Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, gương mặt nổi tiếng từ phong trào thơ sinh viên Hà Nội những năm 80 trở lại thi đàn với tập thơ “Viễn ca” gồm 39 bài thơ chứa nhiều suy tưởng.
Ngày 28/8, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam) ra mắt tập thơ tại Hà Nội.
Tập thơ mới thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi vào tuổi trung niên. Độc giả sẽ bắt gặp trong “Viễn ca” những “Thành phố chiêm bao,” “Giấc mơ tình yêu,” “Công viên mùa Thu,” “Hoàng hôn,” “Giao mùa” và “Ngày cũ.”
Tác giả chia sẻ: “Đối với những người viết lách, trong đường đời của họ sẽ có thêm một chặng hành trình sáng tác. Trong hành trình đó, sẽ có nhiều dấu mốc, nhiều phong cảnh và con đường sáng tác sẽ mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt. Như chặng hành trình 5 năm qua của tôi, tôi đã có nhiều trải nghiệm cá nhân, có nhiều sự vẫy gọi và nó đã tạo ra nhiều điều liên tưởng. Chính vì vậy, ‘Viễn ca’ ra đời, tập hợp sáng tác của tôi trong những năm gần đây.”
Viết về tập thơ “Viễn ca,” nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng tập thơ giàu chiều sâu suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
“Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng,” ông nhận định.
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng để thực hiện điều này cần phải có một “giả kim thuật” ngôn từ và tác giả Nguyễn Tiến Thanh đã thực hiện được trong khá nhiều bài thơ. Chẳng hạn như “Hoang tưởng”:
“Chiều nay
Cơn mưa nào lang thang
Chiếc xích lô cô đơn
Lăn bánh qua mùa Thu góa bụa
Ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ
Rơi vàng mỗi lối heo may…”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì cho rằng có thời gian ông nghĩ rằng thơ ca đã rời bỏ Nguyễn Tiến Thanh “vì công việc quản lý và những việc khác, hoặc anh đã già nua ở đâu đó bên trong lòng mình nhưng đến khi các tập thơ gần đây xuất hiện và đặc biệt là ‘Viễn ca’, thì tôi biết là mình đã nhầm.”
Ông Thiều cũng cho hay không phải thơ ca biến mất hay Nguyễn Tiến Thanh không quan tâm đến thơ nữa mà “chẳng qua là anh phải đi qua một đoạn nào đó, có thể là một đường hầm của đời sống này để cuối cùng hiện ra với tinh thần khác, nhịp điệu khác, chiều kích khác và vẻ đẹp khác”./.