NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
——————
Tôi bén duyên với Thơ Tân Hình Thức từ những năm tháng ở Tạp Chí Thơ của nhà thơ Khế Iêm. Khoảng từ năm 2000. Với tất cả hứng khởi và thích thú trong thử nghiệm mới, xem mình ra sao khi thể hiện mình một cách khác đi, như thể bao lâu nay mình quen mặc một kiểu áo nào đó khi ra phố, khi đi làm, bỗng nhiên, một sáng đẹp trời, lại thích một kiểu hoàn toàn khác, phong cách khác hẳn mình thường, và bạn bè nhìn mình với ánh mắt lạ lạ. Thế đấy, cũng đã gần 13 năm. Khoảng thời gian dài đó tôi đã viết trên dưới 5,6 chục bài với thể loại này, gạn bỏ chỉ còn cỡ 20 bài, chừng đó không thể nói là đã định hình được mình với thơ Tân Hình Thức, nhưng với những gập ghềnh khi bước đi cùng nó, tôi cũng có được chút ít kinh nghiệm. Và đây chỉ là vài ý kiến của một người đã, đang làm thơ Tân Hình Thức.
Thế nào là Thơ Tân Hình Thức? Thiết tưởng những ai có sự quan tâm về nó chắc cũng có đọc qua những bài tiểu luận của nhà thơ Khế Iêm, người chủ xướng phong trào thơ Tân Hình Thức Việt, qua đó nhà thơ Khế Iêm đã cho chúng ta nhìn được một cách khái quát về thể thơ này, cũng như cung cấp “khí giới” cho các nhà thơ muốn thử thách, để khai phá, để bước đi trên con đường mới mẻ ấy. Có thể nêu ra vài khí giới cần thiết theo nhà thơ chủ xướng Khế Iêm: “…mang giọng kể là thi pháp tự nhiên của đời thường (tính truyện), xử dụng kỹ thuật vắt giòng (enjambment), đọc liên tục từ dòng (line) này sang dòng khác, lập lại những nhóm chữ (như nhạc Rap) để tạo thành điệp vận và vần không hợp cách.” (thotanhinhthuc.org)
Và khi thực sự bước vào mới thấy được hết những cái khó riêng của thể loại thơ này.
Người ta vẫn dùng cách vắt dòng để đả kích thơ Tân Hình Thức, cứ việc đếm cho đủ số chữ 5, 7 hay 8 rồi xuống dòng, cứ thế mà thành bài thơ Tân Hình Thức. Tôi cho rằng người nói như vậy là chưa làm một bài thơ Tân Hình Thức nào hoàn chỉnh và có thể gọi là Thơ cả. Trong một lần, nhân được tham gia trong ban lựa chọn một tác giả cho giải thơ Tân Hình Thức, tôi có nêu ý kiến khi đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Độ, đã gọi là thơ thì yếu tố trước tiên người đọc phải cảm nhận ngay, đó là bài thơ, rồi đến cảm xúc tức thì đánh động vào tâm người đọc từ bài thơ mang lại. Có được hai điều ấy thì tất nhiên bài thơ đó đã hội đủ những yếu tố để bài thơ hay là: ngôn từ và nhạc điệu của nó. – Xin tìm đọc: Một Ngàn Lời Nói Dối, Cà Phê Sáng, trang thơ Tân Hình Thức- nhạc trong thơ THT của Nguyễn Tất Độ tạo nên bởi những câu lập đi lập lại thành một âm điệu ray rứt đạt được hiệu quả “kêu gọi” như ý nhà thơ muốn “để giải bày bức xúc”, theo tôi đó là những bài thơ THT cho tới lúc này, là những bài thơ hay.
Thơ Tân Hình Thức dùng những chữ rất đời thường, (nghĩa là phải thi hoá được ngôn ngữ đời thường) đơn giản, hết sức tự nhiên, và mỗi bài thơ THT lại mang một thi nhạc riêng, không bài nào giống bài nào, đây là một điều mà cá nhân tôi rất thích, vì như những thể thơ khác, dù có phá cách thì điệu chung của lục bát, 7, 8 chữ đều có những trầm bổng na ná nhau. Do đó, Cảm xúc mà thơ Tân Hình Thức mang lại không phải từ những nhịp du dương gắn bó của chữ. Cảm xúc đó bật ra từ ý tưởng, nội dung ngôn từ nhà thơ xử dụng. Thành ra nếu nói cứ đơn giản đếm chữ mà vắt dòng để có được bài thơ THT, nhất là với ngôn ngữ Việt, thì xin lỗi, cứ thử theo như thế xem có thành một bài Tân Hình Thức gọi được là thơ không. Đọc những bài thơ Tân Hình Thức của các tác giả Inrasara, Biển Bắc, Đài Sử, Gyảng Anh Iên, Trầm Phục Khắc, Nhiệt Đới Buồn…, mỗi nhà thơ đều biểu hiện được nghệ thuật vắt dòng tạo được hiệu quả cho nhạc điệu để thành một bài thơ có sức hấp dẫn khiến người đọc đến và trở lại.
Có người nói với tôi. Chịu, không thể nào mà nhớ được đôi câu, huống chi là một bài, thơ Tân Hình Thức.
Chính vì yếu tố tạo nhạc tuỳ theo cảm xúc và cách dùng chữ riêng của mỗi nhà thơ mà thơ Tân Hình Thức có thể trúc trắc và không thể nhớ, thuộc, để ngâm nga (tôi không nghĩ sự ngâm nga lại cần thiết!). Sự khác biệt nhiều về thi pháp và phong cách nên nó khó gần và không được nhiều người thưởng lãm? Cá nhân tôi cũng không thể nhớ lời một bài thơ Tân Hình Thức dù lúc đọc nó rất thích, đọng lại có chăng là ý tưởng và truyện kể của nó. Nên đây cũng là hai yếu tố cộng vào những điều tôi đã nêu ra ở trên để một bài thơ Tân Hình Thức có thọ mạng lâu dài.
Một quan điểm gần như là bất biến ở tôi, dù ở bất cứ thể loại nào, để được gọi là thơ, một bài thơ phải toát ra được tính chất Thơ, và “cảm xúc đánh động vào người đọc như một ánh chớp” (theo nhà thơ Thiền Đăng, trang thotanhinhthuc.org). Tôi không thể hình dung Thơ mà loại yếu tố Cảm Xúc, như một vài nhà thơ đã chủ trương.
Ngoài thi tài thiên phú, nhà thơ, đương nhiên, cần nhìn, nghe và sống với không khí của thời đại mình. Không những chạm đến những vấn đề, sự kiện hiện tại mà còn xử dụng ngôn ngữ đương thời nữa. Điều đó ít nhiều giới hạn việc lập lại một cái gì đã cũ. “…Những nhà thơ Tân Hình Thức chẳng dừng ở quan niệm làm mới, vì đó là phương cách của thời hiện đại, mà dùng thể truyền thống trộn với chất hiện đại (bao gồm thơ tự do) giống như kiến trúc hậu hiện đại, tạo thành một thể lai, hoàn toàn khác, không những hoá giải và làm tan biến truyền thống mà cả hiện đại… (Khế Iêm)
Với tất cả thách thức trên, đến và ở với thơ Tân Hình Thức là một can đảm cam go. Và cũng như bất cứ một phong trào cách tân nào mới hình thành, đang phát triển cũng cần đến tài năng và thời gian. Muốn vận động cũng như thuyết phục nhiều người hơn đến với thơ Tân Hình Thức, thì, theo tôi, chỉ trông cậy vào một điều gần như là duy nhất, thi tài của nhà thơ.
Bước đầu tiên của phong trào thơ Tân Hình Thức là đã tạo nên một gợn sóng cần thiết trong dòng văn học Việt Nam đương đại. Với số lượng các nhà thơ trẻ Tân Hình Thức như hiện này thì họ, những nhà thơ khởi những bước tiên phong, đã phần nào hoàn thành được việc lát những viên gạch gian nan đầu tiên rồi đó chăng?
Nguyễn Thị Khánh Minh
Tháng 9.2013