TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT
________________________________________

Biển Bắc

 

… … Chúng ta bây giờ bước vào trong thế giới tâm thức hay còn gọi là cảm thức của Thơ Tân Hình Thức Việt.

Tâm thức là gì? Có rất thật nhiều quan điểm khác nhau về tâm thức. Trong một số luận thuyết, thì những gợi ý của triết học và lý thuyết là chủ yếu. Tâm thức cũng là chủ đề của triết học, đặc biệt là của một bộ môn khoa học gọi là khoa “triết lý của cái tâm”. Các lý thuyết ý thức đầu tiên bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, khoảng 2.500 năm trước. Những lý thuyết ý thức đầu tiên này không xây dựng từ một tầm nhìn của tôn giáo, mà là từ một tầm nhìn xã-hội-con-người. Các đại diện nổi tiếng nhất là Plato và Aristotle.

Tâm-thức, đôi khi được gọi tắt là tâm, là từ chỉ chung cho các khía cạnh của trí tuệ (intellect) và ý thức (consciousness), thể hiện trong các kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn, và trí tưởng tượng; tâm-thức là dòng ý thức.

Nó bao gồm tất cả các quá trình có ý thức của bộ não. Đôi khi, trong một số ngữ cảnh, nghĩa của cụm từ tâm-thức còn bao hàm hoạt động của tiềm thức con người.”

Theo Hán-Việt-Ngữ chữ “tâm“có nghĩa là trái tim. Theo quan niệm của người Á-châu nói chung, người Việt nói riêng, thì tâm(=trái tim) là vật để suy ngẫm, nghĩ ngợi, cho nên điều gì thuộc về tư tưởng đều gọi là tâm. Như vậy tâm thức là tư tưởng. Ngoài ra chúng ta vẫn thường nói “trong bụng”, hay “trong lòng” để ám chỉ chữ “tâm”, như chúng ta hay nói:

“trong bụng anh nghĩ gì, tôi đều biết”
“miệng ngoài liến thoắng vui vầy … trong lòng thì chứa đủ đầy mưu toan”

Thông thường trong văn hóa Đông Phương, đặc biệt văn hóa Việt, chữ tâm bản thân nó có một ngữ nghĩa lành hay hoặc lương thiện trong sáng (bụng dạ ngay thẳng).

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
(Nguyễn Du)

Theo những điều trên, thì ở một góc độ nhất định nào đó, tâm thức là những ý thức của tư tưởng và là những điều hướng đến của tư tưởng mà thường là những điểm tốt đẹp, trong sáng và hoàn thiện. Như đã được biết đến, mặt tâm-/cảm-thức của Thơ Tân Hình Thức Việt được kết hợp với mặt kỹ thuật một cách liền mạch ở bốn nền móng của thể thơ này:

  1. Tính Truyện/Chuyện;
  2. Ngôn Ngữ Đời Thường;
  3. Vắt Dòng;
  4. Phản Hồi và Lập/Lặp Lại.

Có nghĩa là, với Thơ Tân Hình Thức Việt, bốn điểm ở trên đây là những điều hướng đến của tư tưởng.

Tính Truyện/Chuyện

Ngày nay, xã-hội-con-người được các nhà phân tách của các khoa, như là nhân-chủng-học, xã-hội-học, mệnh danh là “thế giới phân mảnh và cai trị bởi thông tin” hoặc “tập hợp của hỗn độn” hay còn gọi là “ thế giới tự kỷ” và được hình thành từ hai mặt song song:

1) Xuất phát từ Anh-quốc khoảng 1750, rồi sau đó lan tỏa ra toàn thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp bao gồm một số giai đoạn. Thời điểm của mỗi giai đoạn khác nhau ở mọi quốc gia, ở mọi khu vực trên thế giới. Ở những nơi cách mạng công nghiệp bùng nổ trễ, thì những giai đoạn đầu không lập lại như những nơi trước đó mà được bỏ qua để bắt kịp giai đoạn đang tiến hành mọi nơi. Giai đoạn đầu là giai đoạn của sắt đúc/gang và công cụ bằng hơi nước. Giai đoạn kế đó là giai đoạn của sắt thép, điện, tua-bin và công cụ đốt. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn của (máy) tính, truyền thông và toàn cầu hóa. Tác động của cách mạng công nghiệp vô cùng sâu rộng, làm thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa và kỹ thuật. Sự thay đổi này đã không thể nào chuyển hồi được nữa và từ đó càng ngày càng tăng tốc theo số cấp nhân.

Rồi bắt đầu những năm1969-1974, bằng cách chuyển đổi từ tương tự (analog) sang dạng số thông tin điện tử (digital), các hệ thống thông tin liên lạc đã được cải thiện vượt bực. Đặc biệt là từ khi hiện tượng Internet tiếp cận với đại công chúng vào năm 1993, cuộc cách mạng kỹ thuật số được coi như là phát động và mở ra một thời đại nano. Thế giới hơn bao giờ hết, rất nhỏ bé và gần kề ngay trước mắt: thu gọn trực tiếp trong màn hình trước mắt chúng ta. Không cần phải “đi một đàng học một sàng khôn” hay “ra đi mới biết xứ đông” nữa mà chỉ cần truy mạng, lướt nét. Thời đại thông tin quá tải khiến thế giới rơi vào trạng thái mập mờ giữa những điều đáng hoặc không đáng tin cậy và bảo-mật hoặc đời-tư trở thành những cụm từ chủ yếu của xã-hội-con-người. Đời sống 24/7 tuy bề ngoài rất đượm nét kết nối (mạng lưới), nhưng lại phân mảnh tơi bời bởi cái ý tưởng mập mờ kia.

Tam cam 1(Minh họa: mập mờ giữa những điều đáng hoặc không đáng tin cậy. Nguồn: ảnh Internet)

2) Song song với sự hình thành và lan rộng toàn cầu của cách mạng cộng nghiệp chuyển tiếp đến cách mạng kỹ thuật số, hiện tượng đô-thị-hóa cũng từ đó lan rộng khắp thế giới cho đến ngày nay. Văn hóa miền quê/nông thôn/làng mạc dần dà mất đất nhường chỗ cho văn hóa đô thị. Nếp sống sinh hoạt và giao cảm từ trong gia đình, bạn bè, người thân ra đến ngoài đường, ngoài đời đã thay đổi rất nhiều. Ở cạnh sát nhau, nhưng mạnh ai nấy sống, có chết rồi cũng chẳng ai hay. Phong cách sống theo kiểu “Nước sông không chạm nước giếng” đã cuốn phăng đi mặt tình cảm “Bán anh em xa mua láng giềng

gần”. Người hàng xóm là ai, mình cũng không hề biết, gia đình người bạn mình ngoài ngõ có ai mình cũng không biết. Đời sống xô bồ nhộn nhịp tuy bề ngoài rất chung đụng, nhưng lại rất xa cách rời rạc. Những mối quan hệ dường như rất lỏng lẻo, rất LẠT (lẽo) (LAT=Living Apart Together; tạm dịch: Chung Sống Trong Xa Cách).

Lịch sử của xã-hội-con-người luôn luôn là những câu chuyện được truyền lại. Trong câu chuyện to lớn, có những câu chuyện nhỏ bé ghép lại và đó là cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện đời của chúng ta. Chính ngay trong thế giới riêng tư của chúng ta, cũng đã có những mảnh ghép của mọi suy nghĩ cùng cảm xúc đi kèm với những chuyện xảy ra. Ai trong chúng ta lại không có những lúc ngồi lắng đọng lại những cái đi qua đời mình trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm hay một đoạn đời, để rút tỉa những điều chúng ta muốn nắm bắt. Như vậy là chúng ta xây dựng những thành tố nội dung (content) rời rạc thành mẩu truyện có một bối cảnh nhận ra được; chúng ta tính-truyện-hóa hay là câu-chuyện-hóa những suy nghĩ cùng cảm xúc của mình. Nói một cách khác, chúng ta tổ chức những mảng rời hỗn độn của không gian và thời gian thành một hệ thống trật tự có một tiến trình hẳn hòi. Và đây rõ ràng là tính cách của hiệu ứng cánh bướm: hệ thống trật tự trong hiện tượng hỗn mang. Điểm Tính Truyện/Chuyện trong Thơ Tân Hình Thức Việt là sợi chỉ đỏ nối kết của suy nghĩ,cảm xúc, không gian và thời gian rời rạc.

Tam cam 2

(Minh họa: sợi chỉ đỏ nối kết suy nghĩ,cảm xúc, không gian và thời gian. Nguồn: ảnh Internet)

Vì vậy, Tính Truyện/Chuyện là yếu tố giúp chúng ta tổ chức bố cục cùng nội câu chuyện đời chúng ta. Với một câu truyện/chuyện rành-mạch/-lạc, khi chúng ta kể câu chuyện của chúng ta là chúng ta gióng lên tiếng nói vững vàng dễ hiểu của chúng ta. Khi chúng ta nghe câu chuyện của chúng ta là chúng ta sẽ có điều kiện nhìn, nhận được chính mình và chúng ta nhìn nhận được nhau, để thông cảm cùng chấp nhận bản thân mình và lẫn nhau.

Điểm Tính Truyện/Chuyện của tâm thức ở đây chính là sự nối kết. Ở mức độ cá nhân là nối kết giữa suy nghĩ, cảm xúc, của bản thân mình. Ở tầm rộng hơn là nối kết giữa người viết, người đọc và người nghe với nhau. Còn ở mức độ rộng lớn của không gian và thời gian là nối kết các nền văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc, trong quá khứ cùng hiện tại, lại với nhau. Bước chênh vênh trên bối cảnh phân mảnh tơi bời của đời sống trong thời đại nano này, cho dù ở cấp độ nào, chúng ta cần cái sự nối kết để cân bằng cuộc sống.

Tam cam 3…“Mạng xa-lộ-viễn-thông
Nối đường xa lại gần
Kéo đường gần ra xa”…

Ngôn Ngữ Đời Thường

Không rõ chính xác rằng lịch sử thơ ca bắt đầu từ thời điểm nào, nhưng nó đã xuất hiện ở những nền văn hóa (cổ xưa) khác nhau, thậm chí trước khi người ta biết viết, biết đọc. Có nghĩa là lịch sử của thơ đã khơi-khởi từ trước khi phát minh ra chữ viết. Người ta tin rằng những bài thơ đầu tiên xuất hiện sớm nhất đều được học thuộc lòng và đọc lên hoặc hát lên. Trong thời trung cổ việc này được thực hiện qua cách hát rong những câu chuyện đầy đủ được sắp thành (âm) vần. Sau khi kỹ thuật in-ấn được phát triển, thơ ca cũng đã phát triển thành những hình thức có cấu trúc chặt chẽ.

Thơ ca theo từ điển Hy-Lạp (ποίησις/ poiesis) có nghĩa là tạo-hình, (sáng-) tạo ra hay hoặc làm ra (cái gì đó). Thơ ca hay còn gọi là thơ phú là một lãnh vực nghệ thuật văn chương, chú tâm lấy ngôn-ngữ để đạt đến hiệu ứng mỹ học/thẩm mỹ (tỷ dụ nhạc-nhịp) và liên tưởng (ví dụ hình ảnh hay thị giác) hầu làm tăng cường/đẩy mạnh, hay vạch trần/phá đổ, hoặc khoanh tròn/đóng khung, hay làm nổi bật lên, hoặc chi phối sự xác định của một ý niệm/ý nghĩa nguyên thủy/thực tế của một điều gì đó hay hoặc lèo lái nó theo một hướng bất ngờ.

Cái thú vị mà thơ ca đem lại cho người đọc và người nghe, được tạo bởi sự kết hợp đặc biệt của hình thức, âm thanh và ý nghĩa đặc thù của các câu thơ. Những thú vị này có thể có tính chất cảm xúc (ví dụ như xúc động hay gợi nhớ), hay trí tuệ (ví dụ như nhìn nhận, hiểu biết hoặc cho sắc thái) hoặc (khôi) hài hước, vân vân.

Nói một cách khác, phải chăng thơ (ca) là những hình ảnh, âm thanh, màu sắc, mùi vị và cảm giác rất thú vị được phóng lên, đánh động, pha trộn, dấy lên và khơi dậy trong chúng ta qua ngôn ngữ với một với một cách truyền đạt đã có sự chủ đích chọn lựa trước (?). Như vậy ngôn ngữ là một công cụ của thơ với mục đích là tạo hiệu ứng để truyền tải, truyền đạt (?). Và hình ảnh, âm thanh, màu sắc, mùi vị và cảm giác mà chúng ta liên tưởng hoặc chúng ta cho là thẩm mỹ cần có điểm (đọc: sự kiện) quen thuộc để nhận-diện/-biết hoặc điểm mốc để so sánh, thẩm định. Vì thế ngôn ngữ trong/của thơ có phải (nên) là ngôn ngữ quen thuộc có điểm mốc để người đọc, người nghe dễ hiểu và tiếp nhận dễ dàng. Và có cái gì quen thuộc hơn hay có điểm mốc nào xác đáng hơn cho bằng cuộc sống đời thường (nhật) của chúng ta!? Vì vậy ngôn ngữ quen thuộc là ngôn ngữ (trong) đời (sống) thường (nhật)!

“Trăm hay không bằng tay quen”

Quan niệm về thơ ca thay đổi theo thời gian, theo mọi thời đại, trải suốt theo chiều dài của lịch sử con người. Ngôn ngữ của thơ ca cũng thay đổi và chia nhánh:

  1. Ngôn ngữ không liên quan đến/ khôn
  2. Ngôn ngữ mô tả/diễn bày/nói về đời sống thực tế;
  3. Ngôn ngữ gợi lên/hình dung đời sống thực tại;
  4. Ngôn ngữ không liên quan đến/ không ăn nhập gì với đời sống hiện thưc.

Dần dà ngôn ngữ của thơ ca từ phản ánh trực tiếp thực tại, đi đến công cuộc tìm kiếm ý nghĩa cùng hình ảnh và rồi lấn sâu vào quá trình sản xuất từ ngữ biến thơ ca thành một trò chơi chữ nghĩa xa lạ với cuộc sống. Vai trò cùng vị trí của nhà thơ cũng chuyển đổi từ kẻ tường thuật (đọc: kể chuyện) về sự thực (tế), đến người ghi chép về chủ đề xã hội/văn hóa, đến sứ giả tuyên truyền các ý tưởng về ý thức hệ rồi đến thành kẻ quay lưng lại với xã hội/đời sống để rút vào thế giới riêng biệt của mình và tù túng mình trong nhà máy ngôn ngữ trên hoang đảo của (thơ) mình. Từ đó thơ ca càng ngày càng đánh mất đi ngôn ngữ nguyên ròng, đánh mất đi sự sáng tạo và tiếp nhận. Nói một cách khác, thơ ca đã mất đi người viết, người đọc và người nghe và như vậy mất đi cuộc sống nói chung và cuộc sống của thơ ca nói riêng.

Tam cam 4Chơi trò chữ nghĩa trên tháp ngà Babylon (Nguồn: ảnh Internet)

Nhưng một điều không hề thay đổi hay mất đi, đó là điểm khơi-khởi của thơ ca: từ đời sống. Điều hướng đến của Thơ Tân Hình Thức Việt, khi xử dụng ngôn ngữ đời thường, là đem đời sống thường nhật vào thơ ca và trả thơ ca về với đời sống. Qua ngôn ngữ đời thường, Thơ Tân Hình Thức Việt đưa thơ ca trở về điểm khơi-khởi, phục hồi lại ngôn ngữ ban đầu của thơ ca; mô tả/diễn bày/nói về đời sống thực tế và phục hồi lại vai trò nguyên gốc của nhà thơ; tường thuật/kể chuyện về sự thực (tế). Có như thế, nhịp cầu đã đứt đoạn trên chiều dài lịch sử giữa người viết với người đọc và người nghe, giữa sáng tạo với tiếp nhận mới lại được nối liền tiếp và thơ ca lại là thơ ca; là cuộc sống.

Vắt Dòng

Sự trở về điểm khơi-khởi không có nghĩa là sao lại chép lại những phong trào đã đi qua hay những phong cách nào một cách giống hệt nhau. Vắt dòng trong tâm thức Thơ Tân Hình Thức Việt hướng đến nét sáng tạo đặc biệt và điểm độc đáo của sáng tác. Cụm từ “VẮT DÒNG” nên được hiểu từ hai mặt:

1) VẮT= chắt lọc ra những tinh túy, những cái hay của những phong trào, phong cách trong DÒNG chảy văn học.

2) VẮT= làm cho gãy DÒNG, ở đây có nghĩa là tách ra khỏi sự sáo mòn của những phong trào, phong cách trong DÒNG chảy văn học.

Tam cam 5(Bước cải tiến trên những bước đi qua (Nguồn: ảnh Internet)

Hiểu biết cùng kinh nghiệm luôn được xây dựng từ những bài học trước đó cùng những trải qua trước kia. Thế nên, Thơ Tân Hình Thức Việt khi trở ngược về quá trình phát triển của thơ ca, luôn trân trọng giá trị của những bước đi, thành tựu của những phong trào đã qua hoặc đang hiện hành. Tuyệt nhiên, Thơ Tân Hình Thức Việt không chỉ trích/phán xét bất cứ phong trào, trường phái hay thể thơ nào mà chỉ rút tỉa những tinh túy của các bên liên quan. Chẳng phải con người đang sống trong một thế giới cao thăng với những tiện nghi đời sống tuyệt vời, được gặt hái từ những tinh túy vắt/chắt lọc ra từ những bài học cùng kinh nghiệm của lịch sử, khoa học, kỹ thuật và mọi thảy ngành nghề sao? Thơ Tân Hình Thức Việt cũng chắt lọc, một số tinh túy vắt ra từ trong dòng chảy văn học đa dạng để cải tiến nhằm đưa thơ ca về với đời sống một cách phù hợp đáp ứng.

Sáng tạo là làm ra một cái gì đó mới. Mới ở đây có nghĩa là khác hơn cái đã có/hiện diện cho dù bất cứ là một phần nhỏ nào hay là toàn bộ. Tuy là rút tỉa kinh nghiệm, lọc ra những bài học của những phong trào, thể thơ khác, nhưng Thơ Tân Hình Thức Việt có bản sắc riêng với những điểm đặc trưng của riêng mình, chứ không sao chép lại của thể thơ nào khác. Như trong phần “Bước Đi/Vào Thơ Tân Hình Thức Việt” chúng ta đã thấy rằng trong Thơ Tân Hình Thức Việt, “Hiệu Ứng Cánh Bướm” là một yếu tố bao quát/bao trùm. Những thay đổi vô cùng nhỏ nhoi, tuy nhiên, có thể có kết quả to lớn. Bản sắc của Thơ Tân Hình Thức Việt được định vị ra sao còn tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ với sự áp dụng nhuần nhuyễn tâm thức cùng kỹ thuật của TTHT Việt và ứng dụng ngôn ngữ một cách khéo léo để tạo nét độc đáo.

Sự điên rồ: làm điều tương tự lặp đi lặp lại và mong đợi kết quả khác biệt.”
Albert Einstein

Ở thời đại toàn cầu, mọi thứ đã được đồng bộ hóa gần như triệt để, khiến chúng ta khó khăn trong việc nhận định và nhận diện. Mọi thứ đều na ná giống nhau, thậm chí danh tính và bản sắc của mỗi cá nhân cũng dễ bị lẫn lộn. Hơn bao giờ hết cá-nhân-chủ-nghĩa bùng dậy một cách mãnh liệt pha lẫn niềm nơm nớp bị đánh tráo hay bị ăn cắp danh tính của mình. Nhu cầu tách ra khỏi đám đông để định vị bản sắc của mình đã dần dà trở thành là một trong những nhu cầu cơ bản của mỗi cá nhân.

Sáng tác lại càng khó khăn hơn để phân biệt chính mình trước những cám dỗ của những lối sói mòn sẵn có. Khẩu hiệu quen thuộc: “ tư duy theo quan niệm toàn cầu, thực hành theo khái niệm bản địa” (Anh-ngữ: “Think globally, act locally”), nhắc nhở chúng ta nhìn nhận sự việc một cách tổng thể nhưng hành động một cách cá thể để không mất đi bản sắc. Vắt Dòng trong Thơ Tân Hình Thức Việt cũng vậy, tuy là vắt-lọc ra những tinh hoa của các phong trào, phong cách và thể loại, nhưng đồng thời cũng vắt-tách ra khỏi đường-biên-bắt-chước các phong trào,

phong cách và thể loại trong dòng chảy của thơ ca, để định vị bản sắc của sự sáng tạo và nét đặc biệt của sáng tác.

Phản Hồi và Lập/Lặp Lại

Quá trình tiến hóa của con người ở thời đại này đã đạt đến điểm thăng hoa gần như tột cùng. Hầu hết mọi vẫn đề đã được soi-rọi, suy-tính kỹ lưỡng từ mọi mặt và mọi thứ cũng đã được phát minh đến mức xuất sắc. Sự thăng hoa tột đỉnh này phải chăng là kết quả của quá trình học tập/hỏi không ngừng của con người (!?). Có thể nói là quá trình tiến hóa của con người đồng nghĩa với quá trình học tập/hỏi của con người. Thơ Tân Hình Thức Việt nêu cao, khuyến khích cùng hỗ trợ cho tinh thần học tập/hỏi được xây dựng trên sự tôn trong lẫn nhau.

Theo nhà tâm-lý-giáo-dục người Mỹ, David Kolb, con người học tập/hỏi theo 4 phong cách:

  1. Học bằng cách thực hành hoặc trải nghiệm (người thực hiện);
  2. Học bằng cách quan sát và suy ngẫm (người mơ mộng);
  3. Học bằng cách phân tích và suy tính (người suy nghĩ);
  4. Học qua những thí nghiệm một cách chủ động/tích cực (người quyết định).

Bởi mỗi người đều là một cá thể duy nhất, đặc biệt nên mỗi người chúng ta học theo cách phù hợp riêng với bản thân mình. Thơ Tân Hình Thức Việt phản hồi những câu chuyện đời thường, những câu chuyện của cuộc sống như nó là, để người tiệp cận, tiếp nhận nó một cách trực tiếp mà không cần thông qua sự diễn giải của nhà thơ. Còn tiếp nhận ra sao, rút ra điều gì, bằng phong cách học tập/hỏi nào hay đánh giá điều phản hồi ra sao, đó là quyền riêng của người tiếp cận. Yếu tố Phản Hồi trong Thơ Tân Hình Thức Việt hướng đến sự tôn trọng tuyệt đối quyền làm người cùng giá trị của mỗi con người.

Tam cam 6Bức gương phản hồi (Nguồn: ảnh Internet)

Bỏ qua một bên bộ-lọc-chủ-quan của nhà thơ, Thơ Tân Hình Thức Việt hướng đến việc (tái thiết) lập lại vai trò của nhà thơ từ thuở khơi-khởi của thơ ca: vai trò của một người kể chuyện/truyện. Trong vai trò này nhà thơ là người lập lại (kể lại/thuật lại) những câu chuyện/truyện trong/của cuộc sống đời thường (nhật), là phản hồi trực tiếp thực tại chứ không bị chi phối bởi bất cứ vai trò của người trong câu chuyện.

Nhờ bước thăng hoa của tiến hóa, đời sống con người tốt hơn và tuổi thọ trung bình cũng cao hơn. Dân số toàn cầu do đó gia tăng không ngừng đi đôi với mức gia tăng của nhu cầu lương thực, sản phẩm tiêu-dùng. Một thế giới quá đông người gắn liền với hậu quả của hiện tượng xài-xả quá mức. Chúng ta xài nhiều đưa đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng và khan hiếm tài nguyên và chúng ta xả nhiều khiến môi sinh bị ô nhiễm và khí hậu bị biến đổi. Các ngành công nghệ hay ở những lãnh vực khác đều áp dụng kỹ thuật tái-chế/-xử-dụng (recycle) để hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí năng-nguồn và ô nhiễm môi sinh. Thơ Tân Hình Thức Việt từ góc độ Lập/Lặp Lại, khuyến khích, động viên ý tưởng recycle để hạn chế sự lãng phí và ô nhiễm. Bước trở về con đường thơ ca, lặp/lập lại hay tái-xử-dụng lại các thể thơ truyền thống Thơ Tân Hình Thức Việt còn làm sáng tỏ sự tôn trọng và trân trọng giá trị của những phong trào/thể thơ khác.

Tam cam 7Sự nối kết những phân mảnh và hiệu ứng cánh bướm (Nguồn: ảnh Internet)

Như vậy, với bốn tiêu chí ở trên, tâm thức của Thơ Tân Hình Thức Việt lấy con người với cuộc sống làm trọng tâm, hướng đến sự nối kết giữa những phân mảnh nội tâm, giữa người và người, giữa các quốc gia, sắc dân, chủng tộc, văn hóa cùng tôn giáo với nhau trong một thế giới trong-lành. Bằng cuộc trở về qua bốn nẻo đã được biết đến ở những phần trên, Thơ Tân Hình Thức Việt muốn (tái thiết) lập lại một nền thơ ca nguyên-thuần, phục hồi lại vai trò của nhà thơ thuở khơi-khởi của thơ ca, đem đời sống thực tại vào thơ và đem thơ trả về với đời sống. Môn nghệ thuật phức tạp và có cấu trúc nhất và đồng thời đơn giản và hỗn loạn nhất vẫn vốn là cuộc sống đang đi đến … … .

Tới đây, chúng ta đã đi vào trong thế giới tâm-/cảm thức của Thơ Tân Hình Thức Việt và đã nắm bắt được những điều hướng đến của bốn tiêu chí bản sắc đặc trưng của Thơ Tân Hình Thức Việt. Từ trong thế giới tâm-/cảm thức này chúng ta đào sâu vào từng khâu kỹ thuật của bốn trụ móng của Thơ Tân Hình Thức Việt (Tính Truyện/Chuyện; Ngôn Ngữ Đời Thường; Vắt Dòng; Phản Hồi và Lập/Lặp Lại) để cùng nhau tiếp tục nốt hành trình chúng ta đã bước qua và đang bước đến, để tìm thấy những câu trả lời cho những điều chúng ta muốn biết:

 Nội dung Thơ Tân Hình Thức Việt ra sao?

 Tính Truyện/Chuyện là như thế nào?

 Ngôn Ngữ Đời Thường là ngôn ngữ nào?

 Vắt Dòng là vắt dòng gì và vắt ra sao?

 Phản Hồi và Lập/Lặp Lại cái gì?

 Không vần hay có vần?

 Đọc một bài thơ Tân Hình Thức Việt bằng cách nào?

 Làm sao để thưởng thức được giá trị của (một bài) Thơ Tân Hình Thức Việt?

Nào, chúng ta lại bước tiếp nữa … …

Paper Cover: Boulevard Montmartre; Night Effect. by Camille Pissarro
http://www.1st-art-gallery.com/Camille-Pissarro/Camille-Pissarro-oil-paintings.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.