thơ ca.” (Hà Minh Đức, 1997,148). Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ. Quan điểm sáng tác rất lạ, rất mới so với kinh nghiệm thẩm mỹ sẵn có từ trước này của Poe đã vượt ra khỏi tầm đón đợi của thời đại ông sống, từng khiến thời đại của ông lúng túng, chưa chấp nhận ngay được nên không ít nhà phê bình đã phản ứng, coi ông là ‘kẻ điên rồ”!

                Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, diễn trình tiếp nhận quan điểm này vẫn còn nhiều ý kiến đối thoại, tranh cãi, bất đồng. Ngay chính Nguyễn Hiến Lê, người dịch và phê bình đầu tiên tiểu luận này, tuy thán phục tài năng nhưng cũng không coi đó là mẫu mực cho sáng tác thơ ca vì theo ông: “phương pháp của Edgar Poe chỉ có thể dùng để sáng tác những tiểu phẩm khéo mà không hồn.” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 32). Ngược lại, nhà thơ Nguyên Sa thì đồng tình: “sáng tạo không phải lên đồng hay cầu cơ và nghệ sĩ ngồi đó như cái xác không hồn để cho ngọn gió từ phương xa, tinh thần từ thế giới khác nhập vào”, mà ý thức về nghệ thuật sáng tạo thể hiện qua sự trăn trở tìm tòi về kĩ thuật sáng tạo, bởi ý thức này “có mặt trước khi, trong khi và sau khi cấu tạo tác phẩm” (Nguyên Sa, 1967,120). Điều này cũng tương đồng với quan niệm quen thuộc của E. Poe về lối thơ duy lý, óc suy luận trong nhiều truyện ngắn của ông.

               Đến những năm đầu thế kỉ XXI, quan điểm sáng tác kì lạ của Poe lại được thế hệ những nhà văn mới khẳng định. Tiếp cận nhiều tác phẩm của Poe từ tiếng Nga, kinh nghiệm đọc E.A.Poe của nhà văn – nhà nghiên cứu- dịch giả Ngô Tự Lập lại đưa đến một sự đồng cảm sâu sắc với quan điểm khác thường của Edgar Poe. “Ngay từ trước khi viết văn, tôi vẫn nghĩ rằng viết văn là giải một loại bài toán”. Quan điểm “Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ” của Edgar Poe đã trở thành lời động viên quý báu cho con đường nghệ thuật của Ngô Tự Lập. Đây là một sự tiếp nhận chủ động và rất ý thức, bởi với tác giả, ý tưởng của Poe đã giúp ông khẳng định chuẩn thẩm mỹ của mình, vì cho dù: “Poe có mô tả đúng những gì diễn ra trong quá trình sáng tác bài thơ nổi tiếng của ông hay không, nhưng có một điều chắc chắn: sự ra đời văn học hư cấu cũng đồng thời là sự lên ngôi của trí tuệ.” (Ngô Tự Lập, 2005, 32).

     4. “Triết lý sáng tác” trong truyện và thơ

     4.1. “Triết lý” về kĩ thuật xây dựng truyện

         Hầu hết truyện của Poe đều là thể loại truyện ngắn. E.A.Poe cũng chính là người khai sinh lý thuyết về truyện ngắn qua nhiều bài báo, phê bình tiểu luận củaông, và đã “mang lại cho nó một định nghĩa mà không ai vượt qua nổi” (Lê Huy Bắc, 2003). Trong Triết lý về sáng tác (Philosophy of Composition), kĩ thuật xây dựng cốt truyện được Poe nói rõ: “Mọi cốt truyện đúng như tên gọi là cốt truyện phải được xây dựng nhằm vào sự mở nút của nó trước khi ngòi bút động đến những vấn đề khác”. Và phải làm sao cho “những tình tiết và đặc biệt là những giọng điệu ở mọi điểm đều hướng về sự phát triển của ý đồ.”[11]. Poe cũng nhấn mạnh nên “bắt đầu bằng sự cân nhắc một hiệu quả cho tác phẩm.” Nhất là “luôn phải giữ quan điểm về sự độc đáo – bởi vì những ai liều lĩnh sử dụng nguồn hứng thú quá rõ và quá dễ dàng đạt được vì có sẵn thì sẽ lâm vào tình trạng giả dối với chính mình”[12]. Ngoài ra, dung lượng của tác phẩm được Poe cho là cần xem xét đầu tiên, bởi theo ông “Nếu như một tác phẩm văn học quá dài, không thể đọc được một mạch (one sitting), chúng ta sẽ bỏ mất hiệu quả quan trọng phát sinh từ sự thống nhất ấn tượng (unity of impression) – bởi vì, nếu như phải đọc làm hai lượt, những công việc sự vụ trên đời này sẽ xen vào và cái tổng thể lập tức bị phá huỷ” [13]. Điểm này cũng được ông nêu cụ thể hơn trong tiểu luận Phê bình những truyện kể hai lần của Hawthorne (Review of Hawthorne Twice Told Tales). Muốn đạt hiệu quả ấy, nhà văn phải cân nhắc, tính toán trướcnhững hiệu ứng nào sẽ gây ra nơi người đọc rồi mới chọn lựa, kết hợp các biến cố, các tình tiết để xây dựng thành tác phẩm, phải tạo ra những phương tiện biểu hiện làm tăng hiệu quả của sự rùng rợn và khiếp sợ. Và cũng có thể nói thiên tài của Poe là ở chỗ phát hiện rất sớm vai trò người đọc trong thời điểm bấy giờ. Nguyên tắc viết truyện ngắn này đã được Poe thử nghiệm trong nhiều tác phẩm của ông. Poe thường đặt bối cảnh truyện vào ban đêm, trong bóng tối; tập trung miêu tả những hình ảnh tưởng tượng ghê rợn đến kì lạ vốn không có trong hiện thực như trong Mặt nạ tử thần đỏ, Sự sụp đổ của ngôi nhà Usher, Cuộc trò chuyện với một xác ướp, Linh hồn, Con quỷ trên gác chuông, Con mèo đen…chuyện “nhập xác” trong Ligeria, chuyện Egaeus vì quá thương tiếc người yêu mà trong cơn mộng du đã đào huyệt…mang về 32 cái răng nhỏ trắng của nàng trong Berenice…. Bản thân những hình ảnh ấy đã gợi trí tò mò và sự kinh hãi nơi người đọc. Tính biểu tượng về màu sắc, ánh sáng, âm thanh cũng góp phần tạo nên hiệu ứng khiếp sợ này. Poe đã miêu tả được trạng thái đặc biệt của tâm hồn con người qua tâm lý trái ngược lạ lùng, càng sợ hãi, người ta càng bị sự tò mò thôi thúc và muốn chiến thắng nỗi sợ hãi bằng cách khám phá nó đến cùng.

    Cách kể chuyện trong hầu hết các truyện của Poe thường đi theo thời gian hồi tưởng, nhân vật trần thuật thường là ngôi thứ nhất nên truyện của Poe mang dáng dấp những tự thuật, tự thú, dằn vặt, gợi liên tưởng đến những giá trị phê phán xã hội, kinh tởm sự độc ác của con người, dù Poe tuyên bố tách rời văn chương với luân lý, đạo đức…. Giọng người trần thuật Ngôn ngữ độc thoại do chính nhân vật – cũng là người kể chuyện tự kể lại những câu chuyện kì dị, khủng khiếp của mình là chọn lựa khá phù hợp của Poe. Kĩ thuật này góp phần phơi bày những giằng xé nội tâm của nhân vật, hoặc tự phân tích nguyên nhân gây ra tội ác và khiến người đọc như chứng kiến được toàn bộ quá trình phạm tội và cảm thông, sợ hãi, kinh hoàng hay tự đưa ra những phán xét. Những lý thuyết truyện ngắn trên đã tạo nên phong cách tiêu biểu cho truyện ngắn của Poe mà ngày nay đã trở thành khuôn mẫu của thể loại.

     4.2. “Triết lý sáng tác” trong thơ ca

        Trong tiểu luận nổi tiếng “Triết lý về sáng tác”, Poe đã kể lại cách mình sáng tác bài thơ ‘Con quạ’ như thế nào. Những luận điểm cơ bản về quan niệm nghệ thuật của Poe trong tiểu luận trên chúng tôi đã giới thiệu (phần 2.1.) nên không lặp lại, chỉ nhấn mạnh kĩ thuật xây dựng cấu trúc và ngôn ngữ thơ của Poe bởi các bước sáng tác của ông khá trái ngược với lối thông thường. Trước tiên, Poe cân nhắc độ dài của bài thơ không nên dài quá vì sẽ làm người đọc không thể đọc liền một mạch. Bước thứ hai là chọn lựa cảm xúc định gây nơi người đọc, mà theo Poe, cảm xúc đó phải là sự thích thú, và giọng thơ phải buồn đến ảo não, bi thảm. Thứ ba, điều căn bản nhất là “bài thơ phải có một điểm làm điệu chính, có tính cách nghệ thuật, kích thích. Điểm đó sẽ là điệp khúc (refrain). Nhưng điệp khúc chỉ được lặp lại về âm thanh, chứ không được đơn điệu về ý tưởng.” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 15). Để tránh sự nhàm chán, trong mỗi điệp khúc, âm thanh không thay đổi mà ý tưởng thì phải thay đổi để gây cảm xúc mới cho người đọc. Tất nhiên, điệp khúc cũng không nên dài quá, tốt nhất là những từ đơn, đặt ở cuối mỗi đoạn. Điệp khúc này, theo Poe, phải có âm vang và dài. Đó là bước thứ tư. Rồi ông xét hết thảy các âm tiếng Anh và chọn kết hợp âm O và R thành điệp khúc “nevermore”. Thủ pháp này gần như là thủ pháp nghệ thuật chính trong thơ ông. Điệp khúc ở cuối mỗi khổ thơ, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, điệp đầu câu, điệp vòng tròn… đều có mặt dày đặc trong hầu hết các bài thơ kiệt xuất của ông. Có thể kể những cách sử dụng điệp khúc ấn tượng như:

    ·        Nothing more (6 lần), Nevermore (11 lần), my chamber door (7 lần), his chamber door (2 lần) –  (The Raven)

    ·        Not all (6 lần) our power, our fame,

    the magic, the wonder,

    the mysteries, the memories  (The Coliseum)

    ·        Keeping time, time, time (4 lần)  (The Bells)

    ·        From the  bells, bells, bells, bells,

                         BELLS, BELLS, BELLS-

                    Of the bells, bells,bells, bells

                                    Bells, bells, bells- (7 lần) – (The Bells)

    ·        In a kingdom by the sea (5 lần), my Annabel Lee (3 lần), the beautiful Annabel Lee (3) (Annabel Lee)

     Với ý thức chọn lựa âm thanh công phu, đúng là Poe đã tạo nên những âm thanh kì diệu bởi ngôn từ. Có thể thấy, chỉ riêng từ “bells” đã xuất hiện 61 lần/112 dòng thơ của bài ‘Những tiếng chuông’. Các từ thính giác và thị giác được liên kết tạo thành một giai điệu bất tận, lan tỏa, diễn tả sự tương hợp xúc cảm giữa con người và vũ trụ. Thủ pháp điệp khúc độc đáo này đã làm tăng nhạc tính cho thơ mà không bị cùn mòn về ‎nghĩa. Rimbaud, Verlaine và nhiều nhà thơ Pháp rất ngưỡng mộ kĩ thuật này.

              Bấy giờ mới đến bước thứ năm là tìm ý chính cho toàn bài. Chọn được đại ý rồi ông bắt đầu kiếm ý cho mỗi khổ và viết ngay khổ kết là khổ buồn thảm nhất và lấy khổ ấy làm chuẩn để viết các khổ trước nó. Cuối cùng ông mới chọn khung cảnh phù hợp cho bài thơ để làm tăng cảm xúc bi thảm đã định. Có thể thấy, Poe đã tính toán hết sức tỉ mỉ các yếu tố hình thức của một bài thơ từ âm thanh, từ ngữ, số câu, số đoạn đến hình ảnh và cảm xúc theo phương pháp hình thức quyết định nội dung. Giới phê bình Âu Mỹ và cả Việt Nam chúng ta đã có biết bao tranh cãi, hoài nghi về các bước hình thành bài thơ của Poe dù không phủ nhận tiểu luận này là tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu như đã nêu ở mục 3.

    Tính nhạc chính là luận điểm quan trọng xuyên suốt nhiều tiểu luận phê bình của Poe và sau này trở thành nguyên tắc quan trọng của thơ tượng trưng. Âm nhạc giúp thơ mở ra những chân trời mới không cùng cho tưởng tượng của người nghệ sĩ. Trong “Thư gửi B” (Letter to B), Poe khẳng định: “Âm nhạc mà không có ý tưởng chỉ đơn thuần là âm nhạc, còn ý tưởng mà không có âm nhạc thì chỉ là văn xuôi”[14](Baym Nina, 1989, 872). Mặc dù một số nhà phê bình Mỹ cho rằng “cái đẹp trong nhịp điệu và âm thanh của Poe thường chỉ có một nội dung trống rỗng” (Nguyễn Đức Đàn, 1996, 69), hoặc do ý đồ kỹ thuật quá đậm nên thơ của ông thiếu sự hồn nhiên, thành thực. Nhưng nếu đã đọc từng bước tỉ mỉ, cẩn thận theo logic mà Poe giải thích quá trình hình thành một bài thơ trong Triết lý về sáng tác, hẳn có thể thấy Poe là một nhà thơ lao động nghiêm túc đến độ tận tuỵ khi khổ công tính toán, chọn lựa hình ảnh, kết cấu, nhịp điệu cho thơ.

    Về ngôn ngữ, Poe thường dùng nhiều định ngữ nghệ thuật mang tính tráng lệpha lẫn khoa trương tạo ấn tượng mạnh về cảm xúc. Các nhà “Poe học” (Poe scholars) Mỹ và thế giới đã có nhiều công trình khảo sát diễn ngôn nghệ thuật của Poe và đề cao ông là một nhà tu từ học, phong cách học, người sáng tạo ngôn từ bởi sự tinh thông của ông về các phong cách đa dạng của ngôn ngữ văn chương và sự sử dụng từ ngữ, âm thanh khéo léo, tài tình đầy sáng tạo của ông. Burton R. Pollin đã liệt kê những từ đơn, từ ghép và danh từ riêng tiếng Anh do Poe sáng tạo hoặc sử dụng đầu tiên trong công trình Poe, Creator of Words của ông gồm 1143 từ mới xuất hiện trong văn học, nhiều hơn cả Melville 200 từ. Trong Bản chất của thơ ca (The Rationale of Verse), Poe nhắc lời Goold Brown định nghĩa: “Phép làm thơ là nghệ thuật sắp xếp từ ngữ vào những dòng thơ có chiều dài tương ứng, phù hợp để tạo sự hài hòa bởi sự thay đổi luân phiên của các âm tiết khác nhau (dài – ngắn) về số lượng”[15] (E.Poe, 1850, 217) theo một sự tính toán chặt chẽ. Mọi sự sắp xếp này, nếu đo lường được, có thể tìm thấy mối quan hệ toán học chính xác. Theo ông, “nguyên tắc sơ đẳng của thơ có lẽ chỉ tìm được trong nhịp spondee, và mọi mầm mống của ý tưởng đều có thể tìm được trong sự cân bằng của một nhịp có hai âm tiết”[16] (E.Poe, 1850, 223). Poe cũng đòi hỏi phải có sự hài hòa, tính chất du dươngtạo nên bởi tiết tấu trong từng vần thơ. Và, tính chất ấy chỉ có thể được tạo nên bởi Âm nhạc. Nhiều bài thơ của ông đã chứng minh quan niệm này. The Raven, The Bells, A Dream within a Dream, The City in the Sea, Annabel Lee…là những đỉnh cao nghệ thuật của thơ Poe không chỉ qua hình tượng nghệ thuật tượng trưng ám dụ, âm điệu u hoài mà còn là sức rung động của từ ngữ, nhất là những từ tượng thanh, cách dùng các phụ âm, hiệp vần, điệp khúc…, với một sự thấu hiểu kỳ lạ về nhiều chức năng của sự giao tiếp bằng ngôn từ.

                Trên đây là khái lược những nét cơ bản nhất về quan niệm nghệ thuật kì lạ, mới mẻ về Cái Đẹp, quan điểm sáng tác, triết lý và những nguyên tắc sáng tác một bài thơ, truyện ngắn của E.A.Poe thể hiện qua các tiểu luận phê bình độc đáo và thực tiễn sáng tác của ông. Thời đại Poe sống đã chỉ trích, phê phán, cho là điên rồ, nhảm nhí, chỉ một số rất ít đồng nghiệp của Poe tiếp nhận, bởi nó cách quá xa những kinh nghiệm họ từng đọc, từng biết trước đó. Oái oăm thay, cũng chính những tác phẩm bị nước Mỹ quê hương Poe ruồng bỏ lại được Châu Âu nồng nhiệt yêu mến, tôn thờ. Nga, Pháp, Ý là những nước đầu tiên phát hiện và tôn vinh thiên tài Edgar Poe. Và, một thế kỉ sau, từ các nhà tượng trưng Pháp, Poe lại được sự đồng cảm lạ lùng bởi các nhà văn, nhà thơ lãng mạn Việt Nam.


     5. 2011

    10. 2024

    HOÀNG KIM OANH


    CHÚ THÍCH

    [1] “Beauty is the sole legitimate province of the poem…That pleasure which is at once the most intense, the most elevating, and the most pure, is, I believe, found in the contemplation of the beautiful. [1, 1323]

    [2] “Truth, in fact, demands a precision, and Passion, a homeliness (the truly passionate will comprehend me) which are absolutely antagonistic to that Beauty” [1, 1322]

    [3] “In brief, the Poetry of words as The Rhythmical Creation of Beauty. Its sole arbiter is Taste. With the Intellect or with the Conscience, it has only collateral relations. Unless incidentally, it has no concern whatever either with Duty or with Truth.” (The Poetic Principle).

    [4] “this Principle itself is, strictly and simply, the Human Aspiration for Supernal Beauty, the manifestation of the Principle is always found in an elevating excitement of the Soul — quite independent of that passion which is the intoxication of the Heart — or of that Truth which is the satisfaction of the Reason” [1,1347]

    [5] “Beauty of whatever kind, in its supreme development, invariably excites the sensitive soul to tears. Melancholy is thus the most legitimate of all the poetical tones”  [1,1323]

    [6] “I could anticipate no regeneration save in death. That man, as a race, should not become extinct…he must be born again” (Cuộc trò chuyện của Monos và Una- The Colloquy of Monos and Una).

    [7] “While, on dreams relying, I am spelled by art.” (To Miss Louise Olivia Hunter)

    [8] “I have been happy, tho’ in a dream. I have been happy- and I love the theme” (Dreams)

    [9]  “Dividing the world of mind into its three most immediately obvious distinctions, we have the Pure Intellect, Taste, and the Moral Sense. I place Taste in the middle, because it is just this position which, in the mind, it occupies.” (The Poetic Principle) [1,1334]

    [10] I select “The Raven”, as most generally known. It is my design to render it manifest that no one point in its composition is referrible either to accident or intuition — that the work proceeded, step by step, to its completion with the precision and rigid consequence of a mathematical problem. (The Philosophy of Composition), [1, 1321]

    [11]“Nothing is more clear than that every plot, worth the name, must be elaborated to its dénouementbefore any thing be attempt with the pen. It is only with the dénouement constantly in view that we can give a plot its indispensable air of consequence, or causation, by making the incidents, and especially the tone at all points, tend to the developmentof the intention” (Philosophy of Composition) [1, 1319]

    [12] “Keeping originality always in view- for he is false to himself who ventures to dispense with so obvious and so easily attainable a source of interest” [1, 1320]

    [13] “If any literary work is too long to be read at one sitting, we must be content to dispense with the immensely important effect derivable from unity of impression – for, if two sittings be required, the affairs of the world interfere, and every thing like totality is at once destroyed.” [1, 1321]

    [14] “…Music without the idea is simply music; the idea without the music is prose…”(Letter to B)

    [15] “Versification is the art of arranging words into lines of correspondent length, so as to produce harmony by the regular alternation of syllables differing in quantity.”

    [16] “The rudiment of verse may possibly be found in the spondee. The very germ of a thought seeking satisfaction in equality of sound would result in the construction of words of two syllables, equally accented. In corroboration of this idea we find that spondees most abound in the most ancient tongues.” (The Rational of Verse). Spondee: một nhịp được dùng nhiều nhất trong thơ cổ, gồm hai âm tiết mạnh, có nhấn giọng – tạm hiểu tương đương như vần trắc như trong luật thơ tiếng Việt).

    *Những phần trích dẫn dịch từ nguyên tác không để tên người dịch là do tác giả bài viết tạm chuyển ngữ.


    TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1.     Baym, Nina. 1989. The Norton anthology of American literature, NewYork – Lond: W.W.Norton.

    2.     Cabau, Jacques. 2009. Edgar Poe, khát khao sáng tạo và huỷ diệt, Khổng Đức dịch, H : Nxb. Thời đại.

    3.     Carlson, Eric W. 1973. Poe on the soul of man, Baltimore: Edgar Allan Poe society of Baltimore. S:1 – PSM, 1973.

    4.     Hà Minh Đức. 1997. Thơ và mấy vấn đề trong thơ hiện đại, H:Nxb GD.

    5.     Jakobson. 2008. Thi học và Ngữ học – Lý luận văn học phương Tây hiện đại, Trần Duy Châu biên khảo. H: Nxb. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học.

    6.     Lê Huy Bắc. 2003. Cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận văn học Mỹ. Trả lời phỏng vấn. Việt Báo. Đăng ngày 14-3-2003. Nguồn: http://vietbao.vn/Giai-tri/Can-chu-dong-hon-trong-viec-tiep-can-van-hoc-My/20005513/235/

    7.     Ngô Tự Lập. 2002. Tuyển tập Edgar Allan Poe. H : Nxb. Văn học.

    8.     Ngô Tự Lập. 2005. Minh triết của giới hạn. H : Nxb. Hội nhà văn.

    9.     Nguyên Sa. 1967. Một bông hồng cho văn nghệ. S: Trình bầy.

    10. Nguyễn Hiến Lê. 1957. Luyện văn. SG: Nxb. Nguyễn Hiến Lê.

    11. Nguyễn Đức Đàn. 1996. Hành trình văn học Mỹ, H: Nxb Văn học.

    12. Poe, Edgar Allan, 1984. Complete Stories s and poems of Edgar Allan Poe, USA: Publisher. Doubleday; Book Club edition (August 15, 1984)

    13. Poe, Edgar Allan. 1850. “The Rationale of Verse”, The Works of the Late Edgar Allan Poe, edited by Rufus Wilmot Griswold. Vol.II. Poems and Miscellanies, New York: J. S. Redfield,Clinton Hall. 1850, page 215-258.

    14.  Pollin, Burton R. (1973), (1998), Poe, Creator of Words. Bài tham luận kỉ niệm 50 năm thành lập The Edgar Allan Poe Society ở Baltimore, nguồn: http://www.eapoe.org/PAPERS/psblctrs/pl19741.htm.

     Nguồn:  Tạp chíKhoa học Xã hội- Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, số 10 (158) 2011, trang 26-35


    TẠP CHÍ VĂN PHONG

    Chú Giải về Thơ Tân Hình Thức

    Tân Hình Thức
    Và Câu Chuyện Kể

    www.thotanhinhthucviet.vn


    Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
    đường và kể lại câu chuyện đã được
    kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
    cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

    giống lời nào, về người đàn bà và
    đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
    gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
    gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

    bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
    cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
    nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt,
    như thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

    nhưng người đàn bà và đàn con nheo
    nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
    kể lại, như người khác đã từng kể
    lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

    chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự
    kể lại, và không ai, ngay cả người
    đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
    ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.

    Trong những tuyển tập thơ Hoa Kỳ như “Poems For the Mil-lennium” hay “Postmodern American Poetry”, sau mỗi bài thơ được tuyển chọn, thường có một đoạn chú giải (commentary) về bài thơ hay quan điểm về thơ của tác giả. Đối với thơ Việt, nhất là những bài thơ mang tính thử nghiệm, có lẽ cũng là cách hay, để người đọc có thể tiếp nhận và dễ đánh giá. Trong bài thơ “Tân Hình Thức và Câu Chuyện Kể”, tôi thử áp dụng một số yếu tố của thơ Tân Hình Thức Hoa Kỳ (New Formalism) vào thơ Việt, chọn thể tám chữ, mang giọng kể là thi pháp tự nhiên của đời thường (tính truyện), xử dụng kỹ thuật vắt giòng (enjambment), đọc liên tục từ dòng (line) này sang dòng khác, lập lại những nhóm chữ (như nhạc Rap) để tạo thành điệp vận và vần không hợp cách.

    Giống như một vật tìm được (found object), chúng ta vào một cái kho chứa, tìm kiếm, lục lọi một món đồ cũ, lấy ra dùng lại. Những nhà thơ Tân Hình Thức Hoa kỳ dùng âm giọng iambic pen-tameter, gần với ngôn ngữ nói thường ngày, kết hợp với chất liệu của đời sống hiện đại, sử dụng luật tắc đó như dụng cụ, tỉa bớt những âm rườm rà của ngôn ngữ nói, thành thi pháp đời thường (a poetics of the everyday). Nhưng thi pháp đời thường vì gọi như thế nên biến hóa và không dừng lại ở bất cứ định nghĩa nào, và chỉ có thể định nghĩa qua hàng loạt những thách đố, nắm bắt và thực hành khác nhau, bởi một điều, không phải dễ lấy thơ và phát hiện bí ẩn từ những thứ tẻ nhạt và tầm thường của đời sống. Đối với ngôn ngữ Việt thì lại càng mới mẻ, và cần những thử nghiệm của nhiều người, vả lại, những dị biệt trong cách phát âm và diễn đạt giữa hai hệ ngôn ngữ (tiếng Anh và Việt), tạo ra dị biệt trong phương cách và phong cách thơ.

    Nếu thơ Tiền chiến, cách tân bằng cách, dùng cảm xúc để thoát ra khỏi luật tắc cứng nhắc của thơ cổ điển, thì thơ Tân Hình Thức Việt (tạm gọi như vậy) sử dụng ngôn ngữ đời thường, kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ. Thơ cổ điển, theo phép làm thơ của Thơ Đường, với luật bằng (level tone), trắc (deflected tone), vần (rhyme) và cao độ (pitch, gồm 4 tone), lao tâm khổ tứ vì chữ (dùng và chọn chữ) thì thơ Tiền Chiến chỉ còn giữ lại vài yếu tố như vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng. Thơ chủ vào cảm xúc, nhẹ phần nội dung, nên không ra ngoài cảm xúc và ảo giác, đôi khi lại là cảm xúc mơ hồ, được tạo ra từ những vần điệu du dương. Thơ kéo người đọc ra khỏi đời sống, và chính người làm thơ cũng lánh xa đời sống. Có lẽ vì vậy nên nhiều người tưởng lầm rằng thơ chỉ có thể cảm chứ không thể giải thích vì làm sao giải thích cái không thể giải thích, khi âm điệu và cảm xúc được coi như điều kiện thiết yếu để đánh giá là thơ hay. Thơ trở nên bí ẩn, thuộc về thế giới mộng ảo, và nhà thơ giống như một nhà soạn nhạc, viết ký âm bằng chữ (nhiều bài thơ vần phổ nhạc rất thành công cho thấy, hai thể loại này gần gũi trong cách sáng tác). Đã có nhiều nhà thơ, cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng Tiền Chiến bằng cách làm mới ngôn ngữ và cảm xúc, tuy nhiên vì vẫn sử dụng phương pháp thơ Tiền Chiến, nên không những không ra khỏi, mà còn làm mạnh thêm ảnh hưởng đó. Ngay cả những nhà thơ tự do sau này, phá bỏ thể loại và vần, nhưng vẫn nương vào cảm xúc, âm và nghĩa chữ, chỉ khác là cảm xúc trong thơ Tiền Chiến dựa vào nhạc tính của vần điệu thì trong thơ tự do, hoặc dựa vào ý tưởng và âm chữ, hoặc vẫn dựa vào cách tạo nhạc của Tiền Chiến. 

    Khi sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính (nếu có thể gọi như vậy), là đưa hẳn thơ qua một thời kỳ khác. Những yếu tố của thơ truyền thống như liên tưởng, hoán dụ hay ẩn dụ … và hàng loạt các yếu tố khác, chắc không còn đất sống vì mỗi thi pháp đòi hỏi những yếu tố thích hợp, được phát hiện trong quá trình sáng tác. Thơ khuấy động và khích động bởi những cuộc phiêu lưu đúng lý và đúng nghĩa, chẳng khác nào, thế giới đang đi tìm một trật tự mới để thay thế một trật tự đã cũ. Thơ không còn tùy thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân, mà là những vận động rộng lớn của cả một thế hệ, như một trào lưu, xác định tiếng nói và bản chất của một nền văn hóa ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử thi ca. Nhưng nhà thơ khi chọn một ngôn ngữ bởi sự quyến rũ và lòng yêu mến, và là ngôn ngữ họ có khả năng nhất để biểu hiện thơ, ở đây là tiếng Việt, cớ gì không hợp quần, nhiều phong cách làm một phong cách, nhiều tiếng nói làm một tiếng nói, thành một phong trào đầy tự tin và hào hứng.

    Điều này đòi hỏi chúng ta, phải xóa bỏ những định kiến và tự mãn cá nhân, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, trong tinh thần giống như thi pháp đời thường, có gì là quan trọng và ghê gớm đâu. Chúng ta cứ thoải mái sao chép (copy), càng nhiều càng tốt, và không ai cấm được chúng ta bắt chước lẫn nhau trong trò chơi nhiều thú vị này. Một nhận xét khá phổ biến về thơ: “Poetry is fun – serious often, but fun. It is also communal.”

    Những phân tích đơn giản trên có thể chưa đúng hoặc không đầy đủ, chỉ là chủ quan của người viết, dẫn tới nhận xét, mỗi thời kỳ thơ, có luật tắc tạo nhạc khác nhau. Nhạc trong thơ cổ điển khác với Tiền Chiến, và Tiền Chiến khác với thơ bây giờ. Đổi mới thơ, chính là đổi mới phương cách tạo nhạc, luật tắc và phương pháp biểu hiện. Thơ cổ điển và Tiền Chiến phải ngâm, thơ Tân hình thức chỉ để đọc, nhưng khác với thơ tự do trước đó, thơ Tân hình thức có những luật tắc căn bản để tạo thành nhịp điệu, và người làm thơ theo đó phát huy được nhạc tính cho thơ. Khi đọc, chúng ta cảm thấy thanh thoát tự nhiên, như đang hít thở không khí, gặp gỡ ngoài đường phố, giao tiếp với bạn bè, và với mọi người. Đó là thứ âm nhạc trò chuyện (music of conversation), phong phú và hàm súc, mỗi lúc mỗi khác, và là những khoảng khắc có thực của thực tại. Thơ được chắt lọc và bước ra từ thực tại, mà thực tại thì, không nằm ở trong mù sương, thuộc về quặng mỏ chứa đầy chất đời. Nhưng bây giờ có lẽ còn quá sớm để tiên đoán, thơ có ra khỏi và làm một bước ngoặt mới, tùy thuộc vào những nhà thơ có dám dứt khoát với những giấc mộng đêm qua?

    (Đề cập tới thơ cổ điển, Tiền chiến hay thơ tự do Việt không phải là để phán đoán, mà rút ra từ kinh nghiệm của chính tôi. Ở thời kỳ đầu, tôi làm đủ thể loại từ thơ vần tới tự do, chủ ý làm mới cảm xúc và ngôn ngữ, và thấy rằng, cũng chỉ là làm mới Tiền Chiến, và nếu có một chút giá trị thì đó là giá trị của một chặng đường đã qua (tập thơ Thanh Xuân). Tới thời kỳ hai, tôi thoát hẳn ra bằng cách sử dụng dòng động lực và sự chuyển động của ngôn ngữ, đi tìm một cấu trúc mới (tập thơ Dấu Quê). Tiếp theo đó là những kết hợp giữa thơ và nhiều nguồn khác nhau như thơ và kịch, kể cả bằng graphic … và tưởng rằng đã đi khá xa so với thời kỳ đầu. Nhưng vấn đề không phải đi xa hay gần mà tôi nhận ra, thơ có quyền năng, và chỉ có thơ mà thôi, cho chúng ta biết giới hạn và thất bại của mình. Nhà thơ đều là những kẻ thất bại, và nếu không nhận ra được điều đó, có lẽ chẳng bao giờ họ trở thành nhà thơ. Thất bại làm cho nhà thơ nhận ra được chính mình và mọi người, thúc dục họ phải đi tới mãi, cho đến bao giờ thôi không còn đi được nữa. Phủ nhận chẳng qua là phủ nhận những thất bại để làm lại một thất bại khác. Vấn đề là thất bại lớn hay nhỏ, và chúng ta có dám đối mặt với nó hay không. Những ngành khác có thể đưa chúng ta đến vinh quang, nhưng thơ ngược lại, đưa chúng ta trở lại đời thường, mà đời thường thì có cả những dị thường).

    Thật ra, không phải thơ tự do khước từ hình thức cũ của truyền thống, mà một cách sâu xa, do những qui ước văn học và thái độ xã hội, chỉ hợp thức hóa, và để nó vào đúng chỗ. Làm mới là đi tìm những hình thức mới. Thoát khỏi hình thức, phản ứng lại hình thức, là diễn đạt bằng hàng loạt những hình thức khác nhau. Không có hình thức, không có tiếng nói, bởi tiếng nói vẫn nằm trong qui luật của ngôn ngữ, vả lại dù là không hình thức (formless) thì đó vẫn là hình thức. Thơ tự do và truyền thống tuy hai mà một, chỉ là chọn lựa cách diễn đạt. Và khi, cùng một lúc, những thái độ và giá trị cũ đã hoàn toàn biến mất, mất tăm như những nền văn minh cổ đại, thì những nhà thơ, trên bước đường tìm kiếm, bắt gặp truyền thống, như tìm được thời gian đã mất. Như vậy, dùng lại hình thức thơ truyền thống, cũng chẳng khác nào làm mới, theo đúng nghĩa của những nhà thơ hiện đại.

    Nhưng những nhà thơ Tân hình thức chẳng dừng ở quan niệm làm mới, vì đó là phương cách của thời hiện đại, mà dùng thể truyền thống hòa trộn với chất hiện đại (bao gồm thơ tự do) giống như kiến trúc hậu hiện đại, tạo thành một thể lai, hoàn toàn khác, không những hóa giải và làm tan biến truyền thống, mà cả hiện đại. Thơ tự do (trong ngôn ngữ tiếng Anh) làm khó người đọc, vì tùy thuộc vào sự căng thẳng hay sức ép giữa văn phạm và chiều dài của dòng, của đoạn thơ. Mỗi đặc tính có những cách dùng riêng biệt và được cân nhắc bên trong bài thơ, và người đọc phải phải tạo ra tiến trình đọc, bởi những biến cố được lập lại trong cấu trúc, ngẫu nhiên và tình cờ, từ những âm vang dầy đặc của ngữ pháp và những hiệu quả thị giác. Hóa giải, cũng có nghĩa là giải phóng kỹ thuật, dù có một thời là những cánh cửa đóng, phải mở ra trước khi đi vào cõi thơ.

    Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống. Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước. Nhà thơ Ba Lan Wyslawa Symborska khi nói rằng: “Trong văn xuôi có không gian cho thơ, nhưng trong thơ chỉ có không gian cho thơ.” Vậy thì thế nào là một bài thơ văn xuôi (a prose poem)? Ở điểm nào nó là thơ và ở điểm nào không phải là thơ? Đâu là dòng (line) và đâu là câu (sentence)? Dòng thơ có thể là một câu (a self-enclosed line), cũng có thể chỉ là một phần của câu (phrase), và phải cần nhiều dòng mới hợp thành câu? Khi dùng cách vắt dòng (enjambment) phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Cái phần mất đi ấy là phần gì, phải chăng là một phần đời sống, của quá khứ hay của tương lai, và như thế, hiện tại không lẽ chỉ là cái trống không? Nhưng cái trống không ấy lại chẳng trống không vì những chuyển động không ngừng của cái biết và chưa biết, đè lấp lên nhau. Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm và cú pháp (syntax), tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu (perception of rhythm) không nằm ở ngôn ngữ (chữ), mà ở nội dung ngôn ngữ (the content of the language). Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động của cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp. Nói như thế, chẳng khác nào chúng ta đi đến một kết luận, người làm thơ, trước khi làm thơ phải rất giỏi về văn xuôi. Chữ có thể chết đi, và khai sinh nhưng văn phạm và cú pháp thì không, giống như một dòng tâm tình, có tính phổ quát, chuyên chở chất sống của đời sống, dù rằng chúng ta có sống ở bất cứ thời nào và nơi chốn nào. Những nhà thơ Ngôn Ngữ Hoa Kỳ là những người được tinh luyện trong cú pháp, đã từng đẩy tới cùng cực, dùng cú pháp phá vỡ cú pháp, xóa bỏ ranh giới giữa thơ và văn xuôi.

    Thơ rơi vào sự tối tăm khó hiểu, nhiều khi chẳng phải vì tư tưởng cao siêu gì, mà vì sự lủng củng của cú pháp, cũng như nếu thiếu nhạc tính, thơ sẽ chỉ còn là một đống ý tưởng và ngữ nghĩa, làm thất vọng người đọc. Nhưng nhạc tính trong thơ không giống với nhạc tính trong âm nhạc. Bài thơ như một bức tranh nói. Chúng ta đọc một bài thơ, không giống như nghe một bản nhạc, bởi những âm thanh của tiếng nói bất qui luật (irregular), trong khi âm nhạc, nằm trong qui luật. Trong nhạc là một chuỗi âm thanh liên tục từ khởi đầu đến chấm dứt, trong khi thơ thì không. Ngôn ngữ sở hữu ngữ nghĩa, tạo thành những dòng chảy, cùng với cấu trúc cú pháp, lệ thuộc vào bản văn văn hóa và bản sắc cá nhân. Sự tác động hổ tương giữa hình ảnh và ngữ nghĩa tràn đầy và quyện lại, khác với những chuyển động không ngừng của âm thanh trong âm nhạc. Chúng ta đọc, dừng lại, rồi lại đọc, hình ảnh và ý tưởng dội ngược, chồng chất lên nhau; tiếp tục đọc, định hướng (thematic direction), kết hợp thêm hình ảnh và ý tưởng mới, dừng lại để nắm bắt những chuyển động; đọc lại để ghi nhớ, tiếp tục đọc và lập lại ngay tức khắc để kết hợp tất cả những khác biệt trong động tác đọc. Đọc, trừ ra trong một khoảng khắc tạm thời, thì không có đường nối. Chúng ta đẩy các chữ, và nhóm chữ (phrase) ra xa, rồi dàn dựng lại trên cái nền trí tưởng, trong cái cách mà tác giả cũng không thể nào tiên đoán trước, ngay cả khi tác giả và người đọc là một.

    Thơ Tân Hình Thức có một vài tên gọi khác, như Thơ Mở Rộng (Expansive Poetry), thơ Hậu Ngôn Ngữ (Postlanguage Poetry), và mỗi thuật ngữ, như một cánh cửa mở, nối (link) thơ với truyền thống và các bộ môn khác (âm nhạc, kịch, điện ảnh…). Thơ Tân Hình Thức cũng giống như Hyper Poetry, Hyper Text Poetry, là một ngã rẽ, phản ứng và kết hợp, thoát xác và hồi sinh, mục đích là tìm ra một nền thơ cho thời đại mới. Gọi là thơ Hậu Ngôn Ngữ là muốn thơ tiếp nhận những đóng góp lớn lao của phong trào thơ Ngôn Ngữ trước đó để làm nguồn sức mạnh. Gọi là thơ Mở Rộng là đưa thêm vào thơ cấu trúc truyện kể (narrative structure). Thơ không thể định nghĩa hay định nghĩa nằm trong tiến trình đi tìm định nghĩa, phá bỏ mọi giới hạn, dung chứa mọi thời kỳ và gấp lên nhiều lần, tránh đi những khúc mắc tu từ bằng cách đưa vào thi pháp đời thường. Một trong những luận cứ mạnh mẽ những nhà thơ Tân hình thức đưa ra, là trên hai thập niên qua, thơ tự do (free verse) đã trở thành nhàm chán, nhạt nhẽo, nghèo nhạc tính, không có gì nổi bật, làm mất nhiều độc giả, và cuối cùng thì thơ thu hẹp lại, không ra khỏi phạm vi những trường đại học. Chủ ý vẫn là tìm ra một nền tảng nhạc tính mới, như âm nhạc đã liên tục biến thể, để phù hợp với khung cảnh văn hóa, xã hội của thời đại. Bài thơ là tiếng nói của sự thực, như những câu truyện phải nghe hàng ngày và nhiều lần trong đời, và những chữ lập đi lập lại, chẳng đã lắng trong ta, âm thanh và ý nghĩa, mỗi lúc mỗi khác hay sao.

    Thơ đòi hỏi phải định nghĩa lại mọi thể loại, để không bao giờ dừng lại cái định nghĩa khởi đầu. Thơ Tân hình thức, dù sao cũng chỉ là một mặt tích cực trong nhiều mặt của thơ hậu hiện đại, một nền thơ luôn luôn bất định. Từng ngày qua, chúng ta tiếp nhận quá tải những thông tin, hình ảnh, và những mẫu truyện bằng mắt qua truyền hình, cắt chính chúng ta thành những phần mảnh, phần mảnh kinh nghiệm, ý nghĩa và cả phần mảnh văn hóa. Sự rời rạc là triệu chứng của thời hiện đại và hậu hiện đại khi đã phá vỡ tính truyện kể của truyền thống. Những cái gì lớn vẫn lớn đấy, nhưng cô đơn và vô tích sự, chỉ còn là một cách nói, nào có mang thêm thi vị và ý nghĩa cho đời sống. Và có lẽ thi pháp của thời hậu hiện đại là thứ thi pháp không thể biện giải (non-apologetics), vì nó luôn luôn biến đổi và nối kết phức tạp với nhiều loại thi pháp khác nhau. Vả chăng, thơ Tân Hình Thức có tạo ra được gì đâu (enjambment là kỹ thuật đã có từ lâu), chỉ tái sử dụng (recycle) những gì đã có sẵn, chẳng khác nào trò cắt dán, nhưng là trò cắt dán tinh vi và đầy nghệ thuật, cung cấp và làm phong phú thêm phương pháp thể hiện cho thơ. Dĩ nhiên, có những yếu tố, chúng ta có thể áp dụng vào thơ Việt, và có những yếu tố khác, chúng ta phải tái định nghĩa cho phù hợp với ngôn ngữ Việt.

    Nhìn lại mọi thời kỳ, từ truyền thống đến tự do và Tân hình thức, thơ như sợi chỉ xuyên suốt, luôn luôn đổi thay, phù hợp với nhịp đập của mỗi thời đại. Chúng ta vừa bước qua một ngưỡng cửa, bỏ lại đằng sau, những cuộc cách mạng nẩy lửa, những biên giới ngăn cách, những biến cố kinh hoàng để bước vào một kỷ nguyên đầy nhân bản, quay về với con người, với đám đông. Áp dụng ngôn ngữ tự nhiên của đời thường, tính truyện, quảng cáo, Pop Art… chẳng phải là chỉ tìm kiếm người đọc, lấy lại sức mạnh cho thơ giữa những ưu thế của TV và điện ảnh, mà cũng là phản ứng đối với một nền văn minh, đang chia cắt và đẩy con người tới bờ vực ảo. Mỗi yếu tố trong thơ, đều ngầm chứa một ý nghĩa. Mỗi đời sống cá nhân được kể như một câu truyện với khởi đầu và kết thúc, và không có ai là tác giả hay là chính câu truyện của đời họ. Chẳng phải những người kể truyện lang thang từ thời xa xưa, đã mang những hành động và nhân vật sống lại, và nếu không có họ thì mọi thứ đều vô nghĩa. Tính truyện làm chúng ta trở thành có thực, đối với người khác và đối với chính mình, cho chúng ta biết làm sao thích hợp và sống trong một thế giới, và nếu không có chúng ta, cái thế giới ấy chỉ là một hành tinh xa lạ. Nên nhớ rằng, hành động viết, là nhìn thấy những điều không thể nhìn thấy, đưa đôi mắt cho mỗi người để có thể nhìn thấy nhau, và cho thế giới biết về sự hiện hữu của con người.

    Bài thơ chỉ có chức năng như một dẫn chứng để làm nổi bật lên một vài yếu tố khả dĩ có thể áp dụng vào thơ Việt. Phương pháp hay những yếu tố thơ đều mang tính duy nhất, nhưng mỗi người áp dụng sẽ có những hiệu quả khác nhau. Chúng ta hãy cùng bước trên một con đường, dẫn dắt nhau, chẳng phải vì một cá nhân mình, mà cho sự hưng thịnh của thơ. Sự thất bại hay thành công không phải là điều quan trọng, mà là một dấu mốc cho những thế hệ mai sau, đỡ đi những vấp ngã. Nhìn lại trong suốt một chiều dài lịch sử văn học, từ thơ cổ điển, Tiền Chiến đến tự do đã có những tác phẩm định hình cho nền thơ Việt. Ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn phải trở lại những thời kỳ đó, để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm và làm khác đi, mở đầu cho một nền thơ tân kỳ. Chúng ta chỉ xứng đáng, và tiếp nối được với công sức lớn lao của những thế hệ trước, nếu tìm ra được phương cách biểu hiện, tạo thành một chuyển tiếp, và chứng tỏ, thơ Việt vẫn là một nền thơ tràn đầy sức sống. Lịch sử đã sang trang, và một thời kỳ mới cũng đã bắt đầu, có một ý nghĩa vô cùng chuẩn xác. Chuẩn xác vì ai cũng biết, chúng ta không thể sống với một tâm tư cũ, những thói quen cũ. Chào đón một thiên niên kỷ hay một tân thế kỷ không phải chỉ là một lời nói suông, mà mỗi chúng ta cần phải chấp nhận sự lột xác. Sự học hỏi chỉ có ích nếu giúp cho chính chúng ta và mọi người áp dụng vào được trong sự thực hành. Chúng ta cần nhiều người tham gia vào công cuộc chung, có như thế mới thay đổi được, và chính thức bước vào một thiên niên kỷ mới.

    Mùa Xuân 2000


    Tác phẩm xin đồng gửi về tapchitho2022@gmail.com | thotanhinhthuc@gmail.com | info@thotanhinhthucviet.vn | tốt nhất có thể đăng ký và đăng bài lên trang diễn đàn 


    Bài đọc tham khảo

    MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    CHÙM THƠ ĐẠT GIẢI THƠ TÂN HÌNH THỨC 2007

    SÁNG TÁC THEO CÁCH LÀM THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    ĐỌC – DIỄN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    ĐỌC THƠ DIỄN ĐÀN: Kỳ 1

    BƯỚC ĐI / VÀO THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    Thể lệ Cuộc thi thơ Tân hình thức

    và các bài tiểu luận sách báo khác – xin chân thành cảm ơn đóng góp của quý đọc giả./.

    QUI ĐỊNH GIẢI DIỄN ĐÀN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    QUI ĐỊNH
    GIẢI DIỄN ĐÀN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    www.thotanhinhthucviet.vn


    Giải Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt được trao tặng cho những bài thơ do các thành viên tham gia sáng tác trong mục “Thơ Sáng Tác”. Những sáng tác của những thành trong Ban quản trị và Ban biên tập không được xét để trao giải thưởng.

    Giống như những giải thơ trước kia, giải thơ không thể chỉ là 1 bài thơ, mà là một tập thơ (trong giải Diễn đàn hạn chế lại chỉ còn 1 chùm thơ, từ 5 tới 10 bài trở lên). Không có giải thơ nào trao cho 1 bài thơ, vì như thế sẽ không đúng tiêu chuẩn của giải thơ.

    Ban biên tập chọn những bài thơ hay trong tuần đưa vào hồ sơ thơ của từng tác giả, trong “Thơ do ban biên tập chọn” (có tuần không có).

    Đến cuối năm, sẽ chọn một chùm thơ của một tác giả để trao giải. Thời hạn từ 1 tháng 1 tới 31 tháng 12 trong năm. Giải thưởng sẽ được công bố vào tháng 1 năm tới.

    Những thành viên có thể tham gia vào trong việc tuyển chọn bằng cách vào đọc những hồ sơ thơ của những tác giả và đóng góp ý kiến của mình (comments). Ban Biên Tập sau khi quyết định tác giả trúng giải, sẽ đề cử một thành viên trong Ban Biên tập phát biểu quan điểm.

    Thơ Tân hình thức có những tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, đó là những bài thơ có nhịp điệu (rhythm) độc đáo và lôi cuốn, cùng những ý tửơng trẻ trung, mới lạ, thể hiện đựơc những sinh động trong đời sống chung quanh. Vì thế, giải Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt xét duyệt, dựa trên căn bản giá trị và luật tắc của dòng thơ này: Ý tưởng có thể làm cái tầm thường trở thành mê hoặc (Guillaume Apolinaire). Và kỹ thuật lập lại phải có tác dụng làm thành nhịp điệu thơ.

    Những tác giả đã từng nhận giải thơ Tân hình thức: Nguyễn Tất Độ (2007), Biển Bắc (2007), Giảng Anh Iên (2008). Nếu tính thêm giải do Tạp chí Sông Hương trao cho nhà thơ Hường Thanh, thì cho tới nay đã có 4 nhà thơ có những chùm thơ nhận được giải thơ này.

    Giải thơ được trao với hiện kim 5 triệu tiền Việt Nam cho một giải duy nhất.

    Giải thơ dự trù hàng năm, nhưng chỉ có thể bắt đầu khi Ban Điều Hành và Ban Biên Tập nhận thấy có nhiều thành viên tham gia sáng tác và chất lượng thơ đủ để xét trao giải. Quyết định trao giải sẽ được thông báo trong mục “Giải thưởng thơ”.

    Thơ Tân hình thức Việt là một dòng thơ mới, vì vậy, để giúp cho các thành viên thuận lợi hơn trong việc sáng tác, đây là một vài góp ý:

    “Trước khi sáng tác, phải chọn chủ để bài thơ, sau đó qua chủ đề (theme) chúng ta chọn giọng thơ (tone) cho phù hợp với chủ đề. Giọng bài thơ là cảm xúc biểu lộ của tác giả qua chủ đề bài thơ, còn tâm trạng (mood) là cảm xúc người đọc tiếp nhận qua giọng của bài thơ.

    Ý tưởng đưa tới phương cách tìm kiếm chủ đề sáng tác Nhịp điệu đưa tới cách làm thơ.

    Tìm kiếm chủ đề: Thơ Tân hình thức Việt đi vào đời sống, vì vậy cách tìm chủ đề sáng tác dựa vào mọi nguồn kiến thức. Với phương tiện google, nhà thơ dùng những chữ, nhóm chữ, mệnh đềcâu, liên hệ tới chủ đề và tình tiết bài thơ, để tìm kiếm những tài liệu nghiên cứu, những câu truyện có thực trong đời sống, qua những bản tin, phóng sự, video trên internet.

    Cách làm thơ: “Thơ tự do viết và sửa đi sửa lại trên trang giấy (đa số những nhà thơ tự do nổi tiếng, đều sửa lại thơ họ). Còn thơ Tân hình thức, người làm thơ đọc thầm trong đầu, phối hợp những âm thanh bằng trắc và những chữ lập lại trong bài thơ, để tạo thành nhịp điệu.” Vì vậy, phải theo đúng cách sáng tác thơ Tân hình thức, tuyệt đối không viết một đọan văn xuôi trên giấy, đếm chữ xuống dòng, mà chỉ ghi lại khi bài thơ đã xong (để hiệu đính và tiếp tục hoàn chỉnh), hoặc ghi xuống từng câu để khỏi quên, trước khi tiếp tục những câu thơ khác. Vì tiến trình làm thơ Tân hình thức là đọc thầm trong đầu, chứ không phải dựa vào cây viết và tờ  giấy. Hơn nữa, kỹ thuật lập lại của thơ Tân hình thức Việt phải nương theo giọng bài thơ, mới tạo ra được nhịp điệu tự nhiên (hay giọng điệu), và mỗi bài thơ có những giọng điệu khác nhau. Có như thế, chúng ta mới nối kết những câu thơ với nhau bằng hơi thơ, nhịp điệu mới gắn bó tự nhiên với ý tưởng.


    Tác phẩm xin đồng gửi về tapchitho2022@gmail.com | thotanhinhthuc@gmail.com | info@thotanhinhthucviet.vn | tốt nhất có thể đăng ký và đăng bài lên trang diễn đàn 


    Bài đọc tham khảo

    MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    CHÙM THƠ ĐẠT GIẢI THƠ TÂN HÌNH THỨC 2007

    SÁNG TÁC THEO CÁCH LÀM THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    ĐỌC – DIỄN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    ĐỌC THƠ DIỄN ĐÀN: Kỳ 1

    BƯỚC ĐI / VÀO THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    Thể lệ Cuộc thi thơ Tân hình thức

    và các bài tiểu luận sách báo khác – xin chân thành cảm ơn đóng góp của quý đọc giả./.

    Rabindranath Tagore – Tác giả yêu thích của tôi

    Remembering Rabindranath Tagore and His Wise Words

    Rabindranath Tagore – My Favourite Author

    The first time I had sung the National Anthem composed by Rabindranath Tagore, the rhythm and the tune touched my heart and magnified the love for Bangladesh. I started reading his short stories and poems, which he created for children gave me real pleasure. His power of simplification and showing the beauty of truth within little things for extensive exemplification for which my inquisitiveness feelings make him my favorite author. The Tagore’s were of a cultured and wealthy family. Rabindranath Tagore was born in 7th May 1861 and died in 7th August 1941. His father, Devendranath, was one of the leaders of the Brahma Samaj. The poet’s early life was spent in an atmosphere of religion and arts, literature, music and paintings. As an author, the trend of his life was early contemplated. He was brought up and taught on three languages- Sanskrit, Bengali and English.

    Tagore’s literary life outspread over sixty years, and he reminds one of Victor Hugo in the copiousness and variety of his work: over one thousand poems; nearly two dozen plays and play-lets; eight novels; eight or more volumes of short stories; more than two thousands songs, of which he wrote both the words and the music; and a mass of prose on literary, social, religious, political, and other topics. In addition to his English translations of some of his literary works; his paintings; his travels and lecture-tours in Asia, America, and Europe; and his activities as an educationist, as a social and religious reformer, and as a politician- and there we have, judged by quantity alone, the life work of a Nipple. Suffice it to say that his genius was no more than the capacity for taking infinite pains; but to note the element of steel and concrete that went to his making, and thus to dispose of the legend, that has grown in some quarters in recent years, of Tagore the pale-lily poet of ladies’ table.

    In 1901 he founded his school, the Santiniketan, at Bolpur as a protest against the existing evil system of education. The school was a great success and transfigured Viswabharati. On revisiting England in 1911 he brought with him the English Gitanjali, and it’s publication in 1912 and the award of the Nobel Prize for literature the following year made him world-famous. This was the first award of that prize to an Asiatic. The rest of Tagore’s life was spent at Santiniketan, except for several travels and lecture-tours in which he carried his message of human unity to all the important countries of Asia, America and Europe.

    Tagore was a proud and ardent patriot. His most intense period of political activity was in the years following 1905, when the agitation against the partition of Bengal was at its highest speed. He renounced his knighthood in 1919 as protest against the Amritsar affair in a letter to the Viceroy, which is among the great documents of freedom. His patriotic poems and songs, particularly the latter, have passed into the common heritage of his country; the song “Bharata-bhagya-vidata” is now sung all over India and “Amar sonar Bangla” in Bangladesh as the national anthem. In this respect I would like to discuss a few of his books which have stirred my heart towards having an unbounded pleasure of spiritual as well as real cultural life.

    HOIMONTI

    It is a remarkable short story where Tagore has tried to reflect a contrast between the two families comprising of conservatism and modernism. Hoimonti was educated in modern system of education where her father had influenced her by proper knowledge, culture, heritage and means to retaliate the real life situation. But as ill luck would have it, she was married with Opu, a son of conservative family. This family believed in superstitions and social customs. Opu’s father and mother had prejudice, which would influence Hoimonti tremendously. In the last Hoimonti was faded and her father-in-law was looking for another bride for his son.

    BOLAI

    This story is about a boy who doesn’t have a mother and was brought up by his aunt. He developed the character, which is different from his age group. He has an uncommon fondness towards the plants and trees. Bolai would not tolerate if anybody would weed out any plants and trees. He thought that every plant has a unique life, which is unknown to everybody. He showed all his love and sympathy even for the tree which grew in an unsuitable place. In the last his most favourite tree was cut down when his father took to Shimla for higher studies. Bolai’s aunt was shocked at the demolition of the tree, which she thought was the personification of Bolai.

    SHESHER KABITA

    It is a famous novel created by Tagore. The actress of the story is Labonno and the actor is Amit. The contrast and love affairs of them have been reflected in a significant manner. The book has the greatest literary value in the world. The real love an affair with high world literature has been vividly reflected here where the two craving personalities are eagerest to know each other. They were devoid of greed, jealousy, allusion and bad temperament and they know how to tackle the social confliction and criticism of social critics.

    KABULIWALA

    The main characters of this story are a girl named Mini and Rahmat the Kabuliwala. Kabuliwala is from Afghanistan; he sells things from door to door. Once she was introduced to Mini, the talkative girl who was five years old. The man has left his daughter who is of Mini’s age back home. Mini and Kabuliwala developed a very good friendship. Kabuliwala used to bring dry fruits for Mini as present and showed the patience of listening to Mini. They used to tease each other about “going to in-laws house”. For some reason the man has to go to prison for eight years. After coming from jail he wanted to meet Mini. But, at that time Mini’s marriage ceremony was going on. In the past eight years she has forgotten her friend Kabuliwala. She was not friendly like her childhood and was feeling shy seeing him. Kabuliwala could feel the distance the time has passed between them and his daughter.

    POSTMASTER

    It is a short story by Rabindranath regarding a postmaster. The postmaster was transferred to a village post office of India. Here he met a girl named Ratan with whom he would always continue conversation hours after hours. One day the postmaster fell ill, Ratan has looked after him and in this way a close relationship was developed between them. When the postmaster was transferred to the town again the girl became shocked and she asked him to take her with him but the postmaster was not in a position to take her. Rattan lived with the sheer pain of the lovely memory; she had spent with the postmaster.

    I like Rabindranath’s book because I come to learn many things about the land, people and nature. We learn the problems, religion, culture and heritage of Bengali life. His books sometimes really create thrill, intuition and excitement for the readers by reflecting the social conflicts and contrast between conservative and modern educated people. Furthermore, his poetry ingrained in common life has been vividly contemplated in a significant manner, which stir my heart to a great extent.


    Lần đầu tiên tôi hát Quốc ca do Rabindranath Tagore sáng tác, nhịp điệu và giai điệu đã chạm đến trái tim tôi và làm tăng thêm tình yêu dành cho Bangladesh. Tôi bắt đầu đọc những truyện ngắn và thơ của ông, những tác phẩm mà ông sáng tác cho trẻ em, khiến tôi thực sự thích thú. Sức mạnh giản lược và thể hiện vẻ đẹp của sự thật trong những điều nhỏ nhặt để minh họa sâu sắc, khiến cảm xúc tò mò của tôi khiến ông trở thành tác giả yêu thích của tôi. Gia đình Tagore xuất thân từ một gia đình có học thức và giàu có. Rabindranath Tagore sinh ngày 7 tháng 5 năm 1861 và mất ngày 7 tháng 8 năm 1941. Cha của ông, Devendranath, là một trong những nhà lãnh đạo của Brahma Samaj. Cuộc sống thời thơ ấu của nhà thơ đã trải qua trong bầu không khí tôn giáo và nghệ thuật, văn học, âm nhạc và hội họa. Là một tác giả, xu hướng cuộc sống của ông đã được suy ngẫm từ sớm. Ông được nuôi dưỡng và dạy bằng ba ngôn ngữ – tiếng Phạn, tiếng Bengal và tiếng Anh.

    Cuộc đời văn chương của Tagore trải dài hơn sáu mươi năm, và ông gợi nhớ đến Victor Hugo trong sự phong phú và đa dạng của tác phẩm: hơn một nghìn bài thơ; gần hai chục vở kịch và vở kịch nhỏ; tám tiểu thuyết; tám tập truyện ngắn trở lên; hơn hai nghìn bài hát, trong đó ông viết cả lời và nhạc; và một khối lượng lớn văn xuôi về các chủ đề văn học, xã hội, tôn giáo, chính trị và các chủ đề khác. Ngoài các bản dịch tiếng Anh của ông về một số tác phẩm văn học; các bức tranh của ông; các chuyến đi và chuyến thuyết trình của ông ở Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu; và các hoạt động của ông với tư cách là một nhà giáo dục, một nhà cải cách xã hội và tôn giáo, và một chính trị gia – và ở đó, chỉ xét về số lượng, chúng ta có tác phẩm cuộc đời của một Núm vú. Chỉ cần nói rằng thiên tài của ông không gì hơn là khả năng chịu đựng vô hạn công sức; nhưng hãy lưu ý đến yếu tố thép và bê tông đã tạo nên ông, và do đó loại bỏ huyền thoại, đã phát triển ở một số nơi trong những năm gần đây, về Tagore, nhà thơ hoa huệ nhạt của bàn tiệc của các quý cô.

    Năm 1901, ông thành lập trường Santiniketan tại Bolpur để phản đối hệ thống giáo dục tà ác hiện hành. Ngôi trường này đã thành công rực rỡ và làm thay đổi Viswabharati. Khi trở lại Anh vào năm 1911, ông mang theo cuốn Gitanjali của Anh, và việc xuất bản cuốn sách này vào năm 1912 cùng giải thưởng Nobel văn học vào năm sau đã khiến ông trở nên nổi tiếng thế giới. Đây là giải thưởng đầu tiên của giải thưởng này dành cho một người châu Á. Phần đời còn lại của Tagore diễn ra tại Santiniketan, ngoại trừ một số chuyến đi và chuyến thuyết trình mà ông đã mang thông điệp về sự thống nhất của con người đến tất cả các quốc gia quan trọng ở châu Á, châu Mỹ và châu Âu.

    Tagore là một người yêu nước tự hào và nhiệt thành. Giai đoạn hoạt động chính trị mãnh liệt nhất của ông là những năm sau năm 1905, khi phong trào phản đối việc phân chia Bengal đang ở đỉnh cao. Ông đã từ bỏ tước hiệp sĩ của mình vào năm 1919 để phản đối vụ việc Amritsar trong một lá thư gửi cho Phó vương, đây là một trong những văn kiện vĩ đại về tự do. Những bài thơ và bài hát yêu nước của ông, đặc biệt là bài hát sau, đã đi vào di sản chung của đất nước ông; bài hát “Bharata-bhagya-vidata” hiện được hát trên khắp Ấn Độ và “Amar sonar Bangla” ở Bangladesh như quốc ca. Về vấn đề này, tôi muốn thảo luận về một số cuốn sách của ông đã khơi dậy trong tôi niềm vui vô bờ bến về cuộc sống tinh thần cũng như văn hóa thực sự.

    HOIMONTI

    Đây là một truyện ngắn đáng chú ý, trong đó Tagore đã cố gắng phản ánh sự tương phản giữa hai gia đình gồm chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa hiện đại. Hoimonti được giáo dục trong hệ thống giáo dục hiện đại, nơi cha cô đã ảnh hưởng đến cô bằng kiến ​​thức, văn hóa, di sản và phương tiện phù hợp để trả đũa tình hình thực tế. Nhưng thật không may, cô đã kết hôn với Opu, một người con trai của một gia đình bảo thủ. Gia đình này tin vào mê tín và phong tục xã hội. Cha và mẹ của Opu có định kiến, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến Hoimonti. Cuối cùng, Hoimonti đã suy yếu và cha chồng cô đang tìm một cô dâu khác cho con trai mình.

    BOLAI

    Câu chuyện này kể về một cậu bé không có mẹ và được dì nuôi dưỡng. Cậu đã phát triển tính cách, khác với nhóm tuổi của mình. Cậu có một tình yêu đặc biệt đối với cây cối. Bolai sẽ không chấp nhận nếu ai đó nhổ bỏ bất kỳ cây cối nào. Cậu nghĩ rằng mỗi loài cây đều có một cuộc sống độc đáo mà không ai biết đến. Cậu đã thể hiện tất cả tình yêu và sự đồng cảm của mình ngay cả với cây mọc ở một nơi không phù hợp. Trong lần cuối cùng, cây mà cậu yêu thích nhất đã bị chặt hạ khi cha cậu đến Shimla để học lên cao hơn. Dì của Bolai đã bị sốc khi cây bị phá hủy, bà nghĩ rằng đó là hiện thân của Bolai.

    SHESHER KABITA

    Đây là một tiểu thuyết nổi tiếng do Tagore sáng tác. Nữ diễn viên trong truyện là Labonno và nam diễn viên là Amit. Sự tương phản và chuyện tình của họ đã được phản ánh theo một cách đáng kể. Cuốn sách có giá trị văn học lớn nhất trên thế giới. Tình yêu thực sự và chuyện tình với nền văn học thế giới cao cấp đã được phản ánh sống động ở đây, nơi hai tính cách khao khát muốn biết nhau nhất. Họ không tham lam, ghen tuông, ám chỉ và tính khí xấu và họ biết cách giải quyết xung đột xã hội và chỉ trích của những người chỉ trích xã hội.

    KABULIWALA

    Nhân vật chính của câu chuyện này là một cô gái tên là Mini và Rahmat, người Kabuliwala. Kabuliwala đến từ Afghanistan; anh ta bán đồ từ nhà này sang nhà khác. Một lần, cô được giới thiệu với Mini, một cô bé hay nói, năm tuổi. Người đàn ông đã để lại đứa con gái bằng tuổi Mini ở nhà. Mini và Kabuliwala đã phát triển một tình bạn rất tốt. Kabuliwala thường mang trái cây khô làm quà tặng cho Mini và tỏ ra kiên nhẫn lắng nghe Mini. Họ từng trêu nhau về chuyện “về nhà bố mẹ vợ”. Vì một lý do nào đó, người đàn ông phải vào tù tám năm. Sau khi ra tù, anh muốn gặp Mini. Nhưng lúc đó, lễ cưới của Mini đang diễn ra. Trong tám năm qua, cô đã quên mất người bạn Kabuliwala của mình. Cô không thân thiện như hồi nhỏ và cảm thấy ngại ngùng khi gặp anh. Kabuliwala có thể cảm nhận được khoảng cách thời gian đã trôi qua giữa họ và con gái mình.

    THƯ KÝ BƯU ĐIỆN

    Đây là một truyện ngắn của Rabindranath kể về một người quản lý bưu điện. Người quản lý bưu điện được chuyển đến một bưu điện làng ở Ấn Độ. Tại đây, anh gặp một cô gái tên là Ratan, người mà anh luôn trò chuyện hàng giờ liền. Một ngày nọ, người quản lý bưu điện bị ốm, Ratan đã chăm sóc anh và theo cách này, mối quan hệ thân thiết đã phát triển giữa họ. Khi người quản lý bưu điện được chuyển đến thị trấn một lần nữa, cô gái đã rất sốc và cô đã yêu cầu anh đưa cô đi cùng nhưng người quản lý bưu điện không thể đưa cô đi. Rattan sống trong nỗi đau tột cùng của ký ức đẹp đẽ đó; cô đã dành thời gian bên người quản lý bưu điện.

    Tôi thích cuốn sách của Rabindranath vì tôi học được nhiều điều về đất đai, con người và thiên nhiên. Chúng ta học về các vấn đề, tôn giáo, văn hóa và di sản của cuộc sống Bengal. Đôi khi, những cuốn sách của ông thực sự tạo ra sự hồi hộp, trực giác và sự phấn khích cho người đọc bằng cách phản ánh những xung đột xã hội và sự tương phản giữa những người bảo thủ và những người có học thức hiện đại. Hơn nữa, thơ của ông thấm nhuần vào cuộc sống thường nhật đã được chiêm nghiệm một cách sống động theo một cách có ý nghĩa, điều này làm rung động trái tim tôi rất nhiều.


    Source by Kh. Atiar Rahman


    Rabindranath Tagore – Nhà thơ của tình yêu và lòng nhân ái

    Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, ông còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú…

    Sinh thời, cuối tập thơ “Người làm vườn” nhà thơ Tagore đã viết: “Hãy mở cửa và hãy nhìn ra ngoài/Bạn đọc ơi,/Bạn là ai,/mà sẽ đọc thơ tôi/một trăm năm sau nữa?” Nhưng không chỉ một trăm năm mà hàng trăm, thậm chí có thể cả nghìn năm nữa người ta sẽ còn đọc thơ ông.

    Nhà thơ yêu con người

    Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, ông còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú.

    Rabindranath Tagore sinh ngày 7.5.1861 tại Kolkata, Ấn Độ. Ông được cả thế giới tôn vinh là một trong số ít nhân tài toàn diện của thế giới. Ông là nhà viết kịch, nhà thơ, nhạc sỹ, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục, triết gia và nhà nhân văn học. Ông sáng tác vở kịch opera đầu tiên – Valmiki Pratibha – khi mới 20 tuổi. Ông sáng tác hơn 2.000 bài hát và sáng tạo nên Rabindra – sangeet – một thể loại âm nhạc Bengal quan trọng mang tên ông. Truyện ngắn và tiểu thuyết của ông giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Bengal. Và có lẽ ông là nhà thơ duy nhất trên thế giới đã sáng tác quốc ca cho cả hai nước: bài Amar Shonar Bangla cho Bangladesh và Jana Gana Mana cho Ấn Độ.

    Tuy nhiên, đóng góp xuất sắc nhất của Tagore vào sự phát triển của văn học Ấn Độ và thế giới là lĩnh vực thơ ca. Ông đã làm hơn 1.000 bài với 50 tập thơ, trong đó tập thơ “Lời dâng” (Gitanjali), một tuyển tập gồm những bài thơ về triết lý tôn giáo, được trao giải Nobel Văn học năm 1913. Với tập thơ này, ông được xem là một phát hiện của thơ ca thế kỷ, “một biểu tượng vĩ đại phối hợp trong mình hai nguồn tinh túy Á – Âu”, là “kỳ công thứ hai của tạo hóa sau Kalidasa” – nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ thứ V, trong văn học Ấn Độ.

    Đối với nhiều nhà thơ Anh lúc bấy giờ, khi đọc tập thơ “Lời dâng” của Tagore, họ vô cùng kinh ngạc. Trong tập thơ, Tagore ca ngợi chúa trời nhưng đấy là chúa đời, chúa của con người, chúa của cái đẹp, chúa nằm trong từng con người bình thường. Tập thơ được đánh giá rất cao và chính các nhà thơ Anh nói rằng, hàng nghìn năm mới sinh ra một con người như vậy.

    Ngoài tập thơ “Lời dâng”, Tagore còn có rất nhiều tập thơ khác có giá trị như tập thơ trữ tình “Balaca” (năm 1915), “Mùa hái quả” (năm 1915), “Thơ ngắn” (năm 1922), “Mơhua” (năm 1928) và “Ngày sinh” (năm 1941)…

    Tagore đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thanh sảng, thiêng liêng mà gần gũi, thân tình; biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn thi sĩ trước đất nước, quê hương, thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình yêu bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết. Mặt khác, thơ Tagore cũng chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu. Chất trữ tình – triết lí hòa quyện khó mà phân cắt trong một bài thơ của Tagore.

    Điểm nổi bật thấm đẫm chất văn trong tư tưởng của Tagore chính là thái độ đề cao con người, phủ nhận thần thánh. Triết học của Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người.

    Tagore phản ánh cuộc sống khốn cùng của những người dân nô lệ với niềm cảm thông sâu sắc, đồng thời lên tiếng đấu tranh đòi tự do và cuộc sống hạnh phúc cho con người: “Hỡi các dân tộc trẻ/Hãy tuyên chiến vì tự do”.

    Tagore đã từng nói, trong cuộc đời ông có 3 thứ phải theo: “Thứ nhất, tôi là người Ấn Độ, tôi theo sự thật; cái gì là sự thật, là chân lý đấy là ông chủ của tôi. Thứ hai, tôi là nhà thơ thì phải yêu cái đẹp; người phụ nữ Ấn Độ, phong cảnh Ấn Độ, tâm hồn người Ấn Độ quá đẹp nên không thể không yêu. Thứ ba, là cái thiện, nếu thiếu cái thiện, ta không phải là con người”.

    Có thể nói, với Tagore, vườn đời thật tươi đẹp, được sống trên đời thực sự là niềm vui khi ở đó chứa chan tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

    Nhà thơ tình

    Tagore còn được nhắc đến như một nhà thơ tình nổi tiếng thế giới. Nhiều tập thơ của ông xoay quanh đề tài tình yêu: “Người làm vườn” (năm 1914), “Tặng phẩm của người yêu” (năm 1918).

    Thơ số 28 được in trong tập “Người làm vườn”, là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Bài thơ khẳng định: tình yêu là sự đồng điệu, hòa hợp, dâng hiến tâm hồn, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng trái tim con người, thế giới tâm hồn con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao.

    Vậy tại sao người ta lại ca ngợi thơ tình Tagore? Có thể lý giải được ba điều. Điều thứ nhất, ông nói được điều cốt tử nhất – vừa vui lại vừa buồn – có nghĩa là hai người tình nhân dù yêu nhau đến mấy cũng không bao giờ hiểu nhau cả. Thứ hai là, thơ của Tagore rất đề cao người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ bao giờ cũng tượng trưng cho sự hy sinh, cho sự đẹp đẽ, thầm lặng. Thứ ba là, thơ Tagore vừa ảo, vừa thực. Trong ca ngợi tình yêu ông đã vũ trụ hóa toàn bộ thơ tình của mình. Vì thế khi so sánh người yêu thì ông so sánh “mắt em như sao buổi sớm”, hay “trái tim em ôm tới cả đất trời”.

    Tagore qua đời tại Calcutta vào đúng năm ông tròn 80 tuổi, để lại cho nhân loại một di sản đồ sộ gồm trên một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận cùng hàng ngàn bức vẽ và bài hát…

    Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân loại, là gạch nối giữa truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại phương Tây. Sáng tác và hoạt động của Tagore có tác dụng rất lớn đến sự nghiệp giải phóng dân tộc Ấn. Lãnh tụ phong trào giải phóng Ấn Độ Mahatma Gandhi đã gọi ông vừa là “người thầy học vĩ đại”, vừa là “người lính gác vĩ đại” của Ấn Độ.

    DIỆP NINH


    QUI ĐỊNH
    GIẢI DIỄN ĐÀN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    www.thotanhinhthucviet.vn


    Giải Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt được trao tặng cho những bài thơ do các thành viên tham gia sáng tác trong mục “Thơ Sáng Tác”. Những sáng tác của những thành trong Ban quản trị và Ban biên tập không được xét để trao giải thưởng.

    Giống như những giải thơ trước kia, giải thơ không thể chỉ là 1 bài thơ, mà là một tập thơ (trong giải Diễn đàn hạn chế lại chỉ còn 1 chùm thơ, từ 5 tới 10 bài trở lên). Không có giải thơ nào trao cho 1 bài thơ, vì như thế sẽ không đúng tiêu chuẩn của giải thơ.

    Ban biên tập chọn những bài thơ hay trong tuần đưa vào hồ sơ thơ của từng tác giả, trong “Thơ do ban biên tập chọn” (có tuần không có).

    Đến cuối năm, sẽ chọn một chùm thơ của một tác giả để trao giải. Thời hạn từ 1 tháng 1 tới 31 tháng 12 trong năm. Giải thưởng sẽ được công bố vào tháng 1 năm tới.

    Những thành viên có thể tham gia vào trong việc tuyển chọn bằng cách vào đọc những hồ sơ thơ của những tác giả và đóng góp ý kiến của mình (comments). Ban Biên Tập sau khi quyết định tác giả trúng giải, sẽ đề cử một thành viên trong Ban Biên tập phát biểu quan điểm.

    Thơ Tân hình thức có những tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, đó là những bài thơ có nhịp điệu (rhythm) độc đáo và lôi cuốn, cùng những ý tửơng trẻ trung, mới lạ, thể hiện đựơc những sinh động trong đời sống chung quanh. Vì thế, giải Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt xét duyệt, dựa trên căn bản giá trị và luật tắc của dòng thơ này: Ý tưởng có thể làm cái tầm thường trở thành mê hoặc (Guillaume Apolinaire). Và kỹ thuật lập lại phải có tác dụng làm thành nhịp điệu thơ.

    Những tác giả đã từng nhận giải thơ Tân hình thức: Nguyễn Tất Độ (2007), Biển Bắc (2007), Giảng Anh Iên (2008). Nếu tính thêm giải do Tạp chí Sông Hương trao cho nhà thơ Hường Thanh, thì cho tới nay đã có 4 nhà thơ có những chùm thơ nhận được giải thơ này.

    Giải thơ được trao với hiện kim 5 triệu tiền Việt Nam cho một giải duy nhất.

    Giải thơ dự trù hàng năm, nhưng chỉ có thể bắt đầu khi Ban Điều Hành và Ban Biên Tập nhận thấy có nhiều thành viên tham gia sáng tác và chất lượng thơ đủ để xét trao giải. Quyết định trao giải sẽ được thông báo trong mục “Giải thưởng thơ”.

    Thơ Tân hình thức Việt là một dòng thơ mới, vì vậy, để giúp cho các thành viên thuận lợi hơn trong việc sáng tác, đây là một vài góp ý:

    “Trước khi sáng tác, phải chọn chủ để bài thơ, sau đó qua chủ đề (theme) chúng ta chọn giọng thơ (tone) cho phù hợp với chủ đề. Giọng bài thơ là cảm xúc biểu lộ của tác giả qua chủ đề bài thơ, còn tâm trạng (mood) là cảm xúc người đọc tiếp nhận qua giọng của bài thơ.

    Ý tưởng đưa tới phương cách tìm kiếm chủ đề sáng tác Nhịp điệu đưa tới cách làm thơ.

    Tìm kiếm chủ đề: Thơ Tân hình thức Việt đi vào đời sống, vì vậy cách tìm chủ đề sáng tác dựa vào mọi nguồn kiến thức. Với phương tiện google, nhà thơ dùng những chữ, nhóm chữ, mệnh đềcâu, liên hệ tới chủ đề và tình tiết bài thơ, để tìm kiếm những tài liệu nghiên cứu, những câu truyện có thực trong đời sống, qua những bản tin, phóng sự, video trên internet.

    Cách làm thơ: “Thơ tự do viết và sửa đi sửa lại trên trang giấy (đa số những nhà thơ tự do nổi tiếng, đều sửa lại thơ họ). Còn thơ Tân hình thức, người làm thơ đọc thầm trong đầu, phối hợp những âm thanh bằng trắc và những chữ lập lại trong bài thơ, để tạo thành nhịp điệu.” Vì vậy, phải theo đúng cách sáng tác thơ Tân hình thức, tuyệt đối không viết một đọan văn xuôi trên giấy, đếm chữ xuống dòng, mà chỉ ghi lại khi bài thơ đã xong (để hiệu đính và tiếp tục hoàn chỉnh), hoặc ghi xuống từng câu để khỏi quên, trước khi tiếp tục những câu thơ khác. Vì tiến trình làm thơ Tân hình thức là đọc thầm trong đầu, chứ không phải dựa vào cây viết và tờ  giấy. Hơn nữa, kỹ thuật lập lại của thơ Tân hình thức Việt phải nương theo giọng bài thơ, mới tạo ra được nhịp điệu tự nhiên (hay giọng điệu), và mỗi bài thơ có những giọng điệu khác nhau. Có như thế, chúng ta mới nối kết những câu thơ với nhau bằng hơi thơ, nhịp điệu mới gắn bó tự nhiên với ý tưởng.


    Tác phẩm xin đồng gửi về tapchitho2022@gmail.com | thotanhinhthuc@gmail.com | info@thotanhinhthucviet.vn | tốt nhất có thể đăng ký và đăng bài lên trang diễn đàn 


    Bài đọc tham khảo

    MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    CHÙM THƠ ĐẠT GIẢI THƠ TÂN HÌNH THỨC 2007

    SÁNG TÁC THEO CÁCH LÀM THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    ĐỌC – DIỄN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    ĐỌC THƠ DIỄN ĐÀN: Kỳ 1

    BƯỚC ĐI / VÀO THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

    Thể lệ Cuộc thi thơ Tân hình thức

    và các bài tiểu luận sách báo khác – xin chân thành cảm ơn đóng góp của quý đọc giả./.

    BÙI CHÁT : THƠ VÀ HỌA

    Nguyễn Lương Ba

    BÙI CHÁT : THƠ

    Trong một bài diễn thuyết nhan đề là :”Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật” đọc ở Francfort tháng chạp 1936. Heidegger đặt vấn đề tại sao có nghệ thuật, hoặc rõ rệt hơn tại sao có tác phẩm nghệ thuật , vì hỏi tại sao có nghệ thuật người ta có thể hiểu như là tra hỏi về một cái gì có thể có như một lý tưởng, không phải là thực tại đang có. Vì thế phải hỏi: tại sao thực sự chúng ta có những tác phẩm nghệ thuật . Có phải vì có nghệ sĩ mà có tác phẩm, cũng như vì có thợ đóng giày mà có giày dép không, hay là vì chúng ta cần có giày dép như một nhu cầu mà có giày, và do đó có thợ đóng giày, cũng như vì chúng ta cần nghệ thuật như một nhu cầu mà có tác phẩm nghệ thuật và có nghệ sĩ.
     
     
    Như vậy nghệ thuật là một đòi hỏi căn bản của con người , nó biểu lộ một dự phóng ở đời của con người và dự phóng đó thường dựa trên một nền tảng tổng hợp cấu tạo nên cuộc đời của một cộng đồng tập thể. Ví dụ đây là một ngôi chùa .Trước hết ngôi chùa tượng trưng cho một niềm tin tôn giáo của con người, nó gắn liền mọi khía cạnh liên đới giữa con người với con người ,chia sẽ quan niệm về thờ cúng, sự sống, sự chết cũng như bày tỏ niềm hân hoan, an lạc hạnh phúc có được trong cuộc đời này Nhưng cuộc đời đó chỉ có thể bày tỏ trên một nền tảng hài hòa của thiên nhiên như ngôi chùa đã nói phải được dựng xây trong một bối cảnh đất trời nào đó nào là dòng sông uốn quanh phía trước đến cổng tam quan dẫn vào một khoảnh đất trống lát đá sỏi, hai bên là những hàng cây phủ rạp bóng mát. Phía bên trái là cái tháp chuông Đại Hồng Chung được đúc từ thời vua Thiệu Trị, phía bên mặt là một tấm bia cao cả một mét viết bằng chữ Hán ghi lịch sử của ngôi chùa, ghi nhớ công đức của các vị đã sáng lập nên ngôi chùa. Kế đến là những bức tượng của các vị thần La Hán , các bức tượng Phật hai bên dẫn vào Chánh Điện . bên trong có những bức tranh vẽ Đức Phật từ lúc đi tu cho đến khi nhập Niết Ban.. Nói cách khác tất cả những rung động của ta về những hình ảnh, những xúc cảm về ngôi chùa đều được xây dựng trên một nền tảng nguyên ủy mà Heldegger gọi là Trái Đất (die Erde ). Khi xây dựng tác phẩm, người nghệ sĩ chỉ là bày tỏ, thể hiện những khuôn mặt của trái đất.
     
     
    Với những đặc tính như là cổng tam quan, các bức tượng La Hán, các tượng Phật và những bức họa bên trong ngôi chùa…đều là những yếu tố cấu tạo nên tác phẩm cũng là những đặc tính của trái đất bởi thế ta mới hiểu được nghệ thuật như một biểu lộ , có thể bày tỏ mà chính nó không bày tỏ ..
     
     
     
    Nghệ thuật là nền tảng, mặc khải những chân lý về cuộc đời thì nghệ thuật tất yếu đều có tính cách thi ca (tout art poétique ) có tiếng nói của chính thi ca và cũng có những tiếng nói im lặng, âm thầm như trong hội họa, điêu khắc, những chạm khắc các bức tượng, các tranh vẽ trong Chùa cũng đều bày tỏ , biểu lộ cũng là một thứ tiếng nói nhưng là tiếng nói của im lặng.
     
     
     
    Khi nói về thơ thì nó hoàn toàn là ngôn ngữ thuần tuý, chỉ ngôn ngữ thuần tuý. Hegel còn cho rằng ngôn ngữ là hủy thể tính có nghĩa khi nói ra một sự vật gì thì sự vật đó bị triệt tiêu, lu mờ ngay bởi vì ngôn ngữ nói ra một điều nhưng cũng chẳng nói được gì vì ngôn ngữ không bao giờ nói hết. Ngôn ngữ là một ngỏ cụt. Nhưng vượt lên những suy nghĩ tiêu cực, ngôn ngữ là một đặc ân của con người , lời nói là nói lên, kêu tên sự vật và biểu lộ cách thế ở đời của con người.
     
     
    Nói về thơ của Bùi Chát là nói về ngôn ngữ. Ngôn ngữ này đến từ cái nhìn. Nếu định nghĩa người với người là một tương quan bạo động vì không ai muốn mình bị áp bức. Sartre nói:” Cuộc đời người khác là sự đe dọa của tôi ” (Ma chute originell, c’est l’existence de l’autre ) bởi vì tự do của người khác sẽ đối chọi với tự do của tôi :

    Ở trạng thái này hắn làm sao

    để giấu. Bỏ bàn tay sau lưng

    ngay túi áo, trong hộc tủ. Tay

    phải cầm tay trái, hoặc ngược lại

    Rồi giấu cả hai tay, bằng cách

    cùng nắm chắc một vật cố định

    tư thế lao về trước. Lộn người

    để bung ra như búp bê tháo

    mình bởi ngoại lực thế là đủ

    Để an tâm vấn đề này (nọ)

    Hắn nghĩ. Nếu ném đá chỉ để

    giấu tay, hoặc giấu tay mà tiếp

    tục ném đá. Thì tốt hơn (thua)

    hãy quay về biển để làm gì

    Nhiều cô gái đang bơi ngửa lưng

    Hắn ném cái nhìn vào lưng những

    cô gái, phải giấu gì của mình

    bây giờ . Đang băn khoăn về mô

    típ này hắn thấy một động vật

    (và) bị giam cầm (cập) đang cố

    gắng vượt rào trước mắt mọi người

    Hắn xuống tàu & vội vã ra khơi.

     
    (Búi Chát: Giếm)
     
    Thật ra Bùi Chát sáng tác với nhiều thể loại . .Đầu những năm 2000, anh cùng một nhóm bạn thơ lập nhóm Mở Miệng ( Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán…) có khuynh hướng đối kháng với những bất công xã hội . với cuộc đời và với chính mình như là thận phận của con người vì ta không thể tránh được việc luôn luôn phải xác định thái độ trong mọi hành động Đó là con đường của nhận thức và là một tình cảm luân lý. Đặt ngược vấn đề như cụ Trần Tế Xương đã than:
     

    Thiên hạ có khi đang ngủ cả

    Tội gì mà thức một mình ta

     
    Câu thơ cảnh tỉnh như một tấn tuồng hồi tưởng cho các sĩ phu thời bấy giờ và như đã biết những bài thơ của Mở Miệng trong thời gian này đã được viết thành luận án cấp Đại Học (biên soạn bởi nhà văn Nhã Thuyên )
     
    Nhưng mặt khác thơ Bùi Chát trong một lúc nhận ra rằng cuộc đời này chỉ là sự ra đi, như một kẻ bỏ nhà lang thang nghĩa là sống trong hoài niệm. Hoài niệm về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa, về cái tôi cô đơn, luôn luôn bị ám ảnh là chỉ có một mình. Con người cô đơn là linh hồn của trường phái lãng mạn:
     

    ” Nằm đêm anh cứ thương em

    Rơi nghiên nước mắt một bên gối nằm

    Thế này cho hết trăm năm

    Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em”

     
    ( Xuân Diệu )
     
    Con người thiết yếu tương quan với mọi người. Trong cô đơn không có tương quan đó nên con người cô đơn luôn luôn muốn vượt thoát mình để tìm đến tha nhân. Đó là điều hết sức bi đát( La solitude est tragique). Con người không muốn ở trong cô đơn nên luôn muốn phá vỡ nó bằng cách tìm đến những mối thông cảm, tìm một tương giao với ngoại cảnh và sự vật:
     

    “Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi”

     
    (Xuân Diệu)
     
    hay như thơ của Đinh Hùng:

    Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?

    Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?

    Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy

    Ta muốn vào thăm nắm mộ sâu.

    Và thơ của Mai Thảo, một ngày buồn một mình uống rượu:

    Ngồi tượng hình riêng một góc quầy

    Tiếng người: kia, uống cái chi đây?

    Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ

    Và một bình đêm rót rất đầy

     
    Nhưng những ngày tháng ở đời như thế sẽ đưa đẩy nghệ thuật như là phương tiện cứu rỗi để phục hồi cuộc sống an nhiên, hạnh phúc và như Camus trở về với đời , lòng vẫn đầy mơ ước, khi biết thức tỉnh, phản kháng, tình cảnh lưu đày trong phận làm người;
     

    Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

    Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng vẻ

    Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tỉnh lặng

    Chẳng chịu cho lòng ta yên ổn

    Anh mãi mê về một màu mây xa xôi

    Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ thó

    Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

    Em hát một câu thơ cũ sì

    Cái say mê của thời thiếu nữ

    Mỗi mùa hoa đỏ về quê

    Hoa như mưa rơi rơi rụng

    Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi đẹp

    Như máu ứa một thời trai trẻ trung

    Hoa như mưa rơi rơi rơi

    Như tháng ngày xưa ta khờ khạo

    Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau

    Mà thấy lòng đau xót xa

    Trong câu thơ của em nhỏ

    Anh không có mặt mẹt

    Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

    Anh đâu buồn mà chỉ tiếc rẽ

    Em không đi hết những ngày đắm say sưa

    Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ trai

    Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ chói

    Như vết xướt của trái tim gan

    Sau bài hát rồi em lặng im

    Cái lặng im rực màu hoa đỏ ối

    Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

    Sau bài hát rồi em như thể dục

    Em của thời hoa đỏ ngày xưa kia

    Sau bài hát rồi anh cùng thế giới

    Anh của thời trai trẻ ngày xưa đó.

     
    (Bùi Chát: Màu hoa đỏ lè)
     
    Và rồi thì tình yêu thương con người là đáng quý nhất bao hàm một quan niệm biết thông cảm. Sự đau khổ vẫn là của riêng mình, không thể nào chia xẻ cho người khác nhưng tình cảm an ủi, thấu hiểu cần thiết của một người bạn người tình sẽ giúp cho khả năng chịu đựng sự cô độc vơi đi với người em thương nhớ vì không ai có thể trách nhiệm cuộc đời người khác:
     

    Hôm qua em đi tỉnh về

    Đợi em ở mãi con đê đầu làng

    Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

    Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

    Nào đâu cái yếm lụa sồi

    Cái dây lưng dúi nhuộm hồi sang xuân

    Nào đâu cái áo tứ thân

    Cái khăn mỏ qụa cái quần nãi đen

    Nói ra sợ mất lòng em

    Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

    Như hôm em đi lễ chùa

    Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng nhau

    Hoa cau nở giữa vườn cau

    Thầy u mình có cái đầu chân quê

     
    (Bùi Chát: An toàn là bạn mà)
     

    BÙI CHÁT : HỌA

    Bùi Chát đã chuyển qua vẽ tranh cả mười năm nay .Anh tự học, nghiên cứu và triển lãm tranh . Được rất nhiều bạn bè đến ủng hộ. Ở đây tôi chỉ trích dẫn các ý kiến về hội họa của các họa sĩ lừng nổi tiếng một thời :.Vì thật sự tôi chỉ biết xem tranh, theo sở thích của mình , rất hạn chế về kiến thức cũng như am hiểu về vẻ đẹp của các trường phái hội họa. Vì thế chiêm nghiệm các kinh nghiệm của các họa sĩ tiền bối cũng đáng để cho chúng ta học hỏi( Những ý kiến này được trích trong báo Văn số 93 năm 1967 ( chuyên đề về hội họa,) xuất bản tại Sài Gòn.
    Họa sĩ Thái Tuấn :

    “Đứng trước cảnh trí thiên nhiên, sự lựa chọn giữa cái đẹp và cái xấu do từ một rung cảm thuần khiết chân thành. Song nếu nguồn mỹ cảm bản năng đã giúp cho con người hưởng thụ những vẽ đẹp thiên nhiên thì ngược lại khó có thể giúp cho ta hưởng thụ trọn vẹn một công trình nghệ thuật . Những nghiên cứu về tâm lý và về hình học đã cho biết ý thức thẩm mỹ của con người dần dần phát triển qua bao nhiêu thế hệ với nhiều đổi thay để trở nên tế nhị và cũng phức tạp hơn do hoàn cảnh và ảnh hưởng đời sống.

    Từ cảnh trí ở ngoài thiên nhiên đến phong cảnh trong bức hoạ, sự vật đã biến dạng để trở thành chất liệu cho người sáng tác. Hình nét trong tranh này có thể từ sự vãt mà đến nhưng không còn là sự vật và thuộc về sự vật nhìn thấy Màu tóc này là ánh mây muôn màu rực rỡ nhưng cũng là mái tóc ai sầu muộn.. Ánh sáng này của ngày hôm nay nhìn thấy nhưng cũng là của ngày hom6 qua hồi tưởng và ngày mai ước vọng…”


    Hoạ sĩ Nguyễn Đồng:

    “Cũng như âm nhạc, tác phẩm hội họa có tác động thẳng đối với tâm hồn thưởng ngoạn bằng ngôn ngữ trực tiếp của nó là màu sắc và hình thể. Mỗi màu sắc chỉ riêng một ấn tượng . Thí dụ: vàng: nóng, bực tức, màu ấy gợi nhớ đất. lam: gợi bầu trời, màu thanh thản, trong, trang nghiêm, lạnh- đỏ nồng nàn, đam mê, mạnh bạo- xanh tĩnh, thụ động, trung hòa- trắng và đen: thì cũng là im lặng nhưng im lặng ở trắng tiềm tàng sức mạnh. Hình ảnh cũng là những ký hiệu thị giác . Nhiều hình thể có thể có những tác dụng rõ ràng riêng biệt có hương thơm tinh thần riêng. Góc nhọn tam giác tương ứng ý nghĩa màu vàng, tương ứng với màu đỏ là góc vuông và hình vuông, . Những đường nét cũng vậy không phải chỉ để xác định hình thể hay chỉ trình bày chuyện động, chúng có thể diễn tả những chiều hường toát ra, sự nẩy mầm của những sức lực tự nhiên..”


    Họa sĩ Ngọc Dũng:

    Người thưởng ngoạn đừng bao giờ tìm công dụng của đồ vật trong tranh. Cái ghế trong hội họa không để ngồi. Cái cây không để che bóng mát. Và người đàn bà trong tranh cũng không để ôm ấp, sờ mó. Còn sự bắt gặp giữa người sáng tác và người thưởng ngoạn, theo tôi là một điều hết sức khó khăn. Người thưởng ngoạn thường đòi hỏi một cách khó tính. Phải nhớ rằng người sáng tác chỉ phát lên một tiếng kêu. Tiếng kêu ấy có thể hiểu ở mỗi người một cách khác. (tạp chí Sáng Tạo bộ mới só 3-09/1970)


    Họa sĩ Duy Thanh :
     

    Trước một tác phẩm hội họa người thưởng ngoạn không phải chỉ cốt nhìn xem trong ấy có những hình thù gì để có thể tự cho là hiểu thấu bức tranh này bức tranh nọ. Tôi cho điểm chính là cần phải nhìn được cái tâm tư tác giả qua toàn thể bức tranh. Điều ấy nó hiển hiện qua nét bút hoặc màu sắc hoặc lối diễn tả. Đề tài theo ý tôi là điều phụ thuộc. Một bức tranh có thể không nói gì hết ở đề tài nhưng điều quan trọng là ở chỗ khác, chính là bức tranh ấy đã tự nói đầy đủ tiếng nói của nó rồi. Tác giả không cần phải giải thích hộ bức tranh bằng lời nữa. Không cần phải nói rằng tôi vẽ bức tranh này nhân khi xúc động trước một buổi chiểu vàng, cái màu xanh màu đỏ đặt như thế này cốt để diễn tả tư tưởng này nọ. Giải thích hộ tác phẩm mình là một họa sĩ hạng bét. Tác phẩm sẽ vô giá trị khi tự nó không nói gì hết, tự nó không đứng vững nổi trong cuộc sống. Nói gần hơn nếu tự nó không đứng vững trên một bức tường.

     
    (.tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 3(09/1970)
    XIN CHÀO CÁM ƠN MOI NGƯỜI ĐÃ ĐỌC

    Mahakavi Subrahmanya Bharati, Nhà thơ Tamil vĩ đại được công nhận là Nhà thơ Quốc gia: Giới thiệu ngắn gọn

    Mahakavi Subrahmanya Bharathi,The Great Tamil Poet Recognised As National Poet: A Brief Introduction

    Mahakavi Subhramania Bharathi (11.12.82-11.9.21) or simply Bharathi was a modern Tamil poet recognised as National poet of India. He recognised Sister Nivedita, disciple of Swami Vivekananda as his mentor. He was a contemporary to Bengali poet Rabindra Nath Tagore. He had great reverence towards Madame Annie Besant and follower of Bala Ganghadhar Thilak. He worked along with extreme group members like V.O.Chidambaram Pillai and Subramaniyam Siva. He was living alternatively in Tamilnadu and Pondicherry. His poems are broadly classified as 1. Devotional songs 2. Patriotic songs 3. Biographical songs 4.Short narrations and 5. General songs. This article is a modest attempt to introduce this great poet to the readers who wish to know more about him.
    Mahakavi Subramanya Bharathi, as a worshipper of UNIVERSAL ENERGY. 

    “I saw a tiny spark and kept it safe in a tree hole in a dense forest,
    LO! The entire forest was reduced to ashes.
    Is there any difference in fire as a new born or old?Thaththarikita thaththarikita thaththom”

    – Thus dances poet Subhramania Bharathi, in praise of Agni (fire) one of the five elements of the Universe He has sung in praise of several Hindu Gods in a way unique to him. Nowadays in almost all the school prayers, his songs on Gods are rendered to invoke blessings of the Almighty.

    Bharathi found a special awe and respect for fire in his poems even in his worship of the Almighty. Though he wrote poems on Hindu male Gods like Krishna and Muruga, his description of Goddess of Power is unique.

    He visualised Goddess Shakthi as the ultimate cosmic energy. He often used to dance in mirth praising the cosmic energy as:

    “Let us praise the Mahasakthi (Cosmic energy) who has created the entire Universe,
    She is hidden in the great five elements which constitute the EARTH,
    She is the source behind all movements, speed
    And all attractive forces on Earth,
    She is the force of our lives and she is the food which men take to live
    “Wherever you see, merges and finally collapses into Shakthi only”

    Which concept resembles the concept of ‘singularity’ in Science. In addition to Hindu deities, he sang in praise of Jesus Christ, Islam also in his usual way. He was a lover of the Universe with special reference to the motherland Bharath in which he was living. He called her Bharathamatha (mother Bharath) and sang ‘vandhe madharam’ (Praise to my motherland). The phrase Vandhe Madharam had a magical effect on Indians fighting for freedom and several freedom fighters sacrificed their lives holding tricolor, close to their chests and raising this magical slogan till their last breath while being attacked by British soldiers. Alas! modern Indian youth are to be reminded of the supreme sacrifice made by young freedom fighters of those days to get freedom from foreign rule.

    Patriotic songs:

    Poet Bharathi always liked to compare Indian freedom struggle to the war of Mahabharath, the great Indian epic. For him, the British rulers were Kauravas and Indian freedom fighters were Pandavas. He had liking for extreme approach whereas Gandhians preferred to go by passive non-violence. Hence we could see his forthright disapproval of non-violent struggle in his songs. He said:

    “My heart Does not tolerate these baseless people who are afraid of everything”

    in a melancholic mood as a direct reference to moderates and those who were indifferent to the violent struggle. However his reverence to Mahatma Gandhi, the advocate of passive non-violence was unique. He equated him with God and says,

    “Mahatmaji, you are the saviour of Bharath, which was under the grip of poverty, ignorance and so lying low and so was a ruined country. You came as the saviour of this country Long life to thee, Mahatma Ji!”

    He was deeply in favour of armed struggle for getting freedom and his leaders were Bal Gangadhara Thilak, Guru Gobindsingh, Dadabhai naoroji, Lala Lajpath Rai, V.O.Chidambaram Pillai who were all favouring armed struggle.

    Bharathi was deeply impressed by leaders from abroad too. He was taking vow to get freedom for India in the name of Mazzini, founder leader of YOUNG ITALY.

    He sang an elegy on the fall of BELGIUM in the first world war.

    But what brought him fame in the international arena was his song on Russian revolution.

    “Mahakali (The Goddess of power and cosmic energy) put her eyesight on Russia,
    The revolution had its overwhelming upraise for ages to come!
    The tyrant of Russia fell down.”

    He compared the tyrant to the puranic monster Hiranyan and revolution to Goddess of Power. Goddess Power conquered him and reduced him to ashes ‘Bharath’ of Bharathi’s dreams:

    “We shall walk along the peaks of silvery hills
    We shall send our ships to deep western seas,
    We shall construct schools in all temples and
    We will proudly say we are Bharathiyans (Indians).
    We shall construct bridge across the sea to Srilanka (Ceylon)
    We shall connect both by broad roads,
    By using the flooded waters of Eastern rivers
    We shall irrigate in Central plateau
    We will have our own weapons, produce papers,
    We shall develop Industries develop education
    We shall never rest, nor bow down our head
    We shall uphold Truth and show our mite.”

    Poets are of various types. Some write poems for money. Some poets write poems out of their immense love for the motherland and magnificent Nature and the Almighty. Such poets who write appreciating Nature have a Natural foresight and what they write in advance will come as true in later years.

    We can see whatever Bharathi wrote in the above poem hundred years ago has become reality now. India has shown progress in all fronts especially in Science and Space Technology that India has already sent its satellite which landed on moon and the second is to land on Moon in the next six months.

    His views on Woman Liberation:

    He has got a special place in the role of Honour for great poets while considering woman His views on conjugal fidelity is very famous and quoted everywhere when the subject matter is discussed:

    “When the question of sexual morality arises let us keep it common to both the sex”

    he declared when women were treated like slaves. His view on woman education also are noteworthy.

    “Walk with upright poser, look with straight eyes,
    Don’t be afraid of anybody on Earth because of Morality,
    Superiority because of flawless knowledge,
    All these are possession of Modern woman”

    Such women are known as Bharathi’s woman of New Age.

    Bharathi’s poems are like an ocean. One can not go through the entire content in a short time. At least a glassful of his poetry has been given as above. If it kindles the interest in readers’ mind to go through the entire writing, the purpose of this article is achieved.


    Mahakavi Subhramania Bharathi (11.12.82-11.9.21) hay đơn giản là Bharathi là một nhà thơ Tamil hiện đại được công nhận là nhà thơ quốc gia của Ấn Độ. Ông coi Sơ Nivedita, đệ tử của Swami Vivekananda là người cố vấn của mình. Ông là người cùng thời với nhà thơ Bengal Rabindra Nath Tagore. Ông rất kính trọng Madame Annie Besant và là người theo Bala Ganghadhar Thilak. Ông làm việc cùng với các thành viên nhóm cực đoan như V.O.Chidambaram Pillai và Subramaniyam Siva. Ông sống xen kẽ ở Tamilnadu và Pondicherry. Thơ của ông được phân loại rộng rãi thành 1. Bài hát sùng đạo 2. Bài hát yêu nước 3. Bài hát tiểu sử 4. Bài tường thuật ngắn và 5. Bài hát chung. Bài viết này là một nỗ lực khiêm tốn để giới thiệu nhà thơ vĩ đại này đến những độc giả muốn biết thêm về ông.
    Mahakavi Subramanya Bharathi, với tư cách là người tôn thờ NĂNG LƯỢNG VŨ TRỤ.

    “Tôi thấy một tia lửa nhỏ và giữ nó an toàn trong một hốc cây trong một khu rừng rậm rạp,
    Ôi! Toàn bộ khu rừng đã bị thiêu rụi thành tro bụi.
    Lửa có khác biệt gì giữa người mới sinh và người già không?
    Thaththarikita thaththarikita thaththom”

    – Nhà thơ Subhramania Bharathi đã nhảy múa như vậy, ca ngợi Agni (lửa), một trong năm yếu tố của Vũ trụ. Ông đã hát ca ngợi một số vị thần Hindu theo cách độc đáo của riêng mình. Ngày nay, trong hầu hết các lời cầu nguyện của trường học, các bài hát của ông về các vị thần được thể hiện để cầu xin phước lành của Đấng toàn năng.

    Bharathi tìm thấy sự kính sợ và tôn trọng đặc biệt đối với lửa trong các bài thơ của mình ngay cả trong việc tôn thờ Đấng toàn năng. Mặc dù ông đã viết những bài thơ về các vị thần nam Hindu như Krishna và Muruga, nhưng mô tả của ông về Nữ thần Quyền năng lại rất độc đáo.

    Ông hình dung Nữ thần Shakthi là năng lượng vũ trụ tối thượng. Ông thường nhảy múa trong niềm vui ca ngợi năng lượng vũ trụ như:

    “Chúng ta hãy ca ngợi Mahasakthi (năng lượng vũ trụ) đã tạo ra toàn bộ Vũ trụ,
    Bà ẩn trong năm nguyên tố vĩ đại tạo nên TRÁI ĐẤT,
    Bà là nguồn gốc đằng sau mọi chuyển động, tốc độ
    Và mọi lực hấp dẫn trên Trái đất,
    Bà là sức mạnh của cuộc sống chúng ta và bà là thức ăn mà con người dùng để sống
    “Bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy, hợp nhất và cuối cùng sụp đổ thành Shakthi”

    Khái niệm này giống với khái niệm ‘điểm kỳ dị’ trong Khoa học.
    Ngoài các vị thần Hindu, ông còn hát ca ngợi Chúa Jesus Christ, Hồi giáo cũng theo cách thông thường của mình. Ông là người yêu Vũ trụ, đặc biệt là quê hương Bharath nơi ông đang sống. Ông gọi bà là Bharathamatha (mẹ Bharath) và hát ‘vandhe madharam’ (Ca ngợi quê hương tôi). Cụm từ Vandhe Madharam có tác dụng kỳ diệu đối với những người Ấn Độ đấu tranh cho tự do và một số chiến binh tự do đã hy sinh mạng sống của mình khi cầm lá cờ ba màu, áp chặt vào ngực và giơ cao lá cờ kỳ diệu này khẩu hiệu cho đến hơi thở cuối cùng trong khi bị lính Anh tấn công. Than ôi! Thanh niên Ấn Độ hiện đại cần được nhắc nhở về sự hy sinh cao cả của những chiến binh tự do trẻ tuổi thời đó để giành được tự do khỏi sự cai trị của nước ngoài.

    Những bài hát yêu nước:

    Nhà thơ Bharathi luôn thích so sánh cuộc đấu tranh giành tự do của Ấn Độ với cuộc chiến tranh Mahabharath, sử thi vĩ đại của Ấn Độ. Đối với ông, những người cai trị Anh là Kauravas và những chiến binh tự do của Ấn Độ là Pandavas. Ông thích cách tiếp cận cực đoan trong khi những người theo Gandhi thích đi theo con đường bất bạo động thụ động. Do đó, chúng ta có thể thấy sự phản đối thẳng thắn của ông đối với cuộc đấu tranh bất bạo động trong các bài hát của ông. Ông nói:

    “Trái tim tôi không chấp nhận những người vô căn cứ này, những người sợ hãi mọi thứ”

    với tâm trạng u sầu như một sự ám chỉ trực tiếp đến những người ôn hòa và những người thờ ơ với cuộc đấu tranh bạo lực. Tuy nhiên, sự tôn kính của ông đối với Mahatma Gandhi, người ủng hộ chủ nghĩa bất bạo động thụ động là duy nhất. Ông ví ông như Chúa và nói,

    “Mahatmaji, ông là vị cứu tinh của Bharath, nơi đang bị kìm kẹp bởi đói nghèo, sự ngu dốt và nằm dưới sự tàn phá của đất nước. Ông đã đến như vị cứu tinh của đất nước này. Muôn năm cho ông, Mahatma Ji!”

    Ông rất ủng hộ đấu tranh vũ trang để giành tự do và những người lãnh đạo của ông là Bal Gangadhara Thilak, Guru Gobindsingh, Dadabhai naoroji, Lala Lajpath Rai, V.O.Chidambaram Pillai, những người đều ủng hộ đấu tranh vũ trang.
    Bharathi cũng rất ấn tượng với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ông đã thề sẽ giành tự do cho Ấn Độ nhân danh Mazzini, nhà lãnh đạo sáng lập của YOUNG ITALY.

    Ông đã hát một bài ai ca về sự sụp đổ của BELGIUM trong Thế chiến thứ nhất.

    Nhưng điều mang lại cho ông danh tiếng trên trường quốc tế là bài hát về cuộc cách mạng Nga.

    “Mahakali (Nữ thần quyền lực và năng lượng vũ trụ) hướng mắt về nước Nga,
    Cuộc cách mạng đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ tới!
    Kẻ bạo chúa của nước Nga đã sụp đổ.”

    Ông so sánh kẻ bạo chúa với quái vật Puranic Hiranyan và cuộc cách mạng với Nữ thần Quyền lực. Nữ thần Quyền lực đã chinh phục hắn và biến hắn thành tro bụi ‘Bharath’ trong giấc mơ của Bharathi:

    “Chúng ta sẽ đi dọc theo những đỉnh đồi bạc
    Chúng ta sẽ gửi tàu của mình đến những vùng biển sâu phía tây,
    Chúng ta sẽ xây dựng trường học trong tất cả các ngôi đền và
    Chúng ta sẽ tự hào nói rằng chúng ta là người Bharathiyan (người Ấn Độ).
    Chúng ta sẽ xây dựng cây cầu bắc qua biển đến Srilanka (Ceylon)
    Chúng ta sẽ kết nối cả hai bằng những con đường rộng,
    Bằng cách sử dụng nước lũ của các con sông phía Đông
    Chúng ta sẽ tưới tiêu ở cao nguyên Trung tâm
    Chúng ta sẽ có vũ khí của riêng mình, sản xuất giấy tờ,
    Chúng ta sẽ phát triển các ngành công nghiệp phát triển giáo dục
    Chúng ta sẽ không bao giờ nghỉ ngơi, cũng không cúi đầu
    Chúng ta sẽ bảo vệ Chân lý và thể hiện sự nhỏ bé của mình.”

    Nhà thơ có nhiều loại. Một số người viết thơ để kiếm tiền. Một số nhà thơ viết thơ vì tình yêu bao la của họ dành cho quê hương, Thiên nhiên hùng vĩ và Đấng toàn năng. Những nhà thơ như vậy, những người viết thơ ca ngợi Thiên nhiên có tầm nhìn xa trông rộng về Thiên nhiên và những gì họ viết trước sẽ trở thành sự thật trong những năm sau này.

    Chúng ta có thể thấy bất cứ điều gì Bharathi đã viết trong bài thơ trên cách đây hàng trăm năm đã trở thành hiện thực bây giờ. Ấn Độ đã cho thấy sự tiến bộ trên mọi mặt trận, đặc biệt là trong Khoa học và Công nghệ Vũ trụ, Ấn Độ đã gửi vệ tinh của mình hạ cánh trên Mặt trăng và vệ tinh thứ hai sẽ hạ cánh trên Mặt trăng trong sáu tháng tới.

    Quan điểm của ông về Giải phóng Phụ nữ:

    Ông có một vị trí đặc biệt trong vai trò Danh dự cho các nhà thơ vĩ đại khi xem xét phụ nữ Quan điểm của ông về lòng chung thủy trong hôn nhân rất nổi tiếng và được trích dẫn ở khắp mọi nơi khi thảo luận về chủ đề này:

    “Khi vấn đề đạo đức tình dục nảy sinh, chúng ta hãy giữ cho nó chung cho cả hai giới”

    ông tuyên bố khi phụ nữ bị đối xử như nô lệ. Quan điểm của ông về giáo dục phụ nữ cũng đáng chú ý.

    “Đi với tư thế thẳng, nhìn thẳng,
    Đừng sợ bất kỳ ai trên Trái đất vì Đạo đức,
    Sự vượt trội vì kiến ​​thức hoàn hảo,
    Tất cả những điều này đều là sở hữu của người phụ nữ hiện đại”

    Những người phụ nữ như vậy được gọi là người phụ nữ của Bharathi trong Thời đại mới.

    Những bài thơ của Bharathi giống như một đại dương. Người ta không thể đọc hết toàn bộ nội dung trong một thời gian ngắn. Ít nhất thì một ly thơ của ông đã được đưa ra như trên. Nếu nó khơi dậy sự quan tâm trong tâm trí người đọc để đọc hết toàn bộ bài viết, thì mục đích của bài viết này đã đạt được.

    Source by Sathyanarayanan Bhimarao 

    TUẦN THƠ 40: LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM

    tranh Dinh Cuong
    tranh Dinh Cuong

    Nguyễn Lương Ba


    H Ồ I S I N H

    Khi trở về một ngày không bình thường
    nhìn lá thu phong rơi trên đầu ngỏ
    hiu quạnh
    Niềm vui không biết được những khoảnh khắc pha trộn
    không như những buổi sáng sớm mùa đông lạnh lẽo
    đèn đường vàng trên con đường dẫn ra phi trường
    Về đâu những con đường xưa cũ dẫn tôi đi miên man những ký ức
    Về đâu căn nhà rường vùng quê ngoại bầy trâu bò gặm cỏ
    lặng lẽ những ngày tôi trở về vùng hồi cư
    Con đò đưa người hay đưa tôi trôi lững lờ phía bên kia
    những ngày tháng rạo rực ôm đồm mẹ cha
    bừng bừng những lời ca thương nhớ hòa bình
    Tôi về đây chìm khuất những điều chưa biết
    xưa mẹ tôi khiêng thúng lặng lẽ trở về
    Tiếng súng còn vang sau lưng độn cát
    một người ủy ban chạy ngược đoàn người hô vang những khẩu hiệu
    khí thế hai hàng , gia đình hai hàng
    nhìn ánh khói vươn lên từ ngọn lửa bếp của ngày chia cắt loạn ly
    Tôi về lại đây lạy Thầy Đốc Học
    Thầy nói nhớ đọ trò phải kỷ luật
    Dạ thưa Thầy con xin ghi như mỗi buổi khói lam chiều
    nghe tiếng trống tan trường đều đặn
    mỗi tiếng trống là một bài giảng của Thầy Cô .
    Tôi về đây cũng vừa biết tình yêu là gì
    là tiếng ọt ẹt của đàn ểnh ương sau bụi chuối
    tiếng mưa rơi lạnh buốt đêm dài
    và cây đèn dầu lấp ló một mái tóc dài như mùa đông chập chùng nhớ thương
    Và rồi tôi ra đi cũng thế
    mẹ vẫn nói để dành cho con một chỉ
    con mang trong người của giây phút tử sinh
    tôi lạy tạ vào lúc nửa đêm
    nhìn thấy mình như một bóng ma
    trên chuyến xe đò với những bóng ma khác
    không biết họ đi đâu
    Tôi lại trở về nhiều lần tìm lại ký ức đã vùi sâu trong sách vở
    dù là sống chết
    niềm tin mà tôi ấp ủ vẫn luôn nở đẹp suốt mùa cây trái


    NHỮNG GIẤC MƠ CÒN LẠI CỦA HOÀNG HÔN

    Những ngày tháng đi xa cát bụi
    là con người người đến và người
    đi người ở lại cho nhau cát
    bụi buồn vui than thở những ngày
    xa ngái lượn lờ giấc mơ cũ
    kỷ cũng buồn vui than thở những
    ngày tưởng nhớ hồi ức lượn lờ
    giấc mơ có thật cứ vươn tới
    một ngày nửa đêm không ngủ cứ
    vươn tới ôi đời còn lại hoài
    thao thức cứ nhớ tới xóm làng
    lởn vởn muốn ra khỏi xóm làng
    đó để đi về cái giấc mơ
    miệt mài cứ tưởng tuổi tác già
    nua ngày tháng là gì ngày tháng
    qua đi ngày tháng bừng lên ngày
    tháng âu lo ngày tháng lao lực
    ngày tháng cô đơn ngày tháng
    bệnh tật ngày tháng già nua ờ
    ợ… còn gì nữa đâu ( hát theo
    điệu Chầu Văn ) rồi ra ngẫm nghĩ
    tháng năm cũ kỷ những mùa trăng
    soi những mùa nước lũ bến đá
    bờ sông bơi ếch bơi ngửa ghẹo
    gà cô gái giặt mền giặt chiếu
    cười cười nói nói thật là vui
    vẻ một ngày đó là con chi ?
    (đọc theo lối bài chòi) rồi thì
    thời gian nào hay hoàng hôn rũ
    bóng đường đời xa xăm thời gian
    mờ mịt chống gậy hò lê hò
    lê ráng bước theo con dốc đổ
    mùa dã quỳ vàng lọc cọc chân
    xiêu ôi đẹp làm sao bước theo
    con dốc tuổi già hổn hển một
    mai còn nhiều bước đi hoàng hôn.


    KHI NGANG QUA ĐẬP ĐÁ


    Ta nâng ly ngày tiễn đưa bạn
    bè một thời giờ tóc dài bạc
    đãi bạn mai bạn đi làm loài
    chim bay mãi một thời sao lắm
    anh em ta ráo hoảnh nhìn người
    xa xưa tên Chi và nhiều bạn
    khác nhìn người bạn xa xưa đó
    bọn mình theo những mái tóc thề
    bổng nhớ hoa nắng trôi dài dọc
    mái tóc thề ngẩn ngơ chiếc áo
    dài ai bay qua cầu trắng bạc
    hạt mưa long lanh ta lại gặp
    người bạn tên Chi con đường đi
    qua Đập Đá phơi bụi nón lá
    em chỉ còn là chấm nhỏ nhỏ
    nhỏ có thấy thế không Chi nờ
    khi ngày bắt đầu và đêm cũng
    rục rịch bắt đầu luôn thế nào
    đi nữa em chỉ còn là nụ
    cười em bé mỗi sáng hay như
    ngày xưa hỏa châu rọi sáng tiếng
    gọi máy rè rè (đích thân dích
    thân nghe rõ) đi nữa em chỉ
    còn là nụ cười em bé nơi
    Chi không biết những bao cát về
    những bao cát làm hầm trú ẩn
    cho trái tim mình không ngủ ngày
    xưa ấy nhớ về thăm O Hai
    ở Bao Vinh nhớ nhé ngày ấu
    thơ đi qua những độn cát và
    hầm cát tuổi trẻ không dài lắm
    và tuổi già con đường của cát
    bụi thẩm sâu


    LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM


    “Tôi yêu những cái phảng phất
    Tôi thích những cái mơ hồ
    Những vang bóng bao giờ cũng làm tôi xúc động, những cái
    đã qua rồi, với tôi bao giờ cũng còn mãi cái đẹp mơ màng
    và buồn bã của những tàn hương…”
    Mai Thảo
    ( Để tưởng nhớ mùi hương )
    Rất nhiều ngày đã qua đi như thế
    rất nhiều ngày, rất nhiều tháng, rất nhiều
    năm đã qua đi qua đi như thế
    tôi biết tôi xa xa căn nhà tôi
    tôi biết tôi bỏ bỏ căn nhà tôi
    Để ra đi biết bao nhiêu năm nay
    tôi ngẫng lên tôi cúi xuống, tôi cố
    cười, tôi cố nhớ biết bao năm.
    Này này em đừng trở lại những con
    đường đã đi, con đường đo đếm những
    kỷ niệm giấc mơ, giấc mơ chỉ hoài
    giấc mơ. Đâu còn em êm ả áo
    cánh tóc bím bìm bịp nước lên sau
    nhà ao cá tra anh vẫn hay ngồi
    vui ra gì, có gì đi nữa em
    thì cũng hãy thong thả thưởng thức chút
    hạnh phúc thô thiển đâu ai ngó tới
    Này em đừng đi trên con đường đã
    Đi. Đó là anh, là chiếc xe và
    những cánh đồng, luôn hoài hủy những chuyến
    xe lóc nhóc . Mặt trận mùa hè anh
    về năm nao đi lại con đường cái
    Ma Soeur đi lại. Thôi thì có con
    em gia đình trở về con đường nhà
    thờ đều hân hoan, thôi thì con đường
    (có em) làm sao đi được mà đi.
    Này em đừng nhớ những gì đã nhớ
    hãy từ chối nhẹ nhàng những giòng nước
    mắt rõ là hao hụt. Ngáy tháng nào
    tôi theo không có lối ra tôi cứ
    theo em kể chuyện dụ ngôn lại những
    ngày mưa gió khu vườn nhà cô Francoise
    có anh chàng kỳ lạ ở trên núi
    PhảI rồi tôi quên nói thêm câu chuyện.
    Cuối cùng em cũng phải tự mình thắp
    những ngọn nến mù mờ trong căn nhà
    và tôi kẻ rao giảng đứng trên bục
    cũng mù mờ thật không có lốI ra
    Cùng em những lời chẳng cần nhắc lại.

    TUẦN THƠ 39: THẠCH TỐT

    Tranh họa sĩ Nguyên Khai
    Tranh họa sĩ Nguyên Khai

    G I Ấ C M Ơ  KHÔ

    Một số đêm thức đến tận bình minh,

    như mặt trăng đôi khi làm vơi  mặt trời.

    Hãy là một chiếc xô đầy nước 

    được kéo lên theo cách tối tăm của một cái giếng,

    rồi được nâng lên trong ánh sáng.

    Tôi quá nhỏ bé đến nỗi hầu như không thể

    nhìn thấy

    Làm thế nào tình yêu vĩ đại này

    có thể ở bên trong tôi?

    Hãy nhìn vào đôi mắt

    Chúng nhỏ bé nhưng chúng nhìn thấy những điều to lớn.

    Khi bạn cảm thấy đôi môi của bạn

    trở nên  ngọt ngào vô hạn

    như mặt trăng trên bầu trời đêm

    Khi bạn cảm thấy sự ưu ái bên trong,

    thì sự giả tạo cũng sẽ ở đó. .

    Mặt trời luôn là tình yêu thương

    với đôi tình nhân của lâng lâng chiều xuống

    Một cơn gió mùa xuân chuyển động

    để nhảy múa

    Có thứ gì đó khiến sự nhàm chán và tổn thương biến mất

    Ai đó đổ đầy chiếc cốc trước mặt chúng ta

    Chúng ta chỉ có thể nếm được sự thiêng liêng

    không có tình yêu nào tuyệt vời hơn tình yêu không có mục đích

    để  chưa bao giờ hài lòng đến thế.

    Tôi đứng dậy

    và một mình tôi biến thành những kẻ xa lạ

    Họ nói rằng tôi xoay quanh họ

    Va rồi tôi xoay quanh tôi.

    Tôi đã sống trên bờ vực của những khoảnh khắc

    như có tiếng  gõ cửa

    Nó mở ra cho tôi từ bên trong

    Giá trị thực sự đến với sự điên rồ bên dưới

    Bất kỳ ai tìm thấy tình yêu bên dưới nỗi đau

    và sự đau buồn đều biến mất vào sự trống rỗng

    Khi bạn hoàn toàn tự do


    TH Ế G I Ớ I K H Ô N G D Ị U D À N G

    Tôi  muốn đầu tôi như thế giới 

    làm thế nào để trái tim tôi bình lặng

    khi ánh  sáng kích thích trở lại 

    trong căn gác xép cao cao

    Tôi muốn đầu tôi ngừng suy nghĩ

    Không có gì giải thích

    không có loại thuốc mỡ nào

    bất ngờ kích thích trên làn da mỏng như giấy

    giữa lịch sử và thế giới không dịu dàng

    Mọi sự vội vã đều lắng xuống

    kích thích trên làn da

    Đôi bàn tay ấm áp tỉnh lặng

    dẫn dắt chúng ta theo từng bước chân

    đang hình thành loại thuốc đắp

    cho hành trình của chúng ta

    và của những đứa trẻ trong các tập vở

    Những đứa trẻ đang hình thành sự mềm mại

    giọng cao vút tương ứng cất lên

    bước đi trong nghi lễ New Orleans cũ

    Và hãy bước những bước chân

    không một tiếng động nào trên bờ sông.


    B À I  H Á T  Đ E N

    Bài hát đen của buổi sáng

    chậm rãi và nghiêm túc hãy

    ăn sáng rồi  xuống cầu thang

    tự lái xe đi tự mình

    trở thành người khôn ngoan, người

    biến mọi ngày trên thế giới

    thành có thể nhưng bài hát

    đó cũng có thể là bài

    hát đỏ trong đêm tối  loạng

    choạng bước qua ngôi nhà đến

    cơ thể hồng ấm của cô

    ấy để lại nụ cười sao

    mãi những đêm đó cứ gầm

    gừ  khi người mẹ của đứa

    bé mỉm cười trên đôi gò

    má của cô ấy một sự

    thật đứa bé sẽ được nuông

    chiều là đứa bé như một

    chiếc đồng hồ luôn vặn vẹo

    cho đến khi không ai có

    thể thu thập được những mảnh

    vỡ trong giấc mơ rơi xuống

    thành những bức tường đá đen.


    CÂY CẦU BẮC QUA TRIẾT LÝ

    Một ngày nào đó bạn cuối

    Cùng cũng biết mình sẽ phải

    Làm gì và sinh ra mặc

    Dù những giọng nói xung quanh

    Bạn vẫn liên tục hét lên

    Những lời khuyên tồi tệ mặc

    Dù cả ngôi nhà bắt đầu

    Rung chuyển cảm thấy đau nhói

    Ở mắc cá chân mỗi giọng

    Nói đều kêu lên không dừng

    Lại cả những ngón tay cứng

    Ngắc trên những nền móng mặc

    Dù nổi buồn thật là khủng

    Khiếp đã khá muộn và đêm

    Đã trở nên dữ dội trên

    Con đường đầy cành cây và

    Đá rơi dần dần bỏ lại

    Tiếng động của chúng phía sau

    Những vì sao bắt đầu đi

    Xuyên qua những đám mây và

    Có một giọng nói mới từ

    Từ nhận ra là của minh

    Mình là giọng nói luôn đồng

    Hành bước sâu hơn và bước

    Sâu hơn’

    ADHD as Cargo Cult Science

    0
    Woman writing at desk
    By Sheelah Mills - November 20, 2021

    ADHD như một loại Khoa học sùng bái hàng hóa

    TÔIbắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về ADHD vào năm 2010 với việc mua cuốn Rối loạn tăng động giảm chú ý của Barkley: Sổ tay chẩn đoán và điều trị . Các đánh giá tích cực cho thấy đây sẽ là nguồn thông tin đáng giá cho luận văn tâm lý năm thứ tư của tôi. Cuối Chương 1, có một bản sao của Tuyên bố đồng thuận quốc tế về ADHD , trong đó nêu:

    “…”

    Có phần e ngại trước giọng điệu và địa vị của 86 người ký tên, tôi tiếp tục với bản tường trình đồ sộ của Barkley về mọi thứ liên quan đến ADHD.

    Tuy nhiên, đến giữa Chương 2, Barkley một lần nữa chỉ trích “những chuyên gia không phải chuyên gia” trước khi kết luận:

    ADHD as Cargo Cult Science

    I began seriously researching ADHD in 2010 with the purchase of Barkley’s Attention-Deficit Hyperactivity Disorder: A Handbook for Diagnosis and Treatment. Positive reviews indicated that this would be a worthy source of information for my fourth-year psychology dissertation. At the end of Chapter 1, there was a copy of an International Consensus Statement on ADHD, which stated:

    Occasional coverage of the disorder casts the story in the form with evenly matched competitors. The views of a handful of nonexpert doctors that ADHD does not exist are contrasted against mainstream scientific views that it does, as if both views have equal merit. Such attempts at balance give the public the impression that there is substantial disagreement over whether ADHD is a real medical condition. In fact, there is no such disagreement—at least no more so than there is over whether smoking causes cancer, for example, or whether a virus causes HIV/AIDS.

    Somewhat cowed by the tone and the status of the 86 signatories, I continued with Barkley’s voluminous account of all things related to ADHD.

    Black and white photograph depicting a seated woman looking up thoughtfully from a pile of papers on a desk _ By Sheelah Mills -November 20, 2021
    Black and white photograph depicting a seated woman looking up thoughtfully from a pile of papers on a desk _ By Sheelah Mills -November 20, 2021

    Do đó, bất kỳ tuyên bố nào cho rằng ADHD là một huyền thoại đều phản ánh mức độ mù khoa học đáng kinh ngạc hoặc là những nỗ lực trắng trợn nhằm xuyên tạc khoa học về ADHD để đánh lừa công chúng bằng tuyên truyền.

    Trong suốt phần này, Barkley đã nhiều lần tham khảo một bài viết của Sami Timimi. Tò mò về những gì có thể cấu thành nên “mù khoa học”, tôi đã tìm kiếm tài liệu để tìm ra Timimi không phải là tác giả duy nhất; có 33 người đồng chứng thực, những người không phải là “người không chuyên”, xét theo trình độ, vị thế học thuật và ấn phẩm của họ. 1

    (Và họ không phải là những chuyên gia duy nhất chỉ trích chẩn đoán ADHD. Trong những năm gần đây, Allen Frances—chủ tịch lực lượng đặc nhiệm DSM-IV—đã đưa ra nhiều lời chỉ trích sâu rộng đối với chẩn đoán này, cũng giống như Keith Conners —được coi là “cha đẻ của ADHD” và là người đặt tên cho Thang đánh giá hành vi toàn diện Conners.)

    Hơn nữa, bài viết của Timimi là một lời chỉ trích Tuyên bố đồng thuận, điều mà Barkley không thừa nhận. Phê bình là một phần hợp pháp và quan trọng của quá trình khoa học. Ngoài ra, việc Barkley sử dụng từ huyền thoại là gây hiểu lầm, vì nó ám chỉ Timimi và cộng sự đã đưa ra quan điểm cực đoan khi tuyên bố ADHD không tồn tại. Đây không phải là trường hợp.

    Những điểm họ nêu ra và cách thức mà chúng đối lập với Barkley và cộng sự là động lực cho nghiên cứu của tôi. Trọng tâm của luận án tiến sĩ của tôi là xác định các quá trình mà ADHD được hiểu là một tình trạng bệnh lý. Mục tiêu của tôi là xác định xem các quá trình này có đủ mạnh mẽ để chịu được sự chỉ trích mà không cần phải dùng đến sự kiêu ngạo hay không.

    Vì các ấn phẩm về ADHD hiện đã lên đến hàng chục nghìn, nên việc tìm cách xác lập tính xác thực của các tuyên bố của Barkley và cộng sự có phần khó khăn. Tuy nhiên, bài báo trên tạp chí có số lượng trích dẫn cao nhất trên cơ sở dữ liệu Scopus là một bài báo của Barkley có tên là “Behavioral Inhibition, Sustained Attention, and Executive Functions: Constructing a Unifying Theory of ADHD.” (Tính đến ngày 9 tháng 11 năm 2021, bài báo này có 4.772 trích dẫn với 263 trích dẫn được thêm vào năm 2021, theo chủ đề, 2.749 được phân loại là tâm lý học, 2.340 là y học và 1.240 là khoa học thần kinh).

    Vì lý thuyết của Barkley có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu về ADHD, nên việc đánh giá lý thuyết này là một phần chính trong quá trình tìm hiểu của tôi. Điều tôi thấy là lý thuyết của Barkley giống với cái mà Richard Feynman gọi là “Khoa học sùng bái hàng hóa”, chỉ gây hiểu lầm và nguy hiểm hơn.

    Feynman, nhà vật lý nổi tiếng, đã sử dụng thuật ngữ “Cargo Cult Science” trong bài phát biểu khai giảng năm 1974 của ông trước các sinh viên tại Học viện Công nghệ California (Caltech). Ông mô tả cách mà, tại Biển Nam trong Thế chiến thứ hai, một nhóm người dân đảo vô danh đã theo dõi những chiếc máy bay hạ cánh đầy những vật liệu tốt. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người dân đảo muốn những chiếc máy bay đó quay trở lại:

    Vì vậy, họ đã sắp xếp để làm những thứ như đường băng, để đốt lửa dọc theo hai bên đường băng, để làm một túp lều gỗ cho một người đàn ông ngồi, với hai miếng gỗ trên đầu giống như tai nghe và các thanh tre nhô ra như ăng-ten—anh ta là người kiểm soát—và họ chờ máy bay hạ cánh. Họ đang làm mọi thứ đúng. Hình thức thì hoàn hảo. Nó trông chính xác như trước đây. Nhưng nó không hoạt động. Không có máy bay nào hạ cánh. Vì vậy, tôi gọi những thứ này là Khoa học Cargo Cult, vì chúng tuân theo tất cả các nguyên tắc và hình thức điều tra khoa học rõ ràng, nhưng chúng thiếu một thứ thiết yếu, vì máy bay không hạ cánh.

    Feynman lập luận rằng Khoa học Cargo Cult bao gồm việc chọn lọc bằng chứng để hỗ trợ cho một kết luận được cho trước, bỏ qua bằng chứng mâu thuẫn và tạo ra vẻ ngoài khoa học trong khi thực tế không tuân theo phương pháp khoa học.

    Lời giải thích trong bài báo được trích dẫn nhiều của Barkley rất dài dòng và khó hiểu, đặc biệt là khi nó dẫn đến một mô hình khái niệm về “hành động tự chỉ đạo, điều hành”. Chìa khóa cho toàn bộ tác phẩm là tuyên bố của Barkley rằng “sự ức chế hành vi kém được chỉ định là khiếm khuyết trung tâm trong ADHD”. Ông tuyên bố điều này ảnh hưởng đến các hành động “điều hành”, còn được gọi là “chức năng” trong mô hình của ông. Tuy nhiên, Barkley đã không đưa ra định nghĩa chính xác cho “sự ức chế hành vi”.

    Dựa trên các bài báo mà Barkley trích dẫn để hỗ trợ cho lý thuyết của mình, tôi kết luận rằng sự thiếu hụt mà ông đưa ra giả thuyết chính là thứ mà những người khác gọi là sự bốc đồng. Sự bốc đồng được coi là một triệu chứng chính của ADHD, nhưng Barkley dường như muốn nói rằng ADHD, bao gồm cả sự bốc đồng, là do sự bốc đồng gây ra—khiến cho lập luận của ông trở nên luẩn quẩn.

    Sau đó, tôi đã đánh giá bằng chứng mà Barkley cung cấp cho đề xuất này. Bằng chứng này hầu như hoàn toàn dựa trên các thí nghiệm từ trường phái tâm lý học nhận thức—nhiều thí nghiệm trong số đó cố gắng xác định tính hợp lệ của ADHD bằng cách tính thời gian phản ứng của trẻ em đối với các nhiệm vụ vô nghĩa trong bối cảnh phòng thí nghiệm.

    Cơ quan có thẩm quyền chính mà Barkley trích dẫn trong lập luận của mình rằng ADHD là do ức chế hành vi kém là một bài luận năm 1977 của cố Jacob Bronowski. Mặc dù Bronowski có thể được đánh giá cao về trí tuệ, đặc biệt là vì cách trình bày của ông về loạt phim tài liệu của Anh The Ascent of Man , nhưng cách sử dụng này của Barkley có phần kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn nữa khi mục đích của bài luận của Bronowski là giải thích sự khác biệt về mặt tiến hóa giữa ngôn ngữ của con người và giao tiếp của động vật. Bronowski thừa nhận rằng ông viết như một người nghiệp dư, nhưng ông hy vọng rằng những gì ông phải nói sẽ làm sáng tỏ sở thích đặc biệt của ông “cụ thể là ngôn ngữ khoa học và ngôn ngữ thơ ca”.

    Bronowski đề xuất rằng “đặc điểm trung tâm và hình thành trong quá trình tiến hóa của ngôn ngữ loài người” là “sự chậm trễ giữa thời điểm kích thích xuất hiện và thời điểm phát ra thông điệp mà nó đã gợi ra”. Bronowski đã mở rộng thêm bốn hậu quả của sự chậm trễ này; ông đặt tên cho chúng là sự tách biệt của tình cảm, sự kéo dài, sự nội tâm hóa và sự tái tạo. Nhưng trong suốt quá trình, quan điểm chính của ông là giải thích “sự khác biệt giữa cách con người có thể sử dụng ngôn ngữ và cách động vật sử dụng ngôn ngữ”.

    Bài luận của Bronowski được xuất bản sau khi ông mất ở dạng gốc; nó không được biên tập hay bình duyệt, do đó độ chính xác của nó không bao giờ bị tranh luận. Nhưng ý tưởng của Barkley về “sự ức chế hành vi thiếu hụt” dựa trên sự chậm trễ do Bronowski đưa ra giả thuyết. Trong khi Bronowski đề xuất rằng sự chậm trễ này là thời điểm trong lịch sử tiến hóa mà con người và động vật tách biệt, thì theo lý thuyết của Barkley, đây là thời điểm mà những người mắc ADHD so với những người không mắc ADHD khác nhau. “Hậu quả” của Bronowski dẫn đến các con đường tiến hóa khác nhau có thể có niên đại từ hai triệu năm trước.

    Đối với Barkley, hậu quả của sự chậm trễ này là một hậu quả ảnh hưởng đến chức năng điều hành, một thuật ngữ mà Barkley gán cho Denckla, trong số những người khác. Denckla tuyên bố rằng người ta thường đồng ý rằng chức năng điều hành đề cập đến “các quá trình kiểm soát tinh thần”. Barkley đã sử dụng khái niệm này để đưa ra bốn loại, được cho là mô phỏng theo bốn thuật ngữ mà Bronowski đã sử dụng. Barkley giữ nguyên thuật ngữ tái tạo của Bronowski nhưng đổi tên các loại khác thành trí nhớ làm việc, tự điều chỉnh tình cảm/động lực/kích thích và nội tâm hóa lời nói. Sau đó, dưới mỗi tiêu đề, Barkley liệt kê nhiều hành vi khác nhau, tổng cộng là 22 hành vi, mà ông cho là có thể được cải thiện hoặc bình thường hóa bằng cách “cải thiện tình trạng thiếu hụt ức chế”.

    Ông không đề xuất bất kỳ hình thức can thiệp cụ thể nào, nhưng sau đó ông đã xác định một vấn đề chưa được giải quyết xứng đáng để nghiên cứu trong tương lai: “mức độ mà các loại thuốc ảnh hưởng khác nhau đến từng lĩnh vực chức năng điều hành này”.

    Mặc dù mô hình của Barkley có rất ít điểm tương đồng với ý tưởng của Bronowski, Barkley tuyên bố rằng “Bronowski đã gán bốn chức năng điều hành này cho các thùy trán”. Trên thực tế, Bronowski không hề đề cập đến việc các chức năng này được định vị ở các thùy trán, hay thực sự là ở bất kỳ nơi nào trong não. Có vẻ như mối liên hệ với thùy trán xuất phát từ lý thuyết về chức năng trán của Fuster, mà Barkley tuyên bố là có “nhiều điểm chung” với công trình của Bronowski. Vì lý do này, ông đã đưa lý thuyết về Cơ chế thần kinh cơ bản của Fuster vào mô hình chức năng điều hành của mình.

    Lý thuyết của Fuster lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách The Prefrontal Cortex: Anatomy, Physiology, and Neuropsychology of the Frontal Lobe của ông . Barkley đã nhiều lần nhắc đến “cấu trúc hành vi”, nhưng ngoài ra lại bỏ qua phần lớn công trình của Fuster không ủng hộ cách tiếp cận của ông. Về điểm chung giữa hai nguồn, như đã lưu ý, Bronowski không đề cập đến vỏ não trước trán. Thay vào đó, ông quy sự chậm trễ mà ông đưa ra giả thuyết là do “đặc điểm sinh hóa”, đặc điểm mà con người mất khả năng tạo ra enzyme uricase.

    Hơn nữa, sự chậm trễ này được Bronowski mô tả là một “cơ chế ngôn ngữ… một sự chậm trễ cố hữu trong phản ứng của con người”. Ngược lại, Fuster tuyên bố rằng “chuỗi hành động tự động hoặc theo bản năng, dù phức tạp đến đâu, cũng không đủ điều kiện và không nằm trong phạm vi của vỏ não trước trán”.

    Nhưng đáng lo ngại nhất là lý thuyết cụ thể này, dựa trên nghiên cứu tâm lý học nhận thức mỏng manh, sử dụng bài luận của Bronowski một cách kỳ lạ và liên kết giả mạo với vỏ não trước trán, đã được một số người trong cộng đồng y khoa trích dẫn trong bối cảnh xác nhận ADHD là một tình trạng liên quan đến bất thường ở vỏ não trước trán—đáng chú ý là Stephen Faraone và Joseph Biederman khi họ đặt ra cụm từ bất thường “frontalsubcortical” vào năm 1998. Trong The Lancet, họ tuyên bố rằng giả thuyết frontalsubcortical đã được xác nhận.

    Tương tự như vậy, mặc dù không tham chiếu trực tiếp đến Barkley, Faraone đã lập luận vào năm 2005 rằng ADHD là một tình trạng hợp lệ do bất thường ở vỏ não trước trán. Không lâu sau đó, Halperin và Schulz lưu ý rằng các lý thuyết như của Barkley đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong tài liệu, đến mức không thể xác định được bản chất chính xác của bệnh sinh lý ADHD. Nhưng thay vì đặt câu hỏi về khái niệm hoạt động thần kinh bất thường, các tác giả đề xuất rằng một vùng não khác có thể bị khiếm khuyết.

    Trên cơ sở này, “ bộ dữ liệu lớn nhất cho đến nay ” đã được Hoogman và cộng sự tập hợp lại và được cho là đã tìm thấy bằng chứng về những bất thường ở não. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã bị chỉ trích gay gắt đến mức Lancet Psychiatry đã dành hẳn một số báo để phản bác lại các nhà nghiên cứu nổi tiếng, một lần nữa, như Allen Frances và Keith Conners , những người đều cho rằng dữ liệu của riêng Hoogman và cộng sự không hỗ trợ cho tuyên bố của họ.

    Trong nghiên cứu của Hoogman và cộng sự, danh sách các xung đột lợi ích tài chính ràng buộc các nhà nghiên cứu, bao gồm Biederman và Faraone, với ngành công nghiệp dược phẩm, rất dài. Điều này gây ra vấn đề vì người ta thấy rằng các nhà nghiên cứu nhận tiền từ ngành công nghiệp làm sai lệch kết quả; sai lệch càng lớn thì khả năng phát hiện ra kết quả nghiên cứu là đúng càng thấp. John Ioannidis đã giải thích điều này trong một bài báo có tựa đề “ Tại sao hầu hết các phát hiện nghiên cứu được công bố đều sai ”. Ông đã trình bày một công thức để hỗ trợ cho giả thuyết của mình, sau đó phác thảo nhiều hình thức mà sự sai lệch có thể xảy ra.

    Cosgrove và Wheeler đã xem xét cụ thể các xung đột lợi ích trong ngành tâm thần học và kết luận rằng sự phụ thuộc của ngành tâm thần học có tổ chức vào nguồn tài trợ của công ty dược phẩm đã làm méo mó khoa học. Đặc biệt, họ phát hiện ra rằng các cơ sở bằng chứng mà “chẩn đoán chính xác và điều trị hợp lý phụ thuộc” đã bị làm sai lệch.

    Điều này không hoàn toàn đáng ngạc nhiên, vì ngành công nghiệp tài trợ cho nghiên cứu với kỳ vọng về lợi nhuận tài chính. Biederman và Faraone đã cam kết với Johnson and Johnson vào năm 2002 khi họ nhận được tài trợ cho Trung tâm Tâm lý bệnh học nhi khoa tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, bệnh viện giảng dạy lớn nhất của Trường Y Harvard. Một phần trong bản tóm tắt của họ là “ thúc đẩy các mục tiêu thương mại của J&J ”.

    Họ cũng thừa nhận rằng việc chứng minh tính hợp lệ của các rối loạn ở trẻ em cũng quan trọng như chứng rối loạn não. Họ tuyên bố rằng nếu không có dữ liệu từ các nghiên cứu về di truyền và hình ảnh não, “nhiều bác sĩ lâm sàng đặt câu hỏi về sự khôn ngoan khi điều trị tích cực cho trẻ em bằng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc như thuốc an thần, khiến trẻ em có khả năng gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng”.

    Kể từ lần đầu tiên trích dẫn lý thuyết của Barkley, với mối liên hệ sai lầm của nó với những bất thường ở vùng trước trán, và với sự khăng khăng liên tục rằng ADHD là một rối loạn não hợp lệ, tỷ lệ chẩn đoán và kê đơn đã tăng vọt trên toàn thế giới và nhiều loại thuốc mới đã được đưa vào lĩnh vực này.

    Nhưng chúng ta có khôn ngoan hơn không, và trẻ em được chẩn đoán là “mắc” ADHD có được hưởng lợi từ các biện pháp can thiệp hiện tại không? ADHD hiện là một hiện tượng trên toàn thế giới với khối lượng dữ liệu lớn có sẵn. Nhiều dữ liệu trong số này được trình bày trong một ấn phẩm gần đây của Faraone và cộng sự trong những gì họ tuyên bố là bản cập nhật Tuyên bố đồng thuận quốc tế của Barkley và cộng sự. Không đủ chỗ để thảo luận về “danh mục các khám phá khoa học quan trọng trong hai mươi năm qua” của họ; nhưng dưới tiêu đề “Những gì chúng ta đã học được từ việc nghiên cứu não của những người mắc ADHD”, họ đã báo cáo rằng những khác biệt “thường là nhỏ và… không hữu ích cho việc chẩn đoán rối loạn”.

    Nghĩa là, như các nhà nghiên cứu chỉ trích Hoogman và cộng sự đã nhấn mạnh, không có bằng chứng nào về bất thường về cấu trúc, trước trán hoặc bất thường nào khác, ở ADHD. Máy bay chưa hạ cánh, và cũng không có khả năng hạ cánh.

    Khi Timimi và cộng sự trả lời báo cáo của International Consensus Statesman về ADHD , họ lập luận rằng:

    Không chỉ hoàn toàn trái ngược với tinh thần và thực hành của khoa học khi ngừng đặt câu hỏi về tính hợp lệ của ADHD theo tuyên bố đồng thuận, mà còn có trách nhiệm đạo đức và luân lý khi làm như vậy. Lịch sử dạy chúng ta hết lần này đến lần khác rằng những ý tưởng và thực hành trị liệu được trân trọng nhất của một thế hệ, đặc biệt là khi áp dụng cho những người bất lực, bị thế hệ tiếp theo bác bỏ, nhưng không phải là không để lại vô số nạn nhân.

    Dữ liệu hiện đang tích lũy để chứng minh cho lập trường của Timimi và cộng sự, bao gồm bằng chứng về hiệu quả kém trong dài hạn của thuốc kích thích. Một nghiên cứu theo nhóm dân số của Fleming và cộng sự đã phân tích dữ liệu về sức khỏe và giáo dục của 766.244 trẻ em theo học tại các trường tiểu học, trung học và trường đặc biệt của Scotland từ năm 2009 đến năm 2013. Họ kết luận rằng:

    7413 trẻ em được dùng thuốc điều trị chứng rối loạn thiếu chú ý/tăng động có kết quả giáo dục kém hơn (vắng mặt không có phép, bị đuổi học, có nhu cầu giáo dục đặc biệt, trình độ học vấn thấp hơn, bỏ học sớm và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn) và kết quả sức khỏe (nhập viện nói chung và do chấn thương).

    Ngay cả nghiên cứu MTA của NIMH—nghiên cứu quan trọng về việc sử dụng chất kích thích, có kết quả ngắn hạn năm 1999 đã được sử dụng để hỗ trợ kê đơn chất kích thích trong 20 năm—đã xác nhận, trong mọi ấn phẩm dài hạn, rằng việc sử dụng thuốc kích thích dẫn đến kết quả tệ hơn, không tốt hơn. Điều này bao gồm theo dõi ba năm , theo dõi sáu đến tám năm và theo dõi 16 năm .

    Những kết quả này càng đáng lo ngại hơn khi xét đến việc những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất trong lớp học có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc “ADHD” và phải dùng thuốc (trong khi thực tế chỉ là do khoảng cách về tuổi tác/sự trưởng thành) – một phát hiện đã được chứng minh nhiều lần  nhiều quốc gia.

    Thêm vào những lo ngại này là sự thiếu hiểu biết về cách thuốc ảnh hưởng đến não đang phát triển. Vấn đề này đã được thảo luận trong một bài báo của Stern và cộng sự, trong đó họ đề xuất rằng việc điều trị sớm bằng thuốc kích thích thực sự có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ADHD. Họ quy điều này cho “sự in dấu thần kinh” – trong đó việc tiếp xúc với thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não ngay cả khi thuốc không còn nữa.

    Stern và cộng sự cho rằng việc in dấu tế bào thần kinh đã thay đổi hành vi, bao gồm cách các cá nhân phản ứng với sự kích thích và với thuốc. Dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật và con người, họ đề xuất rằng, đối với một số người, chất kích thích có thể góp phần khiến ADHD chuyển thành một rối loạn mãn tính suốt đời. Điều thú vị là, mặc dù Barkley đã đề xuất rằng vị trí cho khiếm khuyết được giả thuyết của ông là vỏ não trước trán, từ “tế bào thần kinh” chỉ xuất hiện trong bài viết dài của ông một lần.

    Ý chính trong bài phát biểu và câu chuyện của Feynman về “Khoa học về tôn giáo hàng hóa” là:

    Chúng ta đã học được từ kinh nghiệm rằng sự thật sẽ được phơi bày. Những người thử nghiệm khác sẽ lặp lại các thử nghiệm của bạn và tìm ra xem bạn sai hay đúng. Các hiện tượng của tự nhiên sẽ đồng ý hoặc không đồng ý với lý thuyết của bạn. Và, mặc dù bạn có thể đạt được một số danh tiếng hoặc sự phấn khích tạm thời, bạn sẽ không có được danh tiếng là một nhà khoa học nếu bạn không cố gắng hết sức cẩn thận trong loại công việc này. Và chính loại tính chính trực này, loại sự cẩn thận này để không lừa dối bản thân, là thứ đang thiếu ở mức độ lớn trong nhiều nghiên cứu về Khoa học Cargo Cult.

    Feynman lạc quan về các quá trình tự điều chỉnh của khoa học, nhưng có lẽ ông chưa bao giờ hình dung ra một tình huống mà lợi ích thương mại của nhiều công ty dược phẩm được ưu tiên đến mức như hiện nay. Faraone và cộng sự đã viết rằng gánh nặng kinh tế toàn cầu của ADHD lên tới hàng trăm tỷ đô la—một “gánh nặng” phần lớn thuộc về ngành công nghiệp dược phẩm dưới dạng “lợi nhuận”.

    Trong khi các “chuyên gia” chủ chốt muốn chúng ta tin rằng điều này là do một số loại bất thường ở vỏ não trước trán, thì lời giải thích thay thế là gánh nặng này là do việc tạo ra một câu chuyện sai lệch, nhằm phản bác lại những người đặt câu hỏi về cái mà Biederman và Faraone gọi là “sự khôn ngoan khi điều trị tích cực cho trẻ em bằng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc như thuốc an thần, khiến trẻ em có khả năng gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng”.

    ***

    Lời cảm ơn: Tôi muốn cảm ơn những người hướng dẫn của tôi, Giáo sư Jon Jureidini và Tiến sĩ Melissa Raven, đã phản hồi và hỗ trợ cho blog này.

    ***

    Mad in America lưu trữ các blog của một nhóm các nhà văn đa dạng. Các bài đăng này được thiết kế để phục vụ như một diễn đàn công cộng cho một cuộc thảo luận—nói chung—về tâm thần học và các phương pháp điều trị của nó. Các ý kiến ​​được nêu ra là của riêng các nhà văn.

    However, halfway through Chapter 2, Barkley once again criticised “nonexpert professionals”, before concluding:

    Therefore, any claims that ADHD is a myth reflect either a stunning level of scientific illiteracy or outright attempts to misrepresent the science of ADHD so as to mislead the public with propaganda.

    Throughout this section Barkley repeatedly referenced an article by Sami Timimi. Curious about what might constitute “scientific illiteracy”, I sourced the document to find Timimi was not the sole author; there were 33 co-endorsers, who were anything but “nonexpert”, judging by their qualifications, academic standing, and publications.

    (And they are far from the only experts who have critiqued the diagnosis of ADHD. In more recent years, Allen Frances—chair of the DSM-IV task force—has levied extensive critique against the diagnosis, as had Keith Conners—considered the “father of ADHD” and namesake of the Conners Comprehensive Behavior Rating Scale.)

    Furthermore, Timimi’s article was a critique of the Consensus Statement, something Barkley did not acknowledge. Critique is a legitimate and important part of the scientific process. Additionally, Barkley’s use of the word myth was misleading, as it suggested Timimi et al. took the extreme position of stating ADHD did not exist. This was not the case.

    The points they raised, and the manner in which these contrasted with Barkley et al.’s, were the impetus for my research. The focus of my PhD has been to identify the processes by which ADHD has come to be understood as a medical condition. My aim has been to establish whether these processes are sufficiently robust to withstand criticism without resorting to displays of hubris.

    As publications about ADHD are now in their tens of thousands, finding a way to establish the veracity of Barkley et al.’s claims was somewhat problematic. However, the journal article with the highest citation count on the database Scopus is an article by Barkley called “Behavioral Inhibition, Sustained Attention, and Executive Functions: Constructing a Unifying Theory of ADHD.” (As of November 9, 2021 it has 4,772 citations with 263 added in 2021, by subject 2,749 are categorised as psychology, 2, 340 medicine, and 1,240 neuroscience).

    As Barkley’s theory has had a strong influence on research into ADHD, evaluation of this theory has been a major part of my inquiry. What I found was that Barkley’s theory was akin to what Richard Feynman called “Cargo Cult Science,” only more misleading and dangerous.

    Feynman, the famous physicist, used the term “Cargo Cult Science” in his 1974 commencement address to students at the California Institute of Technology (Caltech). He described how, in the South Seas during the Second World War, a group of unnamed islanders had watched planes land full of good materials. After the war ended, the islanders wanted the planes to return:

    So they’ve arranged to make things like runways, to put fires along the sides of the runways, to make a wooden hut for a man to sit in, with two wooden pieces on his head like headphones and bars of bamboo sticking out like antennas—he’s the controller—and they wait for the airplanes to land. They are doing everything right. The form is perfect. It looks exactly the way it looked before. But it doesn’t work. No airplanes land. So I call these things Cargo Cult Science, because they follow all the apparent precepts and forms of scientific investigation, but they’re missing something essential, because the planes don’t land.

    Feynman argued that Cargo Cult Science involves cherry-picking evidence to support an assumed conclusion, ignoring contradictory evidence, and giving the appearance of science while failing to actually follow the scientific method.

    The explanation in Barkley’s highly-cited article was lengthy and confusing, especially when it led into a conceptual model of “executive, self-directed actions”. Key to the entire work was Barkley’s statement that “poor behavioral inhibition is specified as the central deficiency in ADHD”. He claimed this influences the “executive” actions, also referred to as “functions” in his model. However, Barkley did not give a precise definition for “behavioural inhibition.”

    Based on the articles that Barkley cited to support his theory, I concluded that his hypothesised deficiency is what others refer to as impulsivity. Impulsivity is considered a major symptom of ADHD, but Barkley seemed to be saying that ADHD, including impulsivity, is caused by being impulsive—making his argument circular.

    Following this, I evaluated the evidence Barkley provided for this proposal. This evidence relied almost entirely on experiments from the school of cognitive psychology—many of which attempted to ascertain the validity of ADHD by timing children’s responses to meaningless tasks within a laboratory setting.

    The main authority Barkley cited in his argument that ADHD was due poor behavioural inhibition was a 1977 essay by the late Jacob Bronowski. Whilst Bronowski may well have been held in regard for his intellect, not least for his presentation of a British documentary series The Ascent of Man, this usage by Barkley is somewhat curious. All the more so, when the point of Bronowski’s essay was to explain the evolutionary differences between human language and animal communication. Bronowski admitted that he was writing as an amateur, but he hoped that what he had to say would throw light on his special interests “namely the language of science, and the language of poetry”.

    Bronowski proposed that “the central and formative feature in the evolution of human language” is “a delay between the arrival of the stimulus and the utterance of the message it has provoked”. Bronowski expanded on four consequences of this delay; these he named separation of affect, prolongation, internalization and reconstitution. But throughout, his main point was to explain “the difference between the way human beings can use language and the way animals do”.

    Bronowski’s essay was published posthumously in its original form; it was neither edited nor peer reviewed, hence its accuracy was never debated. But Barkley’s idea of “deficient behavioural inhibition” is based on Bronowski’s hypothesised delay. Whereas Bronowski proposed this delay was the point in evolutionary history that humans and animals separated, in Barkley’s theory this is the point at which those with ADHD versus those without differ. Bronowski’s “consequences” led to different evolutionary pathways dating back possibly two million years.

    For Barkley, the consequence of this delay was one which impacted executive functioning, a term Barkley attributed to Denckla, among others. Denckla stated that it was generally agreed that executive functions referred to “mental control processes”. Barkley used this notion to devise four categories, supposedly modelled on the four terms used by Bronowski. Barkley retained Bronowski’s term reconstitution but renamed the other categories as working memory, self-regulation of affect/motivation/arousal and internalization of speech. Then, under each heading, Barkley listed various behaviours, 22 in total, which he deemed could be improved or normalised by “amelioration of the inhibitory deficit”.

    He didn’t suggest any specific form of intervention, but he later identified an unresolved issue worthy of future research: “the degree to which medications differently affect each of these domains of executive function”.

    Although Barkley’s model bears little resemblance to Bronowski’s ideas, Barkley stated that “Bronowski attributed these four executive functions to the prefrontal lobes”. In fact, Bronowski made no mention of the functions being localised in the frontal lobes, or indeed anywhere in the brain. It appears the connection with the frontal lobe comes from Fuster’s theory of prefrontal function, which Barkley claimed to have “much in common” with Bronowski’s work. For this reason, he included Fuster’s theory of Neural Mechanisms Underlying Behavioral Structure in his executive function model.

    Fuster’s theory first appeared in his book The Prefrontal Cortex: Anatomy, Physiology, and Neuropsychology of the Frontal Lobe. Barkley referred repeatedly to “behavioural structures”, but otherwise ignored the large portion of Fuster’s work that failed to support his approach. As to the commonality between the two sources, as noted, Bronowski did not mention the prefrontal cortex. Instead, he attributed his hypothesised delay to a “biochemical peculiarity”, one where humans lost the ability to make the enzyme uricase.

    Furthermore, this delay was described by Bronowski as a “linguistic mechanism…an inherent delay in human response”. By contrast, Fuster stated that “automatic, or instinctual series of acts, however complex, does not qualify and is not within the purview of the prefrontal cortex”.

    But most worryingly, this particular theory, based on flimsy cognitive psychology research, a curious use of Bronowski’s essay, and a bogus link to the prefrontal cortex, has been cited by some in the medical community in the context of validating ADHD as a condition relating to frontal cortex abnormalities—notably, Stephen Faraone and Joseph Biederman in their 1998 coining of the phrase “frontalsubcortical” abnormalities. In The Lancet, they claimed that the frontalsubcortical hypothesis had been confirmed.

    Likewise, albeit without direct reference to Barkley, Faraone argued in 2005 that ADHD was a valid condition due to frontalsubcortical abnormalities. Not long afterwards, Halperin and Schulz noted that theories such as Barkley’s had led to numerous inconsistencies in the literature, to the extent that it was impossible to identify the precise nature of ADHD pathophysiology. But, rather than question the notion of abnormal neurological functioning, the authors proposed that a different brain area might be defective.

    On this basis, “the largest dataset to date” was pooled by Hoogman et al., and supposedly found evidence of brain abnormalities. However, this research was criticized so roundly that Lancet Psychiatry devoted an entire issue to rebuttals by researchers as distinguished, again, as Allen Frances and Keith Conners, who all argued that Hoogman et al.’s own data did not support their claims.

    In the Hoogman et al. study, the list of financial conflicts of interests tying the researchers, including Biederman and Faraone, to the pharmaceutical industry, is extensive. This is problematic because it has been found that researchers receiving money from industry biases the results; the greater the bias, the less likely research findings are to be true. John Ioannidis explained this in an article titled “Why Most Published Research Findings Are False”. He presented a formula to support his hypothesis, then outlined the many forms that bias can take.

    Cosgrove and Wheeler specifically examined conflicts of interest in psychiatry, and concluded that organised psychiatry’s dependence on drug firm funding had distorted the science. In particular, they found that the evidence bases upon which “accurate diagnosis and sound treatment depend” had been corrupted.

    This is not altogether surprising, since industry funds research with the expectation of financial gains. Biederman and Faraone made this commitment to Johnson and Johnson back in 2002 when they received funding for the Center for Pediatric Psychopathology at Massachusetts General Hospital, the largest teaching hospital of Harvard Medical School. Part of their brief was to “move forward the commercial goals of J&J”.

    They also acknowledged that it was equally important to demonstrate the validity of childhood disorders as brain disorders. They stated that without data from genetic and brain imaging studies, “many clinicians question the wisdom of aggressively treating children with medications, especially those like neuroleptics, which expose children to potentially serious adverse events”.

    Since their first citation of Barkley’s theory, with its false connection to prefrontal abnormalities, and with their continuing insistence that ADHD is a valid brain disorder, diagnoses and prescribing rates have sky-rocketed worldwide, and numerous new medications have entered the field.

    But are we any the wiser, and are children diagnosed as “having” ADHD benefitting from current interventions? ADHD is now a worldwide phenomenon with large volumes of data available. Many of these are presented in a recent publication by Faraone et al. in what they claim to be an update of Barkley et al.’s International Consensus Statement. Space does not allow for a discussion of their “cataloguing of important scientific discoveries from the last twenty years”; but under the heading of “What we have learned from studying the brains of people with ADHD”, they reported that differences “are typically small and…are not useful for diagnosing the disorder”.

    Meaning, as the researchers critiquing Hoogman et al. emphasized, there is no evidence of any structural abnormality, prefrontal or otherwise, in ADHD. The airplanes have not landed, nor are they likely to.

    When Timimi et al. responded to the International Consensus Statesman on ADHD, they argued:

    Not only is it completely counter to the spirit and practice of science to cease questioning the validity of ADHD as proposed by the consensus statement, there is an ethical and moral responsibility to do so. History teaches us again and again that one generation’s’ most cherished therapeutic ideas and practices, especially when applied on the powerless, are repudiated by the next, but not without leaving countless victims in their wake.

    The data are now accruing to vindicate the stand taken by Timimi et al., including evidence on the poor long term efficacy of stimulants. A population-based cohort study by Fleming et al. analysed the health and educational data of 766,244 children attending Scottish primary, secondary, and special schools between 2009 and 2013. They concluded that:

    The 7413 children receiving medication for attention-deficit/hyperactivity disorder had worse education outcomes (unauthorized absence, exclusion, special educational need, lower academic attainment, left school earlier, and higher unemployment) and health outcomes (hospitalizations overall and for injury).

    Even the NIHM’s MTA study—the seminal study of stimulant use, whose 1999 short-term outcomes have been used to support stimulant prescribing for 20 years—has confirmed, in every long-term publication, that taking stimulant drugs leads to worse outcomes, not better. This includes the three-year follow-up, the six-to-eight year follow-up, and the 16-year follow-up.

    These outcomes are all the more concerning when considering that the youngest kids in a classroom are far more likely to be given a diagnosis of “ADHD” and medicated (when it’s likely just an age/maturity gap)—a finding that has been corroborated over and over again in numerous countries.

    Added to these concerns is the lack of knowledge about how the medications affect the developing brain. This was discussed in an article by Stern et al., where they proposed that early treatment with stimulants might actually worsen ADHD symptoms. They attributed this to “neuronal imprinting”—in which exposure to a drug can influence the functioning of the brain even when the drug is no longer present.

    Stern et al. argued that neuronal imprinting altered behavior, including the way individuals responded to stimulation and to drugs. Based on evidence from animal and human studies, they proposed that, for some, stimulants might contribute to ADHD turning into a chronic lifetime disorder. Interestingly, although Barkley has proposed that the locale for his hypothesised defect is the prefrontal cortex, the word “neuron” only appears in his lengthy article once.

    The point of Feynman’s address and his tale about “Cargo Cult Science” was that:

    We’ve learned from experience that truth will out. Other experimenters will repeat your experiments and find out whether you were wrong or right. Nature’s phenomena will agree or they will disagree with your theory. And, although you may gain some temporary fame or excitement, you will not gain a reputation as a scientist if you haven’t tried to be very careful in this kind of work. And it’s this type of integrity, this kind of care not to fool yourself, that is missing to a large extent in much research into Cargo Cult Science.

    Feynman was optimistic about the self-correcting processes of science, but he probably never envisioned a situation where the commercial interests of multiple pharmaceutical companies were prioritised to the extent they are now. Faraone et al. wrote that the worldwide economic burden of ADHD is in the hundreds of billions of dollars—a “burden” which largely goes to the pharmaceutical industry as “profit.”

    Whilst key “experts” would have us believe this is due to some sort of frontalsubcortical abnormality, the alternative explanation is that the burden is due to the creation of a false narrative, intended to counteract those questioning what Biederman and Faraone called “the wisdom of aggressively treating children with medications, especially those like neuroleptics, which expose children to potentially serious adverse events”.

    ***

    Acknowledgement: I would like to thank my supervisors, Professor Jon Jureidini and Dr. Melissa Raven, for feedback and assistance with this blog.

    ***

    Mad in America hosts blogs by a diverse group of writers. These posts are designed to serve as a public forum for a discussion—broadly speaking—of psychiatry and its treatments. The opinions expressed are the writers’ own.

    Source link

    Kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhà thơ Azmat Bilgrami

    Azmat Bilgrami
    Azmat Bilgrami

    First death anniversary of poet Azmat Bilgrami observed

    KARACHI: The first death anniversary of legendary poet and literati Azmat Bilgrami will be observed on Friday at the residence of his son Dr Syed Qamar Abbas Zaidi, himself a renowned poet.

    It is pertinent to mention that Azmat Bilgrami was among the last iconic poets with unique style and diction, and was born in British Indian town of Bilgram. He wrote in all genres and left seven books, including Bargah-e-Ghazal, Kokab -e-zarren, Jamal-e-Pekar, Bargah-e-khadija, Bargah-e-Abutalib and some others.

    He was the founding member Urdu literary organisation ‘Dabistan-e-Loh-o-Qalam’ and through that platform, he transgressed borders and became the first to lay the foundation of Indo-Pak and other international Mushairay (literary sittings). He also won various national and international awards.

    The Power of Poetry in Grief

    Poetry has long served as a source of comfort and catharsis for individuals navigating grief and loss. Through carefully chosen words, poets can encapsulate complex emotions, providing a voice to the deeply felt sorrow and longing experienced during the grieving process. Coming across a poem that captures the essence of one’s feelings can bring solace and offer a sense of understanding.

    Remembering with Love – A Poem

    As the first year passes by, we pause to remember,
    To honor your spirit, in our hearts forever.
    Though you may be gone, your love remains strong,
    Guiding us through moments, when things feel all wrong.

    We cherish the memories, both big and small,
    For in those precious moments, we hear your cherished call.
    Through laughter and tears, through joy and through strife,
    Your presence is felt, dear one, in every aspect of life.

    1 year has passed, though it feels just like yesterday,
    When we held you close, wishing you could stay.
    But even in your absence, your light continues to shine,
    Your love remains with us, an eternal intertwine.

    Expressions of Love and Loss

    Each individual experiences grief in a unique way, and thus, poetry offers a myriad of forms, themes, and perspectives to capture the nuances of this journey. Here are a few diverse examples of 1st year death anniversary poems that encapsulate the range of emotions experienced during this time:

    A Tearful Gaze – A Poem

    Through misty eyes and unspoken sighs,
    I see your face as time flies.
    A year has passed, yet I still feel near,
    Cherishing your memory, holding you dear.

    The world can be cold, a daunting place,
    But your love envelopes me, a warm embrace.
    Though I can’t touch you, nor hear your voice,
    Your presence lingers, comforting, by choice.

    So as the seasons change and memories bloom,
    I carry your essence, dispelling the gloom.
    For in my heart, forever, you’ll stay,
    Giving me strength as I find my way.

    Whispers of the Soul – A Poem

    In the quiet moments, I often hear
    Your whispers of love, bringing solace near.
    One year has passed, an eternity yet swift,
    But your memory, my dear, remains my greatest gift.

    Through the veil of time, our souls entwined,
    Bound by love, a connection undefined.
    Though you may be gone, your spirit prevails,
    Guiding me gently through life’s intricate trails.

    So I’ll light a candle, and I’ll say your name,
    With gratitude, for the love that will never wane.
    As I walk this path, my heart both heavy and light,
    I find solace in your memory, shining so bright.

    Healing through Words

    1st year death anniversary poems have the power to provide solace, healing, and a sense of connection during a time marked by grief and remembrance. They serve as a heartfelt tribute to the departed, allowing their memory and love to live on. Whether penned by renowned poets or written from the depths of personal experience, these poems offer gentle reminders that even in loss, love endures.

    As you navigate this difficult journey, may these 1st year death anniversary poems offer comfort and inspiration, reminding you that you are not alone in your grief, and that the love you carry for your departed loved one will forever shine brightly in your heart.

    https://poemsworld.net/1st-year-death-anniversary-poems/


    KARACHI: Lễ kỷ niệm một năm ngày mất của nhà thơ và nhà văn huyền thoại Azmat Bilgrami sẽ được tổ chức vào thứ sáu tại nhà riêng của con trai ông, Tiến sĩ Syed Qamar Abbas Zaidi, một nhà thơ nổi tiếng.

    Cần phải đề cập rằng Azmat Bilgrami là một trong những nhà thơ biểu tượng cuối cùng có phong cách và cách diễn đạt độc đáo, và sinh ra tại thị trấn Bilgram của Anh-Ấn Độ. Ông viết ở mọi thể loại và để lại bảy cuốn sách, bao gồm Bargah-e-Ghazal, Kokab -e-zarren, Jamal-e-Pekar, Bargah-e-khadija, Bargah-e-Abutalib và một số tác phẩm khác.

    Ông là thành viên sáng lập của tổ chức văn học Urdu ‘Dabistan-e-Loh-o-Qalam’ và thông qua nền tảng đó, ông đã vượt qua biên giới và trở thành người đầu tiên đặt nền móng cho Indo-Pakistan và Mushairay quốc tế khác (các buổi họp văn học). Ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.

    Mất đi một người thân yêu là một trải nghiệm vô cùng khó khăn và đau đớn. Khi năm đầu tiên sau khi họ qua đời đến gần, đó là thời gian để suy ngẫm, đau buồn và tưởng nhớ. Việc thương tiếc sự vắng mặt của họ và trân trọng những kỷ niệm đẹp đẽ trở thành một phần không thể thiếu của hành trình này. Trong lĩnh vực thơ ca, những bài thơ kỷ niệm 1 năm ngày mất đóng vai trò là phương tiện chân thành để thể hiện cảm xúc, tìm thấy sự an ủi và tưởng nhớ những người đã khuất.

    Sức mạnh của thơ ca trong nỗi đau buồn

    Thơ ca từ lâu đã đóng vai trò là nguồn an ủi và giải tỏa cho những cá nhân đang phải vượt qua nỗi đau buồn và mất mát. Thông qua những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận, các nhà thơ có thể gói gọn những cảm xúc phức tạp, truyền tải tiếng nói cho nỗi buồn sâu sắc và nỗi khao khát trải qua trong quá trình đau buồn. Việc bắt gặp một bài thơ nắm bắt được bản chất cảm xúc của một người có thể mang lại sự an ủi và mang lại cảm giác thấu hiểu.

    Nhớ lại với tình yêu – Một bài thơ

    Khi năm đầu tiên trôi qua, chúng ta dừng lại để tưởng nhớ,
    Để tôn vinh tinh thần của bạn, trong trái tim chúng ta mãi mãi.
    Mặc dù bạn có thể đã ra đi, tình yêu của bạn vẫn mạnh mẽ,
    Dẫn dắt chúng ta qua những khoảnh khắc, khi mọi thứ cảm thấy sai lầm.

    Chúng tôi trân trọng những kỷ niệm, dù lớn hay nhỏ,
    Vì trong những khoảnh khắc quý giá đó, chúng tôi nghe thấy tiếng gọi yêu thương của bạn.
    Qua tiếng cười và nước mắt, qua niềm vui và qua đấu tranh,
    Sự hiện diện của bạn được cảm nhận, người thân yêu, trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

    1 năm đã trôi qua, mặc dù cảm giác như mới hôm qua,
    Khi chúng ta ôm chặt em, mong em có thể ở lại.
    Nhưng ngay cả khi em vắng mặt, ánh sáng của em vẫn tiếp tục tỏa sáng,
    Tình yêu của em vẫn ở lại với chúng ta, một sự đan xen vĩnh cửu.

    Biểu hiện của tình yêu và mất mát

    Mỗi cá nhân đều trải qua nỗi đau theo một cách riêng, và do đó, thơ ca cung cấp vô số hình thức, chủ đề và góc nhìn để nắm bắt những sắc thái của hành trình này. Sau đây là một số ví dụ đa dạng về những bài thơ kỷ niệm 1 năm ngày mất, tóm tắt nhiều cung bậc cảm xúc đã trải qua trong thời gian này:

    Một cái nhìn đẫm lệ – Một bài thơ

    Qua đôi mắt mờ ảo và tiếng thở dài không thành lời,
    tôi thấy khuôn mặt em khi thời gian trôi qua.
    Một năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn cảm thấy gần gũi,
    Trân trọng ký ức về em, giữ em bên mình.

    Thế giới có thể lạnh lẽo, một nơi đáng sợ,
    Nhưng tình yêu của em bao trùm lấy anh, một cái ôm ấm áp.
    Mặc dù anh không thể chạm vào em, hay nghe thấy giọng nói của em,
    Sự hiện diện của em vẫn còn, an ủi, theo sự lựa chọn của anh.

    Vì vậy, khi mùa thay đổi và ký ức nở rộ,
    tôi mang theo bản chất của bạn, xua tan sự u ám.
    Vì trong trái tim tôi, mãi mãi, bạn sẽ ở lại,
    Cho tôi sức mạnh khi tôi tìm thấy con đường của mình.

    Lời thì thầm của tâm hồn – Một bài thơ

    Trong những khoảnh khắc yên tĩnh, tôi thường nghe thấy
    tiếng thì thầm yêu thương của bạn, mang lại sự an ủi gần kề.
    Một năm đã trôi qua, một thời gian dài nhưng nhanh chóng,
    Nhưng ký ức về bạn, người yêu dấu của tôi, vẫn là món quà tuyệt vời nhất của tôi.

    Qua bức màn thời gian, tâm hồn chúng ta hòa quyện,
    Gắn kết bởi tình yêu, một mối liên kết không xác định.
    Mặc dù bạn có thể đã ra đi, nhưng tinh thần của bạn vẫn ngự trị,
    Nhẹ nhàng dẫn dắt tôi qua những con đường phức tạp của cuộc sống.

    Vậy nên tôi sẽ thắp một ngọn nến, và tôi sẽ gọi tên bạn,
    Với lòng biết ơn, vì tình yêu sẽ không bao giờ phai nhạt.
    Khi tôi bước trên con đường này, trái tim tôi vừa nặng nề vừa nhẹ nhõm,
    tôi tìm thấy niềm an ủi trong ký ức về bạn, tỏa sáng rực rỡ.

    Chữa lành bằng lời nói

    Những bài thơ kỷ niệm 1 năm ngày mất có sức mạnh mang lại sự an ủi, chữa lành và cảm giác kết nối trong thời gian đau buồn và tưởng nhớ. Chúng đóng vai trò như một lời tri ân chân thành đến người đã khuất, cho phép ký ức và tình yêu của họ sống mãi. Cho dù được chấp bút bởi các nhà thơ nổi tiếng hay được viết từ sâu thẳm trải nghiệm cá nhân, những bài thơ này mang đến lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng ngay cả trong mất mát, tình yêu vẫn trường tồn.

    Khi bạn bước trên hành trình khó khăn này, hy vọng những bài thơ kỷ niệm 1 năm ngày mất này sẽ mang đến cho bạn sự an ủi và cảm hứng, nhắc nhở bạn rằng bạn không đơn độc trong nỗi đau buồn này, và tình yêu mà bạn dành cho người thân đã khuất sẽ mãi tỏa sáng trong trái tim bạn.

    Ngày 20 tháng 11 năm 2021

    Source link