ĐỌC THƠ DIỄN ĐÀN: Kỳ 1

    Ở mặt kỹ thuât, bài thơ này hội đủ trung bình những điểm cơ bản của TTHTV. Về ý tưởng thì rất là một câu chuyện có thể xảy ra ở đời sống thường ngày mang những cái suy tư rối rắm giữa hư thực của cuộc sống như là choáng váng men say và hơi mang tính “liêu trai quái dị”. Qua bài thơ này tính đa dạng của nội dung TTHTV được làm giàu thêm.

    Giới thiệu Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt
    DIỄN ĐÀN THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT


    THƠ DIỄN ĐÀN
    Biển Bắc đọc


    Một bài thơ Tân Hình Thức Việt điển hình phải đáp ứng các quy-/luật-tắc sau đây:

    1. Bài thơ phải mang hình thể một bài thơ trong những thể thơ Việt thông dụng! Hoặc phải có một khuôn khỏ đều đặn thông dụng
    2. Bài thơ phải có mang tính truyện/chuyện
    3. Sự lập/lặp lại phải hiện rõ nét, trải đều ra suốt bài thơ
    4. Bài thơ phải xử dụng ngôn ngữ đời thường
    5. Phải là thơ không vần chứ không là thơ vần điệu

    Ngoài những yếu tố kỹ thuật, bài thơ được cho là hay còn tùy thuộc vào sự áp dụng nhuần nhuyễn và đồng bộ của các yếu tố kỹ thuật cùng ý tưởng mới lạ!


    Hường Thanh
    NHỮNG NGƯỜI LẠNH

    ông lão đập vào cửa
    sổ ông nói ông không
    mở chiếc cửa đầu tiên
    để vào nhà mà leo

    vào phòng T từ cửa
    sổ này mùi men trắng
    trên mặt đập vào mắt
    căn phòng cũng bị đập

    vào hơi khí ngả nghiêng
    ngả nghiêng ông lão bây
    giờ gương mặt không chịu
    chùi vết bẩn do leo

    trèo lên cửa sổ T
    nghĩ rằng chắc hẳn là
    ông sẽ đập vào mặt
    căn phòng này một chai

    rượu rồi ông sẽ về
    về ngay thôi sẽ không
    phiền tới màu sắc cần
    được đen đi ông mời

    T uống mà thực ra
    ông chỉ mang theo một
    cây sáo ông mời T
    thổi về những ngày người …

    3.11.2015

    1. Bài thơ trọn khuôn 5 chữ 4 câu. Khổ thơ phù hợp với nhịp đọc của âm chữ trong từng câu của từng đoạn thơ.
    2. Bố cục hơi siêu thực, mơ hồ nhưng lại ăn khớp với câu chuyện về một cách vỗ về giấc ngủ của một người đang ngà ngà men rượu.
    3. Những âm chữ như “ông lão” được trải đều qua những lập lại của những ông nói; hơi khí; T nghĩ; thôi sẽ; ông sẽ; cây sáo.
    4. Tuy bài thơ xử dụng ngôn ngữ, chữ nghĩa đời thường, nhưng cấu trúc của các chữ đặt cạnh nhau lại cố ý chuyên chở những ẩn dụ hơi rối rắm: ông lão; cây sáo; màu sắc cần được đen đi; mùi men trắng; ….đập vào hơi khí ngả nghiêng…..
    5. Bài thơ xây dựng trên âm điệu đọc khừng khựng và không còn dâu vết vần điệu truyền thống.

    Đốc kết: Ở mặt kỹ thuât, bài thơ này hội đủ trung bình những điểm cơ bản của TTHTV. Về ý tưởng thì rất là một câu chuyện có thể xảy ra ở đời sống thường ngày mang những cái suy tư rối rắm giữa hư thực của cuộc sống như là choáng váng men say và hơi mang tính “liêu trai quái dị”. Qua bài thơ này tính đa dạng của nội dung TTHTV được làm giàu thêm.


    Trầm Phục Khắc
    THEO NHAU

    ở với thơ buồn
    quá đi với thơ
    vui hơn vì đi
    thì có lúc nhanh
    lúc chậm có lúc
    vắng lúc gần có
    lúc mơ lúc thật
    nghĩa là có đi
    thì có gặp chứ
    ở hẳn có sẵn
    rồi thì cần chi
    gặp nữa tuy nhiên
    đi với thơ có
    chút rủi ro này
    ấy là ngộ nhỡ
    mai kia không đi
    nổi nữa thì biết
    tính sao thôi thì
    chuyện nhỏ chuyện nhỏ
    buồn chi chả buồn
    ngồi đấy nằm đấy
    mà vẫn theo nhau
    có nghĩa là đi
    chậm chạp chậm chạp
    theo nhau theo nhau
    lúc vắng lúc gần
    lúc mơ lúc thật

    1. Bài thơ theo thể 4 chữ liên hoàn. Bài thơ chọn thể bốn chữ có chủ đích rất tài tình, vì nhịp đọc được dẫn như nhịp những bước chân (nhỏ) “Theo Nhau”.Thể thơ 4 chữ mà lại liên hoàn tuy rất hiếm thấy các thể thơ truyền thống thông dụng, nhưng vẫn có thể nhận diện.
    2. Tính truyện trong bài thơ này ẩn rất sâu trong những bước đi với thơ qua từng lúc, từng khúc được chở trên phong cách tự sự, lý luận của bài thơ.
    3. Cách lặp lại trong bài thơ này được quy tụ trong cách nói lúc này, lúc kia (lúc chậm lúc nhanh, lúc vắng, lúc gần, vân vân..)trải suốt bài thơ. Mặt lặp lại của cụm từ, âm chữ thì lại được thi triển một cách gượng gấp ở đoạn cuối bài thơ.
    4. Ngôn ngữ của bài thơ là một ví dụ của ngôn ngữ nói, ngôn ngữ đời thường! Phải chăng như vậy mới hợp với nội dung tự sự của bài thơ (?).
    5. Hẳn là bài thơ không vần, nhịp điệu được dẫn đi theo cách lập lại của cách nói lúc này lúc kia.

    Đốc kết: Bài thơ này tuy là yếu ở mặt tính truyện/chuyện, mang nhiều tính cách tự sự lý luận à la truyền thống/tự do, nhưng lại mạnh ở mặt nhịp điệu cùng ngôn ngữ đời thường. Đặc điểm đáng chú tâm là cách áp dụng lặp lại cách nói để thay thế lặp lại cụm từ/âm chữ rất lý thú đáng học hỏi. Ý tưởng bài thơ rất quen thuộc trong ý niệm ví thơ như là người yêu, tình yêu, kiếp nhân sinh, mà tác giả cứ phải theo cái thay đổi của thơ, dù muốn hay không muốn. Tuy nhiên, thông điệp là cái tinh thần cầu tiến, học hỏi để theo kịp những cái đổi mới, cải thiện (của thơ, của TTHTV(?)). Ý tưởng đi đôi với phong cách sáng tác khám phá khiến bài thơ có giá trị ý nghĩa cho TTHTV.


    Trầm Phục Khắc
    LẶNG LẼ

    con đường đẹp quá
    đúng với giấc mơ
    nhưng con đường rồi
    phải hết mà giấc
    mơ có cánh nên
    giấc mơ còn nên
    giấc mơ bay một
    mình một mình lặng
    lẽ lặng lẽ có
    thấy ai đang ngóng
    cổ nhìn không chắc
    là không có muốn
    ghé lại đây không
    chắc là không giấc
    mơ đâu biết nghe
    đâu biết nhìn giấc
    mơ buồn quá thật
    là buồn mà chẳng
    thể là của riêng
    ai giấc mơ có
    cánh thật là nhẹ
    mà chẳng để bay
    đến được nơi đâu
    thôi thì cứ bay
    một mình lặng lẽ
    cho đến khi đuối
    sức đuối sức đuối
    sức may ra lại
    rơi xuống một con
    đường mà lại là
    một con đường đẹp
    đúng với giấc mơ
    một mình lặng lẽ

    1. Bài thơ theo thể 4 chữ liên hoàn. Cách chọn thể thơ liên hoàn này hợp với cái lòng vòng của bài thơ: bắt đầu từ con đường, bay lên rồi lại rơi xuống con đường.
    2. Tính truyện của bài thơ này rất yếu trong cái “vòng lẩn quẩn” của cái tự sự triết lý. Giấc mơ thông thường đã rất riêng tư, mà bài thơ lại khai thác rỉ rả quá nên cái lý lẽ này trở thành nghịch lý.
    3. Những cụm từ như con đường; giấc mơ; lặng lẽ; được lặp lại suốt bài thơ một cách rất tự nhiên. Đặc biệt, cách lặp lại 3 lần cụm từ đuối sức liền một lúc làm nổi bật lên hình ảnh kiệt sức từ từ. Bài thơ rất nhuần nhuyễn ở mặt kỹ thuật này.
    4. Ngôn ngữ bài thơ này là ngôn ngữ nói, ngôn ngữ tâm sự muốn chia sẻ.
    5. Bài thơ không vần này nên trình bày theo thể thơ 7 chữ hoặc 6/8 bởi vì tính cách nhẹ nhàng của lời tâm sự mà thể 4 chữ rất có khuynh hướng thôi thúc, chụp giựt.

    Đốc kết: Bài thơ này tuy ở mặt kỹ thuật lặp lại và ngôn ngữ đời thường rất xuất sắc, nhưng ở mặt tính truyện, ý tưởng và giọng điệu thì lại không được thu hút để gây hứng thú. Dù vậy, bài thơ này là một bài thơ THTV.


    Hường Thanh
    NĂM MÙNG MỐT

    giờ này trên các cành
    cây đang rung lắc lũ
    khỉ gió rung lắc mông
    trông buồn cười thật cây

    cành cây ngày mốt đầu
    năm buồn vui bị lũ
    khí gió đem rung rung
    lắc lắc mông trông mắc

    cười thật cái đuôi quay
    nguẩy cong cong cây tinh
    thần nào biết rung lắc
    sẽ là tinh thần mới rụng

    vỡ các buồn vui đem
    lên cành cây rung rung
    lắc lắc mông trông tức
    cười thật cái đuôi chất

    xám quay nguẩy cong cong
    cành đào mai rụng vỡ
    vẫn là đào mai khỉ
    gió đường trời còn lạnh !

    9.2.2016 – Xuân Bính Thân

    1. Bài thơ được thể hiện qua hình thể của khổ thơ 5 chữ một câu, 4 câu một vế, hợp với nhịp vui nhộn của bài thơ.
    2. Bài thơ là một cái/tiếng cười vào cuộc đời rất “khỉ gió” có những tình huống “cái đuôi chất xám” được người ta dùng để rung cây nhát khỉ bị lòi ra cái “mông lắc lắc” trông “tức cười”, được lồng vào câu chuyện được kể trong bài thơ một cách khéo léo.
    3. Các âm ngang-bổng như rung lắc; trông mắc; đuôi chất; và âm chữ ngang-ngang như cây đang; mông trông; rung rung; cong cong..vân vân, được trải đều nhịp suốt bài thơ hợp với cách đọc vui nhộn.
    4. Ngôn ngữ trào phúng bình dị, rất dễ thương của đời thường.
    5. Bài thơ thành công ở cách lập lại các âm điệu trong thanh vui nhộn và dĩ nhiên không là vần điệu.

    Đốc kết: Một bài thơ THTV hay! Đặc biệt viết vào mùng một tết năm khỉ, kể chuyện khỉ, nói chuyện khỉ gió của con người, cuộc đời …


    Khế Iêm
    XẤU XÍ

    Cô gái mở cửa bước
    vào chàng thanh niên như
    chàng thanh niên mở cửa
    bước vào cô gái như

    cái đẹp này bước vào
    cái đẹp khác nhưng người
    đàn bà mở cửa bước
    ra người đàn ông cũng

    như người đàn ông mở
    cửa bước ra người đàn
    bà như cái xấu này
    bước ra cái xấu khác

    và sao người đàn bà
    và người đàn ông xấu
    xí đến thế cứ như
    mỗi con người có một

    thời thiên thần một thời
    xấu xí và vì vậy
    mà tại sao mỗi con
    người xấu xí đến thế.

    1. Bài thơ mang khổ thơ 5 chữ một câu, 4 câu một vế, thường được thấy trong thơ truyền thống.
    2. Những cái so sánh giữa trẻ, già, đẹp, xấu của ngoại hình được giàn dựng qua một cách kể một câu chuyện, bọc ngoài cái so sánh giữa lúc ban đầu (khi mới yêu nhau thì cái gì cũng đẹp) và lúc về sau (khi đã chung sống lâu rồi thì có nhiều thói hư tật xấu làm mờ đi hình ảnh đẹp) ở bên trong.
    3. Kỹ thuật lặp/lập lại trong bài thơ này được áp dụng rất nhuần nhuyễn, không dư thừa mà rất tư nhiên, logic.
    4. Ngỗn ngữ xử dụng trong bài thơ rất đơn giản tự nhiên.
    5. Các âm điệu trong bài thơ được lập lại rất nhuyễn và rất đều và dĩ nhiên không nương vào vần điệu.

    Đốc kết: Các kỹ thuật của TTHTV được áp dụng một cách thống nhất và nhuần nhuyễn. Một bài thơ THTV kiểu mẫu! Ý tưởng thì không mới lạ.


    Nguyễn Văn Vũ
    HẾT MẮC KẸT RỒI

    vụng về những ngón tay mắc kẹt
    vào khe vần điệu và những con
    mắt nhập nhòe nhập nhòe cơn mơ
    không lối ra nhiều khi muốn đi

    chân đất muốn để đầu trần thả
    cánh diều bay vút cao vút cao
    muốn nói một lời đơn sơ thật
    lòng như cơm trắng muối dưa như

    giây phút hiếm hoi trải lòng cùng
    bạn bè một chiều say đời ngả
    nghiêng hay một sáng thảnh thơi hứng
    chí vắt từng dòng từng dòng thành

    những luống đời xôn xao như sóng
    biển nhấp nhô nhấp nhô có cả
    êm đềm và cuồng nộ có cả
    quá khứ và tương lai đây rồi

    có một trang thơ mới vừa mở
    ra mở ra những dòng thơ mới
    thiết tha chan chứa những niềm vui
    những nỗi buồn của cuộc đời này…

    1. Bài thơ được trình bày qua thể thơ rất thông dụng trong thơ truyền thống: thất ngôn, tứ tuyệt; 7 chữ một câu, 4 câu một vế.
    2. Tính truyện chỉ bật ra một chút một cách liền mạch ở vế 2 và 3 trong suốt bài tự sự về ý niệm đã tìm ra một điều mới thay thế cho điều cũ đang bị “kẹt”.
    3. Những cụm từ lặp lại trong bài thơ chưa được trải đều để tạo nhịp, mà chỉ rất yếu ớt “cà lăm” một đôi đoạn, như : vút cao vút cao; nhập nhòe nhập nhòe; từng dòng từng dòng; nhấp nhô nhấp nhô.
    4. Tuy đã cố gắng thoát ra “khe vần điệu” và ngôn ngữ của bài thơ phần nhiều là ngôn ngữ đời thường rất gần gũi, nhưng vẫn còn “kẹt” lại đây đó ngôn ngữ thơ truyền thống như: luống đời, cuồng nộ ….
    5. Bài thơ tuy không giàu vần điệu, bởi kỹ thuật lặp lại cùng cái liền mạch của tính truyện chưa được áp dụng tốt, nhưng đã “hết mặc kẹt” vần điệu mà là bài thơ không vần.

    Đốc kết: Mọi mặt kỹ thuật chưa được nhuần nhuyễn lắm, nhưng bài thơ hội đủ trung bình những yếu tố để nói rằng đây là một bài thơ THTV.


    Hường Thanh
    CÂY DÀN TREO

    các chất chồng vẫn rất gọn
    gàng lại ngổn ngang vẫn coi
    như vẫn đựoc lấy lên chứ
    không nằm để đó cho chồng

    chất ý nghĩ mỗi lần đem
    đi giặt giũ vẫn luôn chất
    chồng người đen kịt như mọi
    ngày làm công chồng chất bàn

    tay chứ không còn là gánh
    nặng bàn chân mỗi lần đều
    bào mòn và tạo ra nếp
    nhăn tuổi trẻ cắn vào những

    ngổn ngang người đen kịt kia
    cũng là một tất yếu hình
    thành nên cây giàn để treo
    đồ mà có treo đồ đâu…

    15.10.2015

    *đây là câu chuyện có phần dở hơi của tác giả về đống quần áo “lười” treo lên giàn (hoặc tủ).

    1. Bài thơ tuy không mang một hình thể của một khổ thơ truyền thống quen thuộc, nhưng có một khuôn khổ đều đặn : mỗi câu 6 chữ, 4 câu một vế, 4 vế cho bài thơ.
    2. Ý tưởng của bài thơ được lồng trong câu chuyện về những quần áo đã mặc, không đem đi giặt, để chất đống thành như một hình người (nộm) đen kịt, chuyên chở ý niệm những kinh nghiệm học hỏi trải qua (=quần áo đã mặc) bởi lười vận dụng trí óc, nên không rút ra những điều hay (=không đem giặt) thì cũng giống như mớ bùi nhùi đen kịt. Không giặt làm sao đem phơi, không rút tỉa làm sao đem ứng/áp dụng và như thế cái giàn treo hay sự hiện hữu không có chức năng.
    3. Cặp từ chính yếu của ý tưởng bài thơ “chất chồng” được luân phiên xoay ngược và lần lượt lặp lại đều đặn trong bài thơ. Mặt kỹ thuật này được thi triển một cách cân bằng vừa nhịp điệu, vừa ý tưởng.
    4. Ngôn ngữ xử dụng trong bài thơ đọc lên rất tự nhiên, rất đời thường.
    5. Bài thơ là một bài thơ không vần, dấu vết vần điệu không thấy xuất hiện nơi nào trong bài thơ .

    Đốc kết: Giá trị đặc biệt của bài thơ THTV này là cách áp dụng kỹ thuật lặp lại đi đôi với tính truyện một cách đồng bộ rất cân bằng! Kỹ năng này nếu phát triển rộng ra các yếu tố kỹ thuật khác, thì TTHTV sẽ có những bài thơ xuất sắc.


    Tranh bài: Dinah-Wakefield

    Leave a Reply

    Subscribe to get notified of the latest Tin Tho updates.

    spot_img

    Up Next

    Discover

    Other Articles