Nguyễn Kiên Giang
Là một người trẻ yêu văn chương nói chung – thơ ca nói riêng, dấn thân vào con đường sáng tạo bằng tất cả nhiệt huyết và ý thức nghiêm túc, tôi rất quan tâm đến những chuyển động của nền thơ ca chúng ta. Vì thế, tôi hân hoan với sự kiện thú vị này, dù chỉ mới tiếp cận thơ THT Việt ở góc độ nhận thức, và chưa hẳn đã thấy thuyết phục.
*
Thơ THT “vào” Việt Nam chí ít cũng đã hơn mười năm. Nhưng hiện nay, đối với người yêu thơ và cả với đa số tác giả thơ, THT vẫn là một điều rất mới mẻ. Thời gian mười năm chưa đủ để đưa ra kết luận thuyết phục về một hành trình sáng tạo, hoặc giá trị của một thể loại, hay những thứ tầm vóc tương tự. Tuy nhiên, tôi tin rằng những người nổ lực cho thơ THT Việt ở trong nước cũng như hải ngoại thời gian qua sẽ không khỏi ưu tư về thực trạng vị trí THT Việt trong lòng người yêu thơ Việt Nam hiện tại.
*
Mọi thứ đang tồn tại – con người và ngoài con người, thơ và thơ “khác”… – được sinh ra với một căn nguyên duy nhất: sự khác biệt!
Và, cũng chỉ có một thứ quyền lực duy nhất đang tồn tại: sự khác biệt!
Có những “sự khác biệt” có quyền lực chuyển thế, cũng có những “sự khác biệt” có quyền lực tự hủy hoại chính mình. Thơ ca là món quà kỳ diệu mà tạo hóa ban tặng để con người giải mã và minh thị về “sự khác biệt” đó.
Mọi thứ vốn dĩ đã khác biệt nhau. Khi “anh khác biệt tôi”, thì cũng có nghĩa là “tôi khác biệt anh”. Vì thế “chúng ta tồn tại”. Nên anh đừng nghĩ đến chuyện “loại trừ tôi”. Việc chúng ta nên làm là chứng minh “quyền lực từ sự khác biệt của mình không phải là quyền lực tự hủy hoại”.
Tôi đã nghĩ như thế khi thấy các “thể loại”, các “trường phái”, các “phong cách” khác nhau (trong văn chương – nghệ thuật, mà cụ thể là thơ) đang đả phá nhau, tìm cách loại trừ nhau nhân danh sự nhân văn, đầu tiên là ở mặt nhận thức. Không cần phải thế! Mà cũng không thể làm thế!
*
Trở lại với thơ THT Việt, bằng cái nhìn của người mới tiếp cận, tôi xin phép trình bày thành thật vài suy nghĩ:
- Đầu tiên, nó là một sự khác biệt. Và mức độ khác biệt của nó khá lớn so với mức độ khác biệt giữa các dòng thơ khác về hình thức thể hiện trong nhận thức thơ đương đại của chúng ta. Do đó, nó có một sức hấp dẫn riêng. Bằng chứng là ngày càng có thêm ngiều người biết đến nó, thể nghiệm nó, dù mức độ còn khiêm tốn. Tôi vẫn muốn gửi gắm “ưu tư về quyền lực của sự khác biệt gồm cả quyền lực tự hủy hoại”.
- Thơ THT Việt tiếp thu có sáng tạo từ thơ THT Mỹ. Như vậy, sự tương hợp giữa chúng là lớn. Cộng đồng người Việt ở Mỹ lại khá đông đảo. Thơ THT Việt nếu đóng vai trò là phương tiện văn hóa – nghệ thuật làm cầu nối giữa cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ với cộng đồng bản địa; giữa hai nền thơ ca Mỹ và VN đương đại thì thật là một điều tuyệt vời và khả dĩ.
- Tiếp cận với lý luận về thơ THT Việt, cụ thể là tác phẩm “Vũ điệu không vần” của Khế Iêm, tôi thấy nó quá rườm rà, rối rắm. Chưa biết có ai yêu thể loại thơ nào đó bởi những công trình lý luận đồ sộ như vậy, hay có tác giả nào thể nghiệm một thể loại thơ bởi đã đọc hoặc phải đọc hết những lý luận đó không? Tôi vẫn nghĩ: Thơ và lý luận, chứ không phải Lý luận và thơ. Bất kỳ dòng thơ nào, thể loại thơ nào, dù cao siêu đến đâu, hay đơn giản mức nào thì đầu tiên cũng phải có những bài thơ hay chiếm được cảm tình, tạo được dấu ấn nơi người thưởng thức. Càng có nhiều bài thơ hay như vậy, thể loại đó càng khẳng định được “quyền lực” của mình.
Vì là người yêu văn chương, tôi thật sự cảm kích những cống hiến và nổ lực của những tác giả đã giành cho thơ THT Việt như Khế Iêm, Biển Bắc, và những tác giả khác trong nước
Vì là người tìm kiếm, tôi luôn ủng hộ những người tìm kiếm và trân trọng thành quả của những tìm kiếm đó. Thơ THT Việt là kết quả của một hành trình tìm kiếm đầy nổ lực của những người khởi xướng.
*
Ông bà ta dạy bọn trẻ: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Về tuổi đời cũng như quá trình cầm bút, tôi chỉ là lớp hậu sinh so với các bậc tiền bối tại Hội thảo này. Tuy chưa cảm nhận đủ về thơ THT Việt, tôi cũng xin “thưa thốt” những tâm tư của mình như trên. Mong rằng không thất lễ, và mong các bậc tiền bối lượng thứ những thất thố khó tránh ở một người trẻ!
Trước khi kết thúc, tôi xin gửi đến Hội thảo bài thể nghiệm đầu tiên về thơ THT bằng những thụ cảm sơ khởi:
HUẾ VẪN RẤT HUẾ CHIỀU NAY
Huế hôm nay hôm qua và ngày
mai thứ tự đúng là hôm nay
hôm qua và ngày mai kết nối
chúng ta bằng một từ không nói
mà hàm chứa điều chúng ta nói
như một câu trả lời có sẵn
tình cờ cho những người tìm kiếm
thơ như là lẽ sống hơn là
trò chơi mà những người tìm kiếm
Huế hôm nay ngẫu nhiên thấy mình
đẹp như hôm qua và ngày mai
trong thơ ngoài thơ cũng nên thơ
thì sông Hương núi Ngự cũng thân
thương như núi Ấn sông Trà quê tôi
hay những miền quê mà chúng ta
từ đó về đây mang theo thơ
trong tim đến với thơ trong đầu
và ra về với thơ trên tay
như một lời hẹn ước tin cậy
để chấp nhận cả những tàn phá
khốc liệt nơi thời gian tự mãn
với chính mình bám vào nhỏ bé
không chỉ ngày mai Huế mới đẹp
khi hôm nay cũng đẹp như ngày
hôm qua đã đẹp như trong thơ
ngẫu nhiên hay tất định lên tiếng
thì Huế vẫn rất Huế chiều nay…
Trân Trọng!