VƯỜN VỸ DẠ VÀ BÀI THƠ “Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ”

Nguyễn Thị Kim Thoa

Nhân Kỷ niệm 112 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mạc Tử (22.9.1912 – 22.9.2024), xin đăng lại một bài viết cũ.


Vườn Vỹ Dạ vốn là cõi thơ. Cõi thơ ấy được làm nên bởi nhiều thế hệ văn nhân, thi sĩ tài danh (Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Khoa Vi, Võ Ngọc Trác, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm…) và nhiều thế hệ những người (chủ) làm vườn nghệ sĩ, cùng một bối cảnh tự nhiên: cỏ cây, sông nước, trời trăng, mây gió…
 
Cõi thơ ấy vang xa và thấm sâu hơn vào lòng độc giả từ khi Hàn Mạc Tử trong cơn run rẩy tuôn trào thi hứng và cơn đau tột cùng của thân tâm đã sáng tác nên Ở Đây Thôn Vỹ Giạ.
 
Cái cõi thơ ấy vang xa và thấm sâu hơn nữa khi rất nhiều những cảm nhận và nghiên cứu văn học của nhiều thế hệ tác giả (như Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Đặng Tiến…) đã cung ứng cho người đọc những khám phá ngày càng mới mẻ, tinh tế và phong phú hơn về bài thơ bất hủ và nhà thơ bất tử.
 
Người Vỹ Dạ ít văn chương chữ nghĩa như (chúng) tôi, không thể không trân trọng biết ơn tất cả. Trong niềm biết ơn trân trọng ấy, từ góc nhìn của một cây lau lạc loài, tôi xin góp một cách tiếp cận (từ của Đặng Tiến) bài thơ Ở đây Thôn Vỹ Giạ.
 
Bài thơ chỉ vọn vẹn 12 câu mà đến thời điểm này, sau hơn bảy mươi năm xuất hiện trên thi đàn, các thế hệ nhà nghiên cứu và người yêu thơ vẫn còn có nhu cầu đào bới, khám phá để kiếm tìm cái đẹp của ngôn từ, nhạc điệu và tâm tư mà nhà thơ thiên tài mệnh bạc đã cất giấu trong đó.
 
Ở đây thôn Vỹ Giạ là một lời giới thiệu, một lời mời, một nỗi mong ngóng trông chờ, một nỗi buồn man mác, một nỗi cô đơn thê thiết, một mối thâm tình trong sáng thủy chung giữa cõi nhân gian mịt mù sương khói.
 
Hàn Mạc Tử đã nhân danh ai để giới thiệu, để mời, để bày tỏ…?
Phải chăng ông đã nhân danh cá nhân mình – chủ thể yêu đương?
Phải chăng ông đã nhân danh Hoàng Hoa – đối tượng yêu thương?
 
Phải chăng ông nhân danh là một thi sĩ, người đã khám phá ra cái hồn của Vỹ Giạ mà ông tự coi mình có sứ mệnh mời gọi những ai khát khao tìm đẹp đến cùng ông chiêm ngắm và chia sẻ nỗi thương đau. Cái giả định thứ ba này xem ra gần với sự thật hơn hết. Bởi Vỹ Dạ là cái đẹp, cái đẹp nhất thể trong đó có Hoàng Cúc, có nỗi buồn, nỗi cô đơn mong ngóng trông chờ. Và cũng bởi mối tình thâm trong sáng thủy chung không bao giờ dứt mà ông đã tự tan biến, hòa nhập cùng Vỹ Giạ trong một giấc mơ xa vời, cho dù “Ở đây (có) sương khói mờ nhân ảnh”
 
Sao anh không về chơi thôn Vỹ? Đích thực là một lời mời có chút trách móc và rất nhiều tin cậy, đằm thắm thân thương. Có người (Quách Tấn chăng?) cho đây là lời mời của Hoàng Cúc. Chắc là không phải. Bởi đến thời điểm này (giữa năm 1939) Hoàng Cúc chưa một lần hồi đáp một chút “tình ai”. Và Hàn Mạc Tử cho dù trong “cơn đau vùi” (từ mượn của Trịnh Công Sơn – qua Đặng Tiến) lúc tỉnh lúc mê cũng không xem bức bưu thiếp Hoàng Cúc gởi là một thông điệp yêu đương của người tình trong tâm tưởng. Rất nhiều khả năng Hàn Mạc Tử xem sự xuất hiện của bạn ông, Hoàng Tùng Ngâm, với tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc là sứ giả của một Vỹ Giạ hiện hữu như là cái đẹp tổng thể bao gồm người con gái có khuôn mặt chữ điền trong bối cảnh khu vườn có nắng hàng cau, có lá trúc che ngang…
 
Cái đẹp của nắng hàng cau qua nhãn quan Hàn Mạc Tử chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc. Khoảnh khắc đó là lúc “nắng mới lên”. Nắng mới lên khi mặt trời còn dưới thấp. Khi mặt trời đã lên cao thì nắng đã chiếu xuống. Mà nắng đã chiếu xuống thì không còn những giọt sương đêm lóng lánh trên những tàu cau, và lá trong vườn cũng không còn “mướt quá xanh như ngọc”. Nắng xuống trong vườn cũng có cái đẹp riêng của nó. Nhưng qua bốn câu của đoạn thơ đầu, Hàn Mạc Tử đã không mời chúng ta đến thăm Vỹ Giạ vào các thời điểm khác của nắng xuống. Nhà thi sĩ – hướng dẫn viên du lịch tâm hồn – khó tính này, chỉ mời chúng ta đến chiêm ngắm thôn Vỹ Giạ vào cái khoảng khắc tinh khôi của ngày mới. Và chỉ khoảnh khắc ấy thôi. Cái đẹp của Vỹ Giạ trong khoảnh khắc ấy là một tương quan được tập hợp thành một chỉnh thể gồm các yếu tố không thể tách rời. Giả định một trong những yếu tố đó mất đi, lập tức cái tương quan kỳ diệu ấy bị phá vỡ và cái đẹp của Vỹ Giạ mà Hàn Mạc Tử mời chúng ta đến chiêm ngắm tất nhiên không thể hiển hiện. Chưa có “nắng mới lên” trên những tàu lá cau, thì “vườn ai” đang chuyển dần từ màu xanh tối qua màu xanh mờ (tôi tạm gọi là màu hồ thủy), chứ chưa “mướt quá” và chưa “xanh như ngọc”. Và khuôn mặt chữ điền của “ai đó” ở phía sau khóm trúc cũng chưa phát lộ hết vẻ yêu kiều thần thánh. Tuy nhiên, “nắng mới lên…”, và “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” mới chỉ là những yếu tố cần, chưa phải là yếu tố quyết định, nếu “ai đó” không xuất hiện. “Ai đó” không xuất hiện thì “Vườn ai” dù có nắng…, có mướt xanh như thế nào cũng trở nên vô hồn, vô nghĩa. Vẻ đẹp của H. Hoa qua câu thứ ba của đoạn thơ này của Hàn Mạc Tử không phải là vẻ đẹp của người con gái trong ca dao: Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.
 
“Ai đó” là yếu tố quyết định để làm nên một “vườn ai”, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, độc lập, ở ngoài cái bối cảnh là khu vườn Vỹ Dạ trong buổi tinh mơ. Đặng Tiến trong bài “Hàn Mạc Tử và bài thơ Thôn Vỹ” (số đặc biệt 100 năm Hàn Mạc Tử – diendan.org) đã rất chính xác khi viết rằng:
 

“…Nó là một tâm cảnh, một thực thế duy nhất, cần được nhìn và cảm nhận như một tổng hòa toàn bích, và cảm nhận bằng trực quan thẩm mỹ.”

Tôi hoàn toàn tâm đắc với nhận định của ông, nhưng tôi không theo nổi đề nghị của ông. Bởi tôi chưa đạt tới cái khả năng thượng thừa là trực nhận, nên tôi còn phải tra vấn.
 
Vườn ai theo Đặng Tiến là một thực thể duy nhất, một tổng hòa toàn bích, nghĩa là không thừa và cũng không thiếu, không cần thêm, và cũng không thể cắt bỏ bất cứ chi tiết nào dù rất nhỏ. Và như thế, “mặt chữ điền”, theo tôi, nhất thiết phải được “lá trúc che ngang”.
Nhưng tại sao “mặt chữ điền” phải được “lá trúc che ngang”?
 
Hàn Mạc Tử đã sống ở Huế nhiều năm thời niên thiếu, là bạn tâm giao của nhiều người Huế – Vỹ Dạ, văn nhân thi sĩ (Hoàng Tùng Ngâm, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng…); khi trưởng thành, ông không thể không thấm thấu cái cảm quan thẩm mỹ của người Huế về vẻ đẹp của khuôn mặt phụ nữ. Khuôn mặt phụ nữ Huế ưa nhìn có hình trái xoan chứ không phải chữ điền. Người Huế rất có thành kiến với những bà những cô có khuôn mặt chữ điền. Mặt chữ điền là vẻ đẹp trời cho của nam giới. Nó chứng tỏ nghị lực, sự cứng cỏi, nghiêm nghị và uy quyền.
 

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

 
: là một sắp đặt của nhà thi sĩ để được chiêm ngắm “cái cặp mắt đen nháy đầy thi vị” của người con gái Huế là H. Hoa mà ông đã bị hớp hồn ngay từ lần chợt thấy đầu tiên năm 1932 tại Qui Nhơn. (xem thêm lời tâm tình của Hàn Mạc Tử) (*)
 
Cái “nết na thùy mị đoan trang” cũng đã làm ông say đắm nhưng sau gần chục năm đeo đuổi mà bị chối từ, càng lúc ông càng thực tế và sáng suốt nhận ra rằng chẳng bao giờ nó thuộc về ông cả. Nó tất yếu thuộc về cái cấu trúc huyết tộc và gia phong đã sản sinh và khuôn đúc nên nó.
 
“Lá trúc che ngang” xem ra không thuận tai, vừa ý người nghe và người đọc thơ bình thường như chúng tôi. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi và hỏi bất cứ ai: tại sao không “che nghiêng” mà “che ngang”? Phải chăng Hàn Mạc Tử trong cái khoảnh khắc “chợt tỉnh” giữa những cơn đau và mê dài đã không kịp trau chuốt ngôn từ.
 
Tôi đã tìm thấy những lời giải thích uyên bác, thâm thúy và tinh tế của Đặng Tiến:
 
“Lá trúc che ngang… Lá trúc ở đây, là rào dậu, phân định ranh giới của vườn. Không rào dậu thì không thành vườn. Vườn là một bộ phận môi giới, giữa cõi trong và cõi ngoài, chưa phải là cõi riêng nhưng không còn là của chung. Là trung gian giữa thiên nhiên và văn hóa. Là nhân loại chuyển mình từ đời sống du mục sang đời sống định cư, là giấc mơ đoàn tụ giữa Chức Nữ với Ngưu Lang, lời tình tự lứa đôi, có cu gáy và bướm vàng nữa chứ…(Huy Cận). Là hạnh phúc có khi đang thực tại, có khi trong ước mơ hay niềm tiếc nuối một thiên đường đã mất. Thiên đường xanh những mối tình thơ dại, chẳng hạn, như thơ Baudelaire, một trong những bậc thầy Hàn Mạc Tử”
 
Anh Chu Sơn, chồng tôi, bảo: “Cũng như cặp từ “Ở đây” trong đầu đề và câu áp cuối của bài thơ, nhà thi sĩ đồng thời là nghệ sĩ sắp đặt đã rất hiện thực khi sử dụng hai từ “che ngang” ở câu thứ tư của đoạn thơ đầu. “Che ngang” vừa có tác dụng thẩm mỹ, vừa gây cảm thức che chắn, phòng vệ”.
 
Về mặt thẩm mỹ: Khuôn mặt chữ điền, nếu “Lá trúc che nghiêng,” phần còn lại sẽ trở nên lập thể, góc cạnh, khó coi và xa lạ trong cái nhất thể vườn Vỹ Dạ và tâm thức Hàn Mạc Tử.
Trong tương quan xã hội, “che ngang” là che chắn, là ngăn chặn, là rào cản.
 
Ai che chắn, ai ngăn chặn, ai rào cản trong bối cảnh vườn Vỹ Dạ vào cái khoảnh khắc tinh mơ này? Lá trúc, cái công cụ thẩm mỹ bỗng dưng trở thành biểu tượng của uy quyền gia trưởng.
 
Lá trúc ở đây là cây trúc. Cây trúc đốt tù, thân thẳng, vẻ đẹp và dáng đứng mạnh mẽ tượng trưng cho người quân tử tiết trực tâm hư (thân ngay chính – lòng rỗng không) trong truyền thống triết lý, thẩm mỹ của người Huế, người Việt Nam, thuộc tầng lớp trên. Đến thời điểm thập niên 1930 của thế kỷ XX, cây trúc vẫn còn hiện diện phổ biến tại các khu vườn Vỹ Dạ, để cùng với các cây mai, lan, cúc hình thành nên bộ tứ Mai – Lan – Cúc -Trúc danh giá gọi là tứ quí tương ứng với tứ thời Xuân – Hạ – Thu – Đông.
 
Không ít những ông chủ nhà vườn ở Vỹ Dạ, ở Huế, ở Việt Nam đến thời buổi ấy vẫn nhận mình là quân tử cho dù tình thế đã điên đảo như thế nào, gia đạo có suy vi đến đâu, các cụ vẫn giữ Nếp Nhà. (Nếp Nhà, tên tác phẩm nổi tiếng của Bửu Kế). Gần mười năm mê mẩn người con gái “nết na thùy mị và đoan trang” có “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” trên khuôn mặt “chữ điền”, cuối cùng Hàn Mạc Tử chỉ còn giữ lại cho mình “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” mà ông đã hào phóng mời chúng ta đến chiêm ngắm vào buổi sáng tinh mơ.
 
“Nắng hàng cau” là một khoảnh khắc. “Vườn lá ngọc” cũng là một khoảng khắc. Nhưng “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” hẳn là vĩnh cửu. Với cặp mắt đó, Hàn Mạc Tử mời chúng ta đến thăm Vỹ Dạ vào một thời điểm khác trong ngày. Đó là những buổi trưa chiều gió đứng mây ùn ở tầng cao (nhưng rất thấp), sông Hương bị mây ám trở nên trầm mặc, những con gió nhẹ ở tầng thấp chỉ đủ làm cho dòng nước gợn những đợt sóng lăn tăn, và những hoa bắp bên kia cồn cũng lay trong nỗi buồn cộng hưởng.
 
“Cặp mắt đen nháy đầy thi vị”, gió – mây, thuyền – bến – trăng, dòng nước lăn tăn trầm mặc, hoa bắp lay, … , tất cả hiệp thành một tổng thể duy nhất mang tên nỗi buồn. Ôi! sao mà tài tình thế! Dường như nhà thi sĩ đã trải nghiệm nhiều đời trong khu vườn Vỹ Dạ để hóa thân cùng “dòng nước buồn thiu” và nỗi lòng sâu kín của những người con gái danh gia vọng tộc mà Con tạo, Lịch sử và Nếp Nhà đã khóa chặt họ bao nhiêu kiếp ở phía sau những cành lá trúc.
 
“Gió theo lối gió, mây đường mây” trong mọi trường hợp là biểu tượng, là ẩn dụ của tâm cảnh. Cái tâm cảnh mà, nói như Văn, (trong lần trao đổi giáp vòng hai bên đường Nguyễn Sinh Cung mùa thu năm ngoái), là bắt đầu kết tập nghiệp chướng từ một Vỹ Dạ của những hộ nông dân lưa thưa trên một vùng non nước đìu hiu, thành một thôn làng san sát những vương phủ và dinh cơ của những đại thần, hoàng tôn công tử với những cuộc vui “cổ nhân bỉnh chúc”. “Cổ nhân bỉnh chúc” là bắt chước người xưa mà thắp đuốc lên cho thật sáng để đêm biến thành ngày hầu tiếp tục những cuộc chơi tưởng chừng chẳng bao giờ dứt. Vỹ Dạ được hiểu như là cái đuôi của đêm trong tâm cảnh ấy.
 
Là cái đuôi của đêm, nhưng lại là rường cột và tâm phúc của triều đình và hoàng tộc. Triều đình và hoàng tộc là quyền lực và huyết hệ.
 
Quyền lực từ bản chất là đối kháng, là hận thù, là giết chóc, là chia lìa, là bế tắc, là mê lầm, là đau khổ.
 
Huyết hệ là rào cản, là giới cấm đầu tiên và cuối cùng của khát vọng yêu đương và hạnh phúc lứa đôi.
 
Triều đình nhà Nguyễn thành lập chưa được bao lâu thì thù trong giặc ngoài dồn dập xẩy ra những biến cố. Người Vỹ Dạ đã can dự vào các biến cố ấy: Tranh đoạt ngai vàng, chống đuổi ngoại xâm, chủ chiến hay chủ hòa, cần vương hay đầu hàng, nổi dậy hay làm tay sai, duy tân, chống thuế hay Đông du, Tây du… ở phía này hay ở phía kia đều có người của Vỹ Dạ. Tất cả những biến cố ấy dồn dập tác động làm thay đổi diện mạo và tâm hồn của Vỹ Dạ từ cảnh quan đến thân phận con người. Công thần bỗng chốc biến thành tội phạm của triều đình. Hoàng thân quốc thích, do áp lực của ngoại nhân, cũng có thể bị chặt đầu, bị lưu đày và bị kiết đuổi ra khỏi họ tộc vì bị kết tội là gian nhân loạn đảng, sỉ nhục tổ tiên. Trong vòng trên dưới một trăm năm, hàng chục vương phủ suy tàn, biến mất. Rất nhiều dinh cơ của các đại thần và của hai ba thế hệ con vua cháu chúa bị tịch biên, phải bán bỏ, san nhượng, thay chủ đổi tên. Dân ngụ cư, đa phần có gốc gác từ nông thôn do chiến tranh ập đến, hình thành nên những chòm xóm lạc lõng và đáng ngờ.
 
Người con gái, trong khu vườn truyền thống đến thập niên 1930 còn bảo lưu nguyên chủ, sống cô đơn, lẻ loi, tù túng giữa bà con huyết hệ và láng giềng xa lạ không môn đăng hộ đối. Quyền lực, huyết hệ, chòm xóm dân ngụ cư và Nếp Nhà đã nhốt các tiểu thư con nhà khuê các trong khu vườn kín cổng cao tường. Tâm cảnh đã mở ra với nàng vào các buổi trưa, chiều tối là “dòng nước buồn thiu,” là “bến sông trăng,” là mong ngóng trông chờ, là “mơ khách đường xa,”…, và cuối cùng là cõi nhân gian mịt mù sương khói.
 
Mấy năm đầu của thập niên 1930 mở ra với Hàn Mạc Tử những cánh cửa của mộng mơ và khát vọng. Tuổi trẻ với sức sống mãnh liệt rạo rực những nhu cầu: Nhu cầu sáng tác, kiến tạo sự nghiệp văn chương, và nhu cầu yêu đương bắt đầu với Hoàng Hoa, tiểu thư khuê các của đất Thần kinh.
 
Tâm cảnh cũng đã mở ra với nàng trong khu vườn Vỹ Dạ vào buổi trưa chiều là vẻ đẹp của cô đơn, mong ngóng, trông chờ. “Dòng nước buồn thiu” và “hoa bắp lay” là cảnh vật của một không gian đang bị đè nén, dấu hiệu của một cơn giông chẳng biết xẩy ra lúc nào? Người con gái có khuôn mặt chữ điền hay khuôn mặt trái xoan trong khu vườn Vỹ Dạ vào thời điểm đó, trong tâm cảnh đó, cũng như Hàn Mạc Tử trong căn lều rách nát trơ trọi giữa những “cơn đau vùi” bên mé biển chỉ còn có những giấc mơ trăng:
 

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.”

Cả Hàn Mạc Tử, cả H. Hoa và cả những người con gái trong thôn Vỹ Dạ không tin rằng nỗi mong ngóng trông chờ trăng của mình được thỏa đáp. Trăng chắc sẽ không về kịp tối nay. Thực tế là “tối nay” trăng đã không về. Trăng không về mà đêm về. Đêm mịt mùng về bủa vây nỗi cô đơn tích tụ từ muôn ngàn kiếp trước. Và đêm cùng nỗi cô đơn khủng khiếp đã đẩy những giấc mơ đến cao trào.
 
Những ngày này ở Qui Nhơn trong căn lều thê lương của người cùi biết mình sắp chết, một mình bên mé biển đìu hiu, Hàn Mạc Tử chỉ thấy có đêm đen và những giấc mơ cứu rỗi. Hoàng Hoa người con gái Vỹ Dạ đã đến với đời ông như một định mệnh dù đã dửng dưng trước mối tình tha thiết nồng nàn của ông, nàng vẫn đến với ông trong những giấc mơ như một nàng tiên – xa.Và những lúc này đây nàng còn đến với như ông như một người cùng chung thân phận – gần.
 

“Mơ khách đường xa khách đường xa”.

 
Hàn Mạc Tử mơ, hay H. Hoa mơ cũng thế thôi.
 
Mơ trong căn lều thê lương bên mé biển đìu hiu ở Qui Nhơn, hay mơ trong khu vườn có lá trúc che ngang mặt chữ điền bên dòng nước buồn thiu ở thôn Vỹ Dạ cũng thế thôi.
 
Tất cả, tôi và em (Hàn Mạc Tử và H. Hoa) đều ở đây – trong cái cõi đời đớn đau mịt mù sương khói này. Cái cõi đời mà dù tôi có yêu, có thương, có nhớ em đến đâu, có kính ngưỡng, tôn thờ, hy vọng vào em như thế nào, tôi cũng không còn nhận ra em nữa. Hàn Mạc Tử đã qui kết tội lỗi này cho “áo em trắng quá.” Ông dư biết sự qui kết này là phi lí. Ông cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng cái người con gái Huế mặc áo trắng,“nết na thùy mị và đoan trang”, có “cặp mắt đen nháy đầy thi vị”, đã hớp hồn ông trong lần gặp gỡ đầu tiên năm 1932, đã “un đúc cho ông thành một tâm hồn thi sĩ”, người có vai trò quyết định “sự nghiệp văn chương” của ông, cuối cùng cũng chỉ là ảo ảnh.
 
Đặng Tiến đã trích dẫn một câu trong Cung Oán Ngâm Khúc (Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương) để giúp độc giả trẻ đời nay hiểu rõ nội dung của câu áp chót bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ (Ở đây sương khói mờ nhân ảnh). Nhà khai khoáng Đặng Tiến đã nhích gần cảm nhận siêu hình về cõi đời (ông mô tả là kiếp sống mong manh) của hai nhà thơ tài danh của dân tộc sống cách nhau đến mấy trăm năm: Ôn Như Hầu và Hàn Mạc Tử. Đặng Tiến đã thay chữ “trệ” của các cụ tiền bối bằng môt kết luận dứt khoát khi nhận định câu thơ trên.
“Hiểu như vậy là lìa xa văn bản, nhưng xích lại gần định mệnh thảm khốc của nhà thơ”.
 
Đúng là nhà thơ tài hoa, bất hạnh của chúng ta đã trải nghiệm một định mệnh thảm khốc. Nhưng, dường như Đặng Tiến đã cố tình quên (vì tế nhị địa phương chăng ?) rằng là cái định mệnh thảm khốc của nhà thơ không khác mấy với thân phận của nàng thơ và cõi thơ. Chẳng phải ngẫu nhiên, mà ngay từ đầu đề, đến câu áp chót của bài thơ, Hàn Mạc Tử đã sử dụng hai từ Ở đây. “Ở đây thôn Vỹ Giạ”. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.
 
Ở đây, ở kia hay ở bất cứ nơi đâu, tất cả chúng ta, cả tôi và cả em, và… đều là tạo vật bé nhỏ và mong manh của đấng chí tôn, kẻ tạo tác và điều hành “Cái quay búng sẵn giữa trời”. Khác với Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Hàn Mạc Tử Nguyễn Trọng Trí đã không oán trời trách người mãnh liệt như một kẻ hiện sinh dồn nén sự phẫn nộ. Có lẽ có sự khác biệt giữa một Thượng đế – Đức Chúa Trời – của con chiên Nguyễn Trọng Trí và một ông Trời – trẻ tạo hóa – của nhà nho Nguyễn Gia Thiều.
 
Trong cơn đau vùi, Hàn Mạc Tử đã tiếp nhận tấm thiệp do H. Hoa gửi với một thức tỉnh bất ngờ. Tấm thiệp phong cảnh Huế ước lệ có ghi mấy lời thăm, chúc sức khỏe chân thành, mực thước và không có chữ ký “của người ngoài cuộc”. “Người ngoài cuộc” mà ông đã yêu, đã nhớ, đã ước mơ kỳ vọng, đã kính ngưỡng tôn thờ từ lần gặp gỡ đầu tiên đến giây phút cuối cùng của cuộc đời thảm khốc.
 
Thay vì viết cho H. Hoa: Xin cám ơn em, tôi đã biết tình em. Tôi cũng đã biết, và tôi đã sống đến tận huyết tủy tình tôi, Hàn Mạc Tử đã sáng tác bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ và kết thúc bằng một câu hỏi vừa khẳng định một tình yêu tha thiết thủy chung, vừa biểu tỏ một nỗi đắng cay thầm lặng của một thân phận được an bài giữa cõi nhân sinh phù du tăm tối: “Ai biết tình ai có đậm đà?”
 
Trịnh Công Sơn trong một phút thức tỉnh kỳ diệu giữa những cơn đau vùi đã cô đúc những nỗi niềm:
 
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”(**).
 
Nỗi niềm của Trịnh Công Sơn, tâm cảnh của Hàn Mạc Tử, của Hoàng Hoa – Hoàng Cúc, hay của Cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc và Vỹ Dạ Vườn Thơ của (chúng) tôi, và… e rằng chỉ là MỘT trong THƯƠNG – ĐAU.


Ghi chú
 
(*) Tâm tình Hàn Mạc Tử :“ Sự nghiệp văn chương của tôi sau này rực rỡ vẻ vang đều là do một mình cô H. H. tạo nên. Hơn nữa cô lại un đúc cho tôi thành một tâm hồn thi sĩ mà ngày nay trong thi giới tôi đã chiếm một địa vị cao quý. Cô là người mà tôi thường gởi linh hồn một bên dầu cách xa muôn ngàn dặm đất. Trái tim của tôi bắt đầu rung động từ năm 1932 năm tôi được biết cô H. Hoa.
Tôi yêu cô ấy không sự gì hơn là vì cái nết na thùy mị và đoan trang của cô ta. Tôi lại yêu cặp mắt đen nháy và đầy thi vị của cô nữa.
Ước gì cô H. Hoa thấy rõ chỗ tôi yêu cô thì còn gì sướng bằng!
Ngùi ngùi, tôi ngảnh mặt về hướng nhà cô H.H đốt một nén hương tâm cầu nguyện. Xin chuyển lời tôi kính thăm H.Hoa tiểu thư an hảo.” (lời tâm tình của thi sĩ HMT qua thư viết cho ông trợ Cát); Lá trúc che ngang – chuyện tình của cô tôi, Hoàng thị Quỳnh Hoa, nhà xuất bản Đà Nẵng 2013, trang 80-81).
 

(**) Những bài ca không năm tháng – Trịnh Công Sơn, trang 11.



 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

How to Take Care of Your Art Materials

CÁCH CHUẨN BỊ ĐỒ DÙNG CHO TÁC PHẨM NGHỆ...
00:01:24

THƠ DỊCH 5 – IF I COULD TELL YOU

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=SIoxIqZwebU]  IF I COULD TELL YOU Time will say nothing...

Điên, Xấu và Nguy hiểm Không Biết

By Christopher J. Scalia | Apr 20, 2024 George Gordon Byron,...

GHI CHÚ VỀ MỘT LÀNG VĂN BOHEMIA MỚI

Dana Gioia Cách đây hai mươi năm, tôi bắt đầu...

Poem: The Break from Simplicity

An icon of 20th-century contemporary music is the...

DẤU MỐC

DẤU MỐC bản Bìa cứng ( Hard cover ). Một...

Related Articles

Poem: Your Lifestyle Awaits

Biên soạn bởi John Miles | Tháng Chín 15, 2021 Monique Holton Paradise is there to be found, not lost, suggests this week’s Poet’s Corner contribution from...

THƠ NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG

THƠ NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG __________________________   NHỮNG NỤ HỒNG CỦA MÁU Bài thơ này đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 (số 27 tháng 7 - 1991)...

TUẦN THƠ 18: PHIM TRƯỜNG

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

Khám phá thêm từ THO VIET

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc