Trần Văn Nam
Chủ Đề số mùa Thu 2007
Đọc thơ trên các Tạp chí Việt ấn hành tại Úc (từ số 5 đến số 8 năm 2000 và 2001), Tạp chí Chủ Đề ấn hành tại California (từ số 5 đến số 12 năm 2001 và 2002), Tạp chí Thơ ấn hành tại California (từ số Mùa Xuân 2000 đến số Mùa Thu 2007 gồm 14 số báo): vẫn những bài thơ hoặc đoạn thơ khá đạt theo lối thơ Tự Do; trong đó gồm đủ dáng vẻ Siêu thực, Tượng trưng, Hiện sinh, Ngôn ngữ tân kỳ, Tu từ khó hiểu, Dung tục; chưa thấy gì khác lắm với thơ Tự Do tiếp theo sau nhóm Sáng Tạo hoặc thời Triết lý Hiện sinh trong Văn Học Miền Nam trước 1975. Nhưng dần dần ta đã thấy xuất hiện lối Thơ Vắt Dòng theo lý thuyết Tân Hình Thức của Tạp chí Thơ, lối thơ Liên-văn-bản hoặc “tránh xa tu từ thi tính cổ điển” theo lý thuyết Hậu Hiện Đại của Tạp chí Việt; được hổ trợ triệt để của tạp chí Chủ Đề qua các bài biên khảo về Thuyết Hủy Tạo của Derrida (với tác giả Nguyễn Minh Triết), hoặc từ chối không bao giờ đăng thơ vần dù không phủ nhận giá trị của thơ vần (với chủ biên Nguyễn Trung Hối.) Ta cần phải kể thêm Tạp chí Hợp Lưu cũng chủ trương văn chương cấp tiến, nhưng chủ trương chính gây nhiều dư luận của tạp chí này là đăng bài gửi ra từ trong nước (cách nay hơn 16 năm, số ra mắt tháng 10 năm 1991, đó là một điều mới và bạo dạn.)
Đọc thơ trên các tạp chí Việt, tạp chí Chủ Đề, Tạp chí Thơ; ngoài một số bài hoặc những đoạn tiêu biểu cho chủ trương cách tân, còn có khá nhiều bài cường điệu dung tục, cường điệu làm thơ về những điều tầm thường, từ chối triệt để chất thơ, hoặc sắp xếp các câu thơ rối rắm trên trang giấy, hoặc vắt dòng tùy tiện không đúng với lý thuyết Tân Hình Thức, hoặc cốt gây dị ứng; tất cả những điều ấy làm độc giả nhàm chán. Từ sự nhàm chán đó, đã làm nhiều người thờ ơ không muốn đọc để biết những mới lạ quả là có từ Cấu Trúc Luận đến Giải Cấu Trúc (tức Thuyết Hủy Tạo) rồi đến Hậu Hiện Đại, từ Thơ Tự Do theo cách hiểu của người Việt đến Thơ Tự Do của ngôn ngữ Tây phương, từ Thơ Không Vần đến Thơ Tân Hình Thức đặc biệt trong ngôn ngữ Anh Mỹ, và áp dụng thơ Tân Hình Thức vào ngôn ngữ Việt thì phải như thế nào. Những bài thơ không đúng cách theo chủ trương của các Tạp chí làm nhiều người chán ngán cho là “tào lao, bày đặt, lập dị”. Người viết bài này xin chỉ ghi nhận những điều thật sự là mới, khác với nền Văn Học Miền Nam trước đây, để kể thêm một điều đóng góp của Văn Học Hải Ngoại nối tiếp theo sau cuộc chiến tranh chấm dứt năm 1975.
Rõ ràng là có sự thừa kế nhưng cũng đã cố gắng khai phá về một hướng khác với nền Văn Học Miền Nam mà Thơ Tự Do kiểu Thanh Tâm Tuyền, Thơ Vần kiểu tu từ tân kỳ, thơ Hiện sinh kiểu táo bạo dung tục, vẫn là những ảnh hưởng còn bao trùm chưa cho thấy một bước ngoặt khác hẳn. Ghi nhận những cái thực sự mới không phải ta đều là đồng hội đồng thuyền những cách tân này. Xin để cho các bài giới thiệu hoặc tiểu luận hoặc trích dẫn sáng tác dần dần phát biểu chủ trương trên các tạp chí ấy.
Ví dụ Tạp chí Chủ Đề chủ trương Thơ Tự Do kiểu tu từ, một phần nào ủng hộ Hậu Hiện Đại, thì phần trích dẫn thơ gồm những dáng vẻ Tự Do kiểu tu từ cũ thuộc khuynh hướng Siêu thực, Tượng trưng; trộn lẫn với trích dẫn thơ Hậu Hiện Đại triệt hạ tu từ (thơ viết về những điều rất đời thường, không cần chất thơ). Trong khi đó, đối với Tạp chí Việt, vì ít thấy thơ sát nghĩa với Hậu Hiện Đại nên đành trích dẫn những câu thơ rải rác vẫn đầy vẻ thi tính, và cũng có vẻ Siêu thực hay Tượng trưng.
Còn đối với Tạp chí Thơ, trong 14 kỳ báo thì dĩ nhiên số thơ rất nhiều, xin chỉ trích dẫn những đoạn thơ hoặc bài thơ vắt dòng gọi là tạo được nhạc tính; hoặc tính truyện đời thường mà độc đáo đưa vào thơ (vì đời thường thì hằng hà); hoặc lục bát hay thơ bảy chữ kiểu Tân Hình Thức; hoặc dung tục kiểu lời trong nhạc Rap có tính chất phản kháng xã hội mà thôi (không trích dẫn thơ dung tục quá lắm như bài “Vời Vợi Hết Biết” của Trần Tiến Dũng trong Tạp chí Thơ số 27 và 28). Mục đích của việc trích dẫn thơ sáng tác là làm sao cho độc giả thấy được quả đó là những đóng góp hoàn toàn mới, khác hẳn thi ca trong Văn Học Miền Nam trước đây.
Riêng Tạp chí Chủ Đề với chủ trương chỉ đăng thơ Tự Do mà thôi, nhưng không kèm lý thuyết làm khác với Thơ Tự Do trong Văn Học Miền Nam trước 1975, nên phần trích dẫn vẫn là Thơ Tự Do như đã từng hiện diện thời trước.
Riêng về những trích dẫn các bài giới thiệu thuyết Cấu Trúc Luận, tiền đề làm phát sinh thuyết Giải Cấu Trúc (hay còn gọi là Hậu Cấu Trúc, thuyết Hủy Tạo) áp dụng vào văn chương với thuyết Hậu Hiện Đại; hoặc về lý thuyết Tân Hình Thức đi từ Thơ truyền thống Tây phương đến thơ Tự Do kiểu Anh Mỹ rồi đến Thơ Không vần kiểu Hoa Kỳ; xin chỉ trích dẫn những chi tiết riêng trong mỗi bài, còn những điều gì chung bài nào cũng có nói đến thì cố tránh né không lập lại, chỉ trích dẫn một lần mà thôi.
Ví dụ trong bài của Nguyễn Minh Triết trong Tạp chí Chủ Đề về Thuyết Hủy Tạo có những điều chưa được nói đến trong bài giới thiệu thuyết Giải Cấu Trúc của Nguyễn Minh Quân trong Tạp chí Việt, và ngược lại thì trong bài của Nguyễn Minh Quân phong phú ở những điều gì. Ngoài ra hai bài đó đều xuất hiện gần như đồng thời vào năm 2001 (giữa năm và mùa Hạ), nghĩa là không phải bài này phản bác bài kia, vậy mà có vài điều như trái ngược. Điều ta lưu ý trong bài giới thiệu của tác giả Nguyễn Minh Triết (Tạp chí Chủ Đề số 6) là ở điểm: Derrida chủ trương giải thể mọi cơ cấu, nên không có điều gì trở thành Trung Tâm, không điều gì được gọi là Hiện Hữu, dù là khoảnh khắc tiếp xúc cụ thể xác thực trong viễn tượng Ý-Hướng-Tính (Intentionality) trong triết lý Hiện-Tượng-Luận về tri giác của Husserl (ví dụ nhận biết về thời gian, theo Husserl: ý thức luôn luôn là ý thức về một điều gì, vậy chỉ có hiện tại là xác thực, còn tương lai hay quá khứ chưa bao giờ là đối tượng cụ thể nên đều hư vô trước tri giác.)
Bài của ông Nguyễn Minh Quân thì cũng bàn về thuyết giải thể tất cả, nhưng còn một Trung Tâm Tối Thượng như lò lửa trung ương quy tụ mọi tan rã, như một Đại Ngã gồm thâu mọi tiểu ngã tản mác…
Bài của tác giả Nguyễn Đăng Thường (Tạp chí Thơ số 22 và 24) giới thiệu nhạc Blues và nhạc Rap của người da đen Hoa Kỳ, hoặc nhắc lại kỷ niệm đọc thơ Lục Bát Tân Hình Thức của Đỗ Kh., hoặc phê bình lời nhạc có tính chất hoài cổ hoặc viễn mơ của Trịnh Công Sơn… đều có xu hướng ủng hộ cho cả hai chủ trương cách tân kiểu trần trụi muốn từ chối tất cả tu từ của Hậu hiện Đại, và kiểu Lục Bát Vắt Dòng theo Tân Hình Thức.
Nguyễn Lương Ba (Tạp chí Thơ số 25) qua bài đọc các tập thơ Tân Hình Thức của Lưu Hy Lạc (thi phẩm Yên Đi), của Hà Nguyên Du (thi phẩm Gene Đại Dương), của Đoàn Minh Hải (thi phẩm Đại Nguyện, xuất bản trong nước) nêu đúng tính chất đời thường của cảnh đời bụi bặm và hàng quán ăn nhậu ưa xuất hiện trong cả thơ Hậu Hiện Đại lẫn thơ Tân Hình Thức. Khi Nguyễn Lương Ba bàn một bài thơ Tân Hình Thức mà nói thơ đi về hướng trừu tượng thì hình như không phản ảnh đúng tính chất “bốn không” của thơ cách tân. Bốn không do ông Nguyễn Đăng Thường liệt kê, đó là: không ẩn dụ, không siêu hình, không vũ trụ, không ngôn ngữ tu từ.
Bài của thi sĩ người Chăm (Inrasara, Tạp chí Thơ số 28) đọc thơ của thi sĩ người dân tộc Tày (Dương Thuấn) cũng lại lôi kéo về hướng tân kỳ Hậu Hiện Đại: bàn về thơ Dương Thuấn viết về những điều gần gũi đời sống người dân tộc (chọn vợ có bắp chân cho khỏe để đi nương và để đêm gác nằm) thì Inrasara nói đây là chiều hướng từ bỏ ngôn ngữ tu từ thơ cũ mà đạt tới ngôn ngữ trần trụi hồn nhiên đồng điệu với Hậu Hiện Đại.
Phan Tấn Hải (Tạp chí Thơ số 26) khi đọc thơ Tân Hình Thức của người khác đã nhấn mạnh thơ Tân hình Thức muốn chụp bắt phần mảnh của đời thường, nắm bắt khoảnh khắc của hiện tại, ném nó lên thành thơ ngay tức khắc, chớ nghiền ngẫm suy nghĩ so đo lâu lắc mà tiêm nhiễm phép tu từ của kiến thức văn chương nhà trường.
Quỳnh Thi (Tạp chí Thơ số 27) đề cao hồn nhiên: “Những nhà thơ Tân Hình Thức không cần phải buồn… Nó cũng không cần ẩn dụ… Ta viết Tân Hình Thức như thằng bé con thả diều”.
Khế Iêm (Tạp chí thơ số 27) ca ngợi lục bát không vần do vắt dòng chuyển từ giai điệu êm ái nhẹ nhàng do vần… sang nhịp điệu sôi nổi của cú pháp, dồn dập từ sáu chữ xuống dòng tám chữ một cách bất ngờ khi chưa trọn nghĩa trong mỗi câu và lục bát cứ tiếp tục như vậy.
Nhà biên khảo Hoàng Ngọc-Tuấn (Tạp chí Thơ số 29) đọc thơ của Nicanor Parra trích dẫn một đoạn thơ kể lể chuyện đời thường trong đời sống, nào chuyện hình sự, chuyện ăn mặc, chuyện trộm vặt, chuyện cảnh sát xét hỏi, thỉnh thoảng lại xen vào nửa câu “dưới ánh trăng” hoặc “chiếc lá đầu tiên của mùa thu”, đó là cách đánh thức ta phải ra khỏi sáo ngữ của thi ca, đó là cách phản thơ để cứu thơ. Cứu thơ là trở lại chuyện đời thường theo chiều hướng Hậu Hiện Đại. Thiết nghĩ thì việc trở lại chuyện đời thường phải theo phương pháp ngược lại: giữa thật nhiều câu mơ mộng sáo ngữ làm người đọc phát chán thì có một câu cứu vãn, như nhắc đến một chi tiết tầm thường bị bỏ quên, nhờ vậy ta sực tỉnh mà đi ra khỏi một thế giới không thực…
Khế Iêm (Tạp chí Thơ số 24 trong bài:Tân Hình Thức và Thể Thơ Không Vần) là người rành về âm tiết nhấn hay không nhấn trong cách nói thông thường của người Anh người Mỹ; nhờ vậy ông phân biệt rõ Thơ Truyền Thống, Thơ Tự Do,
Thơ Không Vần của Anh Ngữ căn cứ vào nhịp điệu của cú pháp. Thơ Truyền Thống khác với Thơ Không Vần ở chỗ gồm bao nhiêu âm tiết trong mỗi câu, còn Thơ Tự Do tùy mỗi nhà thơ mà sáng tạo bao nhiêu âm tiết trong mỗi câu, tất cả ba loại thơ ấy do phát xuất từ ngôn ngữ đa âm. Thật khác với quan niệm Thơ Tự Do của ta căn cứ vào toàn bài, căn cứ vào cách không cần hiệp vận, mỗi câu dài ngắn không cần quy định. Câu nói thông thường trong giao tiếp hằng ngày của người Anh Mỹ phần nhiều gồm 10 âm tiết, phải ngừng lại để thở, thơ không vần đã căn cứ vào nhịp điệu cú pháp đó. Một kỹ thuật gắn bó với thơ không vần là vắt dòng, mỗi câu cứ đủ 10 âm tiết thì xuống dòng dù chưa trọn nghĩa một câu. Nếu trọn nghĩa một câu thì gọi là kết dòng (end-stopped) không phải vắt dòng (enjambment) mà Tân Hình Thức muốn áp dụng thành một thể thơ.
Nhưng ngôn ngữ Việt là loại ngôn ngữ độc âm, nên muốn tạo nhịp thay thế nhấn hay không nhấn (chỉ có trong thơ Anh Mỹ) thì phải tận dụng kỹ thuật lập lại. Thiết nghĩ phải lập lại như thế nào cho có nghệ thuật, có như vây mới tạo được nhạc tính muốn đều đều như dòng nước chảy, hay muốn dồn dập như cuộc rượt đuổi, hay đứt khoảng như một dò dẫm trên đường gập ghềnh… Cứ lập lại mà không tạo được nhịp điệu gì muốn diễn tả, thì đó chỉ là cách lập lại máy móc. Nhà thơ Phan Nhiên Hạo (Đinh Linh phỏng vấn trong Tạp chí Việt, số 8 năm 2001), ngoài khả năng Việt Ngữ xuất sắc học ở Việt Nam sau năm 1975, lại còn có dịp trau dồi biết nhiều sách vở trong Văn Học Miền Nam trước 1975 do trong nhà còn chứa lén lút nhiều sách cũ, và qua Mỹ tốt nghiệp văn chương Đại Học UCLA., nhờ vậy nhà thơ có đủ sự hiểu biết; so sánh cho ta thấy sự dị biệt giữa văn chương Âu Châu có tính triết lý và nhiều thể nghiệm; khác với văn chương Mỹ được xây dựng rất có ý thức và hệ thống làm nổi bật “tính chất trực tiếp không cầu kỳ, phù hợp với một xã hội tiêu thụ và một nền văn hóa thực tế”. Như vậy, nhà thơ Phan Nhiên Hạo có phần nào tán đồng với chủ trương thơ trần trụi không tu từ của văn chương Hậu Hiện Đại.
Chủ trương của Tạp chí Thơ cũng muốn trở về tính truyện đời thường, nhưng muốn “nhập cảng” thêm nhịp điệu cú pháp vào trong thơ Việt. Cùng trong số tạp chí ấy, Đinh Linh phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh. Nhà thơ này phát biểu bằng trực giác như sau: thơ mơ hồ, tụ lắng, âm vang, truyền cảm… thuộc về âm; thơ va chạm, tán và động, biểu tượng và cụ thể… thuộc về dương. Tương tự như trong tiếng Pháp có sự phân biệt âm dương như vậy: mặt trời chói chang thuộc về dương (le soleil); mặt trăng êm dịu thuộc về âm (la lune). Và nhà thơ muốn thơ mình hướng về cực dương. Phát biểu như trên thì nhà thơ này cũng phần nào đồng tình hướng về ngôn ngữ bạch thoại trong thi ca, càng triệt hạ tu từ càng tốt, theo đường lối “bốn không” mà nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã nêu ra. Nhưng khuynh hướng văn chương Hậu Hiện Đại xây trên nền tảng giải thể mọi cấu trúc (Hậu Cấu Trúc), nên cũng gồm thâu mọi khuynh hướng, gọi là trò chơi văn chương có tính dân chủ, vì vậy nói triệt hạ tu từ hay “bốn không” hình như chưa đi sát với chủ trương phi-tâm-hóa. Cho nên ta thấy những khuynh hướng thể nghiệm văn chương có tính riêng biệt của nhà văn, như Hiện Thực Huyền Ảo của Gabriel Garcia Marquez; tiểu thuyết “Quỷ Thi” của Salman Rusdie… cũng có thể liệt vào hướng Hậu Hiện Đại.
Tạp chí Chủ Đề không dựa vào một lý thuyết cách tân thi ca như Hậu Hiện Đại Với Tạp chí Việt, hay Tân hình thức với Tạp chí Thơ, nhưng chủ biên Nguyễn Trung Hối (Chủ Đề số 6, Mùa Hạ năm 2001, ghi lại cuộc phỏng vấn của phóng viên Minh Nguyệt trên đài Phát Thanh Radio Úc Đại Lợi) chủ trương lấy dịch thuật để thúc đẩy người làm văn chương hải ngoại nên hướng về phía cách tân, nhất là cách tân triệt để về thơ. Ông cũng đồng ý với nhà văn Phạm Thị Hoài là “nhà văn hải ngoại chỉ viết bằng bụng chứ không viết bằng đầu… văn học hải ngoại không thiếu Việt Nam mà thiếu thế giới”. Ý ông muốn nói nhà văn nhà thơ hải ngoại ít đọc sách báo ngoại ngữ để trau dồi kiến thức, thâm nhập vào đề tài mới, thử nghiệm thể loại văn chương mới. Họ chỉ viết theo cảm tính hoặc tình cảm về những vấn đề phát xuất từ kinh nghiệm đời sống, nhất là về những đề tài chiến tranh vừa qua, đề tài cuộc sống hải ngoại hiện nay, đề tài hoài hương, đề tài chính trị trong nước ngoài nước. Lắm người cũng không chịu đọc sách báo kiến thức bằng Việt ngữ, hoặc tìm hiểu các khuynh hướng văn chương Việt cách tân, đừng nói chi đọc sách báo tiếng nước ngoài. Ông đồng ý một số khía cạnh khuynh hướng cách tân Hậu Hiện Đại, nhưng không đồng ý thơ Vắt Dòng theo lối Tân Hình Thức của Tạp chí Thơ. Vì vậy trên Tạp chí Chủ Đề có những bài giới thiệu khá công phu về Mỹ Học (ít có bài báo Việt Ngữ về đề tài Mỹ Học) và bài giới thiệu Thuyết Hủy Tạo (tức Giải Cấu Trúc), cả hai đều của tác giả Nguyễn Minh Triết.
Bài của ông Nguyễn Minh Triết với tựa đề “Derrida và thuyết Hủy Tạo” đăng trong Tạp chí Chủ Đề số 6, số Mùa Hạ năm 2001, xin trích dẫn những điều đặc biệt không có trong các bài khác: “Phương pháp căn bản của Hủy Tạo là tìm các cặp từ đối nghịch ẩn dấu trong văn bản… Phương pháp của Derrida là nghiên cứu những giây phút đặc biệt khi văn bản có vẻ thiếu quyết đoán… Trong trường hợp của Husserl (Triết lý về Hiện Tượng Luận), sự truy tìm một hình thức biểu lộ thuần túy (pure expression). Sự hiện hữu ngay tức khắc, điều này ám chỉ sự tự hiện hữu là một điều chắc chắn… Bằng sự bài bác sự hiện hữu, Derrida cũng bài bác luôn hiện tại. Thuyết Hủy Tạo của Derrida đã đe dọa cả Thực Chứng Luận (positivism) và Hiện Tượng Học (hay Hiện Tượng Luận, Phenomenology)… Derrida gọi sự xem lời nói quan trọng hơn chữ viết của Saussure, sự gán ghép cho chữ viết một vai trò thứ yếu, đều mang thành tố Trung Tâm (Centrism)… Theo Levi-Strauss, chữ viết là công cụ của đàn áp, là phương tiện thuộc-địa-hóa những trí óc sơ khai. Derrida nhận thấy là Levi-Strauss thường xuyên đặt nặng ưu tiên cho thiên nhiên (lời nói) trên văn hóa (chữ viết). Ông ta luôn luôn khoác lên mình một giấc mơ hồn nhiên và mơ về những xã hội thiên nhiên nguyên sơ… thực ra thì bên dưới mặc cảm tội lỗi (đàn áp các nước sơ khai) và sự luyến tiếc quá khứ (xã hội gần thiên nhiên) là bệnh chung của nhân-chủng-học (được ngụy trang như một chủ nghĩa tự do và nhân ái.”
Xin nhắc lại, bài của Nguyễn Minh Triết nêu ra sự bác bỏ “cái ngay tức khắc” của khoảnh khắc hiện tại do tri giác cụ thể (nhắc đến Hiện Tượng Luận), từ đó bác bỏ sự hiện hữu (nhắc đến thuyết Hiện Sinh), bác bỏ những gì mon men thành Trung Tâm (nhắc đến Cấu Trúc Luận). Những bác bỏ này dường như khác hẳn bài giới thiệu của ông Nguyễn Minh Quân với những điều nêu ra như Derrida chủ trương về sự hiện hữu của một Thực Thể Tối Thượng (phân biệt giữa phát ngôn lời nói và phát ngôn câu Khải Huyền, trung tâm cục bộ và Trung Tâm gồm thâu mọi mâu thuẫn), đăng trong Tạp chí Việt số 8, Giữa Năm 2001. Trước hết, ông giới thiệu Cấu Trúc Luận có vẻ như thuộc về triết lý Duy tâm Chủ quan (vật giới được thực-hữu-hóa do con người qua ngôn ngữ, nhưng không phải ngôn ngữ từng cá nhân mà từ một Cấu Trúc Ngôn Ngữ tồn tại từ trước); “từ ngữ mang tính chất quy ước và tự ý dựa trên sự cảm nhận chủ quan của con người, chứ không tồn tại trong bản thân sự vật… sự hình thành ý nghĩa của một từ ngữ mang tính chất hoàn toàn chủ quan và quy ước của con người mà không bao giờ tồn tại từ trước với sự vật của thế giới hiện thực… nhà phê bình thường tập trung vào tác giả… Cấu Trúc Luận có quan điểm hoàn toàn trái ngược, bất cứ một văn bản nào đều không có nguồn gốc; tác giả thuần túy là người sống trong những cấu trúc đã tồn tại từ trước mà nhờ vào đó họ viết nên một câu văn hay một câu chuyện, do vậy, ngôn ngữ nói tư tưởng của con người chứ không phải con người diễn đạt tư tưởng… Cấu Trúc Luận không bao giờ chấp nhận có một thế giới hiện thực tồn tại độc lập ngoài ý tưởng của loài người… Cấu Trúc Luận đặt cấu trúc vào trung tâm, chính cấu trúc phát sinh ra ý nghĩa chứ không phải bản ngã cá nhân…”
Như vậy thì Cấu Trúc Luận muốn xóa nhòa tác giả, nhưng không xóa nhòa Trung tâm là những cấu trúc ngôn ngữ, như đại tự sự chẳng hạn. Mà đại-tự-sự hay cấu-trúc tồn-tại-từ-trước thì cũng do con người, con người tập thể. Đến đây bài viết của ông mới bắt đầu giới thiệu về Hậu Cấu Trúc (Giải Cấu Trúc, hay Thuyết Hủy Tạo) của Derrida. Đoạn này như khác với bài giới thiệu của ông Nguyễn Minh Triết trên Tạp chí Chủ Đề. (Xin nhắc lại, theo ông Nguyễn Minh Triết, Derrida không chấp nhận có điều gì mon men thành hiện hữu, dù là một khoảnh khắc tiếp xúc cụ thể của hiện tại mà Hiện Tượng Luận của Husserl muốn truy lùng). Còn bài của ông Nguyễn Minh Quân thì giới thiệu: “Trong lý thuyết căn bản của triết lý phương Tây, phần đứng trước (Derrida lý luận) luôn luôn có giá trị hơn phần đứng sau (như cặp tốt/xấu, sáng/tối, nam/nữ, phải/trái…) Derrida đã chú ý một cách đặc biệt đến cặp đối lập Nói/Viết và kết luận rằng Nói bao giờ cũng quan trọng hơn Viết… nói gắn liền với tính chất của sự hiện hữu, và khi nói thì một ai đó phải có mặt để phát ngôn… sự tồn tại của một bản ngã làm hành động phát ngôn… ý tưởng về sự Hiện Hữu (Presence) là Trung Tâm đối với tất cả các hệ thống triết lý phương Tây từ Plato cho đến thời đại của Derrida…” Mãi đến đoạn nói về sự áp dụng Hậu Cấu Trúc vào phê bình văn học, bài giới thiệu của ông Nguyễn Minh Quân mới làm thấy rõ Derrida chủ trương phi-tâm-hóa: “học thuyết mới ra đời (Giải Cấu Trúc, Thuyết Hủy Tạo) phản bác rằng ngôn ngữ không tồn tại như những khuôn mẫu cấu trúc hằng định… không có một cấu trúc văn bản nào bền vững… ngôn ngữ trượt đi trong một mạng lưới chằng chịt… chúng chuyển dịch không ngừng nghỉ trong hệ thống liên-văn-bản.”
Bài “Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Văn Học Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hưng Quốc (đăng trong Tạp chí Việt, số 7, số đầu năm 2001) cho ta thấy Hậu Hiện Đại không trịnh trọng làm lịch sử, không cổ vũ làm cách mạng, không viễn kiến tương lai… như Chủ Nghĩa Hiện Đại, mà chỉ như trò chơi có tính cách dân chủ chấp nhận mọi dị biệt, cũ mới, truyền thống hay cách tân: “Tính chất đa nguyên ấy… theo Lyotard, xuất phát từ sự sụp đổ các đại-tự-sự vốn là nền tảng trên đó người ta xây dựng các trung tâm quyền lực… xóa bỏ sự phân biệt giữa trung tâm và ngoại biên, nhờ đó (các nền văn học nghệ thuật bị xem là thuộc ngoại biên) nổi lên thành bình đẳng: văn học của các thổ dân, của các cộng đồng di dân và tỵ nạn, những người đồng tính luyến ái, văn học nữ quyền và Hậu Thực Dân… Sự phá vỡ khung tự sự; dùng kỹ thuật lồng chuyện này vào chuyện khác, thủ pháp lắp ghép và nhại lại…”
Bài của tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn “Viết: từ Hiện Đại đến Hậu Hiện Đại” (đăng trong tạp chí Việt, số 5, số đầu năm 2000) đã phân tích cho ta thấy rõ hơn giữa Hiện Đại và Hậu Hiện Đại. Trước hết, ông nêu ra tính chất đại tự sự của Cấu Trúc Luận theo Saussure: “ngôn ngữ tạo ra ý nghĩa cho hiện thực”, và tính chất Duy Tâm Chủ Quan của Wittgenstein: “ngôn ngữ tạo ra thế giới”, còn Hậu Hiện Đại làm nổi bật tính chất phi-trung-tâm: “Nhà văn hiện đại cố gắng đặt những mảnh vụn vào một cấu trúc chặt chẽ… còn nhà văn Hậu Hiện Đại lại để cho mỗi mảnh vụn nằm vào chỗ riêng của nó… nhà văn Hậu Hiện Đại không kể một câu chuyện nào cả, mà chỉ tạo ra những khả thể về những câu chuyện… mọi thứ trên đời đều có thể trở thành chất liệu cho tác phẩm (ví dụ những tin tức vặt vãnh, chuyện ngồi lê đôi mách, thông báo của chính quyền, thực đơn biên lai hàng hóa…)”
Bài dịch của Nguyễn Thị Ngọc Nhung “Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Văn Chương” đăng trong Tạp chí Việt số 7, số đầu năm 2001, cho ta biết thêm một tính chất viết truyện lối Hậu Hiện Đại: kết thúc câu chuyện kể ở vào khả thể của một trong ba kiểu chấm dứt, gọi là phương thức đa kết. Trong một truyện tình đã viết năm 1969 (The French Lieutenant’s woman), tác giả John Fowles “từ chối sự lựa chọn giữa hai kết cuộc; một, tái hợp sau cuộc tình bão tố; và hai, họ sẽ xa nhau mãi mãi. Như vậy, ông đã đưa một nguyên tắc bất định vào trong chuyên. Ông còn đùa cợt với khả thể thứ ba (tác giả làm rối loạn dòng kể… tự bước vào trong truyện như một nhân vật.)
Phần trích dẫn thơ trong các tạp chí chủ trương cách tân, đành phải hạn chế. xin chỉ lấy ra những câu thơ tiêu biểu thuộc về Hậu Hiện Đại, tránh trích dẫn những câu thơ quá cường điệu dung tục. Điển hình như dung tục trong lời một bản nhạc Rap của người Mỹ da đen, đó là những lời dung tục vô hại, chỉ là tiếng chửi thề phản kháng sự kỳ thị chủng tộc:
Elvis was a hero to most
But he never, meant shit to me, you see
Motherfuck him and John Wayne
Trích dẫn thơ dung tục hạn chế như vậy, vì độc giả đã khám phá ra con số những bài thơ dùng lời dung tục xuất hiện rất nhiều, điều đó làm người đọc chán ngấy. Thơ trích dẫn đúng theo hướng Hậu Hiện Đại thiết nghĩ phải là: Thơ trần trụi bạch thoại, thơ liên-văn-bản, thơ thuộc phần mảnh có liên hệ lỏng lẻo giữa các câu thơ, thơ dung tục nói cho hả giận… Thơ Tân Hình Thức nếu trích dẫn đúng theo hướng chủ trương thì thiết nghĩ phải là Vắt Dòng dưới hình thức 5, 6 hoặc 7 chữ, hoặc Vắt Dòng kiểu Lục Bát không vần và không trọn nghĩa từng câu, nhưng phải có nhạc tính do sự lập lại; và tính truyện đời thường phải là đời thường chưa có ai đá động tới để hạn chế bớt phần trích dẫn tính truyện đời thường trùng hợp; hạn chế tính dung tục quá lắm. Riêng thơ trong Tạp chí Chủ Đề, phần trích dẫn sàn lọc những câu thơ hoàn toàn không vần, khuynh hướng thì có thể Siêu Thực, Tượng Trưng, Hiện Sinh, và đôi câu Hậu hiện Đại trần trụi do cố ý trút bỏ các tu từ thuộc thi tính mỹ cảm (vì Tạp chí Chủ Đề cũng ủng hộ Hậu Hiện Đại.)
Trước hết, đây là các câu thơ trích dẫn trong tạp chí Việt từ số 5 đến số 8. Dòng thơ này có lẽ hiện nay vẫn có một số người đóng góp trên các Mạng lưới Toàn cầu “Tiền Vệ”, “Da Màu” ở hải ngoại, và“Vọt Trào” ở trong nước. Tạp chí Việt mà cao điểm phổ biến lý thuyết Hậu Hiện Đại là từ số 5 đến số 8, nên phần trích thơ dẫn chứng sát với Hậu Hiện Đại khá ít ỏi, chỉ trích dẫn những câu mà người viết bài này cho còn theo hướng Thơ Tự Do chưa thực sự thuộc Hậu Hiện Đại:
… ngồi chẻ ngọn tre non
phơi trên đầu gió
sục vào giấc mơ vắng mặt
(Uyên Nguyên)
Trích bài: Ngữ Điệu Dấu Sắc
… nhớ hoài đường phố sau giới nghiêm
những vòng xe lăn về cư xá
những cây cầu bắc ngang lạch cạn
mùi tanh phả từ lòng sông
cọng giá, tô cháo lòng
bà xẩm già nhăn nheo thế kỷ
những đứa con gái nhăn nheo tóc chấm vai
gã giang hồ với ngón nghề tẩm quất
đốm lửa trên môi thằng bé còi xương
mọi người đều cần một chỗ ngồi chờ ngày rạng
riêng tôi
cần một khoảng không trong em
(Thận Nhiên)
Trích bài: Thắp Lửa
… Não bộ sắm tuồng diễn trò sân khấu tính âm
Bàn tay độc quyền ấn vào thiên chức động vật
… Côn trùng thi nhau đồng ca điệp khúc đầm lầy. Mưa
đang. Không trốn nỗi vào. Bên ngoài vẫn tiến trình những toa
tàu không tải.
(Nguyễn Quốc Chánh)
Trích bài: Cơn Mê Đầm Lầy
… những hợp âm chim sẻ lướt mái hoàng hôn
đêm lầm lụi xám
(Huy Tưởng)
Trích: Ghi Chép Rời Trước Ngưỡng Thiên Niên Kỷ
… túi mắt đựng trời
trưa trắng
co quắp ký ức
nén tiếng rên
phố chết nửa ngày
(Chim Hải)
Trích bài: Chùm Không
… Tôi ngủ bảy ngày trong khách sạn với T.
khi thức dậy tôi đã là một người khác
tôi muốn kiếm tiền, tôi muốn làm một con chim trống.
(Phan Nhiên Hạo)
Trích bài: Sau Bảy Ngày Trong Khách Sạn Với T.
… gió tuột quần cởi trắng hiên rêu
cỏ lá nửa khuya bò cứng ao hồ
(Phạm Miên Tưởng)
Trích bài: Mớ Đá
… Rực nóng
Mặt trời nhoài xa.
Những hàng cây đuối lửa.
Trong tôi vẫn dịu lãng một đêm rất cũ
Em khỏa thân
Trên nền đen của mộng
Tôi vo ve…
(Đinh Trường Chinh)
Trích bài: Đêm Bình Minh
… còi tàu tốc hành rướn cong
thành phố nhướng đôi mắt đỏ
(Ý Liên)
Trích bai: Downtown
… Bị cuộc đời xua đuổi
Tôi nhảy ùm xuống trang giấy
Tự trầm
Giữa những đám bèo chữ
(Trần Lộc Bình)
Trích bài: Tôi, Nhà Thơ
… hơi nước đục khoét vành đai của đất xuyên qua
nhĩ hồ im lặng
… hơi thở phôi thai rụng trứng trên khu rừng già
… vực thẳm chẻ núi ra khỏi cơn mộng của nước
và đơn bào đầu tiên
(Nguyễn Hoàng Tranh)
Trích bài: Phù sa
Tạp chí Chủ Đề chỉ không chấp nhận đăng những bài thơ vần điệu, nhưng không cổ xúy lối cách tân Hậu Hiện Đại, mặc dầu người Chủ biên tạp chí cũng ủng hộ. Vì vậy sự trích dẫn thơ có phần không đắn đo, không cần xem thuộc Hậu Hiện Đại hay không. Vả lại, những câu trích dẫn như trên trong tạp chí Việt như vẫn còn chịu ảnh hưởng của thi ca thiên về mỹ cảm có vẻ cổ điển. Vậy trích thơ trong Tạp chí Chủ Đề chỉ cần thấy đó là Thơ Tự do, không ngại trích dẫn thơ vẫn phảng phất mỹ cảm của Thơ Siêu Thực nghiêng về những thi ảnh lạ thường (kiểu “chòm tóc trắng trên nòng súng lục”), nghiêng về trực giác siêu hình lối Thơ Tượng Trưng (kiểu “một vũng cô liêu cũ vạn đời”), hoặc Thơ Ngôn Ngữ Tân Kỳ (kiểu “gà truyền nhiễm gáy” hay “tôi la qua mái ngói”):
... Khi trở lại vườn xưa
em dấu thơ ta trong mắt biếc
từ lúc em chưa là mùa màng
(Hải Phương)
Trích bài: Khi Ta Trở Lại Vườn Xưa
… Bãi lau đùa gió dạt
Đêm thăm thẳm
Đêm già
Một tiếng mõ từ đâu văng vẳng
Về ta…
(Nam Dao)
Trích bài: Đêm Thăm Thẳm
… lo ơi chim non đường bay
xót lá cội cây già kẻ bứng
… chút ráng em pha vòm cây cuối ngõ
núi đứng u tình sợ bóng đi qua
(Hà Nguyên Du)
Trích bài: Dụ Ngôn Mùa Đông
… trong ký ức nóng rung mùa hạ
loài ve sầu rũ chết trong mơ
hoa cúc thắp lửa vàng lối cỏ
nỗi buồn không đắn đo
sâu thẳm mang chiều dài nỗi nhớ
(Phạm Ngọc)
Trích bài: Dạ Khúc Xiv
… Tôi đứng giữa chiều Halfmoon Bay
Mặt trời đỏ bừng đánh rơi hạt nắng
Biển gọi khan lời, ầm ì sóng vỗ
Cát mệt nhoài mờ mịt dấu chân
(Tường Vi)
Trích bài: Chiều Halfmoon Bay
… rõ ràng anh thấy em đi dưới bầu trời thủy tinh
vậy mà bỗng chốc anh lùi về nơi chốn hồng hoang dự trữ
thời tối tăm đại cổ sơ
như tình yêu ở đó những con thú long tiền sử
vẫn kêu hoài tiếng kêu mất mẹ
(Hoàng Xuân Sơn)
Trích bài: Phương Trượng
… Trên bờ biển những tảng đá được lau chùi bởi sóng
Lại lau thêm lần nữa
Bởi tình anh.
( Nguyễn Đức Tùng)
Trích bài: Ngày Của Em
… trời nghiêng xế rọi thanh âm
khuất lẫn vàm em, phong rêu
dựng bờm gợi khêu dị cảm.
Nghe khó tin. Bữa ghé San
Francisco đã hồn ngát nguyệt.
(Đức Phổ)
Trích: Bữa Ghé San Francisco Đã Hồn Ngát Nguyệt
Bắt đầu từ Số Mùa Xuân năm 2000 trên Tạp chí Thơ đã xuất hiện từ từ lý thuyết Tân hình Thức với lối Thơ Vắt Dòng, và tạp chí thay đổi ban phụ trách từ Số Mùa Xuân 2005 đến nay, nhưng đường lối chủ biên không khác, và có thêm một số bài viết đóng góp về lý thuyết Hậu hiện Đại. Với 14 số báo từ năm 2000 đến 2007, thơ Tân Hình Thức lối Vắt Dòng hiện diện rất nhiều, nên phần rích dẫn trong bài này rất hạn chế. Xin chỉ trích dẫn những câu thơ tiêu biểu đúng theo lý thuyết Tân Hình Thức: vắt dòng dù thành thơ 5, 7 chữ hay lục bát phải có nhạc tính (theo lý thuyết là bằng cách lập lại một số từ, thay thế cho nhịp điệu của vần); hoặc phải có tính truyện đời thường hết sức đơn giản (như việc làm bánh, như về con cá nuôi trong bể kiếng, vì đời thường mà cường điệu thì có tính chất triết lý hơn là cách tân kiểu Hậu Hiện Đại). Và hạn chế không thể trích dẫn quá dài:
... Nửa khờ nửa dại
Vừa mái vừa trống
Rỗng rinh đại không
Gió lùa mưa động
… Yên yên yên yên
Bật không tiếng động
Đậy kín tiên thiên
Không mầm không mống
Nửa mái nửa trống
( Nguyễn Tôn Nhan)
Trích bài: Bán Tân Hình Thức
… Buồn ơi tôi thấy tôi
Bàn ghế áo nàng xanh
Tôi mến lá sân trường
Thà như giọt mưa rớt
Trên tượng đá nghe giá
Băng mòn hết tuổi thơ
(Đỗ Kh.)
Trích bài: Liên Khúc Ngũ Ngôn
(Một ví dụ về Liên-văn-bản)
… đã dặn tôi rằng những gì tôi
đang có là những gì không ai
có, cho nên thôi em đừng khóc
nữa bởi vì những gì em có
là những gì tôi không có. Vậy
em đừng đau khổ nữa bởi vì
bây giờ chúng ta lại có cả
những gì mà chúng ta không có
(Trầm Phục Khắc)
Trích bài: Xấu Gái
Một ví dụ về từ lập đi lập lại
… cho bột trộn vào khuôn. Đút lò
một giờ chẵn hoặc khi cắm tăm
vào giữa lấy ra không dính bột
là chín. Rưới thấm Brandy pha
cà phê cắt bánh dọn nơi bụng
trần. Em chỉ làm được có thế.
Với anh và cho anh.
( Nguyễn Thị Ngọc Nhung)
Trích bài: Chỉ Có Thế
… tôi đã thấy ông lão làng tôi
ăn trăng với nước lã trừ bữa.
Trước nữa, cha kể, ông cố ngoại
tôi chạy càn Minh Mệnh đã đọc
kinh lễ, đốt thi phẩm Glang Anak
pha nước đái trẻ uống thay vì
ăn chữ. Ông sống trên trăm tuổi
( Inrasara)
Trích bài: Chuyện 40
… quen những cành rong biển
nhựa – mai kia có cho
ra sông ra biển thì
cá tôi cũng sẽ đòi
về đòi về ăn những
thứ ăn quen, chơi với
cành rong biển nhựa
ánh đèn điện xanh đỏ.
(Nguyễn Thị Khánh Minh)
Trích bài: Một Nơi
… Mặt trời bắc bếp
đặt lên chiếc bình
pha trà
hồng hào ham muốn
vật chất lên men
… Đom đóm về
tiết điệu hạt mưa
… Đầm lầy xáo động
lật ngược dải ngân hà
vòng xoáy lỗ đen vũ trụ
(Phan Huyền Thư)
Trích bài: Thực Dụng Hư Vô
(Thơ nói về vũ trụ hay siêu hình chắc là chưa hợp với “bốn không”)
… Một hàng người ngồi trên băng ghế, trên
băng ghế một hàng người ngồi, từng người
từng người giống y như khuôn, từng người…
… băng ghế một hàng người ngồi; nhìn đăm
đăm, đăm đăm, đăm đăm…
( Khế Iêm)
Trích bài: Một Hàng Người
… Họ nhìn lên những giá sách và
Lấy cuốn Les Misérables
Ngoài trời tuyết vẫn rơi, có người
Bước vào móc chiếc áo khoác phủi
Tuyết chọn một cái bàn nhìn ra
(Nguyễn Lương Ba)
Trích bâí: Quán cà phê
(Một ví dụ về thơ 7 chữ vắt dòng, viết hoa ở đầu mỗi câu)
… thúc quân hay kèn truy
điệu dù đuốc soi dẫn
hay đuốc truy kích dù
nến sinh nhật hay nến
liên hoan nến tưởng niệm
sau cùng vẫn là kèn
vẫn là đuốc vẫn là
nến gặp nhau trong ngày
một ngày tiễn đưa nhau!
( Hà Nguyên Du)
Trích bài: Kèn, Đuốc, và Nến
Một ví dụ về thơ 5 chữ vắt dòng, không viết hoa đầu câu)
… tôi vừa xoa bụng nàng vừa dõi
mắt phía nghĩa địa, ngó lom lom
lên từng hàng bia trắng hếu dưới
sương, thật không dễ chút nào khi
buộc phải giải thích đâu là mộng
đâu là thực nơi cuộc đời này
(Lưu Hy Lạc)
Trích bài: Những Ngày Nắng Nóng Thực Mất Dạy
Trần Văn Nam Tháng 12.2007