TUẦN THƠ 12: THƠ HỒ ĐĂNG THANH NGỌC 2

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia.

THƠ


Hồ Đăng Thanh Ngọc


GÁC CHÂN

mùa hạ gác chân lên mùa
xuân mưa nắng gác chân nhau
những linh hồn ốm đau gác
chân mệt mỏi hoa vẫn gác

chân lên lá nỗi nhớ này
gác chân lên nỗi nhớ kia
lời nói dối gác chân lên
lời nói thật cái mất dạy

gác chân lên tử tế cái
ác gác chân lên cái thiện
niềm ghét gác chân lên niềm
yêu tôi rổng không gác chân

lên ngày tháng gác chân lên
đêm gác chân lên mặt trời
gác chân lên … giọt cà phê
rơi trong cái gác chân quán

cà phê

* 

MỘT CUỘC HẸN

không biết trên con đường được
lát bằng những viên gạch đỏ
em có mang đôi giày tím
đến thăm / tôi nghe tiếng gõ

cửa ám hiệu bảy tiếng gõ
nhưng tôi đã mở cửa khi
chỉ nghe đến tiếng thứ sáu/
em mang đôi guốc trắng như

một con chim lạ miệng mỉm
cười và ánh mắt đau đáu/
tôi mời đôi guốc trắng vào
uống rượu/ mùi men có thể

chưa định nghĩa rõ tên nhưng
đó là mùi men/ ồ có
thể là đôi giày tím có
thể là đôi guốc trắng miễn

là chúng mang vị rêu của
con đường được lát bằng những
viên gạch đỏ/ nhưng này em
sao lại thay màu đôi guốc

đã từng kiểng chân dưới gốc
cây của một đêm nào đó
xa xôi/ tiếng gà gáy bảy
hồi trong tâm tưởng 

* 

MƯỢN

Hôm qua mượn của ai đôi mắt mà
không biết nên nhìn hình tròn lại nói
hình vuông/ hôm qua mượn bàn tay ai
mà không biết nên cầm trên tay lại
ngỡ chưa cầm/ hôm qua mượn cái miệng

ai mà không biết, nên nói có thành
không nói không thành có/ hôm qua mượn
từ ngữ của ai mà không biết nên
cú đánh trời giáng lại gọi đó là

một cái vuốt ve/ hôm qua mượn bài
thơ của ai mà không biết nên bài
thơ bay đi mất/Em bảo hôm nay
hắn sẽ trả lại tất cả rồi sẽ

cùng em làm đám cưới/ ô này em,
làm sao hắn đủ can đảm để trả
lại một khi tất cả những gì hắn
mượn đã như là máu thịt của hắn

rồi.

* 

NHƯ SƯƠNG

Người ta nói ánh mắt em như
sương tháng hai mờ ảo và
huyễn hoặc người ta nói nụ
cười em như sương mùa thu

đang mát lành trên lá sen
người ta nói bàn tay em
như sương đầu hè ẩm ướt
râm ran người ta nói tóc

em như sương ngày thứ ba
tóc em như sương khiến những
con chim cũng mất hút trong
mái tóc người ta nói đôi

chân em như sương chủ nhật
sương rơi điệu blue mơ hồ
từ năm giờ sáng người ta
nói tâm hồn em như sương

mặt sông bãng lãng và mơ
màng màu trắng như sương Oh
tôi đã đi trong màn sương
ấy lạc lối hơn một thế

kỷ đến bây giờ tôi vẫn
không sao tìm thấy lối ra
hay từ trong màn sương ấy
tôi đã tìm thấy lối mà

không thể thoát ra

 *

NHỮNG CON ỐC SÊN

Sau vài cốc rượu vỉa hè hắn bắt đầu
lè nhè nói và tôi nhận ra cảm xúc
của hắn dành cho mọi thứ ở đời gần
như đã hỏng rồi và tôi vì đang ngồi

uống với hắn vài cốc rượu vỉa hè nên
cũng có nguy cơ sẽ hỏng như vậy/ sau
vài cốc rượu vỉa hè hắn bắt đầu lè
nhè rằng trong quả tim hắn có một con

ốc sên nhầy nhụa đêm nào con ốc sên
cũng trườn ra khỏi quả tim chậm chạp nhưng
lì lợm bò đi cắn hết các mầm cây/
hắn lè nhè  “chính tao cũng ghét con ốc

sên làm vậy mỗi khi nhìn thấy con ốc
sên chậm chạp nhưng lì lợm bò đi đều
nhặt lấy con ốc sên nhét lại vào buồng
tim nhiều lần như vậy từng đêm như vậy

nhưng có những lần say quá tao ngủ quên
và con ốc sên nhầy nhụa trong đêm trườn
ra khỏi quả tim chậm chạp nhưng lì lợm
bò đi cắn nát cả khu vườn/ hắn hỏi

“mày có con ốc sên đó trong quả tim
không?”/ hôm qua tôi mơ thấy một bầy ốc
sên nhầy nhụa trườn ra khỏi buồng tim tôi/
cũng đã nhiều năm tôi không còn gặp hắn

nữa nhưng những con ốc sên nhầy nhụa thỉnh
thoảng lại lì lợm chậm chạp bò vào cắn
nát cả giấc mơ của tôi 

 *

NHỮNG NGƯỜI NHẶT HÀU

Những linh hồn ngồi thò đầu ra
trên lưng những người phụ nữ nhặt
hàu trong làm sương sớm, những linh
hồn choàng chiếc khăn màu trắng hôm

qua, những linh hồn đã nhảy nhót
mệt lữ trong lễ cúng xê phan
gọi hồn một người trở về sau
cái chết trên đỉnh đèo/ những linh

hồn ngồi thò đầu và tai, miệng
lảm nhảm trên lưng cùng đổ mồ
hôi đang trưa, những xô hàu đầy
dần và những đôi tay tứa máu/

những người phụ nữ nhặt hàu như
nhặt số phận/ từ nhỏ đến lớn,
những người nhặt hàu cúi mặt trên
đầm lầy, rồi chết già sau những

ngày cúi mặt trên đầm lầy/ những
linh hồn ngồi thò đầu ra trên
lưng những người nhặt hàu, cho đến
ngày những người nhặt hàu biến mất.

*

NÓI VỚI THỜI GIAN

Này sao mày lại chịu bị nhốt trong cái
hủ vậy trong khi mày đâu phải là vị
thần của Aladanh? Sao mày bị vây trong óc
não bảo thủ vậy? mày có thể như con

kiến chui qua cái hủ ra ngoài và thản
nhiên đi chơi giữa các vì sao/ mày có
thể như một quả táo rụng hay một cốc
nước một niềm tin của ai đó/ mày có

thể là một gã khổng lồ khùng điên/ mày
hãy chui ra khỏi cái hủ kia và đi
uống với ta một cuộc rượu cách đây 30
năm dưới trăng mười sáu từ đầu hôm đến

sáng với những thằng bạn lêu bêu/ mày đừng
đóng khung trong bức ảnh từ thứ hai đến
chủ nhật một ngày 24h 1h 60 phút
1 phút 60 giây/ mày hãy đi ra ngoài

vào giờ thứ 25 ôm một cô gái nào
đó vào ngày thứ 366 và lên giường với
cô ta hôm đó có thể là ngày 367/
và ngày thứ tám của tuần lễ có thể

là ngày mang tên một loài hoa/ nói vậy
thôi chính tao cũng không thoát ra khỏi mi
ta chỉ là một cọng cỏ dưới mặt trời
mùa đông điên khùng thắp nến lên khi vẫn

còn ánh ngày

*

ÔNG LÃO VÀ BÀ LÃO

Trong căn nhà miền quê ông lão ngồi
chẻ lạt và bà lão ngồi bóc lạc
như bóc tháng bóc ngày còn ngoài kia
mưa rơi rơi và có con chó nhà

ai đi lạc vào trú mưa bên hiên
nhà ông lão cầm rựa chẻ lạt như
đã chẻ 60 năm qua ông đã cầm
rựa ngồi chẻ lạt như thế bà lão

ngồi bóc lạc như bóc tháng bóc ngày
như đã 60 năm qua bà ngồi bóc
lạc như thế những đứa trẻ trong ngôi
nhà miền quê lớn lên giữa những kỳ

chẻ lạt và bóc lạc của ông bà
chúng lớn lên giữa các mùa lúa mùa
lạc rồi chúng bỏ quê đi kiếm ăn
làm giàu nơi thành phố xa xôi những

lần chúng về thăm chúng nói bây giờ
không ai dùng lạt tre người ta dùng
dây thép dây ni lông không ai ngồi
bóc lạc như bóc tháng bóc ngày người

ta đã dùng máy móc hết rồi chúng
nói rồi chúng dúi cho ông bà một
nắm tiền rồi đi ông lão bà lão
lại ngồi với nhau trong bóng chiều nhập

nhoạng trong căn nhà miền quê và ông
lão ngồi chẻ lạt bà lão ngồi bóc
lạc như hàng bao năm qua ông đã
quên nói là ông yêu bà vì ông

không biết rằng ông đã yêu bà ông
không biết việc chẻ lạt như thế là
tốt hay không và bà cũng không quan
tâm ông lão bà lão đã quen như

thế 60 năm qua chiều nay còn có
con chó nhà ai đi lạc vào trú
mưa bên hiên nhà 

*

RONG ĐUÔI CHỒN

sự thật hãy nói cho ta nghe
con người có bị đóng đinh trên
cây thập ác hay đó chỉ là
những tiếng đạn bom/ sự thật hãy

nói cho ta nghe đó có phải
là sự phân chia quyền lực của
những con mắt kên kên muốn hành
tinh này chỉ là chiếc bánh sinh

nhật của ai đó/ sự thật hãy
nói cho ta nghe đừng đem mưa
dội lên đá và hy vọng đá
sẽ mòn như rỉ sắt đã làm

mòn lòng tin bởi từ lâu chúng
ta đã nghi ngờ/ sự thật hãy
nói cho ta nghe bởi nhiều khi
chúng ta chỉ muốn tin vào cọng

rong đuôi chồn vừa vớt lên từ
đáy sông rằng có một con
chồn sau khi bắt trộm đàn gà
đã chui xuống hóa thành bầy rong

dưới đáy sông/ sự thật hãy nói
cho ta nghe

 *

TIẾNG HÁT

tiếng hát được cất lên từ đáy
buổi chiều đáy bốn gọng vó giăng
ngang mặt sông đã không còn mảnh
lưới chỉ bốn gọng vó chiều làm

chiếc cung bắn tiếng hát bay lên
và bóng con hoàng hạc chở tiếng
hát bay về hút mặt trời lặn/
họ cùng cất tiếng hát từ mặt

sông trong buổi chiều như muốn giữ
lại chiếc thuyền có mái vòm trên
sông Hương ngày xưa giữ lại rặng
cây bên sông cũ đang che những

lâu đài rêu xanh/ họ cất tiếng
hát mà tiếng hát của họ như
đã neo trên cành hoa bắp lay
thôn Vĩ Dạ trong khi cành hoa

bắp lay đang cố chống chọi sức
nặng của một con chim phiêu đến
trú ngụ rồi không bay đi nữa/
tiếng hát được cất lên từ đáy

buổi chiều đáy bốn gọng vó giăng
ngang mặt sông như tiếc nuối xa
xôi mơ hồ về một nỗi buồn
đã cũ chưa được đưa vào từ

điển nỗi buồn đang soi bóng mình
trên sông


Tranh bài: Wonderful watercolor landscape paintings by Anna Armona

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO

NGUYỄN ĐỨC TÙNG Sinh tại Quảng trị, lớn lên đi...

THƠ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN

Nguyễn Lương Ba   Nhà xuất bản Thư Ấn Quán, tọa...

THƠ VÀ HÒA GIẢI: TÂN HÌNH THỨC

William Noseworthy vừa là nghiên cứu sinh của Trường Đại Học Wisconsin-Madison vừa là nghiên cứu viên cao cấp cho Trung Tâm Khmer Học ở Phnom Penh, Cambodia. Sau khi nhận bằng thạc sĩ (2011), anh đã được một nhánh nghiên cứu về “Văn chương của Cộng đồng Hải Ngoại.” Những bài nghiên cứu của anh xuất hiện trên: ASEAS, the Middle Ground Journal và The IIAS Newsletter. Anh cũng viết bài điểm sách cho Studies on Asia và Cha: An Asian Literary Journal. Hiên này anh đang nghiên cứu về “các ghi nhớ về khu vực biên giới” ở Cambodia và Việt Nam.

TUẦN THƠ 24: CHÙM THƠ NHƯ QUỲNH DE PRELLE

THƠ NHƯ QUỲNH DE PRELLE - TÂN HÌNH THỨC VÀ OBAMA Cá và Obama chả có gì liên quan chả có gì chẳng qua màn diễn cùng diễn ra một lúc chưa ai biết cá chết tại sao thì Obama đến đem lại niềm vui hy vọng trong bảy mươi hai giờ rồi tắt ngóm chưa biết cái chết của cá và biển khơi đầy chất độc thì chúng ta vẫn phải tiếp tục sống sống bằng cách mỗi người tự chọn một con đường một tương lai chứ không phải
00:11:48

VIRUS VŨ HÁN VÀ BI KỊCH KHỔ ĐAU

  Virus Vũ Hán Và Bi Kịch Khổ Đau March 25,...

Related Articles

THƠ HÀO SẢNG: MỘT CÂU TRUYỆN

THƠ HÀO SẢNG: MỘT CÂU TRUYỆN By Frederick Feirstein Thơ Hào sảng/ Expansive Poetry là một phong trào văn học khởi đầu vào cuối thập niên...

CHỦ NGHĨA KINH ĐIỂN MỚI VÀ VĂN HÓA

Frederick Turner Lời dẫn: Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) là từ dùng để chỉ trào lưu tư tưởng và nghệ thuật chủ lưu ở phương...

THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT: KỂ SAO HẾT ĐƯỢC…

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.