Biển Bắc

bien bacTác giả Biển Bắc  
  1. Tiếp Nhận Thơ Tân Hình Thức Việt

Nói đến tiếp nhận, chúng ta phải nói ngay đến truyền đạt. Bởi vì sự tiếp nhận và mực độ tiếp nhận bị ảnh hưởng một phần rất lớn ở thái độ truyền đạt và sự truyền đạt. Sự truyền đạt ở đây là nội dung và thái độ truyền đạt là vai trò của (kẻ) truyền đạt.

Hai câu hỏi cần được đặt ra là:

  • Thái độ/vai trò của Thơ Tân Hình Thức Việt ra sao?
  • Nội Dung Thơ Tân Hình Thức Việt muốn truyền đạt là điều gì?
  • Thái độ/vai trò của Thơ Tân Hình Thức Việt
  • Mặc dầu trước kia  Vladímir Propp[1] đã chỉ ra nhiều những vai-trò/nhân-vật trong một câu chuyện (thần tiên)[1a] và sau này George P. Lakoff[2] đề xuất nhiều những ẩn dụ [2a](đọc: vai trò) vẫn luôn được áp dụng bởi chúng ta trong những (câu chuyện) cuộc sống thường nhật, chỉ quy lại có ba vai trò chính yếu luôn nổi bật:
  • Nạn nhân;
  • Kẻ ác;
  • Người cứu cánh.

Từ  khi Thơ Tân Hình Thức Việt phát khởi do Tạp Chí Thơ, California ở Mỹ, chủ yếu từ số 18, xuân 2000 “chuyển đổi thế kỷ”[3] cho đến nay đã ngót 13 năm, nhưng sự tiếp nhận của những người sáng tác, độc giả của những tác phẩm cùng giới phê bình vẫn chỉ hời hợt. Hơn thế, thoạt kỳ xuất hiện, TTHT Việt gặp phần-số-không-ủng-hộ phản hồi gay gắt lần lượt đến chống đối, chê bai và dè bỉu khước từ. Phía bên kia là phần-số-ủng-hộ TTHT Việt năng-nỗ cổ súy, bênh vực hoặc chứng minh qua nhiều luận điệu.

  • Nạn Nhân

Thơ Tân Hình Thức Việt ở bên phần-số-ủng-hộ đổ lỗi cho bên phần-số-không-ủng-hộ rằng: “họ không hiểu, họ không chịu hiểu” “họ không chịu chấp nhận cái mới” “Thơ Tân Hình Thức không được tiếp nhận một cách trân trọng xứng đáng”, “họ không chịu lắng nghe”, vân vân. Điều này có nghĩa là TTHT Việt quẳng trách nhiệm của những cảm xúc tiêu cực về phía phần-số-không-ủng-hộ. Với một thái độ như vậy, TTHT Việt bước vào vai trò của một  nạn nhân. Bản chất của vai trò nạn nhân là người ta không tự quyết cùng chịu trách nhiệm cho sự hiện hữu của mình, mà để cho mình bị/được định hướng bởi cách phản ứng của những người khác, của ngoại cảnh.

Thơ Tân Hình Thức Việt cần ngưng xuôi theo sự bất lực trước dị-ứng của những bất-đồng-ý-kiến cùng ngoại cảnh; lớn vượt trên cái bóng vai trò nạn nhân. Cần có những chủ động tổ chức hội nghị, thảo luận chuyên đề có tính cách văn-/khoa-học, xây dưng trên căn bản chấp nhận và tôn trọng mọi ý kiến từ mọi hướng và văn-bản-/tài-liệu-hóa kết quả của những sự kiện này. Cần có những lý luận giàu tính cách ứng dụng để tiếp nối và cập nhật thêm cho những tiểu luận về TTHT Việt[4] trước đây của Khế Iêm[4a] để mở rộng tầm thuyết phục.

  • Kẻ Ác

Tấn công là phòng thủ tốt nhất! Lấy châm ngôn này để phản hồi những dị-ứng gay gắt, bên phần-số-ủng-hộ chê bai bên phần-số-không-ủng-hộ rằng: “họ lỗi thời”, “họ cứng nhắc”, “họ kém, chẳng hiểu gì”, “họ sợ cái mới”, vân vân. Với những luận điệu như vậy, bên phần-số-ủng-hộ muốn ném bùn qua bên phần-số-không-ủng-hộ và  Thơ Tân Hình Thức Việt rơi vào vai trò của một kẻ ác/người xấu. Bản chất của một kẻ ác/người xấu là dùng tấn công để vùi dập, tiêu diệt những chướng ngại để đạt mục đích bằng cách này hoặc cách khác, công khai hay tinh vi.

Thơ Tân Hình Thức Việt không nên tấn công hoặc phản công qua mọi hình thức trên mọi diễn đàn thông tin; bước ra ngoài vai trò người xấu. Phía bên TTHT Việt cần trân trọng giá trị của những bước đi, thành tựu của những phong trào đã qua hoặc đang hiện hành. Từ đó rút ra những điều học hỏi, thông cảm cùng hiểu để định hướng bước đi của riêng mình. Nên tham gia những nghị-/thảo-luận chuyên đề khác được chủ động bởi những phong trào khác và tích cực hỗ trợ cho nhau ở mặt xây dựng.

  • Người Cứu Cánh

Do niềm phấn khích trước Thơ Tân Hình Thức (Việt), phần-số-ủng-hộ cổ súy thể thơ này rất nhiệt tình đôi khi có thể đến độ cực đoan (?). Giá trị của thể thơ này được tán dương như một giá trị thay thế vượt trội trên giá trị của những thể thơ khác: “thơ kia chỉ là cảm xúc nhất thời”, “bài thơ nào cũng na ná giống nhau, chẳng có gì mới”, “thơ mơ hồ” “mấy thơ kia là trò chơi chữ nghĩa”, “thơ gì mà cứ loay hoay trong vũng lầy cảm xúc” vân vân . Bằng cách truyền đạt này, Thơ Tân Hình Thức Việt được phần-số-ủng-hộ định vị như là một người cứu cánh cho nạn-nhân-nền-thơ-Việt đang bị vây-/hãm-hại bởi những kẻ-ác-thể-thơ-khác. Bản chất của một người cứu cánh là nhân danh một sứ mạng cao cả và muốn được tuyên dương hành-tích của mình. Nguy cơ sẽ đi vào trạng thái tự tôn vinh mà Cao-Xuân-Hạo[5] gọi là hội chứng vĩ-cuồng[5a].

Thơ Tân Hình Thức Việt nên giảm bớt mức độ hoành-tráng-hóa trong quá trình truyền đạt; cân tầm vai trò người cứu cánh. Cần vận động giới phê bình phân tách cùng phản ánh nghiêm túc và công bằng thể TTHT Việt, giúp độc giả có cái nhìn chính trực hơn khi tiếp cận. Cũng từ những phản ánh khách quan mang tính cách khoa học, TTHT Việt nhìn nhận rõ hơn giá trị đóng góp của nó.

  • Vai Trò Nào Cho TTHT Việt?

Cho dù ở một trong ba vai trò nào trong câu chuyện, như trình bầy ở phần trên, hay hoặc cả ba vai trò cùng một lúc, điều mà không thể phủ nhận là: sự tiếp nhận và  mức độ tiếp nhận của những người sáng tác, độc giả của những tác phẩm cùng giới phê bình trong suốt 13 năm nay đã phản ánh được mức độ thành công truyền đạt của Thơ Tân Hình Thức Việt.

Ngoài ba vai trò chính yếu trong một câu chuyện, có một vai trò rất cần thiết trong công cuộc truyền đạt: vai trò của một người kể chuyện. Qua trung gian người kể chuyện, câu chuyện được phóng lên trên tâm trí/-thức của độc giả. Nguy cơ đang rập rình ở đầu ngõ là người kể chuyện vô tình hay cố ý soi rọi câu chuyện qua lăng kính của một trong ba vai trò kia. Sự thử thách hấp dẫn là vai trò của người kể chuyện phải chỉ là trung gian, như trong khoa hóa học là một chất xúc tác, mà không bị tiêu tốn đi trong quá trình truyền đạt. Câu chuyện phải là câu chuyện như nó là, mỗi câu chuyện là một toàn cảnh nhỏ trong toàn cảnh lớn, là cuộc sống.

Thơ Tân Hình Thức Việt được khai sinh bằng bài thơ “Tân Hình Thức Và Câu Chuyện Kể[6] rồi qua một thời gian lại được tiếp sinh với bài tiểu luận “Câu Chuyên Không Vần Kể Lại[7] của nhà thơ Khế Iêm cùng nguyên một tập “Thơ Kể[8] của nhiều tác giả. Ở giữa giai đoạn đó và sau này, cho tới nay đã có rất nhiều những câu chuyện khác qua thể TTHT Việt đã được kể trên nhiều diễn đàn truyền thông. Chúng tôi không liệt kê ra ở đây vì có lẽ các vị khác đã làm công việc này. Đáng chú ý là một trong bốn đặc điểm của TTHT Việt là tính truyện/chuyện và ba điểm kia là lập lại, vắt dòng và ngôn ngữ đời thường. Vậy, ở một góc độ nào đó, Thơ Tân Hình Thức Việt cũng có thể cho là một thể thơ kể truyện/chuyện. Thế nên, vai trò người kể chuyện mới là vai trò phù hợp của Thơ Tân Hình Thức Việt. Từ lý luận đến sáng tác và phê bình nên luôn ở trong thái độ chất xúc tác của vai trò người kể chuyện/truyện.

  • Nội Dung Thơ Tân Hình Thức Việt

Đã có rất nhiều tài liệu văn học phổ quát về nội dung của thơ rồi, chúng tôi xin phóc ngay tới khuôn viên nội dung Thơ Tân Hình Thức Việt.

Nhìn lại suốt một chặng đường 13/14 năm của TTHT Việt, từ thuyết-/luận-lý đến những bài thơ, chúng ta thấy rằng nội dung vẫn chưa được phong phú đa dạng, đặc biệt là những bài thơ. Nội dung của thuyết-/luận-lý thì vẫn còn trong quá trình tìm tòi, mở rộng và định hướng. Cứ lần theo dấu vết những bổ sung của các bài luận, chúng ta sẽ thấy điều này. Còn nội dung của các bài thơ TTHT Việt thì cứ hoài rời rạc trên bãi cát thử nghiệm, vật lộn với bốn móng kỹ thuật của thể thơ này. Có lẽ những người sác tác tập trung quá thái từng yếu tố một trong bốn yếu tố kia, nên chưa chú tâm đến mặt làm phong phú đề tài của những bài thơ. Đó là chưa nói đến hiệu quả của việc chỉ chú tâm đến phương diện kỹ thuật đem đến sự loay hoay nhàm chán của những bài thơ.

Có lẽ, vì hiểu/diễn giải yếu tố “ngôn ngữ đời thường” theo khuynh hướng “thường dân” “dân dã” nên phần nhiều nội dung của những bài TTHT Việt tới nay vẫn đậm chất những đề tài xoay quanh cuộc sống của “tầng lớp” lao-động/-công hay vỉa hè của xã hội. Thậm chí có một số bài thơ lạm dụng từ ngữ dung tục (để gây sốc tạo sự chú ý chăng?) quá mức khiến nhiều người đọc ái ngại, bức xúc. Ngoài ra còn một số bài thơ của các tác giả sống ở ngoài nước Việt Nam, với những đề tài của những cuộc sống xa lạ với độc giả trong nước nên không bắt được điểm đồng cảm để thu hút. Nhà phê bình văn học Đặng Tiến[9] đã từng đặt câu hỏi: “đời thường, ai biết là đời nào đây?[9a]. Hẳn nhiên cuộc sống có muôn đời sống và có muôn mặt, ngôn ngữ đời thường của nhân vật này chưa hẳn là đời thường đối với kẻ kia. Câu nói rất đời thường của cặp nam nữ bụi đời đi dạt: “ Đủ má, tao thương mày ghê mày!”, với họ là đầy ắp chân tình, là gần gũi, là cả một sự đùm bọc êm ái, nhưng có lẽ sẽ chướng tai cau mày đối với các vị trí-thức quen nghe, quen đọc những câu như: “ta yêu nhau như núi cao biển rộng!“. Hay khẩu hiệu tiếp thị xúc-tích của công ty điện thoại: “Nhẹ nhàng lướt êm,[10] lại rất nặng nề, khô khan hơn là câu rao chân-chất trong xóm :”ai dừa tươi hôn?[11].

Như vậy, ngôn ngữ đời thường trong TTHT (Việt) phải chăng là ngôn ngữ của mọi tầng lớp xã hội, mọi giới tính, mọi tín ngưỡng, mọi ngành nghề và mọi hoàn cảnh? Và nội dung của những bài thơ TTHT (Việt) phải chăng dung chứa cả thảy mọi khác biệt của toàn cảnh đời thường và từ đó sẽ phong phú đa dạng? Kết hợp sự lặp lại những thể thơ truyền thống với nội dung phong phú đa dạng của cuộc sống, TTHT (Việt) sẽ đem lại nhiều loại rượu mới trong những chiếc bình cũ và sẽ đưa độc giả đến những vị-bất ngờ thú vị?

  1. Cảm Thức Thơ Tân Hình Thức Việt

 Có một số ý kiến cho rằng TTHT, đặc biệt TTHT Việt không có hoặc thiếu ở mặt cảm thức mà chỉ nghịch ngợm trên mặt nổi kỹ thuật được xử dụng lại của những thể thơ khác. Đôi khi không có cảm thức chính là cái cảm thức. Nhưng thật ra, Thơ Tân Hình Thức Việt có cảm thức hẳn hòi, được lồng trong ba tiêu chuẩn kỹ thuật: lập lại, tính truyện/chuyện và ngôn ngữ đời thường .

  • Lập lại

Trên phương diện kỹ thuật là lập lại những từ ngữ hay ngữ-âm để tạo nhịp điệu cho bài thơ trong sự chuyển động của ý tưởng và hình ảnh. Ở góc độ cảm thức, lập lại mang ý nghĩa tái-chế/-sử-dụng (recycle); sử dụng lại những thể thơ truyền thống Việt, 5,7,8 hay lục bát, vân vân. Ở thời đại toàn-cầu hiện này, hơn bao giờ hết, con người đã có ý thức cao về tệ nạn ô nhiễm môi trường đang gia tăng trầm trọng. Các ngành công nghệ hay ở những lãnh vực khác đều áp dụng kỹ thuật tái-chế/-xử-dụng để hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí năng-nguồn, điều mà đem đến sự ô nhiêm môi sinh.

  • Tính truyện/chuyện

Ở mặt kỹ thuật là tạo nội dung; quỹ-đạo-hóa những cảm xúc rời rạc nhất thời vào một dòng chảy câu chuyện/truyện. Phần cảm thức chính là sự nối kết. Ở tầm vi mô là nối kết giữa tạp niệm của cá nhân, ở trung cấp là nối kết giữa tác giả với tác giả và giữa độc giả và tác giả, còn mức vĩ mô là nối kết các nền văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc. Mỗi đời sống của mỗi cuộc sống đều có câu chuyện của nó. Sự phân mảnh tơi bời của đời sống trong kỷ nguyên nano này, cho dù ở cấp độ nào, rất cần cái nối kết để cân bằng.

  • Ngôn ngữ đời thường

Phần kỹ thuật là dùng ngôn ngữ đời (sống) thường (ngày) để đi thẳng đến người đọc, mà không cần tu-từ để gây chú ý. Mặt cảm thức của yếu tố kỹ thuật này là đem đời sống thường nhật vào thơ và trả thơ về với đời sống. Sống ở đây là thực tế, là thực dụng và hòa nhập vào nhịp chuyển của trái đất đang vẫn xoay đều. Nói một cách khác, cảm thức TTHT Việt là phản ánh lại cuộc sống đang diễn ra như nó là. Phản ánh tuy nhiên không là phản kháng, mà chỉ là bức gương để người soi trong đó tự quyết định rút tỉa ra những gì mình muốn.

“Mục đích của nghệ thuật không phải là hiển thị mặt ngoài của sự vật, mà là bề trong ….đó là cái thực tế đích thực.”[I]

Aristoteles (384 T.C. – 322 T.C.)

Một niềm tin được chia sẻ bởi tất cả mọi người bắt nguồn từ thực tế.”[II]

Aristoteles (384 T.C. – 322 T.C.)

  1. Hậu Hiện Đại Và Tân Hình Thức

Các phong cách nghệ thuật lần lượt phủ sóng lên nhau: lãng mạn nhường chỗ cho chủ nghĩa hiện đại, tiếp là hiện sinh, và rồi hậu hiện đại lại phủ lên. Vấn đề của hậu hiện đại là bất kể điều gì về mặt lý thuyết hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào đến sau khi chủ nghĩa hiện đại hiển nhiên là hậu hiện đại.

  • Kiến Trúc Hậu Hiện Đại; Kiến Trúc Tân Hình Thức

Khởi đi từ thập niên 60, chủ nghĩa hậu hiện đại là phong trào chi phối các lãnh vực kiến trúc, văn học, thi ca và nghệ thuật nói chung . Vào đầu năm 1964, một số nhà phê bình nghệ thuật, cũng như Philip Johnson[12], sử dụng thuật ngữ “hậu hiện đại” để mô tả thiết kế của Dumbarton Oaks Pre-Columbian Pavilion.

Kỷ nguyên hậu hiện đại được khởi phong từ bộ môn kiến trúc và gắn liền với bộ môn nghệ thuật này  kéo dài cho đến ngày nay. Kiến trúc hậu hiện đại (Post Modern Architecture) được xem là phong cách Tân Chiết Trung (neo-eclectic)[13] thay thế cho phong trào Chiết Trung của chủ thuyết Hiện Đại (Modern), chủ yếu là thể hiện công cuộc hồi sinh các phong cách của từng thời đại cho nhà cửa. Chủ nghĩa hậu hiện đại xây móng trên một số phản ứng: từ chối của tư tưởng hiện đại, quay trở lại với truyền thống, các tiền lệ lịch sử, sự quan tâm lịch sử và di sản được tái-thức và tiếp tục xu hướng của chủ phong trào Tân Hình Thức (New Formalism) đã xuất hiện trong những năm 1950. Hậu hiện đại rất ăn khớp với cả hai phong trào bảo tồn lịch sử và phong trào tân đô thị hóa. Từ đó cụm từ Kiến Trúc Tân Hình Thức xuất hiện. Kiến Trúc Tân Hình Thức đấu tranh cho những ngôn từ thiết kế cổ điển như: độ sáng, cân bằng, đối xứng và sự lặp lại của một số hình thức cổ điển như: khung cong, cột, và mái vòm, cùng với sự chú ý đến từng chi tiết và những phần thiết kế kỹ lưỡng. Phong trào này luôn trở lại tham khảo lịch sử kiến trúc và thường xuyên sử dụng trích dẫn hoặc nguồn lịch sử một cách dzí dzỏm và nhiều khi rất hài hước. Những  kiến ​​trúc sư hậu hiện đại, hay nói cách khác là những kiến trúc sư tân hình thức thường xuyên chú tâm tới cách thiết lập và môi trường xung quanh của các tòa nhà của họ thiết kế. Sự chú tâm này phát xuất từ cái mong ước là những kiến trúc của họ hài hòa với môi trường của chúng. Họ không nhất thiết phải cố gắng tái tạo phong cách lịch sử của những thời đại trước đó. Thay vào đó họ sử dụng một loạt các hình thức cũ, đơn giản hóa và trộn chúng một cách (cố ý) vô tổ chức hoặc xung đột lẫn nhau. Trong nhiều trường hợp, các nhà thiết kế xếp chồng một cấu trúc hình học thuận hoặc tương phản ở một trạng thái khác nhau, cố gắng để tạo ra một hiệu ứng “tổ chức trong hỗn loạn” (hiệu ứng cánh bướm)

  • Thơ Hậu Hiện Đại ; Thơ Tân Hình Thức (Việt)

Lan man qua lãnh vực kiến trúc để ghi nhận nhanh một cái điểm khởi xuất của chủ thuyết  Hậu Hiện Đại và làn sóng Tân Hình Thức. Quay lại Thơ Tân Hình Thức Việt, chúng ta thấy rõ những nét tương đồng của thể thơ này với phong trào Kiến Trúc Tân Hình Thức, vốn là một sản đúc của Kiến Trúc Hậu Hiện Đại nói riêng và chủ thuyết Hậu Hiện Đại nói chung. Những điểm này là:

  • quay trở lại với (những thể thơ)truyền thống (Việt);
  • quan tâm tới những di sản văn hóa (Việt);
  • lặp lại;
  • không nhất thiết tái tạo âm điệu cũ mà dùng thể thơ không vần;
  • đơn giản hóa bằng ngôn ngữ đời thường;
  • hiệu ứng cánh bướm.

Có phải đây là một trùng hợp ngẫu nhiên không? Có phải phong trào/thể Thơ Tân Hình Thức Việt là một sản đúc của Thơ Hậu Hiện Đại nói riêng và chủ thuyết Hậu Hiện Đại nói chung cũng như phong trào Kiến Trúc Tân Hình Thức, vốn là một sản đúc của Kiến Trúc Hậu Hiện Đại nói riêng và chủ thuyết Hậu Hiện Đại nói chung không ??

“Nhà phát minh lớn nhất: sự trùng hợp ngẫu nhiên”[III]

(Mark Twain)

 “Sự ngẫu nhiên là lô-gíc”[IV]

(Johan Cruijff)

  1. Sáng Tạo Thơ Tân Hình Thức Việt

 

“Sáng tạo chỉ là nối kết mọi thứ. Khi bạn hỏi những người sáng tạo cách làm của họ, họ cảm thấy hơi tội lỗi vì họ đã không thực sự làm điều đó, họ chỉ nhìn thấy một cái gì đó. Sau một thời gian nó dường như là hiển nhiên đối với họ” [V]

(Steve Jobs)

Sáng tạo là một thuật ngữ được sử dụng khác nhau và thường được liên tưởng đến hình ảnh thủ công nghệ, hay một cục màu với cây cọ. Cũng được đi! Nhưng còn rất nhiều nữa. Sức sáng tạo có nghĩa là “khả năng tạo ra một cái gì đó mới.” Mới ở đây có nghĩa là khác hơn cái đã có/hiện diện cho dù bất cứ là một cá thể nào hay là tổng thể. Vậy sáng tạo là thực-hiện để giá trị được hiện thực và thực-hiện là một quá trình.

  • Giá Trị Chia Sẻ

Chúng ta tạm rời khỏi thế giới nghệ thuật một lát, nơi mà cụm từ  giá trị gắn liền với thuật ngữ sáng tạo, để bước qua thế giới khoa học kinh tế, nơi mà giá trị được gắn liền với cụm từ sản xuất. Và ở trong cái thế giới này giá-trị-gia-tăng là một khái niệm cơ bản bởi nó bày tỏ bản chất của sản xuất; cụ thể là cho/bỏ thêm giá trị vào một mặt hàng hóa.

Lướt qua luôn các thời gian lượm-săn, đánh-bẫy, nông nghiệp, công nghiệp, kỹ nghệ vì chúng ta đang sống ở đây và bây giờ: thời đại của công nghệ thông tin. Thời gian sôi động của công nghệ thông tin bắt đầu vào những năm 199x khi mà chiếc bong bóng chấm-còm cứ mỗi ngày được thổi căng phồng ngoạn mục. Nền kinh tế, thị trường thế giới xoay trục cấp tốc trên bits, bytes và đổ dồn đầu tư vào công nghệ thông tin để chuẩn bị cho bước ngoặt của thế kỷ mới.

Rồi chuyện gì đã xảy ra khi chiếc kim đồng hồ ở Sydney chuyển từ không giờ ngày 31-12-1999 qua ba giờ ngày 01-01-2000, rồi lần lượt đến Tokyo, Hong Kong, New York và London? Không có gì cả! Bước ngoặt thế kỷ mà nhân loại nín thở trong âu-lo vẫn một đường tính tuyến của chữ số nhị phân, đâm thẳng vào làm vỡ toang chiếc bong bóng đã được thổi phồng quá cỡ kia. Đa phần doanh nghiệp chấm-còm lần lượt kéo nhau chấm-dứt lôi theo nền kinh tế, thị trường tụt dốc. Sự nhận thức giá trị chỉ là một phóng chiếu của những con số hư cấu, khiến thế giới phải đối diện với những vấn đề đã bị bỏ vào ngăn tủ:

  • Ô nhiễm;
  • Khí hậu biến đổi;
  • Mất đa dạng sinh học;
  • Khan hiếmtài nguyên;
  • Thiếu nước;
  • Tăng trưởng dân số;
  • Khoảng cách tầng lớp xã hội.

Những vấn đề toàn diện rất phức tạp này là những thách thức của nhân loại trong những thập niên kế tiếp và nguy cơ sẽ đến đường cùng nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Nhà tư-tưởng-chiến-lược, Micheal Porter[14], khẳng định đã tìm thấy giải pháp cho những thách thức trên trong quan niệm tạo ra giá trị chia sẻ[14a]. Chia sẻ ở đây là một khái niệm áp dụng trong suốt quá trình thực-hiện : góp vốn, đồng tác và chung hưởng.

Porter chỉ trích cách hoạt-động của các doanh nghiệp. Theo ông họ chỉ chú tâm vào lợi nhuận và động cơ thực hiện của họ chỉ nằm trong những suy nghĩ ngắn hạn. Doanh nghiệp tự cảm thấy mình là một thực thể độc lập, các vấn đề xã hội hoặc cộng đồng đều nằm ngoài phạm vi của họ. Do đặt trọng tâm vào việc tạo giá-trị-kinh-tế một chiều trong nhiều thập-kỷ qua, doanh nghiệp mất đi sự quan tâm cho những vấn đề xã hội, môi trường và kinh tế là những hậu quả của chính sách cơ quan. Ông ta cho rằng các doanh nghiệp có một thái độ luôn sáng tạo, là những cơ quan tiên phong lý tưởng nhất để khơi-khích những đổi mới và là những nguồn khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng của con người, nâng cao hiệu quả, tạo việc làm và làm gia tăng sự phồn thịnh. Và những doanh nghiệp hành xử theo đúng nghĩa của nó là những cơ thể với trang bị tốt nhất để giải quyết những vấn đề khổng lồ mà chúng ta đang đương đầu.

Mấy thập niên gần đây, dần dà các doanh nghiệp đã ý thức được rằng họ không thể hoàn toàn hoạt động đơn lẻ được. Một phần do sức ép của thế giới bên ngoài, một phần do sự thay đổi tâm lý, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đích sang phương cách lâu bền. Họ lập lên những chính sách trách nhiệm xã hội, nỗ lực để giảm thiểu tác động của những hoạt động của họ đối với môi sinh và hàng năm báo cáo tiến bộ của mình trong lĩnh vực phát triển lâu bền một cách đàng hoàng. Tuy nhiên, Porter cho rằng, trách nhiệm xã hội không phải là giải pháp, bởi vì nó không là yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, nó chỉ liên quan đến những hiện tượng cận biên. Cho nên theo ông, con đường của trách nhiệm xã hội không được hữu hiêụ mà là con đường tạo ra giá trị chia sẻ. Khái niệm này có thể được định nghĩa là các chính sách và các hoạt động nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp trong khi các điều kiện kinh tế và xã hội của các cộng đồng trong những hoạt động được đáp ứng. Khả năng cạnh tranh ở đây có thể được hiểu là khả năng sáng tạo hay hoặc khả năng sản xuất; khả năng làm giá trị gia tăng.

Làm sao để tạo được giá trị chia sẻ? Cũng vẫn theo Porter có ba điều cần phải được khai triển thực hiện:

  • Phù-hợp sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng

Cuộc sống có rất nhiều nhu cầu: từ nhà ở tốt đến an ninh cùng y tế tốt, ,một môi trường lành mạnh đến sự bảo đảm tài chính. Rất nhiều doanh nghiệp trên con đường của mình đã đánh mất sự quan tâm chính yếu: sản phẩm của mình có tốt và đáp ứng đúng như cầu của người tiêu dùng không?

  • Tư duy theo định hướng dây chuyền

Quá trình sáng tạo đưa đến giá trị gia tăng của doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn về các vấn đề xã hội khác nhau như: việc làm, vật giá leo thang, khan hiếm tài nguyên, thiếu nước, vân vân. Nếu đem toàn bộ dây chuyền của quá trình sản xuất soi rọi, phân tích kỹ lưỡng, các doanh nghiệp trong đó sẽ có thể hợp tác để giảm (lãng) phí. Từ đó sức cạnh tranh lại được gia tăng trong khi họ cũng có một tác động tích cực xã hội.

  • Khuyến khích phát triển các cộng đồng địa phương

Không có một doanh ngiệp nào là tự trị tự chủ. Sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào đều cũng phụ thuộc vào hỗ trợ của các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng xung quanh. Porter cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nên chăm sóc vẹn toàn cho những các cấu trúc hỗ trợ trong cộng đồng mà họ hoạt động.
Theo Porter giá trị chia sẻ là chìa khóa cho một làn sóng mới của sự đổi mới và tăng trưởng đưa đến hơi thở mới cho thế giới đang bị ngột ngạt.

  • Giá Trị Chia Sẻ Của Thơ (Tân Hình Thức) (Việt)

Lại trở về với Thơ Tân Hình Thức Việt, chúng ta thấy quá trình sáng tạo-truyền đạt-tiếp nhận-phản ánh có nhiều những điều ở từng bộ phận tương tác và chi phối lẫn nhau. Từ truyền đạt đến nội dung, kỹ thuật của thể thơ đến cảm thức, sáng tác và tiếp nhận, như chúng tôi vừa đưa ra ở những phần trên. Có thể nói rằng một trong những đặc tính của TTHT Việt có tiềm năng và tác động lớn là: Sự kết nối.

Nhìn quanh thế giới chúng ta đang sống và từ ý-niệm trên, chúng tôi đề xuất Giá Trị Chia Sẻ Của Thơ Tân Hình Thức (Việt).

Làm sao để tạo được giá trị chia sẻ của thơ tân hình thức (Việt)? Theo chúng tôi có vài điều cần phải được khai triển thực hiện:

  • Phù-hợp-hóa sáng tạo theo xu hướng toàn cầu

Vận động đồng-sáng-tác “xuyên quốc gia” “đa văn hóa” “đa tôn giáo”. Dùng Anh ngữ làm ngôn-ngữ-trung-gian trong việc chuyển-dịch/-ngữ và dùng kỹ thuật ô chữ /kỹ thuật xâu chuỗi[15] để kết nối những bài thơ của từng tác giả tham gia trong nhóm đồng-sáng-tạo.

Về mặt nội dung, có thể dùng một chủ đề để làm sợi chỉ của các câu chuyện đời thường ở các hoàn cảnh khác nhau để tạo thành một toàn cảnh của câu chuyện toàn cầu. Mỗi cá thể, mỗi tầng lớp, mỗi đoàn thể, từng bộ mặt của cuộc sống đều có chủ đề hấp dẫn và phù hợp. Chúng ta lo gì về cái đa dạng và phong phú của nội dung?

  • Tư duy theo xu hướng xâu chuỗi

Những vai trò trong suốt quá trình sáng tạo-truyền đạt-tiếp nhận-phản ánh, tác giả thuyết-lý/tác giả thơ-diễn đàn/truyền thông-độc giả-giới phân tích/phê bình, cần lắng nghe nhau để nghe thấy nhau và tương tác và tương trợ cho nhau.

Tổ chức những buổi thảo luận, thuyết trình, giao lưu, hội thảo vân vân – thành lập những trang nhà, diễn đàn, chuyên mục vân vân – để mọi bên liên quan ngồi lại với nhau để cảm-/thông-tin với nhau: truyền đạt + tiếp nhận.

  • Khuyến khích phát triển các sinh hoạt văn hóa văn học

Liên kết những sinh hoạt văn hóa văn học càng nhiều càng tốt với nhau thành một mạng lưới (toàn cầu). Giới thiệu và phố biến rộng rãi những tác phẩm, văn học, văn hoá của nhau, cho nhau. Trợ giúp nhau trong việc văn-bản-/tài-liệu-hóa (in, ấn, xuất bản,  lưu trữ vân vân). Đào tạo những thế hệ tiếp nối ở mọi khía cạnh văn học văn hóa (sáng tác, lý luận, phân tách, phê bình vân vân). Tổ chức cùng tham gia những buổi giao-lưu-văn hóa của các tổ chức, hội đoàn, chuyền đề, các quốc gia, sắc dân hoặc tôn giáo.

Cùng góp, đồng tác và chung hưởng giá trị chia sẻ của thơ tân hình thức (Việt), có nên không? Tại sao không? Vì nỗi lo sợ ư?

Chúng ta thường sợ những cái gì nằm bên ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Mà sự hiểu biết có hai bề mặt của nó

Một là chúng ta hiểu thấu một sự việc

Hai là chúng ta biết tìm thấy những thông tin về sự viếc ấy

Trong thời đại kỹ nghệ thông tin phát triển huy hoàng

Gú-gồ từ bao giờ đã hiển nhiên trở thành một động từ

Thì hiểu biết đã lấn bits giành bytes với nỗi sợ

Chúng ta đã được quyền hy vọng

Và hy vọng làm cho sống

Trong một cuộc-sống mà mạng-sống con người nối liền với mạng-lưới thông tin, thì triển vọng nằm ở trong sự tác động của mạng-lưới-mạng-sống. Trong một thế giới phân mảnh thì sự nối kết liên đới rất cần cho sự cân bằng của cuộc sống. Thời đại mà tất cả mọi kỹ thuật ngành nghề đã được nâng đến tầm xuất sắc, thì sự khác biệt/sức cạnh tranh không nằm ở nhãn hiệu của sản phẩm mà là ở chính sản phẩm với những chức năng, sự ứng dụng và tác động của nó với người tiêu dùng. Văn học cũng thế, tác phẩm vượt trên tác giả và giá trị tác phẩm là sự chia sẻ trong suốt quá trình của nó của các bên liên quan.

Dù gì thì giá trị thì vẫn luôn là tương đối mà tương đối nghĩa là giá trị của thời điểm và thời gian thì có biết bao là thời điểm vẫn cứ chuyển động. Xin mượn lời của ông sư tổ của thuyết tương đối để đặt dấu chấm mở:

Cuộc sống giống như đi xe đạp. Để giữ thăng bằng, bạn phải tiếp tục chuyển động[VI]

(Abert Einstein)

(cuối 10, không 13)

Ghi Chú:
[1]: Vladimir Propp (17/04/1895 – 22/08/1970) tốt nghiệp đại học St Petersburg (1913-1918) chuyên ngành ngữ văn Nga và Đức. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tiếng Nga và tiếng Đức tại một trường trung học và sau đó trở thành một giáo viên trường đại học của Đức.
[1a]: Theory and History of Folklore (bản Anh ngữ tháng 9 năm 1984 của Ariadna Y. Martin, Richard P. Martin; phần dẫn nhập, giới thiệu cùng ghi chú do Anatoly Liberman; NXB University of Minnesota Press  tháng 9, năm, 1984).
[2]: George P. Lakoff (sinh ngày 24 tháng 5 năm 1941) là một nhà học giả ngôn-ngữ-nhận-thức (cognitive linguist) người Mỹ, nổi tiếng với luận án của ông rằng cuộc sống của các cá nhân bị ảnh hưởng đáng kể bởi những phép ẩn dụ trung tâm họ sử dụng để giải thích hiện tượng phức tạp.
[2a]: Adverbs and the Concept of Deep Structure, George P. Lakoff,  Foundations of Language. Vol. 4, No. 1 (Feb., 1968), pp. 4–29; Metaphors We Live By, George P. Lakoff , University of Chicago Press (1980); Metaphors We Live By thêm phần lời bạt, George P. Lakoff  với Mark Johnson, University of Chicago Press. (2003).
[3]: chuyển đổi thế kỷ, Tạp Chí Thơ số 18, tr. 105-135, mùa đông 1999- mùa xuân 2000. Trang mạng: http://www.thotanhinhthuc.org/Tap%20Chi%20Tho%20Toan%20tap/TCTho_18[1].pdf
[4]: Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác, Khế Iêm, NXB Văn học (2011); Tân Hình Thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận Khác, Khế Iêm, NXB Văn Mới (2003); Bước Ra – Stepping Out (tiểu Luận song ngữ), NXB Tan Hinh Thuc Publishing Club (2013).
[4a]: Khế Iêm:sinh tại Lê xá, Vụ Bản, Nam Định, Bắc Việt Nam, năm 1946 (giấy khai sinh ghi năm 1947). Ông sáng lập và chủ biên Tạp Chí Thơ (1994-2004), chủ biên tạp chí online câu lạc Bộ Thơ Tân Hình Thức www.thotanhinhthuc.org từ năm 2004. Những bài thơ dịch của ông xuất hiện trên Xconnect (bộ III, số  II), Literary Review (số Mùa Đông 2000) và The Writers Post. Tiểu luận của ông xuất hiện trên The Writers Post. Tác phẩm xuất bản Hột Huyết, kịch; 1972, Thanh Xuân, thơ, 1992; Dấu Quê, thơ, 1996; Thời của Quá khứ, truyện, 1996; Tân Hình Thức, Tứ Khúc Và Những Tiểu Luận Khác, tiểu luận, 2003. Nguồn: http://www.thotanhinhthuc.org/tieu_su/ts_kheiem.html.
[5]: Cao Xuân Hạo (19302007) là một nhà ngôn ngữ học người Việt với nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Ngoài ra, ông còn là một dịch giả, giáo sư văn chương uyên bác.
[5a]: Chứng Vĩ Cuồng:Hiện Tượng Và Căn Nguyên, Cao-Xuân-Hạo, TP. Hồ Chí Minh (tháng 4 năm 2000). Nguồn: http://vannghe.free.fr/caoxuanhao/chung-vi-cuong.html.
[6]: Tân Hình Thức Và Câu Chuyện Kể, Khế Iêm, Tạp Chí Thơ số 18, tr. 105-107, mùa đông 1999- mùa xuân 2000. Trang mạng: http://www.thotanhinhthuc.org/Tap%20Chi%20Tho%20Toan%20tap/TCTho_18[1].pdf
[7]: Câu Chuyên Không Vần Kể Lại, Khế Iêm (tháng 8 năm 2007), Câu Lạc Bộ Tân Hình Thức;  http://www.thotanhinhthuc.org/tieu_luan/tl_ki_cauchuyenkhongvan.html;
[8]: Thơ Kể, Thơ Kể (Poetry Narrates), tuyển tập song ngữ nhiều tác giả, nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2009 và Nhà xuất bản Lao Động, 2009,
[9]: Đặng Tiến, sinh 1940 tại xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng. Năm 1960, là một nhà phê bình văn học có uy tín với những tác phẩm phê bình về thơ sắc bén.
[9a]: Tân Hình Thức, nhịp đập của thời đại, Đặng Tiến,  http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7198&rb=0101; bài viết song ngữ Anh-Việt, http://thotanhinhthuc.org/Thokhongvan/Introduction.html.
[10]: Vào những năm 2002-2006 một công ty điện thoại của Hàn-Quốc dùng khẩu hiệu  “Nhẹ nhàng lướt êm” để quảng cáo cho một kiểu dáng trượt slide- up của điện thoại di động tại Việt-Nam.
[11]: AI… DỪA TƯƠI… HÔN(!?), thơ THT, Biển Bắc (tháng 7, năm 2008), lần đầu tiên đăng trên trang mạng http://thotanhinhthuc.org/singleBaitho/bt_bb_aiduatuoi.html.
[12]: Philip Cortelyou Johnson (1906 – 2005) là một kiến ​​trúc sư người Mỹ và là nhà phê bình kiến trúc. Ông cùng với Henry-Russell Hitchcock được coi là một trong những người sáng lập của phong cách quốc tế . Ông cũng được xem là người sáng lập của kiến trúc hậu hiện đại và giải cấu trúc đoạt giải Pritzker đầu tiên năm 1979.
[13]: Phong Cách Tân Chiết Trung, Bước Ra – Stepping Out (tr. 42  59), Tiểu Luận song ngữ Khế Iêm, nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2013;
[14]: Michael Eugene Porter (sinh ngày 23 tháng 5 năm 1947) là giáo sư của đại học Harvard, Hoa Kỳ; nhà tư tưởng chiến lược và là một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới; cố vấn trong lĩnh vực cạnh tranh cho lãnh đạo nhiều quốc gia. Năm 2009 và 2010, ông chủ trì thực hiện “Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010”
[14a]: Creating Shared Value (CSV) là một khái niệm kinh doanh được giới thiệu đầu tiên ở tờ  Harvard Business Review trong bài viết “Strategy & Society: The Link between Competitive Advantage and Corporate Social Responsibility. Khái niệm CSV đã được mở rộng hơn nữa trong tháng giêng năm 2011 trong bài viết tiếp của Micheal Porter “Creating Shared Value: Redefining Capitalism and the Role of the Corporation in Society“.
[15]: Truyện “Thơ Tân Hình Thức”, tiểu luận, Khế Iêm, Câu Lạc Bộ Tân Hình Thức; http://www.thotanhinhthuc.org/Truyen%20Tho%20THT/xct_ki_truyenthotht.html.
[I]: The purpose of art is not displaying the appearance of things, but the inner … that is the true reality”
[II]: A belief that is shared by all people rooted in reality”
[III]: “The greatest inventor: the coincidence”
[IV]: “Coincidence is logical”
[V]: “Creativity is just connecting things. When you ask creative people how they did something, they feel a little guilty because they didn’t really do it, they just saw something. It seemed obvious to them after a while”
[VI]: “Life is like riding a bicycle. To keep your balance, you must keep moving.”

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.