Bửu Ý
I. Thơ Tân hình thức và lý do tồn tại (To be or not to be)
Văn tự, và văn học, trong bất cứ một quốc gia nào, đều trải qua nhiều giai đoạn để biến chuyển, hình thành, củng cố, hoàn thiện , phát triển. Và song song với bước tiến lịch sử ấy, là sự đón nhận, thâu thái, sàng lọc những yếu tố và phong trào ngoại lai.
Thơ, ở VN, trải qua nhiều thời kỳ dài ngắn khác nhau, và có khi song hành với bước tiến của thơ ngoại quốc. Bên cạnh đó, có một dạng thơ vô cùng đặc biệt và riêng biệt, nảy sinh từ dân gian, từ những bậc tài tử và nghệ sĩ gần như vô danh, một loại thơ truyền khẩu, qua thời gian và không gian địa phương gạn lọc, một loại thơ càng ngày càng trở nên tinh túy, làm thành di sản quốc gia, đúc kết kinh nghiệm và minh triết của tổ tiên, đã tồn tại đến hôm nay và sẽ còn lưu truyền mãi đến mai sau. Và đó là Ca dao. Có thể nói Ca dao là một loại hình Thi Ca vượt ra ngoài, vượt lên trên cái khung không thời gian và đã đi vào một chốn cư trú vĩnh cửu: đó là ký ức của con người.
Nếu để sang bên loại hình Ca dao, thì Thi Ca Việt Nam trải qua 3 thời kỳ lớn: Thơ Cổ điển, Thơ Mới và Thơ Tự do. Thơ Cổ điển tồn tại dài lâu hơn cả, là do lịch sử của đất nước, mặc dù loại thơ này bị gò bó nhiều hơn cả, từ hình thức đến nội dung và luôn cả nguồn cảm hứng, tứ thơ và đề tài.
Thơ Mới đúng là một luồng gió mới thổi vào thi ca làm rơi rụng nhiều điển cố, sáo ngữ, bẻ gãy luật tắc thi pháp, nới rộng câu thơ, bài thơ, nhập cảnh những làn gió phương tây với những từ ngữ, thành ngữ mới lạ, tôn vinh những tình cảm, ý nghĩ của cá nhân.
Thơ Tự do ra đời từ những năm 50, giải phóng nốt cho thơ ra khỏi những ràng buộc còn lại. Thơ bắt đầu bay nhảy thênh thang. Còn lại những gì trong thơ? Còn lại tứ thơ, còn lại chữ nghĩa vầy những cuộc hôn phối mới và nảy sinh những quãng lặng và những đứt gãy. Đúng là trong Thơ Tự do, ta đã từng đọc những quãng lặng ở giữa câu, ở cuối câu và rất nhiều đứt gãy trong cú pháp, trong ý tưởng. Thơ Tự do có một đời sống tương đối dài, ở trong nước và cũng như ở trên thế giới và, trong tương lai, ta vẫn chưa thấy thấp thoáng thời kỳ kết thúc của nó.
Trong thời kỳ hiện đại này, môi trường sống của con người bị nhiễu loạn rất nhiều và hiện tượng này đã được các nhà khoa học phân tích từ căn để: đó là những người như nhà khí tượng học Edward Lorenz đầu những năm 60, nhà toán học và vật lý học Benoit Mandelbrot đầu những năm 70 khi quan sát và nghiên cứu máy móc, máy vi tính, máy điện toán, phát hiện ra những hệ thống động lực bị chi phối do một trật tự tình cờ và hỗn mang rất gần với huyền thoại xưa bao gồm những thay đổi tuyến tính có thể tính toán cùng những thay đổi phi tuyến tính không tính toán được với vô vàn chi tiết chi li.
Những phát hiện khoa học mới mẻ này đã đánh mạnh vào tâm trí con người và đồng thời giúp con người thâm nhập, phân tích, lý giải môi trường sống của nó.
Người làm thơ là người nhạy cảm, dễ dàng và sẵn sàng tiếp nhận dấu ấn của thời đại, quan sát đời sống tường tận hơn, nội soi gan ruột của mình trầm sâu hơn, không quên xoi mói các ngõ ngách của nội giới và ngoại giới. Và mùa màng thu hoạch từ những cuộc du thám này là Thơ Hậu hiện đại hay còn gọi là Thơ Tân hình thức hay là Thơ Fractal.
Mỗi loại hình thơ xuất hiện và biến mất giống như những triều đại, kế tục nhau phế truất và lên ngôi. Và mỗi phen thay trật đổi ngôi không khỏi gây ra ít nhiều hoài cổ đối với cái cũ và, mặt khác, sự bỡ ngỡ và hồ nghi đối với cái mới.
Ta thử nhìn ngoái lại một vài phong trào văn học nghệ thuật trên thế giới trong quá khứ để có thêm một số kinh nghiệm. Đầu thế kỷ 20, có phong trào thơ “ghép chữ” (lettrisme) chủ trương ghép chữ này với chữ kia không cần ý nghĩa miễn tạo được âm thanh dễ nghe. Đây là một chủ trương kiêu bạc, phù phiếm tột độ và phong trào này tự hủy diệt ngay trong trứng nước. Tiếp theo là phong trào “đa đa” (dadaisme) cách tân một cách triệt để bất chấp ý nghĩa. Phong trào này cũng yểu mệnh và phải nhường chổ cho “siêu thực” (surréalisme), là phong trào tồn tại lâu dài cho đến ngày hôm nay. Cùng một thời với siêu thực là phong trào “lập thể” (cubisme) trong nghệ thuật tạo hình. Lập thể, trong buổi đầu, ra đời vất vả, đụng đầu vào sự chống đối, dè bĩu, la ó của quần chúng. Phải cần đến một thời gian dài, và nhờ vào bản lĩnh và tài nghệ của những người trưởng tràng, phong trào mới được vượt qua nổi sống gió dư luận để rồi, cho đến hôm nay, không những tồn tại mà thôi, nó còn lên đến đỉnh cao của thị trường nghệ thuật. Về phía văn xuôi, trong những năm 50, phong trào Tiểu thuyết mới bừng phát và bắt gặp phía ủng hộ và phía phản đối cân bằng lực lượng. Nhìn lại những nguyên tắc và đặc tính của Tiểu thuyết mới, ta nhận thấy có khá nhiều điểm ở trường phái này tương đồng với Thơ Tân hình thức hôm nay. Tiểu thuyết mới, nói chung, không được hưởng ứng lắm, nhưng vẫn tồn tại lâu dài và, năm 1985, lên đến đỉnh vinh quang là giải thưởng văn chương Nobel được trao cho đại diện của trường phái này.
Thơ Tân hình thức của thế kỷ 21 có cái lý của nó để ra đời. Cũng giống như James Gleick nói rằng, trong thế kỷ 20 có ba cuộc cách mạng lớn về khoa học, đó là thuyết tương đối, lý thuyết cơ học lượng tử và lý thuyết hỗn mang, thì Thơ, tại Việt Nam, cũng trong thời gian ấy, trải qua ba giai đoạn: Thơ mới, Thơ Tự Do và Thơ Tân hình thức.
Thơ Tân hình thức ra đời trong tư thế là một tiếng nói mới, một cảm xúc mới trước cuộc sống hôm nay. Nó không truất phế Thơ Tự do và nó cũng không chờ đợi thơ nói chung rơi vào khủng hoảng. Nó vẫn chung sống hòa bình với những dòng thơ khác nhưng phải đối đầu với nhiều thách thức.
Dù sao mặc lòng, đứng trước cái mới, ta nên có một lời chào hỏi: “Thơ Tân hình thức, nào, bắt tay!”
II. Thơ Tân hình thức và những thách thức (Challenges)
Hiện tượng thơ FRACTAL (chữ này xuất phát từ chữ fracture là gãy vỡ, đứt gãy, và fraction là phân số, và có nghĩa là những hình kỹ hà gãy vỡ có thể chia ra nhiều phần, mỗi phần là bản sao thu nhỏ của toàn thể) khởi đầu từ hải ngoại. Sự kiện này không khiến người ta ngạc nhiên vì hải ngoại nằm vào vùng tâm chấn của các phong trào văn học nghệ thuật thế giới.
Hiện tượng đã được phổ biến qua những diễn đàn, triển lãm và ấn phẩm như:
– Triển lãm THẾ GIỚI FRACTAL do Đại sứ quán Pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 20 đến 30.10.1999.
– “Đại nguyện của Đá” (Đoàn Minh Hải), tập thơ Tân hình thức đầu tiên in ở trong nước, 2002, Tp HCM.
– “Yên đi” (Lưu Hy Lạc), tập thơ Tân hình thức đầu tiên in ở hải ngoại, 2002.
– “Xáo Chộn Chong Ngày”, tập thơ Bùi Chát, 2003.
Thơ Tân hình thức như thế nào? Có thể tóm tắt một số nguyên tắc như sau:
– Câu thơ vẫn là 5,7,8 chữ, như là một sự kết hợp truyền thống với hiện đại.
– Thay thế Tu từ bằng nhịp điệu tự nhiên của câu nói thông thường.
– Câu viết theo lối “vắt dòng” (enjambement) và dùng kỹ thuật “lặp lại” thay thế vần, đồng thời dùng “phản hồi” và “trùng lặp” như trong đời sống.
– Thơ có tính kể chuyện.
Đó là những nguyên tắc vừa là đặc điểm của thơ Tân hình thức. Nhưng, suy cho cùng, Thơ Tân hình thức cũng chẳng cần gì hết, ngoại trừ tâm hồn thơ, từ người viết cũng như người đọc.
Thơ Fractal cần có người đọc … Fractal! “Người Fractal” không phải là một loại người mới toanh, hay là một người cổ quái. Đó chỉ là một người sống với thời đại, thở hơi thở của thời đại. Chỉ cần như vậy là có thể hiểu và cảm thơ Fractal. Vả chăng, thơ Fractal vẫn hàm chứa một tỷ lệ … không Fractal. Tức là bên trong “phi tuyến tính” của thơ, ta vẫn bắt gặp “tuyến tính”. Cũng như trong dòng nước chảy, khi gặp trở lực và chướng ngại vật, thì chảy gập ghềnh, hỗn mang, nhưng khi qua khỏi những chặng ấy, lại chảy có trật tự thứ lớp. Hay là như dòng đời của con người cũng vậy thôi.
Lãnh vực của Fractal có thể nào là một lãnh vực hoàn toàn biệt lập, hoàn toàn đứt đoạn với quá khức chăng? Nếu ta quan niệm sự sống, hay là ngoại giới, là một dòng chảy bất tuyệt, không ngừng, dù có khi mấp mô, tắt nghẽn, nhưng sẽ là liên tu bất tận, thì Fractal cũng vậy, vẫn phải tích tụ trong lòng nó một phân số của quá khứ.
Thơ Fractal sẽ không hoàn toàn là thơ … Fractal.
Thơ Fractal sẽ phải chứa đựng một thứ thơ khác không phải là nó, nhưng mà toàn bộ lại là chính nó. Vả chăng, tuyến tính và phi tuyến tính không phải là những hệ bất di bất dịch đối với sự vật mà có thể hoán chuyển cho nhau.
Làm thơ Fractal, lúc đầu, đối với một số cây bút, như là làm bài tập vậy, làm bài thử, bài trắc nghiệm, làm thơ loại này xem thử mình làm có được không, chứ chưa hẳn làm vì một thôi thúc bên trong hay vì một cảm hứng nào chợt đến với mình.
Điều này hiện ra khá rõ ràng đối với trường hợp của Hoàng Xuân Sơn với bài “Bị thịt và Bờm”, trong Tạp chí Thơ, Xuân 2002, Californie, trang 26, hoặc như trường hợp Huỳnh Hữu Ủy thử làm thơ Tân hình thức theo lời đề nghị của Khế Iêm với bài “Thử bước theo con đường Tân hình thức”, trong Tạp chí Thơ, Số mùa thu 2003, Californie, trang 85). Thơ Fractal, trong những trường hợp như thế này, hiện thân là những món lạ, lạ chứ chưa hẳn là hấp dẫn, lôi cuốn, và có một số người muốn nếm thử. Tình hình như thế này liệu có kéo dài không, kéo dài đến bao lâu, và liệu sau đó có hóa thân thành đam mê, thành hơi thở hàng ngày không?
Thơ Fractal phải hứng chịu số phận là người ta đọc qua rồi quên hết. Trước đây, Thơ tự do lắm khi cũng chịu số phận như vậy. Có ai nhớ được thơ Fractal? Có ai thuộc nổi thơ Fractal?
Thơ Fractal có đi vào trường học được không? Có thể dùng để giáo dục con em? Hay là đây không phải là bận tâm của dòng thơ này? Nếu trường học đứng hẳn ra ngoài thì thơ Tân hình thức sẽ mất một khối lượng độc giả đồ sộ, vì học sinh là một khối lượng thanh thiếu niên kéo dài từ tuổi vỡ lòng, tuổi hiếu kỳ, tuổi khai tâm, tuổi tập tễnh cho đến tuổi trưởng thành. Đó là một dòng đời kéo dài mười lăm đến hai mươi năm.
Để thưởng thức thơ một cách nói chung, người đọc thường dung một trong ba cách: đọc thầm, đọc lớn giọng và ngâm nga. Đối với thơ Tân hình thức, đọc thầm là thuận lợi hơn cả. Khi đọc thầm không thành tiếng, con mắt là đắc dụng và nó đọc câu thơ vắt dòng còn nhanh hơn cả bút mực. Đến khi đọc lớn giọng, giọng đọc sẽ đọc liền câu hay là đọc ngắt. Lỗ tai nghe, trong trường hợp này, sẽ nắm bắt bài thơ thị hiện khác hẳn với mắt nhìn. Đó là chưa nói tới người ghi chép, nếu muốn ghi chép, sẽ rất lúng túng và sai sót với những vắt dòng. Cách đọc thứ ba, là ngâm nga, sẽ gặp nhiều khó khăn với thơ Tân hình thức. Và có lẽ tai nghĩ đến việc ngâm thơ như thế này.
Thơ Fractal chủ trương dùng câu, dùng lời, dùng chữ thông dụng, gần gũi với lời nói của người đi đường. Đây không phải là điều mới lạ. Thơ Mới hay Thơ Tự Do cũng đã đi qua con đường này. Nhưng Thơ Fractal không chịu dừng lại ở đó, mà còn đi xuyên qua bên kia ngôn ngữ giản dị đến độ xả láng, xã chuồng, xả trại cho chữ nghĩa chạy luông tuồng, chạy rông trên trang giấy, làm cho người đọc nhận ra đây là một tiếng thơ phơi ruột, một tiếng thơ phun trào ẩn ức (défoulement). Có những chữ thuộc về nhục dục, nhục thể, trước đây người ta không nói ra, hoặc cùng lắm là viết tắt, dùng dấu chấm lửng, nay được nói ra thẳng thoét, toàn chữ, đủ nét. Vẫn biết nhà thơ hoàn toàn tự do, tự do tuyệt đối, và có lẽ đã đến lúc không có ai ngăn cấm việc này, ngoại trừ cá nhân tự ngăn cấm mình, nếu không phải chính thơ ngăn cấm.
Có điều cần lưu ý, là: nếu một bài thơ hai mươi câu chỉ cần có hai câu phun trào như thế này là hai câu ấy tỏa lan ảnh hưởng đến mười tám câu thơ kia và người đọc có xu hướng ghi nhận hai câu này đậm đà hơn cả. Hình như chỉ có một số ít cây bút sáng tác theo chiều hướng này thôi, tuy nhiên đây là trường hợp số ít ảnh hưởng đến số nhiều. Vì sao vậy? Vì đây là một đặc điểm thực sự mới mẻ, nếu không muốn nói là nổi bật, được ghi nhận nhiều hơn cả, được dẫn chứng nhiều hơn cả.
III. Kết luận
Thơ Fractal tồn tại hay không tồn tại? Ta đã có câu trả lời cho câu hỏi đặt ra từ đầu. Nhưng tồn tại đối đầu với nhiều thách thức cần tháo gỡ dần dà. Và tồn tại đến bao lâu? Có lẽ chưa cần biết và không cần biết đến bao lâu. Nhưng vấn đề là trong khi tồn tại, vẫn nên hình dung, tưởng tượng ra thời điểm bế tắc của nó. Và cái bế tắc này sẽ không do một lực cản nào đến từ bên ngoài. Đẩy lùi bế tắc và đồng thời trao truyền sức sống hoàn toàn là do nội lực, và nội lực ở đây đồng nghĩa với tâm hồn thơ, cảm xúc thơ, mà chúng ta hy vọng các nhà thơ Fractal sẵn có và sẽ bồi tiếp không mỏi mệt.
Bửu Ý
Tháng 11.2013
Trích “Thơ Tân Hình Thức – Tiếp nhận và Sáng Tạo – Tạp chí Sông Hương