Email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com | info@thotanhinhthucviet.vn
SINH HOẠT VĂN HỌC
_______________________
Cuốn “Vũ Điệu Không Vần” được Domino.books xuất bản vào cuối năm 2019. Vì vậy, nhân dịp tôi về Việt nam thăm gia đình, nhà xuất bản Domino.books đã tổ chức buổi ra mắt sách, sáng 15/12/2019 tại Cà phê thứ Bảy, Quận 3, T/P HCM. Buổi ra mắt thành công với rất đông người tham dự, góp ý, trong đó có nhà phê bình nghiên cứu Văn Giá, Trần Hoài Anh, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Hạnh Ngộ, Lý Đợi, Xuân Thủy, Phạm Quyên Chi … Các tạp chí Tuổi Trẻ, Báo Mới, Dân Trí, Phụ Nữ. Và cả những chống đối. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn tới một đàn anh của tôi, nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, và anh Bùi Quang Viễn, nhà xuất bản Domini.Books, đã giúp xuất bản tập tiểu luận này.
Những người lớn tuổi đã quen với những thể thơ cũ nên khó đổi mới, vì họ lấy cái hay cũ đánh giá cái hay mới. Thậm chí không phân biệt được giữa thơ Tân hình thức Mỹ và Việt, giữa ngôn ngữ tiếng Anh (đa âm và trọng âm), và tiếng Việt (đơn âm), gán ghép cho Tân hình thức Việt dùng kỹ thuật lập lại để thay thế dấu nhấn. Và rằng, thơ Tân hình thức Việt không có những bài thơ hay.
Nếu muốn tìm hiểu thơ Tân hình thức Việt, chúng ta cần có kiến thức về thơ, và am hiểu vấn đề tới nơi tới chốn. Thơ Tân hình thức Mỹ trở lại thơ thể luật sau một thế kỷ phát triển thơ tự do, với những phong trào tiền phong, nửa sau thế kỷ 20, cung ứng toàn bộ kiến thức chưa bao giờ có về thơ, kể từ thời kỳ văn minh cổ đại Hy lạp. Tân ở đây là trở lại (retro) truyền thống. Còn Tân hình thức Việt là một thể thơ trở lại, bổ túc cho thơ có vần. Nhà phê bình Văn Giá trong một bài viết "Một bài thơ Tân hình thức Việt được cho là hay", 2013, đã viện dẫn 5 bài thơ hay của những tác giả Khế Iêm, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Bỉm.
Thật ra, ở thời nào cũng vậy, Thơ Mới và thơ tự do thập niên 1960s ở Miền Nam cũng đều bị chống đối, vì những cái mới đã làm lung lay cái cũ. Thơ Mới và thơ tự do bùng phát lên thành những phong trào lớn, với cả ngàn người sáng tác, nhưng là chỉ lập lại những gì đã có. Còn thơ Tân hình thức Việt thì không. Có nhiều lý do để giải thích. Trước thập niên 1960s, không có nhiều phương tiện giải trí, ngoài ca nhạc, cổ nhạc, và thơ là bộ môn cao cấp nhất. Nhưng tới thập niên 1990s, Internet bắt đầu, và sau 2004s, với Website, Facebook, Youtube ... cùng với hoàn cảnh xã hội, nên ít người còn quan tâm tới thơ, đặc biệt thơ Tân hình thức. Hơn nữa, thơ Tân hình thức Việt lại là một dòng thơ khó, với hai yếu tố mới và hay: Ý tưởng và Nhịp điệu, đòi hỏi người làm thơ phải có óc sáng tạo. Vì thế số người tham gia không nhiều.
Nhưng 15 năm sau, thế giới ảo dần phai mờ, và con người quay về với đời sống hiện thực. Thay vì đọc trên Internet, người đọc trở lại với cách đọc trên trang giấy, lôi cuốn bởi con chữ, “đắm mình trong tình tiết và cốt truyện”. Chẳng khác nào, “thơ Mỹ quay lại với thơ thể luật vào những năm đầu thập niên 1990s, sau một thế kỷ chiếm ưu thế của thơ tự do. Theo G. K. Chesteron, nhà thơ, triết gia, kịch tác gia người Anh, ‘cách mạng là phục hồi (restoration), đoạt lại (recapturing), giới thiệu lại một điều gì đó đã từng được hướng dẫn và truyền cảm hứng từ trong quá khứ.’ Hay nói khác, là cuộn lại (re-roll), quay trở lại (return), đi vòng quanh một lần nữa’.” Báo Giấy ra mắt số đầu tiên vào tháng 4/ 2014, gửi qua email để người đọc in lại, đọc trên giấy.
Nhà thơ Inrasara lại cho rằng, nội dung thơ Tân hình thức không có cảm thức về thời sự, chính trị. Thơ, tự nó, không hề có mục đích. Và Tân hình thức Việt cũng chỉ là thay thế các thể thơ có vần, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, thành không vần, và gọi là thơ không vần, đóng góp vào sự làm giàu cho thơ Việt. Còn nội dung thế nào thì tùy thuộc người làm thơ, và hoàn cảnh họ đang sống, chứ có liên quan gì tới các thể thơ? Những nhà khoa bảng và nghiên cứu văn hóa, họ quan tâm tới kiến thức, nhưng người làm thơ thì không, họ quan tâm tới cái ngã nhiều hơn, nhìn thế giới qua cái tôi của họ. Triết gia thời cổ Hy lạp, Socrates, vượt ra khỏi cái ngã, tự biết mình dốt, nên ông đã tìm cách đàm thoại với mọi người chung quanh để hoàn chỉnh sự hiểu biết của mình. Nói chung, những người có hiểu biết thường là khiêm tốn.
Kiến thức + tưởng tưởng = sáng tạo. Kiến thức (chuyên môn) thúc đẩy tưởng tượng mới sinh ra sáng tạo. Chống thơ Tân hình thức chẳng khác nào phô bày sự thiếu kiến thức của họ và không hiểu gì về thơ. Thơ là một hình thái sáng tạo. Mà sáng tạo là phải đổi mới. Đổi mới ở đây là thể thơ chứ không phải đổi mới chữ như thời thơ Mới. Nếu suốt thế kỷ này qua thế kỷ khác, cứ nhai lại những thể thơ cũ, thì đó là một nền thơ chết. Và chỉ có những người làm thơ, chứ không thể có nhà thơ.
Thật ra, mọi thắc mắc hay chống đối đều đã được trả lời trong “Vũ Điệu Không Vần”, với 600 trang, khổ 6x9 inches. Tuy nhiên, trong buổi ra mắt sách, chính nhờ sự chống đối nên sinh hoạt mới trở nên sôi nổi, gây ấn tượng tới mọi người, và làm mạnh thêm cho thơ Tân hình thức.
*
Ngày hôm sau, tôi có buổi tọa đàm tại Đại học Nhân văn T/P HCM, với giới khoa bảng của trường. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ với sự chủ tọa của GS Võ Văn Nhơn, họ chỉ đặt câu hỏi để tìm hiểu thể loại thơ này chứ không hề phản bác. Tôi thật sự kính trọng cách ứng xử của họ. Sau này ở Huế cũng vậy, với giới khoa bảng tại hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Cũng cần nhắc lại, vào ngày 29 tháng 10 năm 2014, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Viết văn – Báo chí phối hợp với Tạp Chí Sông Hương đã tổ chức một buổi tọa đàm về thơ Tân hình thức. Chứng tỏ, dòng thơ này đã được chấp nhận trong giới khoa bảng.
Nói thêm về nước Mỹ, chính triết gia người Trung quốc, Li Ming (biên dịch Nguyễn Hải Hoành), khi so sánh giữa người Trung Quốc và người phương Tây, tiêu biểu là Mỹ, đã cho rằng: “chủng loại người nào có thể cung cấp cho nền văn minh của toàn nhân loại những nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nhà nghệ sĩ lớn đẳng cấp thế giới, thì chủng loại ấy là thông minh. Nói cách khác, qua so sánh, chủng loại người nào giỏi hơn về khám phá các quy luật mới (về tự nhiên, xã hội, tâm lý loài người), về phát minh công nghệ mới (tư duy, công cụ, máy móc), sáng tạo các tri thức mới (về khoa học, nghệ thuật), thì thuộc về chủng loại người thông minh.
“Ngược lại chủng loại người nào không giỏi, thậm chí không có thể khám phá quy luật mới, phát minh công nghệ mới, sáng tạo tri thức mới thì là không thông minh. Người TQ có thực sự thông minh không? Nếu người TQ thực sự thông minh như thế thì trong dòng sông lịch sử dài dằng dặc rốt cuộc họ đã cống hiến cho nền văn minh nhân loại được bao nhiêu nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nghệ sĩ lớn cấp thế giới, cung cấp được bao nhiêu khám phá lớn về quy luật, phát minh lớn về công nghệ và nghệ thuật, sáng tạo lớn về tri thức?”
Nhân đây, chúng tôi đề cập tới bức tranh bìa của “Vũ Điệu Không Vần” (thiết kế bìa Minh Thái). Jean-Michel Basquiat (1960 –1988), một nghệ sĩ Mỹ và là họa sĩ đường phố gốc Phi đầu tiên trở thành ngôi sao nghệ thuật mang tầm quốc tế, theo Graham Thompson. Tài năng của họa sĩ nổi bật với nhiều tranh vẽ đa dạng, dày đặc chữ viết và hình ảnh cắt dán. Tác phẩm giá trị nhất, Untitled (Không Đề) của ông đã được bán với giá trên 110 triệu USD. Nếu Van Gogh lúc còn sống tranh chẳng bán được bao nhiêu, nhưng khi chết đi có giá cả trăm triệu USD thì Basquiat cũng tương tự. Và bắt đầu từ số này, chúng tôi thêm mục “Những Dòng Thơ Cũ”, đồng hành với Tân hình thức. Về phần dịch thuật, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, bài “Art and Beauty” của Allan Burns do Điểm Thọ dịch.
Để kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, và hiểu rõ về thơ, dù ở thể loại nào, xin quí bạn đọc kỹ phần tiểu luận “Vũ điệu không vần”, đồng thời với những thân hữu sáng tác thơ Tân hình thức, phải theo đúng tiêu chuẩn: Ý tưởng và Nhịp điệu, và gửi cho Báo Giấy số sắp tới. Những tác giả đã gửi bài, xin chỉnh nhịp điệu, và gửi lại. Sau đây là bài thơ mẫu:
CON MÈO ĐEN
Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;
con mèo đen có đôi mắt bằng đất
sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ
mở ra và không bao giờ nhắm lại,
trong lúc lên thang xuống thang, mang theo
linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,
mà quên rằng, tôi đã sống những ngày
hôn ám biết bao, tự thuở nào và
tại sao thì tôi đành chôn kín, trong
cái túi đựng đầy những đoạn chú thích,
được lượm lặt từ rất nhiều mẩu chuyện,
để cấu thành câu chuyện về con mèo
đen, mang linh hồn và chiếc xương sườn
của tôi; dĩ nhiên, đó là con mèo
đen có đôi mắt bằng đất sét, chứ
không phải bất cứ đôi mắt nào khác;
mù đặc, trong lúc lên thang xuống thang.
__________________
Ghi chú
“Con Mèo Đen” là một trong ba bài thơ hay nhất trong tháng 12 – 2007 của Diễn đàn thơ Mỹ Poetry.about
THE BLACK CAT
The black cat with my soul and a piece of
my rib, wakes up every morning not
washing its face, every morning not
brushing its teeth; the black cat with clay-like
eyes, opening and closing, or open-
ing and never closing, as it climbs up
and down the stairs, dragging with it my soul
and a piece of my rib, forgetting that
i had lived much darker days, since when and
why it was i had buried them in my
pocket full of notes gathered from
many different tales, strung together
to make up this story about the black
cat with my soul and a piece of my rib;
of course, that is the black cat with clay-like eyes,
not any other kind of eyes; even
as the black cat climbs up and down the stairs.
_________________
Note
“The Black Cat” is one of three very fine poems in the December 2007 edition of Poetry.about Forum
[pdf-embedder url="https://thotanhinhthucviet.vn/wp-content/uploads/2020/03/Vu-Dieu-Khong-van-_VIETNAM.indd_ebook.pdf" title="Vu Dieu Khong van _VIETNAM.indd_ebook"]
Reviews
There are no reviews yet.