Luân Nguyễn

Thơ Tân hình thức (new formalism verse) là hiện tượng tuy không còn “hot”, nhưng vẫn tân kỳ. Bài này chỉ lẩy ra vài ý (gọi là) như một liên hệ ngang về tính tư tưởng của thơ tân hình thức.

  1. Tân hình thức Việt – Trường phái thơ đầu thế kỷ XXI

Thơ Tân hình thức (new fomalism) là một trường phái thơ khởi phát ở Mỹ thập niên 80 thế kỷ trước. Tiếp thu trường phái thơ Mỹ này, trường phái thơ tân hình thức Việt được thành lập bởi một nhóm nhà thơ Việt kiều với Tạp chí Thơ, thập niên đầu thế kỷ XXI. Theo Đặng Tiến (1), số báo phát hành thơ Tân hình thức đầu tiên là “số 18, xuân 2000”. Sau, những nhà thơ tân hình thức gồm cả những nhà thơ trong nước. Khế Iêm vừa là người thực hành thơ tích cực nhất, vừa là nhà lập ngôn cho Tân hình thức Việt cùng với hàng loạt ấn phẩm và sân chơi Thotanhinhthuc.org. Khế Iêm nêu ra mấy đặc trưng của thơ Tân hình thức: 1, Vắt dòng, 2, Lặp lại, 3, Tính truyện, 4, Ngôn ngữ đời thường (để đưa cuộc sống thông tục vào thơ). Nếu căn cứ vào 4 tiêu chí này, thơ tân hình thức đã xuất hiện trước khi có Tạp chí Thơ rất lâu. Ngôn ngữ dung tục và lối kể đã có trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyễn (thơ trung đại) (kê khoai, phì phạch, sướng, cọc, lỗ, đĩ, chợ búa, dưa muối,…); kỹ thuật vắt dòng trong Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ (Trời cao xanh ngắt ô kìa /Hai con hạc trắng bay về bồng lai), trong nhiều bài thơ Bích Khê (thơ Mới trước 1945). Nhưng đó, theo tôi, không phải là thơ tân hình thức. Lý do nằm ở nền tảng tư tưởng.

Nỗ lực đưa cuộc sống hàng ngày vào văn chương ở thơ Nôm trung đại rõ ràng là một tiến bộ lớn: chứng minh khả năng trở thành chất liệu nghệ thuật của ngôn ngữ dân tộc, góp phần thay đổi điểm nhìn của nhà thơ trước cuộc sống, qua đó, hình thành bộ phận văn học mới song hành với văn học quan phương: dùng chữ Hán, nặng về chuyển tải chữ nghĩa Thánh hiền. Văn học, có thể nói, trở nên dân chủ hơn. Tuy nhiên, điểm tựa tư tưởng không đổi nhiều: ý thức về địa vị ngoại biên của mình. Từ đây, nhà thơ dù thản thiên hay diễu cợt, cuối cùng cũng vẫn thừa nhận một trật tự đã định. Tư tưởng và thực hành thơ của Tân hình thức khác: ý thức mình như một trung tâm. Tôi gọi là trò chơi tư tưởng, xin trình bày cụ thể ở phần kế sau.

  1. Tân hình thứctrò chơi tư tưởng

2.1. “Bóng ma” của thơ cũ; sự hóa giải của tân hình thức

Thơ, trước tân hình thức có thể  gọi là thơ cũ. Thơ cũ là thơ của sự ước thúc. Ước thúc của ngữ pháp và tư duy, sâu hơn, của tư tưởng.

Ngữ pháp thơ đương nhiên không tuân thủ theo luật thường của ngôn ngữ giao tiếp và câu văn xuôi. Bản thân thơ là sự “viết sai” ngữ pháp. Tuy nhiên, đến trước khi có thơ tân hình thức, ngữ pháp vẫn rất được thi nhân chú trọng trong đặc trưng của thể loại. Từ thơ cổ điển đến thơ mới giai đoạn 1932 – 1945, thơ Miền Nam và thơ thời chiến ở Miền Bắc, nhà thơ bao giờ cũng quan tâm đến ngữ pháp. Ngữ pháp được xác lập bởi các thành phần câu và trật tự của chúng. Điều được coi là thơ nhất nằm ở hệ thống ngôn từ giàu chất thơ. Ước lệ, trừu tượng, tu từ trở hành xác quyết cho thơ. Thơ Tân hình thức không thỏa mãn với các quy chuẩn vốn có. Các nhà chủ trương và những nhà thực hành thơ xác lập dạng thức tồn tại mới cho thơ nhằm đưa thơ vượt lên quy ước ranh giới thể loại trong cách chia ba cổ điển: tự sự – trữ tình – kịch. Song, nhà thơ không viết thơ như thực hiện thú tiêu khiển thuần túy: “đằng sau mỗi bài thơ là lý luận thơ để từ đó đẩy thơ tới chỗ phi luận lý” (2) (Khế Iêm). Thơ Tân hình thức cũng là thơ tân – tư tưởng. Tân hình thức xuất phát bằng một điểm tựa khác, một góc nhìn hoàn toàn khác thơ cũ. Nó đặt lại vị trí của các quy chế thẩm mĩ – ngôn ngữ tưởng đã là tối ưu, là chân lý. Sáng tạo thơ tân hình thức có giá trị của hành động tìm một đời sống khác, đời sống của riêng nó, tránh nguy cơ hòa tan do “quán tính” thơ (quan điểm, sáng tác) từ quá khứ. Thơ là tiếng nói sinh động, mới mẻ, không lệ thuộc. Từ điểm nhìn của thời trung đại, người ta sẽ không thể hình dung được đến một khi người ta viết thơ không cần vần điệu, người ta thoải mái phơi bày nỗi khát thèm ái tình, người ta đòi chốn chạy, ca thán cuộc đời. Nhưng điều đó vẫn xảy ra, và được gọi là “cuộc cách mạng”. Cách mạng tức là tiến bộ (trái với phản động: chống lại sự vận động khách quan). Cuộc cách mạng ấy diễn ra đã gần trăm năm. Dĩ nhiên, tiến hóa tinh thần của người Việt không thể dừng lại ở điểm mốc hàng thế kỷ trước. Một/những “cuộc cách mạng” tinh thần (văn học) luôn có nhu cầu bùng nổ là điều tất yếu. Thơ tân hình thức, theo tôi, đang muốn trở thành cuộc cách mạng như thế. Đó cũng là tiến trình tất yếu của tinh thần mọi xã hội trên đà tới văn minh.

Lịch sử thơ Việt đã (sẽ) có diện mạo mới với thơ tân hình thức. Đầu tiên, thơ tân hình thức là điểm mút chưa hoàn kết của lịch sử thơ. Điều đó có nghĩa, lịch sử thơ đang làm một cuộc chơi bằng tân hình thức, sau khi đã làm những cuộc chơi tương tự với thơ Mới 1932 và thơ Miền Nam. Lịch sử thơ là lịch sử không dừng các cuộc chơi tân – hình thức (new fomalism) để qua đó, thực hiện cuộc chơi tân – tư tưởng (new thought). Tiếp nữa, lịch sử thơ (văn học nói chung) là lịch sử được nhìn tổng quát, công bằng và dân chủ. Tân hình thức có khả năng vạch ra rằng, không gì hài hước và phản động (theo nghĩa chân chính – nghĩa triết học) bằng việc chỉ xem lịch sử thơ chỉ là “sân chơi” của bộ phận đương nhiên chính thống.

Tân hình thức chưa hoàn toàn vô hiệu hóa ngữ pháp. Ngay cả ở những nhà thơ cách tân nhất, người ta vẫn phải dựa vào quan hệ ngữ pháp biến thể để luận ngữ nghĩa. Ở Khế Iêm và các nhà tân hình thức, giới hạn của ngữ pháp – câu bị phá rỡ, nhưng quan hệ trật tự từ vẫn có ý nghĩa quan trọng để lý giải thơ. Khế Iêm coi vắt dòng là lối diễn ngôn đặc trưng của tân hình thức. Nói rộng ra, vắt dòng cũng chỉ là một trong nhiều cách thức của diễn ngôn thơ tân hình thức, cùng với lối nói không vần, hạn chế chấm phẩy, …. Như thế, ngữ pháp tân hình thức là một thứ ngữ pháp của sự chơi, hay, nhà thơ tỏ rõ quyền lực ở trò chơi ngữ pháp. Nhà thơ giải thiêng ngữ pháp (cũ) quy chuẩn và uy quyền để xác lập một ngữ pháp khác không có quy tắc. Tổ chức câu thơ rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là bị vô hiệu hóa. Mỗi dòng thơ, qua thủ pháp vắt dòng (enjambement), mất toàn bộ tính tự trị, phải hòa vào bối cảnh. Trước, bối cảnh ngữ nghĩa của bài, sau, bối cảnh của sự đọc (reading). Ngôn ngữ tân hình thức đang thực hành quan niệm ngôn ngữ của Wolfgang Huemer: “Bằng việc tập trung vào nhu cầu khẩn thiết được nói ra những gì khó diễn đạt và tìm những cách thức mới để thể hiện điều đó, nhà thơ đã đưa ngôn ngữ đến những giới hạn của nó, thậm chí có khi còn vượt qua nó” (3).

Thơ tân hình thức là thơ của những sự vụ “tầm thường”. Lối kể miên man, có khi không logic, ít có trọng tâm, nội dung khá “lặt vặt”. Cái gì cũng có thể đem vào thơ, khái quát hơn, “thơ có ở mọi nơi” (Khế Iêm). Điều này có nghĩa gì? Lối tư duy biện biệt là “bóng ma” hãi hùng nhất của thơ cũ (tạm gọi thế). Biện biệt là cội nguồn của cái nhìn nhị phân: chính – phụ, chính thống – ngoại lề, sang quý – bình phàm,… Nó, bao giờ cũng kèm một kiểu theo thái độ, hành động văn hóa – xã hội – chính trị tương thích, trong đó, nhất định phải loại bỏ hay ít ra, gạt bỏ bộ phận được cho là kém giá trị văn hóa và thiếu tư cách xã hội cần có. Một thực tế rằng, như M. Foucault nói, “Mỗi một xã hội có cái chế độ về chân lí (regime of truth) của nó”. Chân lý không độc lập tuyệt đối và vĩnh cửu. Nên, mỗi thời đại – quyền lực tự chọn lấy chân lý, qua đó, có một diễn ngôn (discourse) của riêng nó. Diễn ngôn thi ca tân hình thức (discourse oj new formalism verse) là diễn ngôn, trước, vốn thuộc ngoại vi, nay, được đẩy vào trung tâm trong khát vọng trở thành diễn ngôn thời đại. Loại “ca dao tân thời” (Đặng Tiến) ấy, trước, là ngôn từ nơi xóm làng, vỉa hè, xó bếp, tóm lại, là ngôn từ hàng ngày (thứ diễn ngôn phù sinh – ephemeral discourse – trong quan điểm M. Foucal), đến nay, đòi trở thành quyền lực trong bối cảnh tinh thần xã hội đa trung tâm. Nó đòi hỏi chân lý mới, tức là bác bỏ thứ diễn ngôn đầy uy quyền đã được xác lập địa vị trung tâm. Khi không có điều gì là trung tâm, một trung tâm trở thành đa trung tâm, uy quyền tuyệt đối bị tước bỏ.

2.2. Tân hình thức, cuộc chơi của người đọc

Thơ dễ, thơ  quen sẽ không “kén” độc giả. Thơ khó, thơ khác thì ngược lại, có thể làm nản độc giả. Người đọc chỉ mới được “phát hiện” chưa đầy nửa thế kỷ, trong khi với người viết và văn bản là hàng ngàn năm. Nhưng với tân hình thức, người đọc nghiễm nhiên có chỗ đứng quan trọng của cuộc chơi. “Các trò chơi ngôn ngữ không có những quy tắc trong bản thân chúng, mà được cấu tạo nên từ sự thỏa thuận mặc nhiên hay minh nhiên giữa những người tham gia cuộc chơi”(4). Đứng trước thơ tân hình thức, người đọc bị phân hóa (ủng hộ – không ủng hộ). Những người quen với mĩ cảm cũ sẽ gặp khó khi đọc “thơ khác”. Những người đọc “bằng vai” thì ra sức cổ súy. Cả hai nhóm đều tạo nên đời sống cho thơ Tân hình thức, những vai trò quyết định thuộc về nhóm độc giả hiểu thơ. Sự xuất hiện và khả năng tồn tại của thơ Tân hình thức được quy định bởi chính người đọc với ý thức / kiến văn cá nhân độc lập: “bản sắc thơ không nhất thiết tùy thuộc vào ngôn ngữ mà tùy thuộc vào cách nhìn, cách xử thế ở nhiều môi trường và cảnh khác nhau” (5).

Người đọc Tân hình thức, có điểm chung nhất định với độc giả tri âm của thơ trung đại nói riêng, độc giả của thơ cũ nói chung: nằm trong hệ giá trị với người viết. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở ba điểm: 1, Độc giả tri âm không chỉ phải hiểu thơ mà qua thơ, còn phải tri tâm, tức hiểu người (viết). Độc giả tân hình thức chỉ cần hiểu thơ theo năng lực văn hóa của mình. 2, trước thơ cũ, độc giả có thể bằng lòng với quán tính thơ của mình, trước thơ Tân hình thức, độc giả phải “tự cách mạng” chính mình. 3, Độc giả tri âm hiểu thơ chỉ để chia sẻ tâm sự tác giả; độc giả tân hình thức thấy phải hành động cùng tác giả: hàng động tri thức và hành động văn hóa. Hành động ấy có giá trị cấp nghĩa cho thơ. Người đọc, theo đó, bị đòi hỏi một tinh thần cấp tiến để không lảng tránh hay định kiến với cái mới, cái khác, trước là trong khía cạnh sáng tạo thơ, sau, trong cuộc chơi ở đời.

Tham khảo
  1. Đặng Tiến, Tân hình thức, nhịp đập của thời đại, http://thotanhinhthuc.org/Thokhongvan/Introduction.html
  2. Khế Iêm, Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác, Nxb Văn học, Hà Nội, 2011, trang 140.
  3. John Gibson & Wolfgang Huemer, The Literary Wittgenstein, London & New York: Routledge, 2004, pp 6.
  4. Jean-Francois Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Phạm Xuân Nguyên dịch, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2007, trang 80 – 81.
  5. Khế Iêm, Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác, Nxb Văn học, Hà Nội, 2011, trang 138.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.