TẠI SAO TIẾNG ANH LẠI THÍCH HỢP CHO VIỆC LÀM THƠ?
___________________________________________________

Jorie Graham

 
 

Pháp, Ý, và Tây Ban Nha có những họa sĩ [lẫy lừng] của đất nước; Đức và Ý có những nhà soạn nhạc; nhưng rất ít xứ sở có thể so đọ được với nước Anh và Mĩ khi nói về các nhà thơ. Nhà thơ Jorie Graham, người sử dụng được ba ngôn ngữ, đã đánh bạo đưa ra ý kiến để lí giải điều này.

Câu hỏi: Tại sao tiếng Anh lại thích hợp cho việc làm thơ hơn là những ngôn ngữ rô-man? [người dịch chú thích: Những ngôn ngữ rô-man là những ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng La-tinh, tỉ dụ tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha.]

Jorie Graham: Những ngôn ngữ rô-man là những ngôn ngữ nhận chịu sự thâm nhập rất sâu rộng của tiếng La-tinh, và nếu ta đi càng xa về phía bắc, nghĩa là càng xa khỏi tầm với của đế chế La-tinh, thì ngôn ngữ nói ở những miền xa đó càng sinh động hơn cho dù vẫn là trong vòng ngôn ngữ La-tinh; thế nên nếu bạn đi tới miền thật xa như nước Anh, là nước chưa từng bị đế chế La-tinh chinh phục hoàn toàn, bạn sẽ thấy ở đó có sự hiện diện đồng thời của ngôn ngữ Anglô-Xắcxông và ngôn ngữ La-tinh, điều này khiến cho tiếng Anh trở thành thứ tiếng duy nhất có tính phức tạp [phức hợp], cho dù những ngôn ngữ rô-man rất du dương và đẹp đẽ; sự phức tạp [phức hợp] đó một phần do sự kiện ở quần đảo Anh [British Isles: gồm Britain, Ai-len, và các đảo nhỏ khác] trong một số trường hợp [at a certain point] bạn cần phải dùng tới hai từ, một từ La-tinh và một từ Anglô-Xắcxông, để nói về cùng một sự vật. Và vì những từ tiếng Anglô-Xắcxông có khuynh hướng bớt phần phổ quát và tăng phần chính xác [cụ thể], thế nên bạn cần phải có thêm một từ La-tinh để chỉ một sự vật thường thấy ở bất kì nơi đâu trên toàn cõi đế chế La-tinh.

Vậy là bạn đã có sẵn một ngôn ngữ là một vốn liếng chung [pool] rất phong phú để mang tới những thuộc địa, bạn có một ngôn ngữ là thứ tiếng Anh có tính hấp thu rất tham lam mọi thứ tiếng khác vào bên trong nó, không giống như nhiều nền văn hóa rô-man khác, tiếng Anh đã, một cách cơ bản và đồng thời là may mắn và thích hợp, bắt đầu lấy trộm những từ của ngôn ngữ của thổ dân Mĩ, những từ của tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng Pháp. Sở dĩ vậy, vì ngay từ đầu, nền văn hóa Anh là nền văn hóa mậu dịch [mercantile culture], nó muốn sao cho có thể mua và bán mọi thứ, và nó cần tới mọi thứ ngôn ngữ để có thể thực hiện được việc mua và bán. Và như thế bạn có một dòng chảy từ vựng ào ạt tràn vào tiếng Anh. Bạn không chỉ có hàng chục ngàn từ được tạo ra bởi những tài năng như Shakespeare, mà bạn còn có những tài sản phong phú không thể tưởng tượng được là những từ mà tiếng Anh lấy trộm được, và tất cả lại được hấp thu vào nước Mĩ. Không giống như nước Pháp, tỉ dụ vậy, là xứ sở muốn giữ cho ngôn ngữ của nó được thuần khiết [thuần chủng], bạn có thứ ngôn ngữ là tiếng Anh vốn không chỉ là không thuần khiết [không thuần chủng], và ngày càng không thuần khiết [không thuần chủng], có lẽ nó hấp thu những từ mới hàng ngày hàng giờ, nó còn làm cho điều đó trở thành điều có thể thực hiện được, bởi lẽ nó là một ngôn ngữ tiến triển chủ yếu là trong một xã hội vốn vẫn nỗ lực và thử nghiệm việc loại bỏ hệ thống các giai cấp [trong xã hội]. Và cũng vì vẫn chỉ là một thử nghiệm, nên bạn hẳn sẽ lưu ý rằng tiếng Anh của người Mĩ cho phép bạn sử dụng cả phong cách nói cao và thấp trong cùng một cụm từ, mà bạn vẫn không cảm thấy là bạn mắc sai lầm về ngữ pháp. Còn nếu bạn mới bắt đầu tập nói tiếng Ý hoặc tiếng Pháp, thì chỉ trong vòng vài phút thậm chí vài giây là người khác biết không chỉ là bạn từ xứ sở nào tới mà còn biết bạn thuộc thành phần kinh tế hoặc xã hội nào trong nền văn hóa mà bạn thuộc về.

Thế đó, ngôn ngữ Mĩ thì cực kì phong phú. Một trong những điều người ta nói về nước Mĩ là như sau: Người Mĩ sở hữu một kho từ vựng lớn nhất so với bất kì thứ ngôn ngữ nào hiện có trên hành tinh này, thế nhưng trong việc nói năng thường ngày họ lại sử dụng một kho từ vựng nhỏ nhất.

Người Pháp rất bực dọc về chuyện này, họ nói rằng tại sao tiếng Anh được coi là ngôn ngữ quốc tế trong khi có quá ít từ trong thứ ngôn ngữ đó; sở dĩ vậy, vì nói chung người Mĩ chỉ sử dụng một tỉ lệ rất nhỏ trong số những từ thực sự sẵn có trong kho từ vựng của họ. Nhưng thứ ngôn ngữ đó của họ lại là thứ ngôn ngữ cực kì phong phú nếu bạn sử dụng nó để làm thơ. (Phạm Kiều Tùng dịch)

Jorie Graham, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thế hệ hậu chiến Mỹ, giải thưởng Pulitzer về thơ, 1996. Sinh tại New York, lớn lên tại Ý và Pháp, theo học triết tại đại học Sorbone, Paris. Bà am hiểu 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý. Bạn đọc có thể nghe lời phát biểu của bà trên internet.

Tranh bài: Japanese Garden

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.