Ý tưởng và nguồn cảm hứng chính của tập thơ “Nhật ký trong tù”

The origional prison diary (Nhật Ký Trong Tù) by Vietnam’s national leader Ho Chi Minh (BTCM 6698). (baotanglichsu.vn)

Prison Diary – Modern Poetry in Translation

8_Pham_Tran_Thuy_Anh_(1)1.PDF (hueuni.edu.vn)


Như mọi người đều biết, trong lĩnh vực văn học, tên tuổi của Hồ Chí Minh gắn liền với tập thơ nổi tiếng Nhật ký trong tù. Đó là tập nhật ký bằng thơ, viết bằng chữ Hán, được Hồ Chí Minh viết ròng rã hơn một năm trời, từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943, trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, chuyển qua 13 nhà tù ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Lý do vì sao Hồ Chí Minh viết tập thơ này, điều đó đã được nhiều người lí giải. GS Đặng Thai Mai cho rằng: “Hồ Chí Minh đã dụng ý viết bằng chữ Hán và cũng nhằm vào một số độc giả chữ Hán nữa chăng? Người tù cần tiêu khiển nhưng cái cần hơn cả là tự do. Hẳn là Người cũng mong rằng rồi đây… biết đâu đấy, trong bọn cai tù, trong bọn lính Tàu đang giải mình đi từ nhà lao này đến nhà lao khác chẳng có lấy một lão biết chữ và rồi do tính hiếu kì cũng sẽ dí mũi lên trang giấy mình vừa nguệch ngoạc xong? Biết đâu đấy! Bọn chúng không bẩm báo lên cấp trên những gì chúng vừa nhìn thấy trên cuốn sổ tay của người tù? (…). Và biết đâu đấy, những điều uất ức cô đọng lại thành mấy vần thơ này sẽ không đập tận mắt những bọn đương quyền cấp cao hơn nữa của bè lũ Quốc dân đảng đang làm mưa làm gió hồi này trên đất Quảng Tây?”.

Trụ sở xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nơi chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ Hồ Chí Minh, tháng 8/1942 (nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

GS Trần Quốc Vượng đưa ra thêm một lí do nữa, trong cảnh bị tù đày, Hồ Chí Minh làm thơ còn để “giải tỏa ức chế tâm lý. Một trong những cách giải tỏa ẩn ức là làm thơ. (Mà cái chính là làm hàng trăm bài thơ qua mấy trăm ngày mất tự do cũng là một cách chữa bệnh trầm cảm, một cách buông xả, thư giãn tinh thần)” (1, tr. 80 – 81). Quả là có nhiều lý do, nhưng lý do chính vẫn là, như chính tác giả bộc bạch: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” (Mở đầu tập nhật kí).

Sau này, Hồ Chí Minh cũng nói rõ lí do viết Nhật ký trong tù: “Bác không phải là người hay thơ mà thơ Bác cũng không hay. Mười mấy tháng nhốt trong cái phòng u ám và quạnh hiu, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm. Muốn đi “du lịch” thì đi dọc chỉ năm bước, đi ngang bốn bước. Để “tiêu khiển ngày giờ”, chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người ở tù, cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu” (T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện).

Tuy nhiên, một người trong 14 tháng trời, viết được hơn trăm bài thơ, trong đó có những bài thơ hay, đặc sắc thì không chỉ đơn thuần là vấn đề làm thơ để “tiêu khiển ngày giờ”, cho “khuây khỏa” mà còn là việc được sống với sở thích của mình, với thú vui của mình, dù là trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ. Hồ Chí Minh là con người “trần gian nhất trần gian”, cũng có những thú vui, sở thích của riêng mình: làm thơ (nghệ thuật), câu cá, trồng rau, tưới hoa,… Nhưng khi đã lựa chọn con đường cách mạng, Người đã tạm gác cái thú vui, sở thích của riêng mình.

Hơn một năm trời trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch lại là khoảng thời gian đặc biệt, không thể hoạt động cách mạng trực tiếp được, Người có điều kiện sống với những thú vui, sở thích của riêng mình. Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều nhà hoạt động cách mạng, khi bị tù đày, lại có điều kiện tập trung sáng tác thơ trong tù. Làm thơ trong tù, đây cũng là một trong những biểu hiện của cái bình tâm, cái ung dung tự tại, cái ý chí vượt hoàn cảnh hiểm nghèo của một con người phi thường. Trong bất kì hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng không để phí thời giờ, cũng tìm được cho mình những việc làm có ích.

*

Trong tập thơ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới hai chữ “tự do”. Điều này đã được một số nhà nghiên cứu chỉ ra. Nhà thơ Hoàng Trung Thông trong bài Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác (Văn nghệ số 667, năm 1976) đã nói đến cảm thức “tự do” trong thơ của Hồ Chí Minh. Trong bài Âm vang thơ Đường, GS Lương Duy Thứ nhận định: “Nhật ký trong tù là một tập thơ lớn – một tập thơ có đến hơn trăm bài mà cảm hứng lại rất tập trung. Đó là cảm hứng về tự do: tự do cho dân tộc cho nhân loại và cho bản thân nhà thơ” (1, tr. 185 – 186).

Trang bìa cuốn “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942-1943. Ảnh tư liệu.

GS Trần Quốc Vượng nhận xét: Hồ Chí Minh “là một con người tự do, dù bản nhiên hay do “gian nan rèn luyện”; ông là một người tự do, dù theo nghĩa Hêghen “khẳng định về mình” hay theo nghĩa Ăngghen (Engels) là “cái tất yếu đã được nhận thức”; hay theo nghĩa thông thường: Tự do là Tự chủ” (1, tr. 85 – 86). GS Nguyễn Huệ Chi trong Dẫn luận của chuyên khảo Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù” cũng nói đến “tứ thơ tự do” của tập thơ: “Có hiểu được con người nhiều mặt trong thơ ông, trong đó tính “người” phổ quát là một mặt không thiếu được, mới không nhìn nhận đơn giản hóa các tứ thơ của Nhật ký trong tù, đặc biệt là tứ thơ “tự do”, một điệp ngữ nhức nhối từng hằn cộm lên trong nhiều dòng âm hưởng của tập thơ (…).

Có thể nói, về phương diện triết học, khái niệm “tự do” được hình tượng hóa trong các vần thơ Nhật ký trong tù là một tiếng nói đặc sắc có tính thời đại, góp vào cuộc hành trình tư tưởng của nhân loại trong bao nhiêu thế kỷ nhằm xác định bản thể của chính mình, chân lý sống phổ quát, vĩnh cửu của chính mình, và cái ánh sáng của tâm thức luôn luôn gắn với mình như một định mệnh: con người bao giờ cũng là một thực thể vươn tới tự do” (1, tr. 35 – 38). Những ý kiến trên, về thực chất, đã ít nhiều đề cập đến cảm hứng chủ đạo của tập thơ. Nhật ký trong tù gồm 134 bài thơ, mỗi bài thơ là một chỉnh thể nhỏ; nhưng gộp chung lại tạo nên một chỉnh thể lớn của cả tập thơ, tạo nên một thế giới nghệ thuật được kiến tạo từ một cảm hứng chủ đạo – một yếu tố cơ bản của nội dung nghệ thuật, của thái độ tư tưởng cảm xúc của người nghệ sĩ đối với hiện thực và con người được mô tả.

Như mọi người đã biết, cảm hứng chủ đạo là tư tưởng xuất hiện dưới dạng đan bện sống động với cảm xúc, nhiệt tình của nhà văn. Đó là một tình cảm mạnh mẽ, mang tư tưởng, hòa hợp với tư tưởng. V.G. Belinsky quan niệm, trong các tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật không phải là một khái niệm trừu tượng mà là linh hồn, là cảm hứng chủ đạo của chúng, được thể hiện bằng hình tượng, thấm nhuần trong hình tượng: “Trong các tác phẩm nghệ thuật chân chính tư tưởng đâu phải là một khái niệm trừu tượng, được diễn tả một cách giáo điều mà nó là linh hồn của chúng, nó chan hòa trong chúng như ánh sáng chan hòa trong pha lê. Trong những tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng là cảm hứng chủ đạo của chúng. Cảm hứng chủ đạo là gì ? Đó là sự thâm nhập say mê và ham thích một tư tưởng nào đó”. Trong các tác phẩm nghệ thuật, “cảm hứng biến sự nhận thức của trí tuệ về một tư tưởng nào đó trở thành lòng say mê với tư tưởng đó, một sự say mê mạnh mẽ, một khát vọng nồng nhiệt”.

Đọc Nhật ký trong tù, ta có thể nhận ra tư tưởng cơ bản, một tư tưởng đã trở thành cảm hứng chủ đạo bao trùm, xuyên suốt cả tập thơ. Cảm hứng chủ đạo của Nhật ký trong tù, ấy là nỗi thống khổ của con người khi bị mất tự do và niềm khao khát tự do đến cháy bỏng. Tư tưởng nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo nồng nàn, mãnh liệt ấy được thể hiện trong tình cảm, thái độ của nhân vật trữ tình qua nhiều cảnh ngộ cụ thể, thật phong phú và đa dạng. Cả tập thơ 134 bài, trong đó hai chữ “tự do” cứ trở đi trở lại, vang lên nhiều lần, trở thành một tín hiệu thẩm mĩ đầy ám ảnh, tạo nên nhịp mạnh của cả tập thơ, để cùng với hình tượng nhân vật trữ tình, dệt nên cảm hứng chủ đạo của Nhật ký trong tù. Cảm hứng chủ đạo ấy được gợi ra, được nói rõ ngay ở bài Khai quyển – bài thứ 2 của tập thơ -, tự do là cái đích mà nhà thơ – người tù nhắm tới: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” (Mở đầu tập nhật kí) cho đến bài thơ 134, bài thơ cuối cùng như một tiếng reo vui: “Sáng suốt, nhờ ơn Hầu chủ nhiệm, / Tự do trở lại với mình rồi…”.

Trong hoàn cảnh bị tù đày, trong nhiều cảnh ngộ cụ thể, ở những thời điểm khác nhau, nhà thơ thường nhìn thế giới và con người qua lăng kính tâm trạng của một con người đau khổ vô hạn khi bị tước đoạt tự do. Nhìn trăng trung thu tròn như gương, chiếu rọi cõi đời, ánh trăng trắng như bạc, đối lập với cảnh nhà ai sum họp ăn tết trung thu, nhà thơ càng thấm thía cảnh ngộ không được tự do ngắm trăng thu của mình: “Trung thu ta cũng tết trong tù,/ Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu;/ Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu” (Trung thu).

Khát vọng tự do ở đây được gửi gắm ở tấm lòng theo mảnh trăng thu vời vợi ! Có lúc, nỗi cay đắng vì mất quyền tự do được nảy sinh trong hoàn cảnh Cảnh binh khiêng lợn cùng đi. Trong cái nghịch cảnh: lợn thì người khiêng, ta người dắt, nhà thơ thấm thía biết bao nỗi cay đắng của con người mất quyền tự do: “Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,/ Cay đắng chi bằng mất tự do?/ Mỗi việc mỗi lời không tự chủ,/ Để cho người dắt tựa trâu bò!”. Trong sự cảm nhận của nhà thơ, con người bị mất quyền tự do cũng không khác gì con vật! Vì là nhật ký, nhà thơ không ngần ngại nói ra sự bực tức và nỗi thống khổ của con người khi bị mất tự do, bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong những việc tự nhiên, hằng ngày của con người, ngay cả chuyện đi tiêu cũng bị hạn chế: “Đau khổ chi bằng mất tự do,/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho;/ Cửa tù khi mở, không đau bụng,/ Đau bụng thì không mở cửa tù” (Bị hạn chế).

Trong tập thơ này, nhiều lần nhà thơ nói đến tình cảnh đêm dài mênh mang không ngủ được của mình. Bài Đêm không ngủ (bài 118), nói rõ thêm cái ý thơ: “Ngâm thơ ta vốn không ham…/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” của bài Khai quyển. Bài thơ đã vẽ nên hình ảnh một con người trông ngóng tự do: “Năm canh thao thức không nằm,/ Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi;/ Xong bài, gác bút nghỉ ngơi,/ Nhòm qua cửa ngục ngắm trời tự do”. Có khi, tâm trạng trông ngóng tự do thấm đượm nỗi buồn thương ngậm ngùi, chua chát: “Thanh minh lất phất mưa phùn, / Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa;/ Tự do, thử hỏi đâu là?/ Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường” (Tiết thanh minh). Người tù có thể quên cả thời gian, nhưng niềm khao khát tự do thì luôn thường trực: “Thân tù đâu biết thu sang chửa,/ Chỉ biết hôm nao mở cửa tù” (Cảm thu). Nỗi đau bị tước mất tự do lên tới cao độ, nhà thơ hòa nước mắt viết thơ tù: “Ở tù năm trọn thân vô tội,/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này” (Đêm thu). Thấm thía nỗi đau bị mất tự do của bản thân mình, nhà thơ thấu hiểu nỗi niềm mong mỏi tự do của người tù khác: “Tự do anh ấy hằng mong mỏi,/ Liều mạng đâm nhào nhảy xuống xe;/ Rủi quá chạy đâu chừng nửa dặm,/ Bị ngay cảnh sát bắt lôi về!” (Anh ấy muốn trốn). Thấu hiểu niềm vui của những người tù, khi hai giờ chiều, nhà lao mở cửa đổi không khí, mọi người ngẩng lên ngắm trời tự do: “Hai giờ ngục mở thông hơi,/ Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do” (Quá trưa). Hiểu rõ sự vùng lên của những con người, của các dân tộc bị tước đoạt hết mọi quyền tự do, phải sống dưới một ách áp bức: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi, Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền” (“Việt Nam có báo động”, tin xích đạo trên báo Ung Ninh 14 – 11).

Nỗi thống khổ vì bị mất tự do của nhà thơ không đơn giản chỉ là nỗi đau mất tự do cho cá nhân mình. Đây là nỗi buồn đau của một con người mang một sự nghiệp lớn: “Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Vậy nên, cái buồn ở đây là cái buồn của một con người bị mất tự do, bị giam cầm trong bối cảnh lửa chiến tranh trên hoàn cầu nóng chảy cả trời xanh, tráng sĩ đua nhau ra mặt trận: “Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận,/ Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh;/ Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi,/ Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh” (Buồn bực). Đây là nỗi đau của một nhà cách mạng, nỗi đau bản thân bị mất tự do hòa chung với nỗi khổ làm nô lệ của cả dân tộc, nỗi xót xa của một con người khi mà cờ nghĩa tung bay khắp nơi mà mình vẫn bị giam cầm, không được đích thân ra nơi chiến trường: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi,/ Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền;/ Xót mình giam hãm trong tù ngục,/ Chưa được xông ra giữa trận tiền” (“Việt Nam có báo động”, tin xích đạo trên báo Ung Ninh 14 – 11).

Như vậy, trong cảnh bị tù đày, bị giải từ nhà lao này đến nhà lao khác, nhà thơ/ người tù luôn bị ám ảnh cảnh ngộ tù đày của mình; và dường như cảnh nào cũng khơi gợi lên nỗi đau, niềm khao khát tự do. Nhìn trăng trung thu cũng gợi buồn vì mất tự do (Trung thu) mà thanh minh mưa phùn cũng khơi gợi nỗi buồn vì mất tự do (Thanh minh). Thật đủ cả các sắc thái. Có lúc, người tù tưởng rằng tự do đang đến gần, có ngờ đâu vẫn còn cửa ải khó khăn nữa: “Tưởng qua cửa ải này là hết,/ Ngày tự do âu cũng chẳng chầy;/ Nào biết gian nan còn ải nữa:/ Quế Lâm còn phải giải đi ngay” (Đến dinh Trưởng quan). Tám tháng trời mòn mỏi trong chốn gông cùm, nhà thơ cảm thấy tiếc thời giờ: “Trời xanh cố ý hãm anh hùng,/ Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng;/ Tấm bóng nghìn vàng, đau xót thực,/ Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung ?” (Tiếc ngày giờ). Câu thơ cuối: “Bất tri hà nhật xuất lao lung” (Chẳng biết ngày nào thoát khỏi vòng lao tù), vốn là một câu thơ trong bài thơ nổi tiếng Chí thành thông thánh (1905) của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1, tr. 590).

Khao khát thoát khỏi vòng lao tù cũng chính là khao khát tự do. Có hiểu được những tâm trạng, nỗi niềm ấy của nhà thơ, ta mới có thể hiểu được niềm vui của tác giả trong bài Trời hửng – bài 131 trong tổng số 134 bài của cả tập thơ: “Sự vật vần xoay đã định sẵn,/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi;/ Đất trời một thoáng thu màn ướt,/ Sông núi muôn trùng trải gấm phơi;/ Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ,/ Cây cao, chim hót rộn cành tươi;/ Người cùng vạn vật đều phơi phới,/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Có thể là, khi viết bài thơ này, tác giả đã có cơ sở để tin rằng mình sắp thoát cảnh tù đày, sắp được tự do. Ở đây, có sự gặp gỡ, hòa hợp kỳ diệu giữa tâm trạng của một con người bấy lâu khao khát tự do, khao khát ấy sắp thành hiện thực, với cảnh vật thiên nhiên, khiến lời thơ như một tiếng reo vui. Chỉ sau 2 bài thơ nữa (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”, Tức cảnh), nhà thơ viết nốt bài 134, bài Kết luận tập thơ này: “Sáng suốt, nhờ ơn Hầu chủ nhiệm,/ Tự do trở lại với mình rồi;/ Ngục trung nhật ký từ đây dứt,/ Tái tạo ơn sâu, cảm tạ người”.

Vậy là, cái mục đích của Hồ Chí Minh khi viết Nhật ký trong tù được nêu ra trong bài Khai quyển: “Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” cho đến khi may mắn gặp được Chủ nhiệm họ Hầu sáng suốt, nhà thơ/ người tù được trả lại tự do, lại là người tự do thì những dòng nhật ký cũng khép lại.

Qua tập thơ này, chúng ta có thể nhận ra chân dung tinh thần của Hồ Chí Minh. Trong bức chân dung đó, có một nét rất sâu đậm: Đó là một con người vừa đau khổ vô hạn khi bị tù đày, bị mất tự do: “Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,/ Cay đắng chi bằng mất tự do?”; vừa là một con người vượt lên hoàn cảnh bị đọa đầy để có được tự do, với ý nghĩa tự do là “cái tất yếu được nhận thức” (Engels). Vậy nên, bị giam cầm trong nhà tù mà nhà thơ/ người tù vẫn cho mình là “khách tự do” (Mây mưa, mây tạnh bay đi hết,/ Còn lại trong tù khách tự do), là “khách tiên” (Tự do tiên khách trên trời,/ Biết chăng trong ngục có người khách tiên?); vẫn có thể ung dung, thanh thảnh ngắm trăng (Trong tù không rượu cũng không hoa,/ Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ); thể hiện một phong thái bình tĩnh, ung dung, tự tại, làm chủ mình trong mọi hoàn cảnh. Trong bất kì hoàn cảnh nào, tự do vẫn là cái cao quý nhất của con người.

Như vậy, qua Nhật ký trong tù, bằng sự trải nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh đã thể hiện những cảm nhận và suy nghĩ sâu sắc của mình về tự do, đặt ra vấn đề tự do, ở nhiều cấp độ khác nhau. Tự do được cảm nhận, tiếp cận từ nhiều bình diện, với nhiều cung bậc khác nhau, từ sự giam cầm về thể xác, bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong việc làm cụ thể nào đó (Đến buồn đi ỉa cũng không cho) đến cảnh bị đày đọa về tinh thần, có khả năng chạm vào phạm trù triết học khi diễn tả khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn của mình trên cơ sở nhận thức: Tự do là cái tất yếu được nhận thức, có khả năng vượt thoát khỏi tình cảnh bị giam cầm: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao…”.

Nhật ký trong tù là một tập thơ có bút pháp đa dạng và linh hoạt, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của Hồ Chí Minh. Ở tập thơ này, nhà thơ – nhà nghệ sĩ Hồ Chí Minh – đồng thời là nhà tư tưởng, nhà chiến lược, nhà cách mạng vĩ đại. Nỗi đau khi bị giam cầm, khát vọng tự do cháy bỏng trong Nhật ký trong tù là một biểu hiện cụ thể và sinh động, đồng thời cũng hòa hợp, thống nhất cao độ với tư tưởng được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động của Người: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO! Đó là một tư tưởng lớn, trở thành chân lý vĩnh cửu. Quyền tự do dân chủ, đó là một khát vọng muôn đời của mỗi con người, của các dân tộc, ở mọi thời đại. Dẫu ở nơi này, nơi khác trên thế gian này, điều đó còn chưa là hiện thực, mới chỉ là mơ ước, thì chúng ta cũng không thể không hướng tới mơ ước, khát vọng nhân văn cao cả đó.

Theo Arttimes


“Xóm Rồng đón Tết”: Cuộc phiêu lưu thú vị nhất năm con Rồng

2024-01-15 14:38:00

Đọc truyện “Làng Rồng đón Tết”, trẻ không chỉ được đón Tết qua lời nói mà còn có thể khám phá được nhiều kiến ​​thức văn hóa, những giây phút giải trí trong những khoảnh khắc giao lưu…

Sách mới tiết lộ lịch sử trăm năm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Sách mới tiết lộ lịch sử trăm năm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
2024-01-15 08:33:00

Cuốn sách ‘Nghệ thuật hiện đại Đông Dương’ của tác giả người Pháp Charlotte Aguttes-Reynier tiết lộ tiểu sử và tác phẩm quý hiếm của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam.

Ngẩn ngơ trong một chiều mưa

Ngẩn ngơ trong một chiều mưa
2023-08-23 11:42:00

Nắng nhuộm vàng hàng cây ven đường. Mới đầu hè mà không khí đã nóng bức rồi. Một số phụ nữ mặc đồ chống nắng bó sát, không hở khe hở, bỏ xe máy trên đường….

Vòng nguyệt quế vào một đêm trăng sáng

Vòng nguyệt quế vào một đêm trăng sáng
22-08-2023 08:43:00

Mặt trời đã khuất sau dãy núi nhưng bóng tối vẫn chưa ập đến, chỉ để ánh hoàng hôn nhàn nhã ửng đỏ dưới chân mây. Vào mùa hè, ngày dài đêm ngắn. Hiện tại, trên nền…

Mùa lúa mới

Mùa lúa mới
2023-08-08 16:26:00

Ngày nay, cuộc sống no đủ, hạnh phúc hơn trước nên ít người quan tâm đến mùi lúa mới, khoảng mười ngày sau khi thu hoạch. Gạo được phơi khô, xát rồi nấu, mùi thơm bốc lên…

Văn hóa trên tách trà

Văn hóa trên tách trà
2023-08-04 14:09:00

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định: Việt Nam là “cái nôi” của chè. Cây chè có lịch sử lâu đời, gắn liền với tập quán sản xuất, trồng trọt nông nghiệp. Theo đó, thói quen uống rượu…

Tôi trở về tuổi thơ

Tôi trở về tuổi thơ
2023-08-03 08:43:00

Tôi xuống tàu lúc đêm khuya, băng qua con đường làng sâu thăm thẳm, ngôi nhà quen thuộc vẫn sáng đèn chờ con xa nhà. Không gian yên tĩnh để có thể…

Vua Hương Đa Lý

Vua Hương Đa Lý
2023-08-02 10:43:00

baophutho.vn Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Source link

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

Đọc Thơ

ĐỌC THƠ Khế Iêm - Trích Vũ điệu không vần Glenn...

PHƯƠNG PHÁP THƠ

Vì sao người làm thơ Tân hình thức Việt dễ rơi vào bế tắc và hình thành ý nghĩ từ bỏ? Điều này cũng dễ giải thích. Đa số người làm thơ Việt ít khi quan tâm tới lý thuyết, vì thế thơ thường rơi vào trò chơi chữ, hay loại thơ tự do với ý tưởng đứt đoạn, không có nhịp điệu. Không có ý tưởng liền mạch và nhịp điệu thì làm sao chuyên chở cảm xúc?

HỘI HỌA HIỆN ĐẠI

Clement Greenberg (born Jan. 16, 1909, Bronx, N.Y., U.S.—died May...

Cách tân và sự ứng xử với truyền thống

Cách tân và sự ứng xử với truyền thống Ts....

TUẦN THƠ 35: NGƯỜI BAY

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

THI ẢNH KHẨU CẢM TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

Bùi Xuân Bào Trích Tập-san Khoa-học Nhân-văn của Hội-đồng Quốc-gia...

Related Articles

00:11:48

VIRUS VŨ HÁN VÀ BI KỊCH KHỔ ĐAU

  Virus Vũ Hán Và Bi Kịch Khổ Đau March 25, 2020 Khế Iêm Nhà thơ Khế Iêm tên thật Lê Văn Đức sinh năm 1946 tại Lê...

Poem: Your Lifestyle Awaits

Biên soạn bởi John Miles | Tháng Chín 15, 2021 Monique Holton Paradise is there to be found, not lost, suggests this week’s Poet’s Corner contribution from...

VỀ MỘT NỖ LỰC LÀM MỚI THƠ VIỆT

Trong thư của ông Khế Iêm gửi cho tôi, nhân việc hay tin GS Hoàng Ngọc Hiến qua đời, nhớ lại lần gặp GS Hoàng Ngọc Hiến ở Mỹ, ông viết: “Tôi còn nhớ anh (Hoàng Ngọc Hiến - VG) nói: "Thơ khó nhất là tạo ra được tiết tấu, mà các anh gọi là nhịp điệu". Tôi vẫn nhớ tới bây giờ, và lúc đó, tôi nghĩ, chỉ một câu đơn giản thế thôi là biết anh hiểu thơ hơn ai hết”.

Khám phá thêm từ THO VIET

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc