NGÔN NGỮ ĐƠN ÂM VÀ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT – VÀI DẪN GIẢI CỤ THỂ

Thơ Tân hình thức Việt tiếp nhận, học hỏi và hình thành từ hai nguồn thơ ảnh hưởng nhất tại phương Tây, thơ thể luật tiếng Anh và thơ tự do Mỹ, bổ sung thêm những công trình nghiên cứu chức năng sáng tạo của não bộ trong thơ. Thơ thể luật tiếng Anh với những nhà thơ thiên tài William Shakerspeare (1564 – 1616), John Milton (1608 – 1674), William Wordsworth (1770 – 1850), William Butler Yeats (1865 – 1939), W. H. Auden (1907 – 1973), Robert Frost (1874 – 1963) ... Thơ tự do Mỹ với những nhà thơ Walt Whitman (1819 – 1892), William Carlos Williams (1883 – 1963), và những phong trào thơ hậu hiên đại.

NGÔN NGỮ ĐƠN ÂM
VÀ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT
VÀI DẪN GIẢI CỤ THỂ
_________________________

Khế Iêm

 

Thơ Tân hình thức Việt tiếp nhận, học hỏi và hình thành từ hai nguồn thơ ảnh hưởng nhất tại phương Tây, thơ thể luật tiếng Anh và thơ tự do Mỹ, bổ sung thêm những công trình nghiên cứu chức năng sáng tạo của não bộ trong thơ. Thơ thể luật tiếng Anh với những nhà thơ thiên tài William Shakerspeare (1564 – 1616), John Milton (1608 – 1674), William Wordsworth (1770 – 1850), William Butler Yeats (1865 – 1939), W. H. Auden (1907 – 1973), Robert Frost (1874 – 1963) … Thơ tự do Mỹ với những nhà thơ Walt Whitman (1819 – 1892), William Carlos Williams (1883 – 1963), và những phong trào thơ hậu hiên đại.

Câu hỏi đặt ra, tại sao thơ tiếng Anh lại có thể sản sinh ra nhiều tài năng lớn như vậy? Có thể là do ngôn ngữ, theo nhà thơ Jorie Graham, “Tiếng Anh có khả năng hấp thu vô cùng tận đủ mọi loại ngôn ngữ từ các quốc gia khác, và là một ngôn ngữ lạ thường nếu dùng để làm thơ.” Và Chtistopher Cawdwell cho rằng “Thực tế, nước Anh đã có ba thế kỷ dẫn đầu thế giới trong việc phát triển chủ nghĩa tư bản, trong cùng thời kỳ, nó dẫn đầu thế giới trong việc phát triển thơ, không phải những sự trùng hợp ngẫu nhiên không liên quan, nhưng là một phần chuyển động của lịch sử.”

1/ Tiếp nhận từ thơ thể luật tiếng Anh: Theo những khám phá về chức năng sáng tạo trong não bộ, sáng tác thơ phải kết hợp được cả hai bán cầu não trái và phải. Và đó là lý do để thơ tiếng Anh có được những nhà thơ lớn và sức ảnh hưởng mang tầm thế giới, qua nhiều thế kỷ. Được như vậy, luật tắc của thể luật thơ đã đóng góp một phần quan trọng.

Theo những nhà nghiên cứu, sáng tạo bao gồm toàn thể não bộ, với bán cầu não phải và trái. Giữa hai bán cầu não có một mạng kết nối gọi là Corpus callosum. Trong bất cứ thể thơ nào cũng có luật tắc để tạo ra nhịp điệu. Thể thơ và nhịp điệu có khả năng lôi kéo theo những yếu tố khác như cảm xúc, trực giác, tưởng tượng, nhạc tính, vần … thuộc bán cầu não phải. Nhưng muốn kết nối được với ngôn ngữ, kiến thức và các yếu tố khác thuộc bán cầu não trái để tạo thành nội dung, còn phải tùy thuộc vào thể loại ngôn ngữ, đa hoặc đơn âm, và yếu tố kỹ thuật của thơ. Thơ thể luật tiếng Anh đã đáp ứng được với những điều kiện nêu trên.

Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, nên thơ thể luật, dù vần hay không vần ở cuối dòng thơ, vẫn có thể dùng kỹ thuật vắt dòng (enbjament) vắt ý tưởng từ dòng này qua dòng khác, làm cho liền lạc với nhau, hình thành tứ thơ hay tư tưởng trong thơ. Với kỹ thuật này, một câu dài hơn một dòng thơ, vẫn có thể tiếp tục qua một dòng khác, làm cho ý nghĩa được hoàn tất. Kỹ thuật vắt dòng đã có từ thời cổ đại, với Homer, và là một kỹ thuật chủ yếu và phổ biến trong thơ thể luật tiếng Anh thời Phục hưng. Chính kỹ thuật này đã giúp cho những nhà thơ thể luật tiếng Anh (và những ngôn ngữ đa âm khác) nối kết hai bán cầu trái và phải, phát huy tư tưởng, làm thành những tác phẩm lớn, lôi cuốn người đọc. Thơ Tân hình thức Việt tiếp nhận kỹ thuật và quan điểm này của thơ thể luật tiếng Anh. Nhưng vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm nên phải thay thế vần ở cuối dòng bằng kỹ thuật vắt dòng, để dễ dàng chuyển tải tư tưởng.

Trong khi thơ tự do Mỹ, phủ nhận thể luật của thơ truyền thống, đã đi một con đường ngược lại, bằng cách dùng kỹ thuật dòng gãy (line break) và phần mảnh (fragment), làm rời rạc và đứt đoạn ý tưởng trong thơ. Thơ trở nên khó hiểu, mang tính hàn lâm, hạn hẹp trong việc tìm kiếm phong cách (làm mới), sôi nổi với những phong trào tiền phong, đồng thời thu nhỏ người đọc trong giới những nhà thơ.

2/ Tiếp nhận từ thơ tự do Mỹ: Thật ra, thơ tự do khởi đầu cũng muốn thay thế nhịp điệu tạo bởi luật tắc của thơ thể luật, bằng cách lập lại những câu chữ, và nhà thơ T. S. Eliot cho rằng, những nhà thơ hiện đại nên sử dụng vần ở bất cứ đâu hiệu quả nhất. Nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, khi lập lại những câu chữ với quá nhiều âm tiết, không tạo được nhịp điệu mạnh so với thơ thể luật – dùng những đơn vị hai âm tiết, tiêu biểu là iambic, không nhấn, nhấn tương đương với đơn vị âm thanh bằng trắc trong tiếng Việt. Kỹ thuật lập lại những câu chữ không có tác dụng trong ngôn ngữ đa âm, nhưng lại đắc dụng trong ngôn ngữ đơn âm, là tiếng Việt. Nếu thơ thể luật tiếng Anh, tiêu biểu là dòng thơ iambic pentameter, tạo nhịp điệu bằng cách lập lại những đơn vị âm thanh (không nhấn, nhấn), 5 lần trong một dòng thơ, thì thơ Tân hình thức Việt tạo nhịp điệu bằng cách lập lại những đơn vị âm thanh bằng trắc (chữ kép) ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ. Vì thế nhịp điệu thơ Tân hình thức Việt luôn luôn thay đổi và sinh động, không bị nhàm chán.

Thơ Tân hình thức Việt tiếp nhận kỹ thuật lập lại và quan điểm về vần của T. S. Eliot.

Trở lại với thơ tự do Mỹ, nhà thơ William Carlos Williams sau đó, không còn quan tâm tới nhịp điệu thơ nữa. Ông cho rằng, “thơ tự do tạm thời vô thể, nhưng nó không dừng lại ở đó, mà hướng tới một luật tắc mới.” Điều đó có nghĩa, thơ tự do cần tìm những hình thức (thể thơ) mới. Một trong những hình thức thơ, trông giống như thơ thể luật, nhưng với số âm tiết mỗi dòng thơ ít hơn (từ 5 tới 7 âm tiết thay vì 10 âm tiết của thơ thể luật), những ý tưởng liền lạc giống như thơ truyền thống, và dùng kỹ thuật vắt dòng thay vì dòng gãy. Ảnh hưởng của William Carlos Williams tới những nhà thơ ở những thế hệ sau, hình thức thơ này như một thể thơ phi chính thống. Điển hình là những bài thơ Peasant Wedding (Đám Cưới Quê) của William Carlos Williams và Morning (Buổi Sáng) của Frank O’ Hara. Bây giờ, khá nhiều những nhà thơ tự do Mỹ sáng tác theo, nhà thơ Tom Riordan chẳng hạn. Những hình thức loại thơ này trông giống những thể thơ 5 chữ, 7 chữ của thơ Tân hình thức Việt. Khuyết điểm là không quan tâm tới nhịp điệu, nên cách sáng tác vẫn nghiêng về bán cầu não trái như cách làm của thơ tự do.

3/ Nối kết giữa tự do và thể luật: Trên Facebook, một câu hỏi được đặt ra: “Một nhà thơ đã khẳng định: thơ Tân hình thức là thứ thơ bắt người khác phải viết theo khuôn khổ – không được tự do, theo bạn nghĩ thì sao?” Nhà thơ Robert Frost, khi được hỏi về thơ tự do, nói: “Tôi vừa mới chơi quần vợt với lưới bị gỡ xuống” (I’d just as soon play tennis with the net down). Và nhà thơ T S Eliot nhấn mạnh “không có thơ nào là tự do đối với một nhà thơ muốn làm tốt việc làm thơ” (no vers is libre for the man who wants to do a good job) – Dù có lưới hay không, những nhà thơ (thể luật và tự do) đều chơi theo các qui tắc khác nhau. Theo John Ashbery, hiệu quả của thơ tự do dựa trên nhịp điệu và sự lặp đi lặp lại.

Nhưng như đã đề cập, thơ tự do khởi đầu, với T. S. Eliot, đã thất bại trong việc tạo nhịp điệu và những nhà thơ sau đó, với William Carlos Williams, chuyển qua việc tìm kiếm những hình thức (hay thể thơ) mới. Như vậy, thơ tự do, dù thóat ra khỏi truyền thống nhưng vẫn cố gắng nối kết với truyền thống. Nhưng cả hai cách đều có khiếm khuyết. Thơ Tân hình thứ Việt kết hợp được cả hai cố gắng của thơ Tự do Mỹ. Và vì chỉ dùng thể thơ ở khâu cuối cùng, để chỉnh lại nhịp điệu, sau khi bài thơ đã làm xong, nên không bị vướng vào khuôn khổ nào cả. Ngẫm lại, tái sử dụng những thể thơ truyền thống quả là yếu tố căn bản và tuyệt vời của thơ Tân hình thức Việt. Nó như chiếc neo giữ lại một con tàu. Đơn giản thế thôi, thơ Tân hình thức Việt trở thành thể loại thơ nối kết hoàn chỉnh giữa thể luật và tự do, giữa bán cầu não trái và phải.

Sự xuất hiện thơ tự do, nguyên nhân cũng vì sự xơ cứng về nhịp điệu và ngôn ngữ của thơ thể luật. Thơ thể luật tiếng Anh vì vậy cũng phải trải qua nhiều lần lơi lỏng luật tắc và thay đổi ngôn ngữ mới tồn tại được cho tới ngày nay. Gần đây nhất là dùng ngôn ngữ đời thường với thơ Tân hình thức Mỹ.

Rút tỉa ưu và khuyết điểm của hai dòng thơ lớn đó, với bề dày học thuật hàng thế kỷ, để tạo ra một thể loại thơ mới trong thơ Việt, với ước vọng sản sinh ra những nhà thơ Việt có tầm vóc trong tương lai, không phải dễ dàng. Và đã phải trải qua gần 18 năm, thơ Tân hình thức Việt mới hoàn tất được cách làm thơ. Nhưng còn sáng tác thì sao? “Những Nụ Hồng Của Máu” của Nguyễn Đăng Thường, “Bà Quản Gia” của Đỗ Kh., “Tình Xa” của Dã Thảo, “Bún Riêu” của Gyảng Anh Iên, “Biển Cạn Cợt” của Vương Ngọc Minh,  “Mùa Lau Trắng” của Đinh Thị Như Thúy, “Thật Mà” của Nguyễn Văn Vũ … Thơ Biển Bắc, Hường Thanh, Hồ Đăng Thanh Ngọc … và hàng trăm bài thơ khác, hình thành những sáng tác mang tình nền tảng của thơ Tân hình thức Việt.

Nhưng 18 năm qua, hết đợt này tới đợt khác, đến rồi đi, sáng tác thơ Tân hình thức vẫn rất chậm lụt, thậm chí còn bị hiểu sai, sáng tác không đúng cách, đưa tới tình trạng nhịp điệu đọc lên nghe như văn xuôi hoặc bài nào cũng giống bài nào. Tại sao?

– Mặc dù lý thuyết thơ Tân hình thức đã đi hết một con đường khá dài, nhưng cũng chỉ hoàn tất những tiểu luận quan trọng gần đây: “Nhịp điệu thơ Tân hình thức Việt trong tiến trình sáng tác” (2015), “Cách làm thơ” (2016), và “Thơ và không thơ” (2017), về những chức năng sáng tạo trong não bộ.

– Đa số những nhà thơ đến với Tân hình thức quen với cách làm thơ vần điệu và tự do, đọc những sáng tác của những nhà thơ khác, rồi biến hóa theo cách của mình, ít quan tâm tới nhu cầu lý thuyết hay học thuật. Và dù có quan tâm chăng nữa thì cũng khó nhập tâm, vì không phải ai cũng có đủ niềm tin và đam mê để thay đổi những thói quen cũ. Vì vậy, thơ Tân hình thức Việt cần phải định hướng lại, cung cấp những hướng dẫn cụ thể bước đầu, để người làm thơ sáng tác đúng theo tiêu chuẩn thơ Tân hình thức, dù họ có quan tâm tới lý thuyết hay không. Sau khi có tác phẩm, chắc chắn họ quay lại tìm hiểu lý thuyết, tiến xa hơn, thể hiện tinh thần sáng tạo trong thơ.

*

Ngôn ngữ thơ đơn giản, dễ hiểu nhưng cái hay của thơ Tân hình thức Việt là cái hay của ý tưởngnhịp điệu. Điều này cũng có nghĩa, một bài thơ thiếu một trong hai yếu tố trên, không thể là một bài thơ Tân hình thức Việt. Như vậy, trước hết chúng ta phải suy ngẫm và tìm kiếm những hiểu biết về chủ đề bài thơ. Sau đó phát triển những ý tưởng liền lạc để tạo thành nội dung. Theo Jesper, “sáng tạo là khả năng kết nối giữa kiến ​​thức và kinh nghiệm trong tiềm thức, trải qua rất nhiều quá trình khác nhau: khả năng ứng biến, suy nghĩ khác biệt, có ánh chớp lóe ra trong nội tâm (flashes of insight) …” Ánh chớp lóe ra trong nội tâm (flashes of insight) là những khoảnh khắc khi tâm trí được thư giãn, và không suy nghĩ theo phương pháp hay luận lý. Điều này có thể giải thích, khi thư giãn và để cho tâm trí đi lang thang, Thùy trán (Frontal lobe) rơi vào tình trạng ngủ tạm thời, giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc đưa ý tưởng từ tiềm thức vào ý thức và các ý tưởng sáng tạo sẽ xuất hiện. Như vậy, ý tưởng (cái nhìn mới) trong tiến trình làm thơ chính là ánh chớp lóe trong nội tâm khi kiến thức và trực giác của nhà thơ tiếp cận với thực tại.

Nhưng thơ Tân hình thức Việt là một dòng thơ mới, chưa phát triển đầy đủ, làm sao có được những bài thơ tiêu biểu, để chúng ta có thể biết cách tạo thành những ý tưởng liền lạc trong thơ? Nhà thơ Frederick Feirstein cho rằng “sự liền lạc của ý tưởng và cảm xúc là cách diễn đạt mà thơ Tân hình thức Mỹ coi là yếu tố quan trọng.” Như vậy, đó cũng là yếu tố quan trọng của thơ thể luật tiếng Anh, và là yếu tố khó nhất trong thơ.

Như trên chúng ta vừa đề cập, một số nhà thơ tự do Mỹ cũng có đang có khuynh hướng sáng tác những bài thơ có ý tưởng liền lạc, giống như thơ thể luật tuy không quan tâm tới luật tắc và nhịp điệu như thơ thể luật. Trong mục “Thơ dịch, đọc như Tân hình thức Việt” bao gồm cả những nhà thơ tự do như Williams Carlos Williams, Frank O’ Hara cho đến những nhà thơ đương thời như Tom Riordan, Phillip A. Ellis, cùng những nhà thơ thể luật như Dana Gioia, Frederick Feirstein, Sydney Lea … cho chúng ta thấy thế nào là những bài thơ có ý tưởng liền lạc. Nhưng khi chuyển dịch, dù là thơ tự do không có nhịp điệu hay thơ thơ thể luật có nhịp điệu, chúng ta không thể chuyển dịch nhịp điệu âm thanh ngôn ngữ, và chỉ có thể chuyển dịch ý tưởng mà thôi. Sở dĩ chúng ta đọc có cảm tưởng như đọc thơ Việt vì, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, dễ có những chữ đơn hoặc kép (bằng trắc) trùng hợp nên nghe thuận tai.

Nếu một bài thơ Tân hình thức Việt chỉ làm với những ý tưởng liền lạc như những bài thơ dịch nêu trên thì mới đi được nửa đoạn đường, tạo nội dung thơ với bán cẩu não trái. Chúng ta còn phải tạo nhịp điệu, với bán cầu não phải, thì mới nối kết được hai bán cầu não với nhau như thơ thể luật tiếng Anh. Trong bài viết “Những đặc điểm của thơ Tân hình thức Việt” nhấn mạnh, “Khi sáng tác thơ vần điệu, người ta ngâm nga, mục đích làm những âm thanh bằng trắcvần, nhịp nhàng với nhau, để tạo nhạc tính. Thơ tự do viết và sửa đi sửa lại trên trang giấy (đa số những nhà thơ tự do nổi tiếng, đều sửa đi sửa lại thơ họ). Còn thơ Tân hình thức, đọc thầm trong đầu, và đọc đi đọc lại nhiều lần để phối hợp những âm thanh bằng trắc và những chữ lập lại trong bài thơ để tạo thành nhịp điệu.”

Khi đọc đi đọc lại nhiều lần, chúng ta tránh được sự can dự quá nhiều của tâm trí – khi suy nghĩ về thơ, chúng ta có thể dùng tâm trí để lý luận, tìm kiếm kiến thức, nhưng khi sáng tác chúng ta cần thóat khỏi những ràng buộc của tâm trí. Như vậy, bài thơ chỉ được ghi xuống trên giấy, sau khi đã hoàn tất. Và “đếm chữ xuống dòng” là khâu cuối cùng, dùng để chỉnh sửa, sau khi bài thơ đã làm xong. Lúc đó, chúng ta mới quyết định xem phải dùng thể thơ nào cho phù hợp với nhịp điệu bài thơ. Thể thơ 5 chữ cho nhịp điệu nhanh, 7 chữ cho nhịp điệu vừa, và lục bát cho thơ kể chuyện.

Nhưng tại sao phải đọc đi đọc lại, và tránh làm theo cách ghi xuống trên giấy rồi đếm chữ xuống dòng? Bởi như thế, chúng ta chỉ tạo được nhịp điệu văn xuôi, chứ không phải nhịp điệu thơ. Hành động đọc đi đọc lại nhiều lần, không những để hình dung ra nhịp điệu thơ, hạn chế sự nghĩ của tâm trí, mà chúng ta có thể phát huy khả năng sáng tạo, tưởng tượng, phối hợp giữa nội dung bài thơ (bán cầu não trái) với cảm xúc, trực giác (bán cầu não phải). Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể ghi xuống trên giấy để nhớ từng đoạn thơ đã làm, rồi tiếp tục theo cách đọc thầm trong đầu, cho đến hết bài thơ. Cuối cùng, nghe nhạc cổ điển và những bản nhạc hay Jazz, Hip hop … thường xuyên cũng có thể góp phần hiệu quả trong việc làm phong phú và biến đổi nhịp điệu thơ Tân hình thức Việt.

Nếu về phần nội dung, chúng ta tham khảo những ý tưởng và cảm xúc liền lạc từ những bài dịch thơ Mỹ, vậy còn nhịp điệu thì sao? Chắc chắn, phải là những bài thơ Tân hình thức Việt. Điều này, tôi có thể nói qua về những trải nghiệm của mình. Tôi có thói quen làm thơ đọc thầm trong đầu, bây giờ nhìn lại, với cách làm thơ này, lọc ra được một số bài thơ Tân hình thức với những nhịp điệu mạnh không khác gì thơ thể luật tiếng Anh: “Tết Ở New York”; và đa dạng: “Tân Hình Thức và Câu Chuyện Kể”, “Con Mèo Đen”, “Chuyện Đời Anh”, “Mẹ Khổ”, “Chiếc Xe Đạp” … Như vậy, khi làm quen với cách làm thơ đọc thầm trong đầu, chúng ta sẽ có được những bài thơ với những nhịp điệu khác nhau, và khi tạo được sự đa dạng nhịp điệu, người làm thơ sẽ hứng khởi hơn trong sáng tác và hấp dẫn người đọc.

Theo Christopher và Seth Abramson, người đọc thơ giảm xuống mức tối thiểu, trong khi nhà thơ tăng tới mức lạm phát. Thơ Tân hình thức Việt đi theo chiều nghịch, là loại thơ khó làm, ít người tham gia, nhưng lại được nhiều người tìm đọc. Thơ đơn giản, dễ hiểu (ngôn ngữ), mới mẻ (ý tưởng) và hay (nhịp điệu), dĩ nhiên, lôi cuốn người đọc và không dễ làm. Iain McGilchrist, “Thơ giản dị cần nhiều kỹ năng hơn thơ khó hiểu. Nó phân biệt cơ bản giữa tính mới (newness) và tính lạ thường (novelty): thơ không cần tìm kiếm sự lạ thường, bởi vì thơ thật sự làm cho điều gì có vẻ quen thuộc trở nên mới mẻ.” Những tiêu chuẩn trên, thơ Tân hình thức Việt nhờ rút tỉa ưu khuyết điểm, từ thơ thể luật tiếng Anh, thơ tự do Mỹ đến những khám phá chức năng sáng tạo trong não bộ, và vì vậy, không còn hạn chế ở bất cứ chủ đề nào nữa. Vấn đề ít người tham gia, có thể giải thích, qua nghiên cứu về não bộ, thay đổi thói quen cũ và tập thói quen mới trong sáng tác là vô cùng khó, cần có thời gian. Hơn nữa, thơ Tân hình thức Việt chỉ đề nghị cách làm thơ từ một thể thơ mới, còn tham gia sáng tác lại tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế và nhu cầu của những người làm thơ. Điều đó, ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.

Ý tưởng liền lạc tạo ra nội dung, nội dung tạo ra tư tưởng, và nhạc tính (hay nhịp điệu) là vấn đề chung của thơ Việt, không phải chỉ với thơ Tân hình thức. Vượt qua những đỉnh núi đó, tùy thuộc vào đam mê và độ bền của từng nhà thơ. “Vài dẫn giải cụ thể” chỉ là sự gợi ý, mong giúp những nhà thơ tự tìm ra cách giải quyết những “độ khó” trong sáng tác của mình, không phải những mẫu mực. Trên hết, vẫn là tinh thần sáng tạo của người làm thơ. Chúng tôi sẽ đưa lên các website thơ Tân hình thức hai đề mục: “Thơ dịch, đọc như thơ Tân hình thức Việt”, và “Chùm thơ với nhịp điệu đa dạng” của từng tác giả hay nhiều tác giả. Xin đọc thêm bài viết, “Những đặc điểm của thơ Tân hình thức Việt”.

Tái bút
Nhà thơ Nguyễn Văn Vũ viết: “Tính liền lạc trong một bài thơ Tân hình thức Việt là một đòi hỏi hàng đầu, nếu không thực hiện được sự liền lạc thì việc bỏ dấu chấm câu và việc vắt dòng sẽ làm cho bài thơ đáng lẽ phải đời thường, dễ hiểu lại trở thành lạ lẫm và khó hiểu. Cho nên, một bài thơ Tân hình thức Việt muốn tạo được hiệu ứng, trước hết phải tạo được sự liền lạc – liền lạc về ý tưởng và liền lạc về câu  chữ; trong đó liền lạc về ý tưởng tạo ra tính truyện (nội dung), liền lạc về câu chữ tạo ra nhịp điệu. Nghĩa là với một ý tưởng liền lạc, người đọc sẽ  dễ dàng cảm nhận được nhà thơ muốn nói điều gì trong bài thơ, còn liền lạc trong câu chữ, cộng với kỷ thuật lặp lại các ngữ âm bằng trắc… sẽ cho người đọc cảm nhận được nhịp điệu của bài thơ (nhanh, chậm, vui, buồn…) mà bài thơ muốn diễn đạt.

“Có thể nhận thấy một điều nữa, về hình thức, việc thể hiện một bài thơ Tân hình thức Việt cũng giống như trình bày lời của một bản nhạc, chưa hết câu hết ý mà xuống dòng (vắt dòng) là việc bình thường, tùy thuộc vào cách bố trí phách nhịp trên mỗi dòng kẻ, nhằm tạo được một hình dạng dễ nhìn, đẹp mắt cho tổng thể chứ không ảnh hưởng gì đến chất lượng, nội đung của tác phẩm. Một điều nữa, chúng ta dùng hình thức của thơ truyền thống để trình bày một bài thơ Tân hình thức Việt thì cũng giống như kết nối hiện tại sinh động với quá khứ mẫu mực hay như cắm một bó hoa thời đại vào một chiếc bình cỗ xưa… vẫn tạo được sự hài hòa thú vị, sự hài hòa thú vị đó ẩn sâu trong hơi thở của thơ Tân hình thức Việt.”

Đổi mới thơ phải thay đổi ngôn ngữcách làm thơ. Đó là trường hợp thơ tự do Mỹ, khởi đầu với Walt Whitman, sau đó trường phái Hình tượng (Imagism), 1910, chủ trương, “dùng ngôn ngữ nói thông thường với chữ chính xác, hạn chế tĩnh từ … ” và cách làm thơ là không theo khuôn khổ và luật tắc của thơ thể luật. Nhưng ở thời hiện tại điều đó không đủ, cần phải có những tiêu chuẩn đánh giá có tính phổ quát. Thơ tự do Mỹ không có tiêu chuẩn nào để đánh giá, và là loại thơ khó hiểu đối với người đọc thông thường, vì thế thơ cần tới phê bình và giải thưởng thơ. Phê bình và giải thưởng là nhu cầu chủ yếu tạo ra sinh hoạt thơ Mỹ.

Thơ Tân hình thức Việt, trên lý thuyết, đã hoàn tất được cả hai giai đoạn. Giai đoạn 1 với ngôn ngữ đời thường cách làm thơ. Giai đoạn 2 với hai tiêu chuẩn xác định một bài thơ Tân hình thức hay bao gồm ý tưởngnhịp điệu. Từ đó, nhà thơ và người đọc tự mình có thể nhận ra mức độ hay của một bài thơ. Thơ Tân hình thức Việt quan tâm tới lớp người đọc thông thường mà thơ tự do đã bỏ rơi họ. Vì vậy, giá trị của thơ phải được đánh giá trực tiếp từ người đọc chứ không phụ thuộc vào phê bình hay giải thưởng thơ. Hay nói khác, phê bình và giải thưởng, nếu có, chỉ có mục đích ghi nhận cái hay của thơ, theo tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ hay. Điều này giúp người làm thơ tự tin vào khả năng sáng tạo của họ, và vào tương lai của dòng thơ. Nhưng từ lý thuyết đến thực hành là cả một con đường xa vạn dặm, cần thời gian và kinh nghiệm, vì mỗi người làm thơ đều bị hạn chế bởi tài năng. Ý tưởngnhịp điệu phải kết hợp ăn ý với nhau. Nếu không có nhịp điệu (cái hay), và chỉ có ý tưởng liền lạc (cái mới), thơ sẽ dễ nhàm chán, không lôi cuốn được người đọc. Vả lại, nhịp điệu cũng luôn luôn phải thay đổi cho từng mỗi bài thơ, vì nếu một tập thơ được in ra, nhịp điệu bài nào cũng giống bài nào, sẽ rất khó đọc. Hơn thế nữa, thơ cần cô đọng ngôn ngữý tưởng, nhịp điệu có thể giúp loại bỏ những chữ thừa, ý tưởng rườm rà, không cần thiết và làm cho tư tưởng bài thơ rõ ràng và xuyên suốt. Như vậy, ý tưởngnhịp điệu phải là những quan tâm không thể tách rời của người làm thơ Tân hình thức Việt.

_________________

* Theo nhà thơ Phill Provance, thơ Mỹ có hàng ngàn giải thưởng thơ hàng năm.

* Theo Christopher, “Poetry is going extinct, government data show”, thơ chỉ còn 6,7 % người đọc. – Nhà thơ Mỹ Seth Abramson cho rằng, “Nếu bạn xem xét số lượng tạp chí thơ in và Online đang hoạt động, hơn 1.000, và mỗi tạp chí có tới vài chục (hoặc nhiều hơn) nhà thơ mỗi năm, số lượng các nhà thơ có sách xuất bản là khoảng 50.000 nhà thơ.”

Tranh bài: Red Bird Alert By Claudia Ricci

 

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

THƠ NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG

THƠ NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG __________________________   NHỮNG NỤ HỒNG CỦA MÁU Bài thơ...

Poem: The Break from Simplicity

An icon of 20th-century contemporary music is the...

The Cat Poem (Now in Spanish and English)

The Cat Poem (Bây giờ bằng tiếng Tây Ban...

LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM

LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM “Tôi yêu những cái...
00:01:24

THƠ DỊCH 5 – IF I COULD TELL YOU

  IF I COULD TELL YOU Time will say nothing but...

Related Articles

THƠ PHẢN CHIẾN TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Nguyễn Lương Ba Lối phê bình ấn tượng luôn chú trọng đến những ý niệm, những phản ứng chủ quan trước một tác phẩm văn...

TUẦN THƠ 28: CHÙM THƠ NHIỀU NGƯỜI VIẾT

Nguyễn Văn Vũ - CHẠY VỚI MOZART - Vương Ngọc Minh - VÀO ĐẦU CỮ ĐÊM - Nguyễn Văn Bút - VÔ ĐỀ - Nguyễn Ngọc Trừu - CHUYỆN CÙA ÔNG BÀ TÔI - Dương Hoàng Hữu - CÁI THÙNG SƠN NƯỚC CŨ - Như Thị - HOA ĐỜI

TUẦN THƠ 31: THƠ VƯƠNG NGỌC MINH 3

VƯƠNG NGỌC MINH Ở NGÃ BA ÔNG TẠ vậy là tôi ngồi đong đưa thân mình sáu mươi mấy năm ròng rã trên hàng chén miệng mẻ cảđược sắp đặt hòng hứng vàng tôi ngồi đong đưa thân mình như thế cũng chỉ cốt sao cho tớikhải hoàn thì về về dẫu chuyến chót