NHỮNG DẤU ẤN THỜI HIỆN ĐẠI

Kiến thức là quyền lực, cho đến nay vẫn đúng, có điều, bản chất của quyền lực là bạo lực. Trong thực tại, nếu chúng ta theo dõi tin tức thời sự về những tranh chấp đang xảy ra giữa các đại cường trên thế giới và cách họ sử dụng kiến thức phục vụ cho mục đích chạy đua vũ trang và giành chiếm ưu thế chính trị, thì sẽ có những nhận thức rõ ràng hơn về sự liên quan không thể tách rời giữa kiến thức và quyền lực.

NHỮNG DẤU ẤN THỜI HIỆN ĐẠI


Khế Iêm

(Phần 1)

Stanley J. Grenz, trong cuốn “A Primer On Postmodernism”, dựa theo những loạt phim Star Trek (Hành Trình giữa các vì sao), hình dung ra hình ảnh giữa chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại. Nhưng ông không quan tâm tới diễn biến của cuộc du hành, mà chỉ phân tích một số nhân vật mang tính khác biệt giữa hai thời kỳ văn hóa. Các loạt phim khoa học viễn tưởng Star Trek, ban đầu là các loạt phim truyền hình bao gồm: 1/ Star Trek: The Original Series (1966-69), 2/ Star Trek: The Animated Series (1973-74), 3/ Star Trek: The Next Generation (1987-1994), 4/ Star Trek: Deep Space Nine (1993-99), 5/ Star Trek: Voyager (1995-2001) và 6/ Star Trek: Enterprise (2001-05). Đây bộ phim truyền hình khoa học viễn tưởng đầu tiên với một dàn diễn viên trong vai diễn định kỳ. Các nhân vật chính là người từ Trái Đất có nhiệm vụ khám phá bên ngoài không gian. Trong quá trình này, con người gặp phải những người từ hệ hành tinh khác. Chiều hướng câu chuyện là việc xử lý đối với những người hiếu chiến ngoài hành tinh, các mối quan hệ cá nhân, và với sự diễn tiến hài hước nhẹ nhàng. Sau này, khi chuyển thành phim bao gồm: Star Trek: The Original Series (bộ phim gốc), câu chuyện xảy ra ở thế kỷ 24. Star Trek: The Next GenerationStar Trek: Deep Space Nine, xảy ra ở thế kỷ 25. Star Trek: Enterprise, xảy ra ở thế kỷ 23, thời gian trước bộ phim gốc. Bộ phim gần đây, năm 2009, nói về phi hành đoàn lúc còn trẻ, trong nhiệm vụ ngăn chặn dòng thời gian sắp bị phá hủy hoàn toàn bởi những người Romulans. Phần tiếp theo, Star Trek: Into Darkness, năm 2013, lấy bối cảnh trái đất sau hơn 250 năm, kể về phi hành đoàn phải đối mặt với kẻ khủng bố nguy hiểm, có âm mưu hủy diệt trái đất.

Ông phân chia phim Star Trek làm hai giai đoạn, thời kỳ Star Trek nguyên gốc (Star Trek: Original Series) và thời kỳ sau, Star Trek: thế hệ kế tiếp (Star Trek: The Next Generation). Thời kỳ nguyên gốc với thuyền trưởng James T. Kirk chỉ huy, phản ánh nhiều khía cạnh của Dự án Ánh sáng và cuối thời hiện đại. Phi hành đoàn bao gồm những người có quốc tịch khác nhau, cùng làm việc vì lợi ích chung của nhân loại. Họ là hình ảnh thu nhỏ của nhân chủng học phổ quát hiện đại. Thông điệp rất rõ ràng: “chúng tôi là tất cả con người, chúng tôi phải vượt qua những khác biệt và tham gia lực lượng để hoàn thành mệnh lệnh của chúng tôi, tìm kiếm sự chắc chắn, kiến thức khách quan của toàn bộ vũ trụ trong đó, không gian hiện ra lờ mờ là biên giới cuối cùng.”

Người anh hùng của Star Trek nguyên gốc là Spock, thành viên phi hành đoàn đến từ hành tinh khác (một phần con người, một phần Vulcan). Trong sự phi tính người, ông thực sự phục vụ như một con người siêu việt lý tưởng, thời Ánh sáng, hoàn toàn lý trí và không cảm xúc (hoặc ít nhất là có thể kiềm giữ cảm xúc). Lý trí vô tư của ông liên tục cung cấp chìa khóa để giải quyết các vấn đề gặp phải của phi hành đoàn trong cuộc thám hiểm. Cuối cùng, trong thời hiện đại, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bởi các chuyên viên lý trí.

(Vulcan là một giống loài có hình dạng người ở ngoài trái đất, được tạo ra từ phim Star Trek. Họ đã giúp hành tinh xóa nghèo đói, bệnh tật và khổ đau thời hậu chiến tranh thứ III mà không đòi hỏi gì. Họ là một trong những thành viên sáng lập Liên bang những hành tinh (United Federation of Planets), và có thể dùng kỹ thuật cao để khuất phục trái đất nếu họ muốn. Nhưng họ lại giúp loài người, dễ dàng chuyển tiếp tới những giống loài khác giữa các vì sao như một người anh em trong những giai đoạn bi kịch. Vì thế loài người trong thế kỷ 24, coi Vulcan là người bạn tốt. Những người Vulcan xuất hiện trong cả sáu tập truyền hình Star Trek, và ở trong bốn tập, Vulcan hay nửa người nửa vulcan đã đóng những vai chính. Romulan cũng là một giống loài giả tưởng trong loạt phim Star Trek, luôn luôn gây bất an với Liên bang những hành tinh mà trái đất là thành viên. Có cùng chung một tổ tiên nhưng bản tính Romulan sôi nổi, khôn lanh, cơ hội, khác hẳn với bản chất lý tính của Vulcan.)

 “Không gian – biên giới cuối cùng. Đây là cuộc hành trình của con thuyền vũ trụ Enterprise. Sứ mệnh cuối cùng – khám phá những thế giới mới lạ, tìm ra cuộc sống mới và những nền văn minh mới, dũng cảm tới một nơi trước đây không ai tới.” Đó là giọng nói quả quyết mào đầu của Star Trek: The Next Generation (1897- 1994), giai đoạn hai. Với thuyền trưởng Jean-Luc Picard, chỉ huy phi hành đoàn, Star Trek: thế hệ kế tiếp, đơn giản là phiên bản cập nhật của loạt phim Star Trek nguyên gốc. Những người sáng tạo phát hiện ra rằng thế giới ở giữa sự hoán chuyển hệ hình tinh tế: hiện đại sinh ra hậu hiện đại, kết quả là, thế hệ kế tiếp trở thành một phản xạ – có lẽ một khuôn đúc – qua thế giới quan của thế hệ mới nổi. Sự thay đổi rõ ràng từ Star Trek nguyên gốc đến Star Trek: thế hệ kế tiếp, phản ánh một quá trình chuyển đổi sâu sắc, xảy ra trong xã hội phương Tây.

Trong loạt phim Star Trek: thế hệ kế tiếp, phi hành đoàn Enterprise đa dạng hơn so với bản gốc, bao gồm các loài từ các phần khác của vũ trụ. Sự thay đổi này thể hiện tính phổ quát rộng lớn của hậu hiện đại,  trong đó các đơn vị xã hội là cộng đồng chứ không phải cá nhân. Quan trọng hơn, sự hiểu biết về cuộc tìm kiếm kiến thức đã thay đổi. Nhân loại không có khả năng hoàn thành mệnh lệnh một mình. Phi hành đoàn tượng trưng cho “sinh thái mới” của loài người trong quan hệ đối tác với vũ trụ. Nhiệm vụ của họ không còn mạnh dạn đi “mà không có người đã đi trước” nhưng “mà không có ai đã đi trước.”

Trong thế hệ kế tiếp, Spock được thay thế bằng Data (Dữ Kiện, một android.) Trong một nghĩa nào đó, Data là một phiên bản đầy đủ hơn, có trí tuệ siêu phàm, tuy không phải là con người siêu việt lý tưởng như Spock, bởi vì ông là một người máy. Không giống như Spock, ông không những mong muốn tìm hiểu con người mà còn muốn trở thành con người. Ông biết ông thiếu những thứ như một cảm giác hài hước, tình cảm, và khả năng mơ ước. Và quả thực, ông đã hoàn chỉnh hơn sau đó, khi phát hiện ra, nhà sản xuất lập trình một khả năng mơ ước vào mạch (circuitry) của ông.

Mặc dù Data thường cung cấp sự hỗ trợ có giá trị trong việc giải quyết các vấn đề, ông chỉ là một trong nhiều người đóng góp vào việc tìm kiếm các giải pháp. Ngoài “bậc thầy của trí lý” là Data, phi hành đoàn bao gồm những người có tay nghề cao trong chiều kích tình cảm và trực giác của đời sống con người. Đặc biệt nổi bật là cố vấn Troi, một phụ nữ có năng khiếu cảm nhận được cảm xúc ẩn dấu của người khác. Những hành trình mới của Enterprise dẫn phi hành đoàn nhiều màu sắc vào một vũ trụ hậu hiện đại, trong đó thời gian không còn đơn giản là tuyến tính, vẻ bề ngoài không nhất thiết phải là thực tại, và lý tính không phải luôn luôn được tin cậy.

*

Hiện đại và hậu hiện đại là sự tương phản giữa hai thời kỳ văn hóa. Cũng như loạt phim cuối, Star Trek: enterprise, đi ngược lại thời gian trước những phiên bản ban đầu, chúng ta bắt đầu từ thời kỳ bình minh của chủ nghĩa hiện đại, với những con người đã đóng dấu ấn trong bản báo cáo của nền văn minh phương Tây từ Sir Francis Bacon (1561-1626), René Descartes, Immanuel Kant, tới Friedrich Nietzsche.

Sir Francis Bacon (1561–1626), là triết gia và nhà khoa học Anh, trong nhiều phương diện, ông vừa là sản phẩm của thời kỳ Phục hưng, vừa đứng ở đầu thời đại Lý trí, đánh dấu sự chuyển tiếp từ Phục hưng qua Ánh sáng. Theo quan điểm của Bacon, được diễn đạt trong cuốn New Instrument, 1620, khoa học không thể tiến bộ nếu không khởi đi từ những sai lầm vốn có của quá khứ, và tiến hành trên căn bản kiến thức thực nghiệm và phương pháp qui nạp. Điều này có nghĩa, để đạt tới sự thực (hay chân lý), phải đi từ những quan sát đặc biệt tới những qui tắc chung, và nhấn mạnh tới “sự trộn lẫn giữa mê tín và thần học đã làm suy đồi triết lý.” Bacon cổ võ cho sự học và phiêu lưu qua sự ghi chép tỉ mỉ những quan sát và thực nghiệm, tạo ra kiến thức hữu ích và tốt đẹp cho con người.

Ông phân loại kiến thức nhân loại làm  ba loại: lịch sử, thơ ca, triết lý, tương ứng với tâm trí con người là ký ức, tưởng tượng lý trí. Trong đó ông đánh giá lịch sử và thơ ca chỉ là thứ yếu, đồng thời nâng cao giá trị của triết lý như mục tiêu cho sự tiến bộ đích thực của học tập. Bacon chỉ trích gay gắt những nhà truyền thống kinh viện, nhảy từ vài quan sát đặc biệt tới những định lý xa vời rồi suy diễn chúng qua chứng minh tam đoạn luận. Ông cũng cho rằng những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa sai lạc với những thí nghiệm, không tham khảo những hiện tượng liên hệ vì chúng vô lý trong sự tổng hợp của họ. Theo Bacon, có 4 loại kiến thức sai lạc hay “quan niệm sai lầm” (idol) ở thời đại ông:

1: Sai lầm bộ tộc (idols of the tribe): Đó là những sai lầm ăn sâu vào bản chất con người, do sự đánh lừa của giác quan, nhận thức các hiện tượng không đúng bởi kết luận hay phán đoán vội vàng.

2: Sai lầm hang động (idols of the cave): Phản ánh từ những thành kiến, quan điểm có sẵn, vì ảnh hưởng khác nhau của gia đình, giáo dục, giới tính, thói quen, tập tục và các thành phần trong xã hội …  tâm trí con người vì thế cứ luẩn quẩn như trong hang động.

3: Sai lầm phố chợ (idols of the market-place): Là sai lầm do ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây bao gồm ngôn ngữ nói thông thường, những thuật ngữ, ngôn ngữ của những cộng đồng học thuật và các ngành nghề. Ngôn ngữ thường không gọi tên đúng các sự vật, các sự vật không đúng với tên gọi, hoặc định nghĩa chữ này từ những chữ khác.

4: Sai lầm kịch nghệ (idols of the theatre): Phát xuất từ những giáo điều mang tính triết lý được nhận thức từ những qui luật chứng minh sai. Thí dụ, trong triết học kinh viện, chỉ dựa trên vài quan sát tình cờ (không có bằng chứng thực nghiệm), xây dựng chủ yếu trên lập luận trừu tượng và suy đoán. Hoặc như chủ nghĩa kinh nghiệm, chỉ dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc duy nhất quan trọng (trên cơ sở hạn hẹp của nghiên cứu) rồi dựng thành một mô hình hay một hệ hình để giải thích tất cả các hiện tượng. Hoặc là những hệ thống tư tưởng pha trộn giữa thần học và triết học.

Bacon không đặt toán học là trung tâm trong kiến thức tự nhiên như các nhà tư tưởng Ánh sáng đến sau, nhưng ông được ca ngợi là một trong những nhà khoa học hiện đại đầu tiên, đưa ra phương pháp khoa học mới, nhấn mạnh vào thử nghiệm. Ông tin rằng các phương pháp khoa học không chỉ dẫn đến những khám phá cá nhân mà còn cho thấy mối tương quan giữa các ngành khoa học, đưa chúng thành một thể thống nhất. Và ông trở thành triết gia đặt nền tảng cho các ngành khoa học một cơ chế bao gồm các định luật của lý luận và các tiền đề, chia sẻ bởi các ngành khoa học  khác nhau. Tác phẩm của ông, A Treatise on The Advancement of Learning, xuất bản năm 1605, đề cập tới chiều hướng mới và tổ chức học tập, đạo đức học và qui tắc tiêu chuẩn trong một xã hội lý tưởng. Trong tác phẩm Novum Organum, (New Instrument), 1621, ông đề nghị thiết lập một phương pháp mới tìm kiếm kiến thức. Ngoài ra, ông còn thiết kế một tổ chức tương tự như hệ thống giáo dục hiện đại, khuyến cáo mở trường học và các trường đại học, thư viện, các phòng thí nghiệm, cải thiện tiền lương của giảng viên và giáo sư, thiết lập sự liên lạc giữa các trường đại học ở Âu châu. Hội Hoàng Gia (The Royal Society) được thành lập tại Luân Đôn năm 1662, gồm những nhà vật lý và triết học tự nhiên, theo mô hình và cảm hứng từ ảnh hưởng của Bacon. Chẳng bao lâu mô hình kiến thức kiểu Bacon được tổ chức ở toàn khắp Âu châu.

Francis Bacon được được phong tước Hầu trong triều đại vua James I, là một triết gia, một nhà khoa học, nhưng ông còn là một luật sư, một nhà chính trị. Ông là cha đẻ của chủ nghĩa kinh nghiệm, và là một trong những vĩ nhân làm thay đổi bộ mặt nền văn minh phương Tây. Nhưng trên hết chúng ta cần nhìn Bacon theo quan điểm xuyên suốt qua nhiều thế kỷ. Câu nói nổi tiếng của ông “Kiến thức là quyền lực”, đã là châm ngôn cho những công trình nghiên cứu khoa học, chinh phục và khám phá những bí mật của thiên nhiên. Đó cũng là một chủ đề gây chú ý, nối kết và thay đổi qua nhiều thời kỳ văn hóa, từ Ý chí Quyền lực (Will to Power) của Nietzsche đến Kiến thức Quyền lực của Foucault.

Bacon xem sự thật và tiện ích như hai mặt của một đồng tiền, và mục đích của khoa học là làm cho con người có quyền lực. Vì vậy ông cho rằng học tập là hành động, và hành động biện minh cho kiến thức. Khởi đầu, khoa học tìm kiếm quyền lực với thiên nhiên chứ không phải với con người, vì quyền lợi của nhân loại. Nhưng ở thời đại ông (sau Phục hưng), thế lực chính trị của nhà thờ Thiên chúa giáo suy giảm, nhường chỗ cho thế lực thế tục, và những giá trị cũ “tốt” và “xấu” nhường chỗ cho giá trị mới “hữu dụng” và “vô dụng”. Kiến thức tách rời khỏi những giá trị đạo đức Thiên chúa giáo, được bổ sung và kết hợp với nhà nước thế tục, trở thành quyền lực tiện ích. Và nếu trước đó ông giải thoát kiến thức khỏi bốn loại sai lầm, thì với kiến thức là quyền lực, có vẻ như lại tạo ra một sai lầm mới, quyền lực và tiện ích (idols of the power/ utility).

Kiến thức là quyền lực chinh phục thiên nhiên, và thiên nhiên xuất hiện như một đối tượng bị tấn công và tàn phá. Kể từ năm 1600, xã hội Âu châu thay đổi mạnh mẽ về kinh tế và thương mại, bắt đầu chủ nghĩa tư bản. Quyền lực nhà nước được định nghĩa tùy theo số lượng vàng bạc họ thủ đắc, nhập cảng ít xuất cảng nhiều. Và để đạt những mục tiêu trên, họ theo đuổi chính sách tìm kiếm thuộc địa, ở châu Mỹ, châu Phi, và sau này là châu Á. Sự quan tâm tới khoa học tạo điều kiện đổi mới công nghệ. La bàn, thiên văn, các phương tiện đi biển, súng ngắn và các loại vũ khí mới giúp người Âu châu đánh bại và chinh phục những người bản xứ, chống lại sự xâm chiếm đất đai của họ. Lợi ích của nhân loại, thật ra chỉ là của một nhóm nhỏ ưu tú có kiến thức và quyền lực. Nếu Tây Ban Nha khai thác các mỏ vàng, bạc ở các thuộc địa, thì Anh chủ yếu là trồng mía, bông, thuốc lá và các loại nông phẩm xuất cảng qua Âu châu. Virgina là tiểu bang đầu tiên của Mỹ trở thành thuộc địa Anh vào năm 1607, và Georgia vào năm 1733, tổng cộng là 13 tiểu bang. Khai thác mía và thuốc lá đòi hỏi công nhân, dẫn đến công việc mua bán nô lệ da đen từ Phi châu. Những tàu buôn trao đổi hàng hóa, súng đạn lấy những nô lệ da đen đem về các thuộc địa bán lấy lợi nhuận. Chinh phục thiên nhiên ở đây gồm có cả con người. Một câu nói của Bacon: “Nhà nước không thể mong đợi sự vĩ đại của đế chế, nếu không sẵn sàng nắm bắt bất kỳ cơ hội nào của chiến tranh.” Điều này ngụ ý, kiến thức như quyền lực trên thiên nhiên, trên con người và trên các quốc gia khác. Âu châu trở thành thế giới văn minh và các phần khác đều là đất đai và con người man dã, cần chiếm đóng và khai hóa.

Tóm lại, sự tìm kiếm quyền lực không kiềm chế trên con người và thiên nhiên, đánh đồng kiến thức với sự thực. Một nhóm nhỏ các nhà khoa học với hy vọng mơ hồ, có được quyền lực khi kết hợp với các thế lực chính trị, và trong tương lai nhân loại sẽ được chia sẻ những lợi ích của quyền lực này.  Khi coi con người và thiên nhiên như một thực thể có thể sử dụng và kiềm soát, kiến thức trở thành sự thật tuyệt đối, mà trước đây thuộc về tâm trí Thiên chúa, sáng tạo ra vũ trụ. Và khi mọi thứ trong vũ trụ là đối tượng khách quan để khai thác và sử dụng, tính chủ quan của con người bị trục xuất, thì khoa học là một hệ thống duy nhất đúng để am hiểu thế giới thực tại. Sự thực (chân lý) chỉ là khái niệm đặt trên nền tảng vô căn cứ, biện minh cho lòng tham không đáy. Tâm trí con người tạo ra những nguyên tắc thiện ác, đúng sai và hành sử trên tiến trình có sinh có diệt, cái tốt luôn đi kèm và thành cái xấu, hay ngược lại, và cả sự xảo biện.

Kiến thức là quyền lực, cho đến nay vẫn đúng, có điều, bản chất của quyền lực là bạo lực. Trong thực tại, nếu chúng ta theo dõi tin tức thời sự về những tranh chấp đang xảy ra giữa các đại cường trên thế giới và cách họ sử dụng kiến thức phục vụ cho mục đích chạy đua vũ trang và giành chiếm ưu thế chính trị, thì sẽ có những nhận thức rõ ràng hơn về sự liên quan không thể tách rời giữa kiến thức và quyền lực.

Tham khảo

– “Francis Bacon, the first philosopher of modern science: A non-western view”, Jatinder Bajaj.
– “The scientific Methods of Descartes and Bacon”, Tim Nordgren, 1998.
– “A Primer on Postmodernism”, Paperback, William B. Eerdmans, 1996, by Stanley J. Grenz.
– “Western Civilizations”, Robert Elerner, Standish Meacham, Edward McNall Burns, Volume II, 1988.
 
Tranh bài: Carl Laubin’s “A Classical Perspective.” (2012, oil on canvas. Courtesy University of Notre Dame School of Architecture)

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

THE STATE OF POETRY – VÙNG ĐẤT CỦA THI CA

HIỆN TRẠNG CỦA THƠ Frederick Turner LTS: Frederick Turner sinh năm...

THƠ VÀ HÒA GIẢI: TÂN HÌNH THỨC

William Noseworthy vừa là nghiên cứu sinh của Trường Đại Học Wisconsin-Madison vừa là nghiên cứu viên cao cấp cho Trung Tâm Khmer Học ở Phnom Penh, Cambodia. Sau khi nhận bằng thạc sĩ (2011), anh đã được một nhánh nghiên cứu về “Văn chương của Cộng đồng Hải Ngoại.” Những bài nghiên cứu của anh xuất hiện trên: ASEAS, the Middle Ground Journal và The IIAS Newsletter. Anh cũng viết bài điểm sách cho Studies on Asia và Cha: An Asian Literary Journal. Hiên này anh đang nghiên cứu về “các ghi nhớ về khu vực biên giới” ở Cambodia và Việt Nam.
00:10:44

MẸ KHỔ

Mẹ già đã gìa ngồi còng lưng bên gánh hàng rong nơi góc phố bụi mờ những bước chân qua

VIRUS VŨ HÁN VÀ ĐỘ KHÔNG TÂM THỨC

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

Giới thiệu tác phẩm “Những Tiêu điểm thẩm mỹ Thơ”

Yến Thanh Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu...

TUẦN THƠ 16: CON BÀI

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

Related Articles

00:25:02

Red Deer poet, farmer and war veteran remembered in award-winning documentary film – Red Deer Advocate

LANA MICHELIN | Ngày 18 tháng 8 năm 2021 A new documentary about late Red Deer war veteran and poet-farmer Joseph Young is airing on Telus...

NHỮNG THIÊN SỨ NỔI DẬY: 25 NHÀ THƠ TÂN HÌNH THỨC

MARK JARMAN & DAVID MASON   Cách mạng, như nhà phê bình Monroe Spears nhận xét, vốn được nuôi dưỡng từ trong cốt tủy của cá...

Poem: The Break from Simplicity

An icon of 20th-century contemporary music is the inspiration for this week’s Poet’s Corner contribution from David Atkinson. The Break from Simplicity The world could...