NHỮNG CHỦ THUYẾT VĂN HÓA

NHỮNG CHỦ THUYẾT VĂN HÓA
_______________

Khế Iêm

Đời sống xã hội và thay đổi tiện nghi do những tiến bộ công nghệ đem lại, đã phân chia hai thời kỳ rõ rệt, trước và sau thập niên 1990. Email trở nên phổ biến ở những năm đầu thập niên 1990, và website, những phương tiện truyền thông, xuất hiện sau những năm 2000, với hàng lọat sản phẩm mới: Iphone, Ipad, Youtube, Facebook … tạo nên hố ngăn cách giữa các thế hệ, trưởng thành trước và sau thập niên 1980. Cuối thập niên 1980, là thời điểm báo hiệu, chấm dứt chủ nghĩa hậu hiện đại, một trò chơi ngôn ngữ và lý luận giữa những khái niệm, có mặt và vắng mặt, giữa văn bản và tác giả, giữa con người và thực tại. Những khái niệm đó không liên quan gì tới đời sống, và chỉ thuần xảy ra trong tâm trí, nên khi tất cả, từ chính trị, kinh tế, văn hóa chuyển qua tình trạng toàn cầu hóa, chủ nghĩa hậu hiện đại, dĩ nhiên, phải suy tàn.

Chủ nghĩa hậu hiện đại kéo dài vừa đúng 4 thập niên, từ đầu thập niên 1950 đến cuối thập niên 1980. Có sự giống nhau kỳ lạ giữa chủ nghĩa lãng mạn, cũng kéo dài 4 thập niên, và chủ nghĩa hậu hiện đại. Chủ nghĩa Lãng mạn xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ 19, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện nửa sau thế kỷ 20. Chủ nghĩa Lãng mạn cũng ảnh hưởng sâu rộng như chủ nghĩa hậu hiện đại, hòa trộn giữa triết học và văn học. Chủ nghĩa lãng mạn ở cuối thời kỳ Ánh sáng, còn chủ nghĩa hậu hiện đại ở cuối thời kỳ hiện đại, đều chống lại Ánh sáng. Cuối thế kỷ 19, cảm giác vỡ mộng và xa lạ trong những xã hội Âu châu lan rộng, và người ta cho rằng sự lạc quan về sự tốt lành của lý trí và khoa học chỉ đem lại một xã hội tuân thủ, áp chế và bất công. Khoa học và lý trí không thật sự am hiểu thế giới và con người, và những nhà Lãng mạn thay vì tìm kiếm sự chinh phục thiên nhiên thì tìm kiếm sự đối thoại với thiên nhiên và coi con người như những cá nhân thuần nhất chứ không phải là chủ thể của những luật tắc khoa học. Sau chủ nghĩa lãng mạn là chủ nghĩa hiện thực, và sau chủ nghĩa hậu hiện đại, những bộ môn văn học nghệ thuật quay về với chủ nghĩa tân hiện thực.

Nhưng tại sao quan tâm tới chủ nghĩa hậu hiện đại, trong khi thơ, gần như đối nghịch hẳn với triết học. Triết học vướng vào thơ (Nietzsche), triết học rơi vào hư vô, thơ vướng vào triết học, thơ chết (trừơng hợp thơ Ngôn ngữ Mỹ). Triết học theo đuổi sự thông thái (wisdom), thơ theo đuổi cái đẹp (beauty), triết học thuộc phạm trù lý trí trong khi thơ cần cảm xúc. Triết học và thơ từ khởi đầu đã không ưa nhau, Plato đòi trục xuất nhà thơ ra khỏi nền cộng hòa. Goethe từ chối đọc Hegel, Blake không ưa Bacon, Lock và Newton … Tuy nhiên, trong thời đại mà mọi thứ không thể tách rời và liên hệ với nhau, những chủ thuyết triết học cận đại có thể giúp chúng ta nhận diện đời sống thực tại một cách sâu sắc và rõ nét hơn. Chủ nghĩa hậu hiện đại đặt lại vấn đề về kiến thức, bản ngã, thực tại từ thời Ánh sáng, đề cao chính bản thân ngôn ngữ. Vì thế chúng ta phải quay lại từ đầu thời kỳ hiện đại để tìm hiểu xem, con người là sản phẩm của hư cấu hay chỉ là trò đùa bỡn của tâm trí? Và làm sao không bị vướng vào cái mạng nhện tiêu cực của chủ thuyết văn hóa hấp dẫn nhưng đầy những ảo ảnh này?

Khởi đầu là triết gia Francis Bacon, cuối thời Phục hưng, cùng với Newton, được coi như triết gia và nhà khoa học khởi đầu của thời kỳ Ánh sáng. Descartes là cha đẻ của triết học hiện đại, và Kant là triết gia mở đầu cho thời kỳ hiện đại. Tư tưởng hiện đại bắt đầu với hai khuynh hướng chính: chủ nghĩa duy nghiệm (empiricism) đại diện là David Hume (với John Lock, George Berkeley) cho rằng kiến thức về thế giới đến với chúng ta trực tiếp (immediate). Trí óc như một phiến đá trắng và thực tại tự in vào qua những dữ kiện của năm giác quan. Còn những nhà duy lý (rationists), đại diện là  Réné Descartes (với Immanual Kant, Spinoza, Leibniz) thì cho rằng kiến thức về thế giới là gián tiếp (mediate) vì bởi những ý tưởng hoặc những cấu trúc nội tại có sẵn từ lúc sinh ra. Vì thế chúng ta có thể thu nhỏ cấu trúc phổ quát của thực tại, và sự thực (truth) không biến đổi. Từ đó, phân ra làm hai, trường phái thực nghiệm Bacon (Bacinianism) và trường phái duy lý Decartes (Cartesianism). Từ thế kỷ thứ 17, những nhà tư tưởng Anh, Mỹ thiên về duy nghiệm, đưa tới cuộc cách mạng kỹ nghệ Anh vào giữa thế kỷ 18, và những phát minh khám phá về khoa học của những nhà khoa học Mỹ, cho tới bây giờ. Còn những nhà tư tưởng Âu châu thiên về Lý trí, cho chúng ta những triết gia nổi tiếng như Kant, Nietzsche. Ngay vào những thập niên 1960-80, lý thuyết hậu cấu trúc và hậu hiện đại đều do những triết gia Pháp đề xướng, còn sự thực hành chủ nghĩa hậu hiện đại, xảy ra tại Mỹ.

Immanuel Kant tổng hợp hai khuynh hướng, ông cho rằng giác quan cung cấp nội dung kiến thức của chúng ta còn tâm trí tạo ra hình thể của nó. Tâm trí nếu không có giác quan thì trống rỗng, còn giác quan không có tâm trí thì mù lòa. Chúng ta không thể biết được thực tại, sự vật-trong-chính nó (thing-in-itself), chỉ khi sau đó, qua trung gian của giác quan và hình thành thể loại (category) trong tâm trí. Điều này có nghĩa là, sự vật chúng ta quan sát bằng giác quan chỉ là những hiện tượng bề ngoài, muốn hiểu rõ chúng ta phải dùng tâm trí để diễn đạt hoặc phân loại. Nhưng có những chủ thể không có những hiện tượng bề ngoài như khái niệm về Chúa, linh hồn … không thể hiểu bằng lý trí. Do đó, siêu hình học – biết thực tại trong chính nó – thì bất khả.

Từ thuyết bất khả tri (agnosticism) của Kant, rẽ ra hai nhánh, Kierkegaard hữu thần và Nietzche vô thần. Nhận ra cái hố sâu giữa hiện tượng bề ngoài và thực thể sự vật, Kierkegaard đề nghị “nhảy vào niềm tin” (leap of faith) tôn giáo, không qua trung gian của lý trí. Nietzsche, ở mặt khác, thay vì nhảy vào một Chúa không biết, thì lại tuyên bố Chúa đã chết. Kierkegaard trở thành tiền thân của chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), và Nietzsche, tiền thân của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chúa đã chết đưa tới hàng loạt cái chết khác với chủ nghĩa hậu hiên đại, trong điều kiện mà “mọi thứ đều có thể và không có gì chắc chắn.” Thuật ngữ hậu hiện đại đã có từ trước những năm 1930, nhưng tới thập niên 1970 mới trở nên thông dụng, khởi đi từ kiến trúc, sau đó lan truyền qua giới học thuật và trở thành một hiện tượng văn hóa rộng lớn.

Các sử gia, gần như nhất trí rằng thời hiện đại bao gồm thời tiền hiện đại, hay gọi là thời kỳ Ánh sáng. Như vậy thời kỳ hiện đại bắt đầu sau thời kỳ Phục hưng và cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài 30 năm ở Âu châu (1618-1640). Cuộc chiến tranh đó xảy ra, trên danh nghĩa là cuộc chiến tôn giáo giữa Tin lành và Thiên chúa giáo, đã tàn phá nặng nề châu Âu, gây ra nạn đói và dịch bệnh, đồng thời khiến nhiều quốc gia châu Âu suy sụp. Tuy nhiên, thời Phục hưng, cắt đứt ý thức hệ Thiên chúa giáo Trung cổ, thay thế bằng tinh thần nhân bản, làm nền tảng cho những tiến bộ về khoa học và tư tưởng thời hiện đại, tuy rằng nó không dựng nên kiến trúc thượng tầng hiện đại. Nó nâng con người thành trung tâm nhưng không thiết lập bản ngã cá nhân như một trung tâm tự xác định của thế giới. Những nhà lý thuyết Phục hưng đi tiên phong trong phương pháp khoa học nhưng không tái tạo sự theo đuổi kiến thức phù hợp với tầm nhìn khoa học. Tinh thần Phục hưng cắt xén quyền năng của Giáo hội Thiên chúa giáo nhưng không tấn phong thẩm quyền của lý trí.

Trở lại với thời kỳ Ánh sáng, sự tiến bộ, chủ nghĩa lạc quan, lý trí, kiến thực tuyệt đối và cái thực ngã là những giá trị được gọi chung là những lý tưởng Ánh sáng (Enlightnment ideals). Những lý tưởng đó liên quan tới lý trí như nguyên tắc hướng dẫn sự tìm kiếm mọi kiến thức với niềm tin, sự tiến bộ trong phương pháp khoa học, không chỉ kiểm soát và chinh phục thiên nhiên mà còn mang lại trật tự, an toàn, sự hiểu biết về bản ngã và thế giới, thậm chí cả hạnh phúc của con người. Xây dựng trên cái nền Phục hưng, Ánh sáng đề cao cái ngã cá nhân như là trung tâm thế giới. Descartes đặt nền tảng triết học hiện đại qua chủ thuyết hoài nghi, và ông cho rằng cái ngã suy tư (thinking self) là sự thật đầu tiên mà phương pháp hoài nghi không thể phủ nhận. Newton hình dung thế giới vật lý trong đó những qui luật có thể phân biệt bởi tâm trí con người. Triết học Descartes gặp thế giới cơ học Newton mở đường cho sự bùng nổ kiến thức dưới ngọn cờ “Dự án Ánh sáng”.

Dự án Ánh sáng (Enlightenment Project) giả định rằng kiến thức thì nhất định, khách quan và tốt lành. Là nhất định, các nhà Ánh sáng đi tìm phương pháp chứng minh tính đúng đắn, thiết yếu của những học thuyết triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, và đặt nhiều khía cạnh thực tại dưới sự giám sát của lý trí. Là khách quan, họ khẳng định thế giới có thể quan sát và khảo sát từ vị trí thuận lợi bên ngoài thông lượng (dòng thay đổi) lịch sử. Là tốt lành, đưa tới chủ nghĩa lạc quan rằng tiến bộ là không thể tránh khỏi, có thể chế ngự thiên nhiên, và nâng cao quyền con người.  Phần tích cực trong cách nhìn này là sự đầu tư vào những quyền phổ quát, dẫn tới cuộc cách mạng Pháp và bản tuyên ngôn nhân quyền Mỹ. Nhưng phần tiêu cực là nhưng nhà tư tưởng Ánh sáng coi Âu châu như là phần tiến bộ và văn minh hơn hẳn những phần còn lại của thế giới, đưa đến quan điểm nguy hiểm, những quốc gia và giống dân khác có thể bị chiếm thành thuộc địa.

Đời sống nhân loại là chuỗi dài những đổi thay, và không có bất cứ định kiến nào có thể tồn tại. Những lý tưởng của thời Ánh sáng cũng phải lui vào bóng tối, và những nhà tư tưởng hậu hiện đại đưa ra những quan điểm nghịch lại: cạn kiệt (exhaustion) thay vì tiến bộ (progress), bi quan (pessimism) thay vì lạc quan (optimism), phi lý tính (irrationality) thay vì lý tính (rarionality), và phủ nhận kiến thức tuyệt đối (absolute knowledge).  Điều này ngụ ý, theo Nietzsche, thế giới được tạo thành từ những mảnh vỡ hoàn toàn khác nhau, và như thế, đời sống con người phản ảnh từ lý thuyết và sáng tạo nghệ thuật cũng phần mảnh và đứt đoạn? Những phát minh khoa học là những tìm tòi liên tục, những công trình trước là nền tảng cho những bước khám phá tiếp theo. Và sự thăng trầm của nền văn minh tùy thuộc vào những thành quả khoa học, bị chi phối bởi chính trị, kinh tế, và cách hành sử của con người đối với thiên nhiên. Vả chăng, trong thời đại phân tán thông tin đến cùng cực, ảnh hưởng của những triết thuyết đã mờ nhạt đến mức độ không còn ảnh hưởng gì nữa. Nhưng để cân bằng với một thực tại bị “giằng co giữa sự tinh xảo của phương tiện do công nghệ học mang lại, với sự nhạt nhẽo hoặc ngu dốt của nội dung mà phương tiện đó chuyển tải”, theo Alan Kirby, thì sự tìm hiểu từ căn bản những triết thuyết văn hóa lại là một điều cấp thiết.

Tham khảo
“A Primer on Postmodernism”, Paperback, William B. Eerdmans, 1996, by Stanley J. Grenz.
“Postmodernism”, Paperback, hodder headline, 1997, by Glenn Ward.
“The Death of Postmodernism And Beyond”, 2006, của Dr. Alan Kirby, Phạm Kiều Tùng dịch, tạp chí Sông Hương.
Cover Page: The reliefs are Botong’s masterpieces brought to stone and cement by local sculptors led by Charlie Anorico.
http://www.celineism.com/2015/11/museums-galleries-angono.html

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

   TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT ________________________________________ Biển Bắc   …...
00:06:27

EM ĐÃ BAY ĐI

Em đã bay đi - Khế Iêm Phổ nhạc Nguyễn...

TRUYỆN “THƠ TÂN HÌNH THỨC”

TRUYỆN "THƠ TÂN HÌNH THỨC" Khế Iêm LTS: Đến nay, thơ...

Nudist Pictures-Free Exotic Stories-Beautiful Women in Competition- A Poem About Erotic Art, ‘Mine’

Kathy Ostman-Magnusen Nudist pictures Nudist pictures Free exotic stories Beautiful women in competition Beautiful...

Writing Science Poetry

Writing Science Poetry - Làm Thơ Khoa học -...

ĐỌC – DIỄN THƠ TÂN HÌNH THỨC

ĐỌC – DIỄN THƠ TÂN HÌNH THỨC ______________________________ Biển Bắc   Như chúng...

Related Articles

VIRUS VŨ HÁN VÀ CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

VIRUS VŨ HÁN VÀ TÂM TƯ SẦU MUỘN

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

ANH CẢ (họa sỹ Thái Tuấn)

ANH CẢ (họa sỹ Thái Tuấn) Nguyễn Xuân Sơn Mỗi lần nghe tiếng khóa thắt lưng kêu leng keng, em trai út cách anh Cả đúng...