Hôm nay nước Nga chính thức kỷ niệm 50 ngày sinh nhà thơ Boris Ryzhy. Anh sinh ngày 8/9/1974 trong một gia đình trí thức tại Chelyabinsk vùng Ural nhưng từ 1980 chuyển đến sống tại Sverdlovsk (khi Liên Xô tan rã đổi thành Yekaterinburg). Học hết phổ thông anh đi học đại học mỏ địa chất, lấy vợ sinh con, làm nghiên cứu sinh, đã có 18 bài viết nghiên cứu về vỏ trái đất và các cơn địa chấn.
Boris Ryzhy bắt đầu viết thơ năm 14 tuổi (1988), cũng năm đó giành chức vô địch Quyền anh thành phố. Bài thơ đầu tiên đăng báo năm 1992. Anh được coi là “Nhà thơ xô viết cuối cùng” hay là “Nhà thơ thời cải tổ”. Anh rất nổi tiếng trong giới trẻ Nga, nhưng cũng thống nhất được người trẻ và người già thông qua những bài thơ đầy nhạc tính và trong sáng kỳ lạ của mình. Thơ anh kết hợp được thực tế nghiệt ngã với sự âu yếm, dịu dàng. Mặc dù được nhiều người yêu mến và kính trọng nhưng ở tuổi 27 Boris Ryzhy đã treo cổ tự tử, theo gương nhiều nhà thơ lớn Nga trong quá khứ. Anh để lại mảnh giấy ghi dòng chữ: “Tôi yêu các anh. Không có những kẻ ngốc”.
Nhiều hoạt động đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm sinh Boris Ryzhy như chiếu phim tiểu sử về anh (có hai phim, một của đạo diễn Hà Lam làm trước đây, và một của đạo diễn Nga làm dịp này), triển lãm các sổ tay, tài liệu của nhà thơ, hội thảo về thơ anh. Đặc biệt từ câu thơ của Boris Ryzhy “Đi về quá khứ tốt nhất bằng tàu điện” người ta đã làm hai toa tàu màu da cam, in lên thành toa trích đoạn thơ, và đọc thơ anh khi tàu chạy trên phố. Trước đây một công viên nhỏ tại Yekaterinburg đã được mang tên anh.
Trông người mà ngẫm đến ta.
MÙA THU
Cánh đồng đã nhổ hết củ cải trắng
củ cải đỏ và bắp cải đã được chở đi
Trên nền trời mở ra bao la vô tận
bông tuyết đầu tiên rơi, lòng buồn tái tê
Đầu nghĩ vẩn vơ tôi bước theo bông tuyết
hàng bạch dương cùng bước đồng hành
Màu xanh trộn với ánh bạc
ánh bạc trộn với màu xanh.
Tuổi trẻ đã hứa hẹn nhiều cho tôi
vào cái thời tôi hai mươi tuổi.
Đấy chính lúc khởi đầu cuộc đời
Nhưng nói thật dạo đó tôi rất đuội.
Dạo đó tôi muốn thành nhà thơ
nhưng là muốn vậy thôi vì tôi biết
kẻ làm thơ là nghèo kiết nghèo xơ
không tiền mua hoa tặng cho ai hết.
Thế là tôi đi học kỹ sư
lấy bằng đỏ theo nghề khai thác mỏ
Không dạo bước công viên những buổi chiều thu
không sáng tác thơ ghi vào trang vở.
Trong nhà hàng mù mịt khói xanh
nhuộm xanh cả nhạc công vĩ cầm chơi nhạc
tôi ngả đôi vai rộng ngồi nghe
tay lần túi đếm những tờ giấy bạc.
Như thế tôi đã không thành nhà thơ
và sẽ không bao giờ thành được
Các ngài sẽ nói sao việc đó, thưa các ngài
Đang ngồi im nốc rượu và khóc?
Các ngài nốc và khóc, và ôm gái
rồi lại nốc và vẫn lặng im
lắc lư những cái đầu điên dại
kêu lên từng tiếng tục tằn.
TÔI KHÔNG ĐỦ DỊU DÀNG TRONG NHỮNG CÂU THƠ
Tôi không đủ dịu dàng trong những câu thơ
vậy mà tôi muốn thơ dịu dàng êm ái
như phải vậy hay là không phải vậy
Và tôi hôn em cuống quít vội vàng.
Ôi nàng thơ khờ dại của tôi!
Em quay đi giấu những giọt nước mắt
còn tôi cứ kêu lên vì bài văn xuôi quay quắt
không che mặt, không tan chảy trái tim.
Này chàng trai, tôi đã bám vào má anh
Như các cụ già, thiên thần, trẻ nhỏ
chúng ta sẽ sống một mình trong toàn vũ trụ.
Anh nức nở tôi sẽ gieo vần “nức nở” trong thơ.
HÃY TUA LẠI CUỘC ĐỜI TÔI…
Hãy tua lại cuộc đời tôi
và tua lại nữa:
đây tôi đang lảo đảo đi qua khu vườn
mùa thu, lá rơi.
Đây tôi đang đi: cô gái cầm mái chèo
tay trái, cầm viên đạn thần công
tay phải, thời gian dừng lại và đứng yên
những chiếc lá bay bay.
Tất cả các khu vui chơi đều đóng cửa,
xung quanh chẳng có ai,
chỉ vẳng lại từ xa
loa phóng thanh, bạn hỡi.
Nó hát gì có trời mà biết được
nó chỉ hát đi hát lại một câu:
tình yêu sẽ qua đi, cuộc sống
cũng qua đi
năm tháng bay vèo.
Một hôm nào tôi sẽ trở lại đây
khi đã thành ông già lụ khụ
nhìn bầu trời rồi bước đi
trên thảm lá.
Tình yêu sẽ qua đi, cuộc sống
cũng qua đi
tôi uể oải hát
tôi chẳng hề nhớ ai, quỷ già ạ
vực thẳm đã bên rìa.