Daniel Hoffman

Ba mươi năm trước, khi tôi xuất bản thi tập, American Poetry and Poetics, Ben Shahn sáng họa cho hình bìa một con chim oai nghi đầy ấn tượng, nửa ó nửa phượng hoàng, với tấm khiên nơi ngực và một điểm sáng nơi mắt. Kể từ đó, tôi luôn nghĩ đến thơ Mỹ như cả hai, vừa là ó đang soải cánh vừa là phượng hoàng đang trỗi dậy lần nữa từ đống tro tàn. Ừ thì, con chim già nua đó, dòng thơ Mỹ, tuy đã thêm một lần nữa bị tuyên cáo là hấp hối, sa sút, và đã chết, bởi ít nhất là hai phe đối nghịch ngầm: nhà thơ thực hành – nhà thơ chẩn mạch, mỗi nhóm rồi sẽ trỗi dậy với cặp cánh của riêng mình từ đống tro tàn văn phong cạn kiệt của thơ tự do tự thú (confessional free verse), để đầu thai cái tinh thần đúng của nguồn hứng thơ trong những trạng thái đó. Như vậy họ phục hồi được lớp độc giả đã đánh mất của thơ.

Nhưng, làm thế nào để con phượng hoàng có thể bay được với hai cánh quạt gió ngược chiều? Một phong trào, lập thành từ việc dứt bỏ qui tắc và không hình thể hỗn mang của thơ tự do, muốn trở về với thể luật quen thuộc, hình thái, và cách kể truyện. Nếu những nhà thơ này có vẻ như muốn xoay ngược kim đồng hồ thì nhóm kia, tụ tập dưới biểu ngữ Những nhà thơ NGÔN NGỮ, bẻ phắt kim giờ kim phút khỏi mặt đồng hồ, như họ vẫn tưởng, vọt đi trước chủ nghĩa hiện đại đã hết sinh khí đến thơ hậu hiện đại, cho Mỹ, dựa trên những lý thuyết hứa hẹn nhập cảng, phần lớn từ Pháp.

Điều gì trong trường hợp gần đây và hiện nay đã tạo hứng cho những đáp ứng mãnh liệt như thế? Dana Gioia, người nổi nhất trong nhóm thứ nhất tôi vừa tả ở trên, nói như thế này:

“Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Anh ngữ, vào năm 1980 ở Mỹ đã có một quyết định dứt khoát với quá khứ văn chương, hầu hết các nhà thơ đã xuất bản không thể nào làm thơ theo thể luật tối thiểu gọi là tạm được… hầu hết tay nghề làm thơ đã bị quên lãng… Những nhà thơ trẻ này lớn lên trong một văn hóa văn chương cách biệt hẳn với truyền thống ngôn từ và vần luật đã từng chiếm ưu thế trước đó, nên họ không còn nghe một cách chính xác được nữa… Đối với họ, bài thơ hiện hữu như chữ viết trên trang giấy hơn là âm thanh từ miệng đến tai. Trong lúc phân tích thơ, họ lại hiếm khi nào thuộc lòng và đọc ra miệng… Sự thiếu thực tập này khiến họ biến thành điếc với sự đần độn của chính mình. “

Gioia đưa ra những nhận xét này trong bài viết mang tựa đề “Notes on the New Formalism,” một trong những cái tên mà những nhà thơ trẻ tham dự trong việc hồi phục những tập tục (làm thơ) đã mất, được biết đến; những nhóm khác trong phong trào của họ là Thơ Mở rộng và Tân Truyện kể. Giữa những người tham dự, hoặc bởi chính sự tham gia của họ trong các cuộc thảo luận hay những nhóm thi tập, hoặc do sự ghép đặt của các nhà phê bình, có Dick Allen, R.S. Gwynn, Mark Jarman, Brad Leithauser, Charles Martin, Molly Peacock, Wyatt Prunty, Mary Jo Salter, Gjertrud Schnackenberg, Vikram Seth, Robert B. Shaw, Timothy Steele và những người khác nữa. Mỗi nhà thơ kể trên đều có những bài thơ đem lại cho tôi nhiều lạc thú. Tôi xem những thành đạt kỹ thuật và tài riêng với viễn ảnh của từng người là hẵn nhiên. Điều tôi lưu ý đến là những học thuyết hay tín điều của phong trào họ theo hay đang được theo bởi những người khác.

Cũng rất la, tại sao lại là chủ nghĩa Tân hình thức trong khi những nhà thơ lớn tuổi hơn – thí dụ như Richard Wilbur, Anthony Hecht, John Hollander, James Merrill – chưa bao giờ bỏ rơi thể luật hay tiết đoạn thi. Ấy nhưng, họ cũng đã góp phần trong việc làm mất độc giả và hậu quả là đẩy thơ ra bên lề bởi văn phong quan lại và quan điểm kinh nghiệm ưu tú của họ. Không phải thứ quan niệm thẩm mỹ Tân hình thức của Wilbur (như họ vẫn nghĩ), đạo đức bài xích của Hecht, thuyết trí tuệ bí hiểm của Hollander, những bài thơ tự truyện của Merrill dựa trên gốc gác gia đình giàu có đặc lợi. Không, những nhà thơ Tân hình thức đề nghị thơ nên có đề tài đại chúng lại mang thể thơ quen thuộc, ai cũng tham dự được hết. Và sau bảy hay tám mươi năm, thuyết hiện đại đã tách rời tính truyện và co rút cái khao khát thi vị vào trong sự ngắn gọn của thơ nhạc tính (lyric), họ (Tân hình thức) muốn hồi sinh thơ và những phương tiện chuyển tải đã bị văn xuôi đánh cắp mất.

Tôi để phần quan tâm về thơ tính truyện ở đoạn sau của tiểu luận, và riêng về tổng luận Tân hình thức, cần phải thêm rằng, mặc dù một vài tác phẩm của họ được tái bản lần thứ hai và số bán thành công 25,000 – bản tác phẩm-bằng-thơ, The Golden Gate, của Seth, phong trào hiển nhiên chưa thành công trong việc lay động đám đông đại chúng không-đọc-thơ ra khỏi sự lãnh đạm (đối với thơ). Có lẽ, trong những thập niên tới, những tác phẩm giống như tác phẩm của Tân hình thức sẽ dần dần lấy lại được số độc giả lớn hơn, dẫu rằng khoa học nhân văn nghiên cứu về đọc sách có thể khám phá ra những nguyên nhân phức tạp hơn là niềm hy vọng các nhà thơ này có thể chữa được. Trong hiện tại, những tác phẩm của họ chính yếu được đọc bởi những nhà thơ khác, và được điểm trong các tạp chí chuyên về thơ mà thôi. Thật ra, họ hay những người đồng tư tưởng, đã thành lập được đôi ba tờ định kỳ riêng (The Reaper; The Formalist; Hellas), và những buổi đọc thơ, như tất cả mọi nhà thơ Mỹ khác đã tổ chức, phần lớn đều được tham dự bởi sinh viên. (Có ai đo được ảnh hưởng của những buổi đọc thơ trực tiếp hướng về nhóm trẻ 18 đến 22 tuổi không?) Thơ Hoa kỳ, dưới bất cứ lớp vỏ tư tưởng nào, chắc chắn vẫn là nhóm văn hóa thiểu số trong môi trường dòng chính, hoàn toàn không hay biết gì đến nhà thơ, tham vọng, tác phẩm, và những tranh chấp của họ.

Làm thế nào mà hầu hết nhà thơ và độc giả của họ đều dốt về luật thơ? Bốn mươi năm về trước thì ngược lại – hầu hết các nhà thơ đều dùng vần luật, những thể thức định sẵn, và trông cậy vào một lớp độc giả phỏng đoán được những gì họ phỏng đoán. Trở về sau Đệ nhị Thế chiến, nhà thơ và độc giả cùng nhận ra cái đang đón chờ họ là một chương trình văn chương y theo mục lục cuốn Selected Essays của T.S. Eliot. Cũng phải mất đôi chục năm, thơ Mỹ (rồi đến nghiên cứu) đổi đường hướng, Ezra Pound nhân danh tự do, về thể luật, cấu trúc, và tư tưởng, làm nổ tung bộ kinh điển mà bạn ông, T.S. Eliot, đã tuyên bố là trọng tâm của cả hai Cơ đốc giáo và văn hóa phương Tây. Truyền thống phản-văn-hóa của Pound kết thúc, trong tiểu luận của mình ông khuyên các nhà thơ trẻ nên hiểu biết khoảng một tá sách – khác với những cuốn trong kinh điển (của Eliot). Và một khi Cantos khởi đi, thơ dò theo phương hướng ương ngạnh của xúc cảm; từ chủ nghĩa hình tượng trở đi, những nhà thực hành và lý thuyết của thơ tự do tin rằng phương hướng đúng của cảm xúc phải bị sai lệch bởi sự khuất phục của nhà thơ đối với thể luật, nhịp điệu, hay hình thức tiết thi.

Riêng thơ của Pound, mặc dù đã được làm một cách không hợp lý, thật sự ra có trau giồi và nhiều bóng gió hơn cả Eliot. Nhưng phong trào thơ tự do mà ông là người cổ động và quảng cáo chính yếu đã làm nguy hại đến những thế hệ dường như viết mà không đọc gì cả. Cái tôi chịu đựng trong The Pisan Cantos là một cá nhân có nhiều hiểu biết và phức tạp hơn là những cái tôi phơi bày bí mật riêng tư trong các bài thơ tự thú (confessional poem) của thập niên năm mươi, sáu mươi cho đến giờ.

Rất nhiều những nhà thơ (tự do) này đã được dạy từ lúc còn bé, cho tới khi đến phiên họ dạy học, làm thơ theo công thức vui đùa trong cuốn Wishes, Lies and Dreams (1971) của Kenneth Koch. Cuốn này, được viết để cứu vãn thơ khỏi mô phạm bằng cách nhấn mạnh về lạc thú, đưa ra những trò chơi chữ và tự do kết hợp để phóng thích các nhà thơ trẻ khỏi cùm xích thể luật. Cuốn sách của Koch là một hiệu chính cần thiết, nhưng giữa những thứ tự do mà nó đưa ra, ta không thấy thứ tự do có được nhờ nắm vững thể thơ. Và phương pháp này, được áp dụng bởi những người không có cái tài của người khởi xướng, nhanh chóng biến thành một bộ quy ước thơ tự do. Thêm vào đó, tràn ngập những nhà thơ được đào tạo để dạy học trong những chương trình văn khoa ở đại học và cao đẳng, cho thấy ngay sự sút giảm của thơ tự do từ tính cách mạo hiểm của những người đi đầu thành ra thói cầu kỳ. Để chống lại chủ nghĩa cơ chế hóa thơ tự do đã héo úa nhất là loại thơ tự thú, cả hai Tân hình thức và thơ NGÔN NGỮ đã nổi dậy để cứu vãn tình thế.

Riêng với những người bảo vệ thơ tự do, các nhà thơ Tân hình thức đã gây ra vài chống đối khó chịu. Khi đề cập đến lời kêu gọi chủ đề dân chủ của phong trào này, hơi mỉa mai, nhóm thơ tự do công kích Tân hình thức là phát xít văn hóa chỉ vì họ chuộng thể luật thơ. Thí dụ như Ira Sadoff đã công phá cái tiên đề trong thi tập hình thức, The Direction of Poetry của Robert Richman, buộc tội những nhà thơ được chọn trong đó là cổ xúy cho một “nghị sự xã hội cũng như ngôn ngữ” trong việc “ưu tiên cho thể luật trên những trần thiết (decoration) khác của thơ”. Sự kiện ông xem thể luật chỉ là một trần thiết, không thể nhận thức được cách sử dụng nó như một cường năng của ý nghĩa, cho thấy Sadoff đang ở giữa cái rừng nào. Riêng về “nghị sự xã hội” ám chỉ trong thơ thể luật, trước hết, ông làm thế nào để giải thích những quan điểm chính trị bảo thủ hay phản động của những người khám phá rathơ tự do như T.E. Hulme, D.H. Lawrence, Eliot hay Pound? Mặc dù dùng thứ ngôn từ hơi-Mát-xít một chút, tranh luận của ông làm sống lại quan điểm của Walt Whitman là thơ Mỹ phải giã từ thể điệu và thi luật đã phát triển qua nhiều thế kỷ dưới thời Anh quốc còn vua cai trị.

Như vậy, chính những người như William Carlos Williams, cha là một người Anh, mới đáng xua đuổi vận luật iamb, bác bỏ di sản tiếng nói Mỹ lấy gốc từ tiếng Anh (British English), di sản của thi pháp Mỹ đến từ truyền thống Anh và Anglo-Mỹ. Tuy nhiên, sự biến đổi của những âm tiết nhấn, không nhấn đặc tính hóa ngôn ngữ tiếng Anh ở bất cứ nơi nào sử dụng nó; dòng iambic, có ưu thế từ thời Chaucer và xuất hiện ở thời Middle English, biểu trưng cho cái chỉnh đốn tối thiểu của biến đổi này. Độ dài của dòng thơ được ưa chuộng là pentameter (dòng 10 âm tiết, xen kẽ nhau những âm tiết không nhấn, nhấn) vì nó đủ khả năng làm biến đổi chỗ ngừng nghỉ hơn là dòng ngắn và tránh được cái đơn điệu cùng khuynh hướng gãy dòng trong những dòng quá dài. Điều mà những nhà thơ tự do độc đoán bội tuyệt, cùng bác bỏ thể luật hiện rõ trong cách phát âm, cú pháp, và cấu trúc ngôn ngữ, một khái niệm cho rằng một dòng của câu, hay bài thơ, hiện hữu bên ngoài cả những gì còn lại của vũ trụ. Nhịp vận và thể thơ là những phương tiện trong nhiều phương tiện mà nhà thơ dùng để làm khác đi cấu tạo ngôn từ so với những người khác, cùng dùng ngôn ngữ để làm ra tác phẩm. Nhiều người ủng hộ thơ tự do còn ảo tưởng cho rằng bằng cách tránh né thể luật, nhịp vận, và tiết thi, họ có được một cấu tạo ngôn từ tự nhiên.

Làm thơ theo vận luật không có nghĩa là nhà thơ thuộc về, hay ao ước được thuộc về, tầng lớp có áp lực trong xã hội. Bất cứ người nào muốn như thế đều có thể học làm thơ theo thể luật; chính tôi đã từng chỉ dạy cho di dân, con cháu di dân và nhiều gia đình không quyền lực, làm thơ theo thể luật. Cái (tầng) lớp mà họ thuộc về đấy là lớp Anh ngữ 113. Những người với tài tưởng tượng cũng như khả năng ngôn ngữ dùng những gì họ đã học được để làm thơ.

Gần đây cuốn Missing Measures, của Timothy Steele – chính ông cũng là một trong những nhà thơ Tân hình thức – thám hiểm nền tảng lịch sử của thơ tự do. Steele khảo sát lịch sử cách mạng thi cách trong văn vần, đi ngược đến thời cổ Hy lạp. So sánh cách bác bỏ thể luật của Hiện đại với phản ứng của Dryden về những trần thiết thời Phục hưng và sự chống đối tính ngụy tạo cú pháp thơ thời Auguste bởi Wordsworth, Steele nghĩ rằng cách làm thơ theo thể luật bị lật đổ, chỉ có trong cuộc nổi loạn của Hiện đại. Steele tìm thấy qua những cuộc tấn công phong cách nhu nhược thời Victoria, Pound và Eliot đã sai lầm trong khi nhận diện những khuyết điểm mà họ sửa chữa bằng cách làm thơ theo thể luật. Như thế, họ đã phạm lỗi bác bỏ mà những cuộc nổi loạn phongcách trước đó chưa bao giờ mắc phải. Hiện nay, vì sự thắng thế của tiểu thuyết trong văn chương thế kỷ mười chín, nhà thơ bắt chước văn xuôi. Pound nói về Mauberley (một mặt nạ khác cho ông), “His true Penelope was Flaubert”, và đòi hỏi thơ phải được viết kỹ lưỡng như văn xuôi. Quan niệm thẩm mỹ ở lúc chuyển đổi thế kỷ còn gây thêm tai hại nữa là buộc thơ phải có nhạc tính và hình thức hữu cơ. Lối diễn tả nhạc tính tranh giành với sự hiện hữu của ý tưởng trong bài thơ, và hình thái hữu cơ buộc mỗi lần kinh qua cuộc tranh chấp ấy phơi bày được cái hình dạng chưa thấy của bài thơ, tính bất thường của nó sẽ được rập khuôn lại.

Trong bài nhận định về Pound và Eliot, Steele vạch cho thấy mối thiện cảm của họ với vers libristes và – không hề đối nghịch – với việc chấp nhận dụng từ khoa học. Ông liên kết từ vựng này với khái niệm về thơ của họ, rằng thơ cũng như khoa học, cần phát triển những kỹ thuật mới. Tính bất định của thơ hiện đại trở nên đồng nghĩa với cơ học lượng tử. Nhà thơ và thơ nên bắt chước sự tách rời khoa học gia với khoa học, đưa đến hủy cá nhân tính, khó khăn và ý vị sâu xa trong thơ. Đó là ý đồ của những người tiền phong vers libre, xua vào thơ một vận luật mới, một nhắm tới, mà theo Steele, họ đã không thành công.

Missing Measures là một thám hiểm hoàn hảo về nền tảng trí tuệ của phong trào thơ tự do, tuy nhiên, nó chưa kể hết câu chuyện. Khi nói đến từ Pháp vers libristes – vì nó có nhiều ảnh hưởng trên Eliot và Pound – là tiền nhân chính yếu của thơ tự do Mỹ đương đại, Steele đã không nhìn thấy sự hiện diện miếu đền, trên những thứ khác, của Whitman. Thật ra thì ông già hào hiệp Whitman là cái tinh thần giám hộ, một người nhiều lần bị xa lánh và chịu nhiều sút giảm, chính yếu là người nắm được thơ tự do đường thẳng (flatlining) mà Steele quan tâm đến và nhóm Tân hình thức rồi sẽ tách ra. Cuộc cách mạng lớn đột phá ràng buộc truyền thống của Whitman có nhiều hậu quả không tự nhiên. Whitman lật đổ mọi cản trở một cách có hệ thống – không phải chỉ có thể luật mà thôi – và, với tri cảm dân chủ ông tuyên bố bình đẳng cho tất cả mọi người, rằng thể xác ông cũng linh thiêng như linh hồn ông, linh hồn nằm trong phái tính, và mỗi hòn đá tròn, cọng cỏ, lá cỏ, con người, và cơ thể đều tuyệt vời cả. Thơ tự do đến với chúng ta mang theo nguyên bộ phân phát này. Whitman và hầu hết những người theo ông làm nhẹ gánh tưởng tượng bằng cách đuổi quá khứ và mọi đau đớn lo âu đi. Như vậy, họ mới được tự do theo đuổi ánh sáng hừng đông mới trong thơ mà không bị xiềng xích bởi ràng mối với iamb hay trochee.

Tôi muốn nói thêm, sự né tránh thể luật ở thế kỷ hai mươi không thể giải thích đầy đủ chỉ với những tiền đề mà thôi. Nhịp vận trong thơ, nếu không muốn nói có hiệu quả, là diễn tả, là cảm xúc. Thơ có vần là chiêu hồn hay rập khuôn xúc động bằng chuyển động, cái chuyển động của âm thanh và âm tiết của ngôn ngữ trong một trưng bày cụ thể cuộc hành trình của tình cảm. Theo lịch sử thì thơ bắt đầu từ sự hòa hợp với tế lễ, với nhảy múa, với hát ca. Tuy nhiên, nếu những thứ hòa hợp ấy bây giờ có vẻ như là tàn tích (nếu còn thấy được đâu đó), thì đúng là thơ có vần, hay gì gì đó, hoặc là thể luật, hoặc tự do, hay nửa này nửa kia, vẫn nên tương ứng với dòng đang trôi, với nhảy vọt soi sáng, với phát triển dung hợp tư tưởng và tình cảm, là lý do để bài thơ hiện hữu. Thế nên, tại sao có quá nhiều nhà thơ trong thế kỷ của chúng ta, ở Anh quốc cũng như trong Anh ngữ, tìm thấy việc tránh né lối làm thơ theo thể luật chặt chẽ lại hấp dẫn vô cùng?

Lý do của câu hỏi trên mà nghiên cứu trí tuệ lịch sử của Steele không khám phá ra là tính vô sở bất tại (ở khắp mọi nơi) trong đời sống thường ngày tại những xã hội kỹ nghệ, của máy móc lặp lại tê cứng, của việc làm, của tiến trình trên đủ mọi mặt. Đối với hầu hết phái nam và phái nữ thế kỷ hai mươi, nhịp điệu máy móc đã thay thế cho những lặp lại tế vi của thế giới thiên nhiên, từng chiếm ngự kinh nghiệm con người cho đến khi con người cách biệt với thiên nhiên. Cùng lúc đó, phong trào Lãng mạn tái định nghĩa vai trò của nhà thơ là người của tình cảm, của cảm tính, nhận thức được sự thật dấu giếm bên trong, con người bị rập khuôn vào sự tuân thủ trì độn bởi sự lập lại máy móc của đời sống hiện đại.

Hậu quả lầm lẫn thể luật thơ với những kinh nghiệm áp chế lặp lại máy móc hóa lan truyền rộng rãi. Hình như nó dựa trên sự liên kết luật thơ với tính không uyển chuyển của máy đếm nhịp (âm nhạc) – chính là cái hình ảnh Pound đã dùng trong lời khuyên thuở đầu với các nhà thơ trẻ, “A Few Don’ts,” đề nghị dùng nhịp vận hữu cơ thay thế. Nhưng điều này đã tạo nên một lưỡng phân sai lầm. Văn vần viết dưới dạng thể luật máy móc, theo định nghĩa, là sáo; văn vần viết trong hoàn toàn “tự do” nhịp vận sẽ là vô dạng thể, khuếch tán, trì độn. Thật ra, thơ có nhịp điệu hay, tùy theo sự thay đổi nơi hệ thống kẻ ô ẩn tàng bên dưới để đạt được điểm nhấn mạnh và cường độ. Thơ viết theo nhịp hữu cơ đạt được những phẩm chất đó bằng cách không theo nhịp điệu. Ba phần tư thế kỷ sau bài tiểu luận của Pound, chúng ta có thể hỏi, đấy có là câu trả lời giải phóng giúp thơ tránh được sự lặp lại máy móc bằng cách dứt khoát từ bỏ thể luật, như Pound đã khuyên? Hay đấy là khước từ thừa kế, một thái độ giải phóng có giới hạn?

Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch

Trong cuốn After New Formalism, Annie Finch chủ biên, 1999.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.