TÔI ĐỌC CHÙM THƠ TÂN HÌNH THỨC
_________________________________

PGS, TS: Nguyễn Thái Hòa

 
 

Là một độc giả ưa tìm cái mới trong thơ, tôi không thể bỏ qua “Chùm thơ Tân hình thức” trên báo Nghệ Thuật Mới. Trong một trang thơ có đến 8 nhà thơ với 8 bài được nhà phê bình Văn Giá và nhà thơ Khế Iêm – người chủ trương thơ Tân hình thức đã 15 năm nay – đích thân tuyển chọn thì còn phải nghi ngờ gì nữa.

Gọi là thơ Tân hình thức, nhưng có gì khác với thơ mới , thơ không vần, thơ tự do vẫn tràn lan trên các trang báo gần đây?

Xin thưa rằng: Có! Có cái mới mà không chỉ là hình thức mới.

Trước hết tôi thấy cả 8 bài, 8 tác giả đều giống nhau ở một số điểm chủ yếu.  Đó là cách ngắt dòng có thể khác nhau: 5 tiếng (chữ) như thơ Đài Sử; Nguyễn Thị Khánh Minh; 6 tiếng thơ Đức Phổ; 7 tiếng, thơ Huy Hùng; 8 tiếng thơ Khế Iêm, Trần Phục Khắc, Hồ Đăng Thanh Ngọc; tự do thơ Thiền Đăng … nhưng cả tám người nhất loạt phá tung ngữ pháp Tiếng Việt. Nói đúng hơn, khuôn khổ dòng thơ không tương đồng với mệnh đề ngữ pháp (đơn hay phức, chính hay phụ) như ta thường thấy trong thơ. Do đấy, phá vỡ luôn cả tiết tấu và nhịp điệu từ một câu văn nghiêm chỉnh, ý rất thẳng và mạch rất lộ để tạo ra thứ tiết tấu mới, rất mới:

Tôi kéo dài sự im lặng của
buổi sáng bằng cách uống thật chậm
ly cà phê và cố gắng không
cử động mạnh thế nhưng sự im
lặng của buổi sáng là cái gì v.v..

(Một ngày đại khái – Trần Khắc Phục)

Việc xáo trộn các thành phần cú pháp (phép đảo ngữ), việc ngắt dòng phi ngữ pháp (agrammatical) thiết tưởng không có gì mới, việc “đội mũ đỏ cho câu thơ”(V.Hugo), nhiều lắm cũng chỉ ở giới hạn ở những biện pháp tu từ hạn hữu. Nhưng với các nhà thơ chủ trương tân hình thức này thì thực sự là “băm vằm” một câu văn xuôi chuẩn mực. Bất chấp những cụm từ quen thuộc, những từ láy, từ ghép thông thường:

Tôi đã gặp những chiếc hũ
chìm lăn trên đường phố sài
gòn, những chiếc hũ chìm lăn
cùng với những chiếc xe dream…

(Hoạt cảnh – Đức Phổ)

Thế đấy! Không chỉ là câu bị chặt ra mà cả đến những cụm từ chứa đựng tiết tấu, lối nói thông thường (đi về/phía) mà cả những từ (hi/vọng; im /lặng; sài/gòn) cũng bị xé nhỏ.(Chú thích: dấu gạch chéo là dấu ngắt dòng thơ). Những điều họ có thể làm là nâng một vài câu văn xuôi lên thành văn bản mà văn bản không bị phá tung để tạo nhiều tứ thơ như một số bài thơ của một số nhà thơ ở hải ngoại. Khoảng năm 70 ở thế kỉ trước, Chàng Văn (Chế Lan Viên) cũng đã thử làm thơ từ một vài câu văn xuôi như thế, cốt để mình họa một vài quan niệm về thơ.

Có thể nói sự “công phá” không dừng lại ở câu, mệnh đề, cụm từ mà cả đến những từ quen dùng nhất. Đồng thời với sự “công phá ngữ pháp” là sự công phá tiết tấu (chỗ ngừng ngắn, ngừng vừa và ngừng dài) của lời nói thông thường, tạo nên cái nhạc điệu hài hòa trong câu thơ Việt.

Trong khi đó, thơ không vần, thơ tự do vẫn luôn giữ được những tiết tấu thông thường. Thử so sánh tiết tấu trong bài thơ “Gió” của Hoàng Vũ Thuật (cùng ở tạp chí này, tr.28):

Gió
độc quyền
đêm
độc quyền
ngày
phù thủy
thổi dịch đại ngàn
vuốt cao đồi núi
hùn hụt khe sâu …

Ngắt dòng như vậy, Hoàng Vũ Thuật đã tạo âm hưởng cho dòng thơ, tạo nhịp điệu cho thơ (Hoàng Vũ Thuật cũng có lúc ngắt dòng như các nhà thơ Tân hình thức nhưng với tỉ lệ thấp) nó cuốn hút ta, buộc ta phải theo một hướng như lá chờ bay theo chiều gió!

Thơ của các nhà thơ tân hình thức thì không thế. Nó như là một khối chữ, một mô hình ngôn từ, gợi ý cho độc giả đọc theo cách đọc của mình và tạo ra bài thơ của chính người đọc. Nó là một khối ru-bic bằng lời vuông vắn, tạo hình theo tay vặn của người chơi. Thơ cũng như một thứ nhịp nhảy hip – hop, ai muốn nhảy kiểu nào tùy theo ý thích của mình. Chẳng hạn, từ bài thơ 5 chữ, bài “Tĩnh vật” của Đài Sử:

Li rượu được đẩy qua
đẩy lại trên bàn bàn
tay cầm li rượu thay
đổi tốc độ di chuyển
ban đầu của li rượu
nhanh đến chóng mặt bàn
tay cầm li rượu tỉ
lệ thuận với tốc độ …

Nếu tôi thích nhịp thơ 4 chữ, thì tôi biến nó thành thơ của mình, tuy có méo mó:

Đẩy qua đẩy lại
Li rượu trên bàn
Li xoay chóng mặt
Theo đà bàn tay …

Hoặc biến nó thành nhịp thơ lục bát:

Đẩy qua đẩy lại trên bàn
Tay đưa li rượu bàn hoàn ngất ngây
Đẩy li nhanh đến thế này
Theo từng lời nói cơn say điên khùng …

Thế là tôi có thể tạo ra hai ba bài thơ, tuy cổ lỗ sĩ nhưng hợp với mình hơn. Vậy là các nhà thơ tân hình thức không buộc ta theo họ, mà họ gợi ý cho ta làm lại theo cách của ta. Thật là quảng đại, thật là dân chủ! Ý tưởng này không phải là không hề có! Từ xưa ta đã có cách Tập Kiều, dùng nhịp và lời của Truyện Kiều còn ý thì của ta. Có ai chê bai, bắt bẻ gì đâu!

Ước vọng lớn thật đấy, nhưng xin hãy dè chừng!

Có thể xem đây là một thí nghiệm cần phải có. Một khi đã có điêu khắc – lắp ráp mô-đun của nghệ sỹ Điềm Phùng Thị, đã có vũ đạo hip-hop, nhạc ráp, gups và nhiều thứ nữa thì thơ cũng không là ngoại lệ. Phải chăng nó báo hiệu nền móng của các hệ thi pháp mới, mĩ học mới của thời đại?

Với nghệ thuật của thời hiện đại, nói như một người nào đó: “Thích thì chơi, không thích thì thôi, ai bắt anh được”. Dù sao đây cũng là một cuộc tìm kiếm,  thử nghiệm. Và sự tìm kiếm lại có trong chính bản thân mình, chứ không ở nơi nào khác. Cả 8 bài thơ đều hướng vào trạng huống tâm lí không bình thường xuất hiện mỗi ngày (Một ngày đại khái – Khắc Phục; Trống rỗng – Nguyễn Tất Độ; Nghi ngờ – Hồ Đăng Thanh Ngọc; Tĩnh vật – Đài Sử ….) và họ đã thành thực phơi bày những cảm giác như có như không của một thế giới sâu kín. Dường như họ đi tìm cõi vô thức ở chính lòng mình để phát hiện mình và gợi ý cho người đọc tự phát hiện.

Nhưng nói lên điều sâu kín là một chuyện, còn gợi ý cho người khác phát hiện cái thế giới chìm sâu trong những lớp trầm tích ký ức lại là chuyện khác. Theo ý riêng của tôi, chỉ có bài “Con mèo đen” của Khế Iêm là có thể làm được điều đó:

Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng …

Cái biểu tượng con mèo đen gợi một bóng hình ma quỷ, khiến cho ma quỷ cũng phải sợ, như tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, một điềm xấu như người châu Âu hay Việt Nam thường tin đã ám ảnh nhà thơ. Nhưng, với Khế Iêm, con mèo đen gắn với xương sườn lại gợi một tứ thơ khác, có lẽ là Eva, cái xương sườn của Adam. Eva là “mèo đen” trong quá khứ tội lỗi của mình như kinh thánh của đạo Kitô. Cứ thế, độc giả có thể đi miên man trong kí ức chưa quên hoặc đã ngủ quên (tiềm thức) bây giờ thức dậy.

Và như vậy, tân hình thức lại phải có nội dung, nếu không thì chỉ là cái hộp ru-bic vuông chằn chặn không tìm ra khóa mở; hoặc ngược lại nó tung ra để thấy là … không có gì phải mở. Đó là cách đọc của tôi, còn người khác có thể có nhiều cách đọc khác.

Tuy nhiên, dù thành công hay thất bại, sự tìm kiếm thử nghiệm của tân hình thức cũng rất đáng trân trọng. Ở thời đại mà chỉ cần bấm một cái nốt nho nhỏ là lập tức hiện ra mọi thứ mình cần thì hãy bấm vào một vài nốt, thử xoay chiều cái khối rubic “tân hình thức” xem sao! Có thấy gì không, có được gì không? Nào hãy thử xem!

Đến đây tôi nhớ lại một chuyện ngắn đăng ở tạp chí Văn học Xô viết khoảng năm 60 thế kỉ trước. Chuyện rằng: có một nhà địa chất để cả cuộc đời đi ngang dọc khắp cả Liên bang Xô viết mà không tìm ra cái mỏ đồng nào cả, như ước nguyện. Thế rồi đến tuổi về hưu, một buổi chiều ngồi chơi trước của nhà bỗng phát hiện ra một mỏ đồng cực lớn. Không thể nói hết nỗi sung sướng của mình! Nhưng có được phút sung sướng ấy nhà địa chất phải trả giá bằng cả cuộc đời tìm kiếm.

Chắc những người chủ trương “Thơ tân hình thức” cũng muốn được như vậy!

Tháng 10/2012
N.T.H
 
 
Tranh bài: http://theformalist.org/ebooks/index12.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.