THÚY BÌNH
Đề cao giá trị thưởng thức
Thành công gần đây nhất mà vở kịch Dấu xưa (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, tác giả: Thanh Bình, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) đạt được chính là nhờ vào cách khai thác mới. Thay vì tái hiện sự kiện khô cứng, giáo điều, các tác giả chọn cách thể hiện đặc tả, làm nổi bật tình cảm, khát vọng của nhân dân, quan điểm của người lãnh đạo một cách khéo léo. Từng câu giao tiếp gần gũi, giữ được sự chân thật trong câu chuyện. Làm kịch nhưng… không kịch, vở đã sáng đèn hơn 70 suất phục vụ khắp thành phố, nhận được nhiều phản hồi tích cực, sự yêu thích đặc biệt lớn từ học sinh, sinh viên.
Đạo diễn trẻ Hoàng Tấn tạo nên sự phá cách đầy sáng tạo khi phối hợp giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu với công nghệ điện ảnh cho vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung. Trường đoạn khó nhất lúc cuối vở là nhóm thiếu nhi băng rừng, vượt sông… tìm được bức chân dung Bác Hồ về thờ giữa rừng đước già. Khán giả bất ngờ được chứng kiến hình ảnh Bác trên nền màn hình Gauze (tương tác nổi 3D) bao trùm sân khấu rồi dần dần thu nhỏ, dời vào khung ảnh thờ. Công nghệ không chỉ mang đến sự mãn nhãn về thị giác mà còn tạo “cú hích” thẳng vào cảm xúc người xem vốn quen với tính ước lệ sân khấu.
Khi thực hiện vở cải lương Thành phố buổi bình minh, đạo diễn, NSƯT Phan Quốc Kiệt chọn hẳn hướng đi khác. Vở có bối cảnh Sài Gòn những năm đầu sau ngày giải phóng, khắc họa hình tượng những lãnh đạo khi đó, mà đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt, đang nỗ lực tìm mọi cách đưa thành phố vượt qua bao khó khăn. Bối cảnh quen thuộc, nhân vật không mới nên đạo diễn đã dàn dựng vở theo hướng để khán giả sống cùng nhân vật và giải quyết nút thắt câu chuyện.
Bằng nhiều cách làm mới, những tác phẩm sân khấu đề tài truyền thống đang dần thoát khỏi lối mòn để khán giả đón nhận trọn vẹn và nguyên thủy nhất giá trị của nghệ thuật. Các vở: Rặng trâm bầu (tác giả: Vũ Trinh – Uyên Nhi, đạo diễn: NSND Trịnh Kim Chi), Cánh đồng rực lửa (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc), múa Huyền thoại rừng Sác (biên đạo: Huỳnh Quang Trí), kịch múa Tổ quốc (biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, NSƯT Tạ Thùy Chi, NSƯT Lương Xuân Thành)… đang tạo ra những dấu ấn như thế.
“Làm mềm” đề tài chiến tranh
Với vở múa Hoàng hôn, biên đạo Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ: Là tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh nhưng chúng tôi không đề cập đến súng đạn, chết chóc hay nỗi đau. Thay vào đó, là khắc họa tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa, những câu chuyện mang nhiều cung bậc cảm xúc con người bằng xương bằng thịt, đủ để lắng đọng. Đó là những người phụ nữ chờ đợi sự trở về của những người đàn ông họ yêu quý. Khi hiểu rõ ngọn nguồn những câu chuyện, người đối diện với câu chuyện ấy sẽ dễ dàng cảm nhận chân thực hơn những nỗi đau ẩn chứa và hậu quả khắc nghiệt, đau thương của chiến tranh.
Nghệ thuật dù chuyển tải bất kỳ nội dung hay thông điệp gì, trước hết phải tạo được mỹ cảm. NSND Mỹ Uyên bộc bạch: “Dàn dựng tác phẩm sân khấu cách mạng không nên khô cứng, triết lý sáo rỗng, nội dung khiên cưỡng hay cách thể hiện cũ kỹ. Những câu chuyện thực tế, thiết thực, đi vào đời sống hiện nay hay phản ánh tâm lý con người ở nhiều góc độ… sẽ dễ khơi gợi cho khán giả trẻ sự tưởng nhớ, lòng tự hào về sự anh hùng của dân tộc”.
“Làm mềm” vở diễn truyền thống cách mạng là cách làm đang được các nhà đầu tư nghệ thuật chú trọng trong dàn dựng, biểu diễn, với mong muốn đưa tác phẩm chính kịch đến gần hơn với công chúng, lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục lịch sử và đáp ứng nhu cầu giải trí nghệ thuật của người trẻ – khán giả của sân khấu tương lai.