NGHĨ VỀ CÁCH LÀM THƠ
_____________________

Khế Iêm

Tân hình thức Việt

Thơ Tân hình thức Việt là quá trình rút tỉa kinh nghiệm từng giai đọan của thơ tự do Mỹ và thể luật thơ Anh, kết hợp với khái niệm từ chủ nghĩa hậu cấu trúc và hậu hiện đại, đặc biệt là tinh thần tân chiết trung của kiến trúc hậu hiện đại Mỹ. Thơ Tân hình thức Việt đưa ngôn ngữ và nhịp điệu nói đời thường vào thơ, dùng kỹ thuật vắt dòng, chuyển những thể thơ (5 chữ, 7 chữ, 8 chữ,lục bát) có vần thành không vần, với những yếu tố tính truyện, và lập lại những đơn vị âm thanh bằng trắc, xóa đi dấu vết văn xuôi và tạo nhịp điệu, chẳng khác nào nhịp nhảy (sprung rhythm) của thơ tiếng Anh. Và như thế, thơ Tân hình thức Việt hoàn toàn là một thể thơ mới, không liên hệ gì thơ Tân hình thức Mỹ, bởi vì khác biệt về ngôn ngữ và luật tắc. Thơ Tân hình thức thật sự đã giúp cho thơ Việt tiếp cận với nền văn minh mới, nhưng tại sao so với thời kỳ Thơ Mới, vẫn chưa có sự tham gia mạnh mẽ của người đọc và người làm thơ? Có sự khác biệt, Thơ Mới nặng về cảm xúc, và tình yêu nam nữ thời mới lớn, trong hoàn cảnh xã hội nông nghiệp đơn thuần, còn thơ Tân hình thức ở một thời đại, con người  bị tràn ngập thông tin, với một xã hội còn giao động trong cơn lốc đổi mới. Nhưng chưa kể sáng tác, chỉ riêng phần lý thuyết thôi, cũng đã bao quát mọi thể loại thơ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, là nhu cầu tham khảo không thể thiếu trong thơ Việt.

Những yếu tố cấu thành bài thơ Tân hình thức Việt

1/ Vắt dòng: là một kỹ thuật của thơ truyền thống lâu đời, có từ thời cổ đại Hy lạp với Homer, tác giả hai tập hùng ca the Iliadthe Odyssey. Những ngôn ngữ ở các nước Âu châu, đa âm, nên một câu thơ thường rất dài, vì vậy khi đủ số âm tiết trong một dòng thơ, phải vắt qua dòng khác. Trong thơ thể luật tiếng Anh, kỹ thuật vắt dòng rất thông dụng, vừa giữ cho bài thơ đúng hình thức các thể thơ, vừa có tác dụng vắt ý tưởng, từ dòng này qua dòng khác. Trong khi thơ vần điệu Việt, vì là ngôn ngữ đơn âm (monosyllable), không thể đưa những câu nói đời thường vào thơ, vì vướng vào luật vần, nên phải dùng kỹ thuật vắt dòng, thay thế vần ở cuối dòng thơ, trong những thể thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát ….  tiếp nhận thể thơ không vần của thơ Tiếng Anh, tiếp tục thay đổi, cả về hình thức lẫn nội dung. Sau này trong thơ tự do, khi đưa văn xuôi vào thơ, họ dàn dựng trên trang giấy, rải chữ xuống dòng, và họ gọi là dòng gãy (line break). Họ không xuống dòng như thơ thể luật, cứ đúng số âm tiết mỗi dòng thì vắt dòng, mà cứ vài ba chữ lại xuống dòng, tùy theo cách ngừng nghỉ khi đọc. Kỹ thuật vắt dòng trong thơ Tân hình thức Việt, cũng chỉ là một kỹ thuật theo nghĩa truyền thống, có nghĩa là vắt dòng để cho bài thơ có hình dạng của một bài thơ thể luật, 5 chữ, 7 chữ, hoặc lục bát, chứ không phải là một thủ thuật nghệ thuật gì.

2/ Ngôn ngữ đời thường: là thứ ngôn ngữ cụ thể trong giao tiếp, không nhất thiết phải theo đúng qui luật của văn xuôi, có khi làm người đọc ngỡ ngàng, khó chịu, lập đi lập lại, trúc trắc, không lúc nào giống lúc nào, thông dụng trong văn nói, phân biệt với loại ngôn ngữ trừu tượng, tượng trưng trong thơ trước kia. Ngôn ngữ đời thường, được hiểu như, đưa cách nói đời thường và dùng ngôn ngữ thông thường, để diễn đạt cuộc sống. Người làm thơ thay vì phải bận tậm tới những chữ bí hiểm, khó hiểu, có thể chú tâm tới việc tìm kiếm ý tưởngnhịp điệu mới. Ngôn ngữ thông thường tuôn vào thơ, xóa đi nhạc tính hay tiết tấu của thơ vần điệu, giúp người làm thơ tìm ra nhịp điệu hay nhạc tính mới. Những nhà thơ nổi tiếng của thơ thể luật tiếng Anh, cũng như những nhà thơ tự do, từ đầu thế kỷ 20, đều viết bằng ngôn ngữ thông thường, dưới dạng văn xuôi. Những nhà thơ thể luật dùng luật tắc của thơ để hóa giải nhịp điệu văn xuôi, còn Tân hình thức Việt, khi sử dụng cách nói thông thường, cũng có nghĩa là đưa nhịp điệu văn xuôi vào thơ. Kỹ thuật lập lại những chữ kép, chính là phương pháp làm biến mất dấu vết văn xuôi, thành thơ. Trong khi ca dao lục bát tuy dùng ngôn ngữ đơn giản nhưng vẫn là những câu ru điệu hát, ngôn ngữ thông thường hay ngôn ngữ thường ngày không nói như ru hay hát. Thơ Tân hình thức là một hình thức thơ đọc. Một thí dụ được trích dẫn:

“Nhà thơ Timothy Steele, khi ăn trưa tại một quán ăn bình dân, ông tình cờ nghe được sự cãi vã của một cặp tình nhân, sau cùng cô gái đứng dậy, trước khi bỏ đi, nói lớn:

   x      /    x     /          x     /       x     /    x    /

You haven’t kissed me since we got engaged.

Anh chưa hề hôn tôi từ lúc đính hôn.

Câu nói đúng với iambic (không nhấn, nhấn) và lập lại 5 (penta –) lần, thành iambic pentameter. Ông nhận ra, thể luật căn cứ và rút ra từ dạng nói bình thường, và Tân hình thức đưa ngược những câu nói đời thường vào thể luật.”

3/ Tính truyện: là yếu tố thông dụng trong thơ truyền thống ở mọi nền thơ để kể một câu truyện. Trong thơ không vần Việt, tính truyện còn có ý nghĩa, nối những ý tưởng liên tục và thuần nhất, không đứt đoạn như thơ tự do, để tạo tư tưởng trong thơ, người đọc biết bài thơ muốn nói gì, chứ không lan man như thơ tự do, người đọc không biết bài thơ muốn nói gì.

4/ Kỹ thuật lập lại: Trong luật thơ, ở bất cứ thể loại thơ nào, kỹ thuật lập lại đều được sử dụng để tạo nhạc tính hay nhịp điệu thơ. Chúng ta thấy thơ Đường luật, lập lại những âm thanh bằng bằng, trắc trắc, và trong thơ tiếng Anh, là những âm không nhấn, nhấn, lập đi lập lại 5 lần trong 1 dòng thơ. Những cách trên của thơ truyền thống là lập lại những âm nhấn. Thơ Tân hình thức Việt thay cách lập lại âm nhấn bằng cách lập lại các “chữ kép” (bằng trắc), rải ra khắp bài thơ.

Nhịp điệu, hay tiết tấu (theo thơ Đường và thơ Việt), là vô cùng khó đối với người làm thơ, bởi nó khẳng định tài năng nhà thơ. Chẳng thế mà từ xa xưa, Đông cũng như Tây, con người đã rút tỉa kinh nghiệm để tạo ra những thể thơ, giúp người làm thơ thăng hoa tài năng của họ. Cũng như âm nhạc, nếu không có năng khiếu về ký âm pháp học, không thể có những thiên tài âm nhạc. Thơ Đường, bằng bằng, trắc trắc, và thơ tiếng Anh, không nhấn, nhấn, tạo nhịp điệu bằng cách lập lại, xen kẽ những âm thanh mạnh nhẹ trong một dòng thơ. Nếu so sánh với luật tắc để tạo nhịp điệu trong thơ, thì tuy văn xuôi cũng có nhịp điệu, nhưng không phải là nhịp điệu thơ. Những tùy bút đầy truyền cảm, tập truyện ngắn của Nguyễn Tuân, Vang Bóng Một Thời, viết như thơ, hay thơ văn xuôi, không có nhịp điệu thơ vì khi đọc lên, chúng ta đọc theo nhịp đọc văn xuôi.

Thơ Tân hình thức Việt dùng kỹ thuật lập lại để tạo nhịp điệu thơ, và kỹ thuật đó được tái định nghĩa như sau, ”lập lại những chữ kép (bằng trắc), phân phối vừa đủ trong bài thơ” để tạo nhịp điệu. Trong một số bài thơ Tân hình thức Việt có nhịp điệu mạnh, thường lập lại những đơn vị âm thanh (bằng trắc), hình thành từ những chữ kép, luân phiên thay đổi lẫn nhau. Tài năng của nhà thơ là điều tiết kỹ thuật lập lại, để làm sao cho nhịp điệu không dư thừa, hay lỏng lẻo. Đó là chưa kể sự lập lại 1 chữ, được tính như là sự điệp âm, cùng với sự lập lại nguyên âm (lũ, cũ; thông, không), và phụ âm đầu. Trong một bài thơ Tân hình thức Việt, sự lập lại 1 chữ hay 2 chữ, đặt kế nhau, sẽ tạo nên những nhịp gấp. Sự vắt dòng tạo nên những nhịp ngoặt. Và có lẽ, chúng ta cần nhắc lại, kỹ thuật lập lại của thơ Tân hình thức Việt, chính là sự phản hồilập lại, hay là những yếu tố trật tự trong hệ thống hỗn mang là bài thơ, của “Hiệu ứng cánh bướm.”

Tiếng Việt, vì không biến âm được như những tiếng đa âm (Anh, Pháp …), đã hình thành những từ kép (cặp đôi), bằng cách ghép những chữ đơn với nhau. Từ kép là đặc điểm, và là yếu tố làm phong phú tiếng Việt, vì có khả năng tạo thêm từ mới, đáp ứng nhu cầu trong đời sống và học thuật. Từ kép có thể do: 2 từ đơn (sạch sẽ, bạn bè, cha mẹ …), 3 từ đơn (giản dị hóa, thi vị hóa …), 4 từ đơn (lôi thôi lếch thếch, đầu đường xó chợ …). Chữ kép bằng trắc, trong thơ, có tác dụng như đơn vị âm thanh không nhấn, nhấn trong luật thơ tiếng Anh. Nhưng trong luật thơ tiếng Anh, sự lập lại những âm thanh không nhấn, nhấn chỉ hạn chế trong một dòng thơ, còn với thơ Tân hình thức Việt những chữ kép được rải ra khắp bài thơ, làm cho nhịp điệu thơ phong phú và uyển chuyển hơn rất nhiều.

Chữ kép lập lại, có tác dụng nối kết những ý tưởng và làm cho ý tưởng chuyển động, tạo ra nhịp điệu. Tất cả những bài thơ, trừ thơ tự do, đều có nhịp điệu. Nếu bài thơ không có nhịp điệu, những ý tưởng sẽ rời rạc, lủng củng và bất động, làm cho thơ trở nên khó hiểu, hoặc nhạt nhẽo như đang đọc một đoạn văn xuôi. Đôi khi, vì áp dụng kỹ thuật lập lại quá thô thiển, gượng ép cũng làm hỏng mất bài thơ, dù rằng ý tưởng có mới lạ. Nhịp điệu cũng như chữ trong thơ, không thể rườm rà. Ngay cả khi có quá nhiều vần trong phần của bài thơ, cũng nên tránh kỹ thuật lập lại. Có lẽ, chúng ta cần nhiều câu chuyện của những nhà thơ Tân hình thức Việt, đã từng trải qua thực hành, để chia sẻ với nhau, chẳng phải chỉ riêng kỹ thuật lập lại, mà còn phát hiện thêm những kỹ thuật khác.

Nhìn lại những diễn biến trên, chúng ta thấy ngạc nhiên, thơ tiếng Anh và thơ tiếng Việt có những thời điểm tương đồng rất đáng chú ý. Thập niên 1930s, những nhà thơ thời W. H. Auden hoàn tất tiến trình thay đổi về ngôn ngữ và luật tắc của thơ thể luật (ngay cả ngôn ngữ, tiếng Anh cổ, cũng là tiếng đơn âm, sau này ảnh hưởng của thơ tiếng Pháp và tiếng La tinh mới có thêm ngôn ngữ đa âm), thì ở thời điểm này, Thơ Mới cũng xuất hiện. Thập niên 1990s, Tân hình thức Mỹ nổi lên thì cuối thập niên này, Tân hình thức Việt bắt đầu cho cuộc chuyển đổi thế kỷ, trong thơ.

Cách làm một bài thơ Tân hình thức

Một câu hỏi đặt ra, tại sao thơ Tân hình thức Việt ít có những bài thơ nổi bật, gây ấn tượng nơi người đọc? Đâu là những tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ Tân hình thức là hay? Hai yếu tố chính trong thơ Tân hình thức Việt, nhịp điệuý tưởng, tiêu biểu cho hình thức và nội dung, còn các yếu tố khác như cách dụng chữ, dụng lời thì loại thơ nào cũng giống nhau. Và trong quá trình đủ dài của dòng thơ này, chúng ta có rút ra được những kinh nghiệm đáng giá nào, mang tính nền tảng, áp dụng kỹ thuật lập lại cho có hiệu quả?

Trường hợp, do thói quen tình cờ, một người làm thơ thường sáng tác vào những lúc nửa thức nửa ngủ, chuyện gì sẽ xảy ra? Trong khoảng thời gian đó, chúng ta tránh được sự can dự quá nhiều của tâm trí – khi suy nghĩ về thơ, chúng ta có thể dùng tâm trí để lý luận, tìm kiếm kiến thức, nhưng khi sáng tác chúng ta cần thóat khỏi những ràng buộc của tâm trí. Mỗi thể loại thơ có cách làm thơ khác nhau, thơ vần điệu dựa vào cảm xúc, thơ tự do dùng tâm trí, còn thơ Tân hình thức kết hợp giữa cảm xúc và tâm trí. Khi làm thơ, trong trạng thái lơ mơ giữa thức ngủ đó, chúng ta phải tìm cách nhớ lại những câu chữ vừa mới sáng tác, bằng cách đọc lên (đọc thầm trong đầu), và đọc đi đọc lại nhiều lần, vì không có sẵn giấy bút để ghi lại. Hành động đọc lại để nhớ, gây những phản xạ tự nhiên, làm chúng ta phải chọn chữ, chọn lời chính xác để nhận ra những chỗ trầm bổng, lên xuống của nhịp điệu – điều chỉnh, thêm hay bớt vài chữ trong dòng thơ, cho đến khi bài thơ hoàn chỉnh, đánh thức chúng ta, tìm giấy bút ghi lại.

Nhưng có nhất thiết cứ phải đọc lên khi làm thơ Tân hình thức? Khi sáng tác thơ vần điệu, người ta ngâm nga, mục đích làm những âm thanh bằng trắcvần, nhịp nhàng với nhau, để tạo nhạc tính. Thơ tự do viết và sửa đi sửa lại trên trang giấy (đa số những nhà thơ tự do nổi tiếng, đều sửa lại thơ họ). Còn thơ Tân hình thức, nếu không đọc lên thì làm sao phối hợp những âm thanh bằng trắc và những chữ lập lại trong bài thơ để tạo thành nhịp điệu? Những chữ kép lập lại đóng vai trò như vần trong thơ vần điệu, nhưng rải ra khắp bài thơ, nên không rơi vào sự đều đặn, hạn chế như vần ở cuối dòng của thơ vần điệu. Điều này làm cho nhịp điệu trong thơ Tân hình thức Việt phong phú và khác biệt, nơi từng bài thơ và từng người làm thơ, đẩy tới nhiều mức độ khác nhau, từ trầm lắng đến sôi nổi. Nhưng dù ở mức độ nào, người đọc cũng phải nhận ra được nhịp điệu thơ.

Câu chuyện trên rút ra kết luận: Không có gì bắt buộc chúng ta phải sáng tác trong lúc ngủ, mà có thể sáng tác bất cứ lúc nào cảm thấy có hứng khởi, ban ngày cũng như ban đêm, lúc thức cũng như lúc ngủ. Trong trường hợp này, hành động đọc đi đọc lại nhiều lần, không phải để nhớ, mà để hình dung ra nhịp điệu của thơ. Và việc ghi lại trên giấy mới có tác dụng để nhớ.  Bởi đa số chúng ta vẫn quen sáng tác có giấy bút, hay trên smartphone … nên động thái chính trong công việc sáng tác một bài thơ Tân hình thức là tập trung vào việc đọc đi đọc lại nhiều lần, và chỉ liếc nhìn vào giấy khi muốn nhớ lại, để tiếp tục công việc sáng tác. Khi đọc, và đọc đi đọc lại, sẽ hạn chế sự nghĩ của tâm trí, và bài thơ tiến hành theo những cảm nhận tự nhiên, chứ không phải từ những sắp xếp của lý trí. Trong thơ truyền thống, người đọc có thể nhớ từng lời từng chữ, nhưng như vậy dễ gây nhàm chán, trong khi thơ Tân hình thức, việc nhớ qua nhịp điệu, khơi dậy những hình ảnh, thúc đẩy người đọc, đi tìm bài thơ để đọc lại, và lúc nào cũng thấy mới lạ.

Từ bao lâu nay, khi đọc những bài thơ Tân hình thức, chúng ta vẫn loay hoay tự hỏi, tại sao những bài thơ khi đọc lên nghe sao cứ như văn xuôi, còn thua cả thơ tự do, vì thơ tự do tuy không có nhịp điệu nhưng nhờ sự ngắt dòng, câu ngắn câu dài, nên dù sao cũng không nghe rõ tính văn xuôi như những bài thơ Tân hình thức thiếu nhịp điệu. Sự thất bại đó đưa tới việc, một số người ghé qua thử vài lần rồi bỏ ngang, còn những nhà thơ có được một số bài thơ tương đối đạt tiêu chuẩn lại không thể đi xa hơn, mau chóng rơi vào bế tắc. Mỗi thể loại thơ có cách làm khác nhau như tiền định, một tiêu chuẩn mà người làm thơ cần tuân theo, nếu muốn có thơ hay. Cách làm thơ qua việc đọc lênnhớ  lại, như sự trở lại của thơ truyền khẩu xa xưa, thời chưa có chữ in, quả là một điều thú vị. Sự ghi lại trên giấy khi bài thơ hoàn tất, chẳng khác nào quay trở lại một truyền thống mới là chữ in trong thời đại mà chữ in đang dần dần bị lãng quên, có lẽ là điều mà nhà thơ Frederick Turner gọi là “Truyền thống mới cái đẹp xưa” chăng? Thơ tự do làm khó người đọc, thơ Tân hình thức Việt, ngược lại, làm khó người làm thơ. Đó là cách làm cho thơ có nghệ thuật, để lôi cuốn người đọc.

Cách đọc một bài thơ Tân hình thức Việt

Đa số những bài thơ Tân hình thức Việt, làm theo cách, viết với những dấu chấm phẩy rõ ràng, phân biệt các ý tưởng liền lạc từng câu. Sau đó bỏ tất cả các dấu chấm phẩy đi, tiến trình giải trừ. Ý tưởng bài thơ bây giờ không còn rõ ràng, bị phủ lấp bởi tốc độ đọc. Nếu bây giờ muốn hồi phục lại ý tưởng của thơ, chúng ta phải hồi phục lại những dấu chấm phẩy. Tiến trình hồi phục này cũng là tiến trình tìm lại ý nghĩa bài thơ. Đây cũng  chính là điều, “Nhìn bài thơ, hình thức giống như một bài thơ, nhưng khi đọc, lại thấy giống văn xuôi, đọc xong thì lại thấy đó là thơ chứ không phải văn xuôi.”

Đọc (hay trình diễn) một bài thơ Tân hình thức Việt phải theo một số điều kiện.

1/ Khi chọn bài thơ để đọc, phải quan tâm tới người nghe. Người nghe hiểu và cảm nhận bài thơ một cách sống động, qua thính giác chứ không qua hình thức trên trang giấy. Cần tìm hiểu kỹ nội dung, ai là người phát ngôn chính, nhà thơ hay ai khác, từ đó, tìm ra giọng điệu và tính cách của nhân vật, để diễn đạt bài thơ chính xác.

2/ Đọc trên trang giấy, chúng ta thường đọc bằng mắt và đọc thầm trong đầu, người đọc và người nghe là một. Nhưng khi bài thơ bước ra khỏi trang giấy, đọc trước công chúng, vị trí người đọc và người nghe tách rời nhau. Người đọc bây giờ là tác nhân làm bài thơ sống dậy, và bài thơ có đạt hiệu quả nơi người nghe hay không, tùy thuộc khả năng biểu đạt của người đọc. Người nghe bây giờ là người thưởng ngoạn và phán đoán. Người nghe cảm nhận bài thơ, trực tiếp qua người đọc, không thấy và cũng không quan tâm tới những thể thơ, tự do hay vần điệu (5, 7, 8 chữ hay lục bát), tốc độ nhanh hay chậm, cùng những yếu tố thơ, có vần hay không vần, vắt dòng hay ngừng lại ở cuối dòng. Những yếu tố thị giác trên trang giấy không còn tác dụng, và người nghe tiếp nhận thơ, duy nhất qua nhịp điệu âm thanh của ngôn ngữ. Người đọc chỉ còn cách bám vứu vào các dấu chấm phẩy trong bài thơ, hay nói khác, trên cú pháp văn phạm, để truyền tải hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc tới người nghe. Một bài thơ Tân hình thức Việt, khi đăng trên trang giấy, chúng ta bỏ các dấu chấm phẩy, khi đọc lên, phải hồi phục lại, để tìm ra chỗ ngừng nghỉ, lâu hay mau, trong bài thơ. Dấu chấm, ngừng lâu hơn, các dấu phẩy, ngừng ít hơn, để bảo đảm ý nghĩa của bài thơ được liên tục. Đọc, giống như đọc văn xuôi, nhưng chậm hơn.

3/ Đọc rõ chữ, mục đích để người nghe dễ theo dõi tình tiết, ý tưởng, và hiểu rõ bài thơ. Đọc chậm cũng có công dụng nhấn mạnh tới các chữ và nhóm chữ lập lại, làm nổi bật nhịp điệu bài thơ. Nhưng đọc chậm, đọc rõ, không có nghĩa là đọc với một giọng đều đều, mà phải ăn nhịp với sự diễn đạt bằng cử chỉ và nét mặt. Hãy tưởng tượng khi hát, chúng ta không hát cùng một âm vực, mà cần phải tìm ra chữ nào hay câu nói nào phải đọc mạnh hay nhẹ, để chuyên chở cảm xúc, và cuốn hút được người nghe.

4/ Đọc thoải mái theo giọng điệu thông thường. Bài thơ được viết theo phong cách tự nhiên và cách nói thông thường, thì nên đọc theo cách như vậy. Hãy để cho những chữ hay cách nói trong bài thơ làm việc. Đọc một bài thơ Tân hình thức, như là đang trò chuyện, và người nghe cảm thấy thân mật như đang nghe và xem một đoạn phim sống. Vì vậy, đọc một bài thơ Tân hình thức không dễ chút nào. Trước khi đọc, phải tập luyện thuần thục, nhiều lần, cũng giống như tập một bài hát, hay tập một vai kịch, sao cho sống động và tự nhiên. Đọc một bài thơ Tân hình thức là một nghệ thuật đặc biệt khó, đòi hỏi sự kết hợp toàn bộ thể xác, tâm trí và trái tim. Những nguyên tắc đọc thì không nhiều, nhưng kinh nghiệm đọc thì lại vô cùng, đòi hỏi phải luyện tập lâu dài.

Phong cách thơ Tân hình thức Việt

Thơ Tân hình thức Mỹ, đơn giản, là phong trào của những nhà thơ trẻ, vào cuối thập niên 1980s phản ứng lại thơ Ngôn ngữ, trở về với thơ thể luật. “Tân hình thức” là một thuật ngữ mỉa mai do những người chống đối gán cho phong trào, ngụ ý, chẳng có gì mới cả, toàn những thể thơ cũ. Thật ra, những nhà thơ Tân hình thức Mỹ mang ngôn ngữ đời thường áp dụng vào thơ, làm sống lại nhu cầu sáng tác theo các thể thơ truyền thống, sau một thế kỷ ưu thế của thơ tự do, vừa khó hiểu vừa làm mất đọc giả ngoài giới hàn lâm. Những nhà thơ sáng tác theo thể luật sau đó, không ai sử dụng lại thuật ngữ này, và chỉ dùng để nhắc tới một khúc quanh chuyển đổi của thơ Mỹ. Trong khi, thơ Tân hình thức Việt lại hoàn toàn khác. Thơ Tân hình thức Việt cóp nhặt (pastiche) những yếu tố thơ, làm thành một thể lai (hybridity), nối kết quá khứ và hiện tại, giữa nền văn hóa này và nền văn hóa khác, theo quan điểm tân triết trung của kiến trúc hậu hiện đại thập niên 1990s. Cần ghi nhận, kiến trúc là ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại Mỹ, vào những thập niên 1980s, nối kết quá khứ và hiện tại theo quan điểm diễu nhại (parody) truyền thống, nhưng sau thập niên 1990s, đã thay đổi, không còn diễu nhại nữa, mà theo Charles Jencks, “cái đẹp trở lại”, với những thiết kế tân cổ điển, hài hòa giữa cái đẹp truyền thống và tiện nghi của đời sống hiện đại. Như vậy, thơ Tân hình thức Việt, tham khảo (reference) rất nhiều nguồn khác nhau, để tạo nên một thể thơ ổn định, khởi đầu từ mùa Xuân năm 2000, cũng như kiến trúc, thoát thai, nhưng sau đó, vượt khỏi những vướng mắc nội dung của chủ nghĩa hậu hiện đại thập niên 1980s. Và trải qua 15 năm thực hành, thơ Tân hình thức Việt đã có được những tác phẩm giá trị, song hành với thơ vần điệu và tự do. Bây giờ, khi nhắc tới thơ Tân hình thức Việt, chúng ta chỉ cần biết, đó là một thể thơ là đủ. Một yếu tố quan trọng nữa, với kết cấu một thể thơ, mà khi chuyển dịch qua một ngôn ngữ khác, vẫn giữ được nhịp điệu, để đọc như một bài thơ sáng tác, thơ Tân hình thức Việt, dự phóng cho một thể thơ trong thời đại toàn cầu hóa. Và những tập thơ Tân hình thức Việt dịch qua tiếng Anh Việt, đã được những nhà thơ và người đọc Mỹ đọc như là thơ sáng tác của họ. (Theo thống kê năm 2015, tiếng Anh càng ngày càng thông dụng, với sự phát triển của phim ảnh, TV và internet, ước lượng có khoảng trên 1 tỷ 500 triệu người sử dụng.)

Quay về thơ hậu hiện đại Mỹ, ký hiệu ngôn ngữ và hủy cấu trúc đập vỡ lâu đài thơ (và văn học) hiện đại ra từng mảnh vụn. Lý thuyết nuốt chửng tất cả: thơ chìm ngập trong phân tích và ngữ nghĩa, chữ với chữ. Hoặc là thơ chủ đề với tự truyện cá nhân, tình dục, tâm lý sâu thẳm, chỉ đưa tới sự bất an và căng thẳng cho người đọc. Sau một thế kỷ, thơ tự do Mỹ đi vào ngõ cụt, vì không có người đọc, những nhà phê bình và nhà thơ đặt ra câu hỏi, liệu thơ có ích gì? Nhà thơ W. H. Auden, “Thơ không làm điều gì xảy ra.” vì thơ là những niềm vui (hay điều gì đó), chỉ xảy ra trong tâm trí. Nhà vật lý và toán học Ái Nhĩ Lan, Sir William Rowan Hamilton (1805 –1865) khám phá ra hệ thống con số bộ tứ (quaternion), mở rộng tới những con số phức tạp, cho rằng: “Bộ tứ được sinh ra từ bộ tứ mẹ: hình học, số học, siêu hình học và thơ.” [Quaternion là khái niện toán học để định vị trí, thay vì dùng 3 tọa độ (định nghĩa bởi Leonhard Euler để định hướng một đối tượng trong không gian Euclide ba chiều), thì người ta dùng một vector và một góc quay quanh chính vector đó.] Như vậy, thơ là một phần quan yếu trong đời sống văn minh nhân loại, cần thiết để cân bằng với những tiến bộ khoa học. Chẳng thế mà những quốc gia có nhiều phát minh về công nghệ tiên tiến như Anh Mỹ, cũng đồng thời phát triển mạnh về thơ. Trong khoa học, người ta nói điều gì mà chưa ai biết, qua chữ. Nhưng trong thơ người ta nói điều gì mọi người đều biết, nhưng chưa ai hiểu thấu. Nhiều nhà thơ quan tâm tới sự thực (truth) trong thơ, vì những gì chúng ta thấy tận mắt, không chứa đựng sự thật. Theo Nietzsche, sự thực hay thực tại, tất cả đều là viễn cảnh bề ngoài, nguồn gốc nằm ở bên trong chúng ta. Ông đưa ra hình ảnh, thế giới được tạo thành từ những mảnh vỡ, cái này hoàn toàn khác cái kia. Như mỗi chiếc lá khác với tất cả chiếc lá khác, nhưng khái niệm “lá” thì chiếc nào cũng giống nhau. Khái niệm “lá” là thực tại giả mạo của những chiếc lá. Thực tại mỗi chiếc lá nằm bên trong chính nó. Mark Sharlow, triết gia và nhà khoa học, giải thích rõ hơn, “khi chúng ta bắt gặp một cây táo nở hoa vào mùa Xuân, cây táo cụ thể là một sự kiện khách quan (objective fact). Nhưng khi chúng ta nhìn ngắm lá và hoa, nghe tiếng gió xào xạc trong cành cây, cảm xúc và ý tưởng hiện ra trong tâm trí – tất cả những thứ đó, là sự kiện chủ quan (subjective fact). Sự kiện chủ quan là kinh nghiệm ý thức về một sự việc, một biến cố của một người quan sát đặc biệt, trong một khoảnh khắc đặc biệt. Ấn tượng khơi gợi khi nhìn ngắm cây táo nở hoa, qua sự kiện chủ quan, cũng được gọi là sự kiện khách quan. Sự kiện chủ quan trở thành khách quan, có nghĩa là sự kiện chủ quan cũng thuộc về thế giới hiện thực.” Thơ giúp tâm trí nắm bắt bản chất đích thực của sự vật, và kinh nghiệm thơ giúp chúng ta tiếp xúc sâu xa với thực tại.

[Một gợi ý, trước kia, trường phái Ấn tượng, mở đầu hội họa hiện đại, thay cách vẽ ba chiều của hiện thực, bằng cách vẽ trên mặt phẳng hai chiều (dài và rộng), nhưng bây giờ, trong thời đại internet, cùng một lúc, chúng ta sống cả trong thế giới phẳng, và thế giới ba chiều của thực tại. Những khái niệm về truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại, áng chừng đã đi vào quá khứ, và thơ tự nó đang định nghĩa lại, không ai có thể tiên đoán. Khi internet, website, blogs cá nhân, mạng xã hội như facebook, twitter … xuất hiện và thông dụng, số nhà thơ tăng lên theo cấp số nhân, điều này có ý nghĩa gì? Vai trò của nhà thơ và người đọc luân phiên nhau thay đổi, khi là nhà thơ, khi là người đọc, và một yếu tố mới xuất hiện, có tác dụng định giá thơ: những người đọc không phải là nhà thơ. Tính đa dạng được chấp nhận, không có sự phân biệt giữa thiểu số và đa số, nghiệp dư và chuyên nghiệp, trong luồng và ngoài luồng, và mỗi dòng thơ đều có giá trị riêng. Bởi lẽ, chính chúng ta cũng vừa ảo vừa thực, trong một thế giới mà, mọi thứ vẫn y nguyên như cũ.]

Có thể giải thích thêm, toán học thuộc về nhận thức (cognition), còn thơ thuộc khu vực cảm giác (sensorium) trong não bộ. Theo nhà thơ Meena Alexander, thơ ràng buộc với ký ức, lấy năng lượng từ cảm xúc mạnh qua giác quan, nó cũng ràng buộc với nơi chốn, xác định vị trí chính mình, đánh dấu trong mối quan hệ với những người khác; nó ở nơi chúng ta tồn tại. Nhà thơ Lãng mạn Anh, Percy Shelley (1792 –1822), trong cuốn A Defence of Poetry (1821), cho rằng, “Thơ tạo ra sự hiện hữu bên trong sự hiện hữu của chúng ta. Nó làm cho chúng ta là cư dân của một thế giới khác với thế giới quen thuộc hỗn loạn chúng ta đang sống. Nó tái tạo vũ trụ phổ biến trong đó chúng ta là những phần và những người cảm nhận, nó thanh lọc những bộ phim quen thuộc khỏi tầm mắt bên trong, che lấp sự hiện hữu kỳ diệu của chúng ta.” Cái thế giới trái ngược, sự hiện hữu bên trong sự hiện hữu, thơ gợi lên là gì? Chắc chắn có một sự thật tuyệt vời nào đó được chôn dấu ở đây, một sự hiện hữu ngây ngất làm chúng ta cảm giác rằng sự hợp lý đơn thuần không thể làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 thay đổi nhận thức chúng ta về mối giao tiếp giữa con người với nhau, một chủ nghĩa bao trùm các chủ nghĩa trong văn học, chủ nghĩa khủng bố nổi lên, đưa nhân loại đối mặt với cái ác kinh hoàng. Ở New York, sau ngày khủng bố, người ta tổ chức những buổi đọc thơ và hòa nhạc, trên radio, ở công viên Union square, và các nơi công cộng khác. Điều này cho thấy thơ và âm nhạc, cần thiết để làm dịu tâm hồn, vượt qua nỗi sợ hãi, giúp chúng ta hòa giải, đo lường sự nhạy cảm và lòng khoan dung với thế giới chung quanh. Nếu thơ hiện đại và hậu hiện đại tạo sân chơi cho chính nhà thơ, thì thơ Tân hình thức Việt, ở vào một thực tại khác, một thế kỷ khác, quay một bước ngoặt, chia sẻ với cái đau của đồng loại, mang lại niềm vui và sự cảm thông với mọi con người, và với người đọc.

Thơ Tân hình thức Việt, một nguồn thơ mở (Open Source Poetry): Những chức năng chưa hiện thực

Từ khởi đầu, thơ Tân hình thức Việt đã là một thể lai, vì vậy nó có khả năng nối kết ngôn ngữ (qua dịch thuật) và xa hơn, mở ra và tiếp nhận cách làm thơ của tất cả những phong trào thơ khác nhau, trong quá khứ cũng như tương lai. Nhà thơ Dana Gioia, trong bài tiểu luận, “Disappearing Ink: Poetry at the End of Print Culture” (Sự biến mất của mực in: Thơ ở giai đoạn cuối cùng của văn hóa in ấn), cho rằng, theo thống kê năm 2003, một người Mỹ trung bình dành mỗi ngày 24 phút để đọc sách báo, tạp chí … (năm 2015 chỉ còn 19 phút), 4 giờ coi TV (năm 2015 là 5 giờ) và hơn 3 giờ nghe radio. Trẻ em dành 5 giờ 48 phút mỗi ngày cho các phương tiện truyền thông điện tử (electronic media), trong khi chỉ có 44 phút cho sách in, bao gồm việc làm bài tập ở nhà. Mặc dù sách báo chưa biến mất nhưng văn hóa in ấn đang dần dần chuyển qua văn hóa nghe nhìn (audio-visual culture). Vậy thì, vị trí thơ sẽ ở đâu trong một xã hội ít còn quan tâm tới sách báo, văn hóa nghiêm túc, kiến thức quá khứ, và niềm tin vào thơ? Những phong trào thơ Mỹ trong vòng hơn 20 năm qua, phần lớn hạn chế trong nhóm văn hóa hàn lâm, được sáng tác trong thời đại không có mạng xã hội, website, intenet, vì thế không còn hiện hữu như những phương tiện chính yếu của thơ. Theo Dana Gioia, thơ đại chúng mới (new popular poetry) bao gồm: thơ Lời nói, Thơ Slam, thơ Tân hình thức, thơ Cao bồi, thơ Rap, hợp thành một loại thơ trình diễn đang nổi lên như những phong trào tiền phong trong thế kỷ 21. Chừng như, thơ đang trở về thời đại chưa có chữ viết, và có thể nào những người kể chuyện chuyên nghiệp bằng thơ thời cổ đại, vĩ đại như Homer, cũng sẽ tái xuất hiện. Hay như những người hát rong thời trung cổ ở Âu châu, vào những thế kỷ 11 – 12, trình diễn những bài hát trữ tình kể một câu chuyện xảy ra ở một nơi chốn xa xôi, hoặc những biến cố lịch sử tưởng tượng, do chính họ sáng tác. Tiểu thuyết, không có người đọc, không còn cách nào khác, đành trả lại yếu tố truyện kể cho thơ, và nhà văn quay sang viết kịch bản, phục vụ cho phim ảnh truyền hình.

Thơ trình diễn là một loại thơ kết hợp cách đọc thơ với sự diễn đạt bằng cử chỉ và nét mặt. Như vậy, bài thơ không những phải có nội dung lôi cuốn mà nhà thơ cần luyện tập khả năng diễn xuất sao cho sống động và hấp dẫn khán thính giả. Trong khi trình diễn, chỉ chú trọng tới thơ, nên tuyệt đối không có sự phụ trợ của nhạc cụ âm nhạc, phông cảnh sân khấu, để tránh sự phân tâm.

“Thơ Lời nói (Spoken word poetry), viết chỉ để trình diễn qua phương tiện của máy ghi âm và video, chứ không có mục đích in. Cách sáng tác hoàn toàn khác hẳn với những loại thơ vần điệu hay tự do xuất bản thành sách. Như vậy, không phải loại thơ nào cũng có thể trình diễn. Một bài thơ trình diễn phải kể một câu truyện (hay tính truyện), bằng ngôn ngữ cụ thể đời thường, với kỹ thuật lập lại chữ hoặc nhóm chữ để tạo nhịp điệu, sau đó, trình diễn trước đám đông, qua microphone (còn được gọi là Open Mic Readings). Thơ Lời nói là cây cầu bác giữa truyện kể và thơ. So sánh với cách làm một bài thơ Tân hình thức Việt – ngôn ngữ đời thường, tính truyện, vắt dòng và kỹ thuật lập lại – chúng ta thấy giữa thơ Lời nói và thơ Tân hình thức Việt có cách sáng tác giống hệt như nhau. Vắt dòng là kỹ thuật của thơ in ấn, trong thơ trình diễn, là cách đọc liên tục từ dòng này qua dòng khác. Thơ Slam cũng là một loại thơ Lời nói, chỉ khác, thơ Slam là loại thơ tranh giải (có những luật lệ tranh giải rõ ràng), đã lan ra khắp các nước châu Âu và cả Úc châu, chủ yếu gây ấn tượng với những câu truyện thiên về bạo lực, và nhiều kịch tính, chủ đề thường là tự tử, cần sa ma túy, lạm dụng trẻ em, tính dục … Còn thơ Lời nói, chủ đề là những vấn đề thông thường trong đời sống, cũng giống như thơ Tân hình thức Việt.” – Đọc (Hay Trình Diễn ) Một Bài Thơ Tân Hình Thức Việt, Khế Iêm.

Thơ Rap là một thể thơ vần điệu, làm theo thể ballard (hát), để kể một câu truyện. Mỗi đoạn thơ thường dùng 4 âm nhấn ở dòng 1 và 2, và 3 âm nhấn ở dòng 2 và 4; và dòng thơ càng nhiều âm không nhấn, tốc độ đọc càng nhanh. Trong Rap, cũng như Jazz, diễn giả thường nuốt bớt âm giữa của từ, linh hoạt nhịp điệu để tránh sự đơn điệu, và khi trình diễn, nhấn mạnh vào nhịp đập (beat). Nói chung, trong một bản nhạc Rap, nếu bỏ phần nhạc, chỉ trình diễn phần lời, đó là thơ Rap. Thơ Cao bồi (cowboy poetry) cũng là loại thơ vần điệu, theo thể ballard, được viết bởi những nhà thơ thừa hưởng văn hóa chăn nuôi ở miền viễn Tây, Bắc Mỹ. Còn thơ Tân hình thức Mỹ là loại thơ thể luật, in ấn, với ngôn ngữ đời thường và tính truyện, dễ kết hợp với trình diễn.

Khác với thơ Lời nói, hai loại thơ Rap và thơ Cao bồi được viết xuống, in thành tuyển tập (kèm theo video), nhưng chủ yếu vẫn là để trình diễn. Sự liên hệ giữa thơ Tân hình thức Việt và thơ trình diễn như thế nào, xin tham khảo một số bài viết:

– Spoken Word / Slam Poems (Ngôn Từ Nói / Những Bài Thơ Slam) của Lisa Martinovis

– Đọc (Hay Trình Diễn ) Một Bài Thơ Tân Hình Thức Việt, Khế Iêm

– Đọc / Diễn Thơ Tân Hình thức, Biển Bắc

Nếu đặt cạnh những phong trào tiền phong thơ Mỹ, nửa sau của thế kỷ 20 và bây giờ, thơ Tân hình thức Việt độc đáo không kém, và trong nhiều khía cạnh, uyển chuyển và dễ thích hợp với mọi biến chuyển của thời đại hơn cả. Bởi vì thơ Tân hình thức Việt có khả năng thu nạp các yếu tố và cách làm thơ của các trường phái thơ và thể loại thơ khác, để cập nhật và thay đổi. Thơ thật sự phản ánh hai mặt của nền văn minh kỹ thuật số, vừa trở về đời sống thô nhám của hiện thực (thơ trình diễn), vừa bồng bềnh trên mạng lưới ảo (thơ internet). Nhưng tại sao một thể loại thơ, có nền tảng căn bản, đi sát được với thời đại mới, suốt từ năm đầu thiên niên kỷ cho tới nay, mà hai dự án lớn của thơ Tân hình thức Việt, thơ trình diễn và nhóm sáng tác, vẫn chỉ dừng lại ở phần lý thuyết? Có lẽ, thơ Tân hình thức Việt thiếu nguồn tài trợ, nhân lực và môi trường hoạt động chăng?

Kết luận

Chúng ta đã đi qua một chặng đường rất dài, vì đó là những chặng đường liên quan tới việc hình thành thể thơ Tân hình thức Việt. Và để kết luận, chúng tôi xin trích lại từ một bài viết, “… Chúng ta trôi nổi trên bề mặt, và không còn quan tâm tới những thể loại nghệ thuật nào không thể hiện được phong cách thời đại của chính nó. Internet thay đổi nếp sinh hoạt và đẩy chúng ta vào một thế giới phẳng:  mỗi cá nhân vừa hiện diện, vừa không hiện diện, mập mờ giữa ảo và thực. Mạng xã hội nối kết và hoà tan con người thành những hiện thân (avatar) vô danh. Vì thế, sáng tác đơn lẻ của một cá nhân cần kết hợp với những sáng tác tập thể để đáp ứng với tầm vóc của thời đại. Mỗi nhà thơ đều bình đẳng, và khi sáng tác tập thể, tài năng cá nhân được nâng cao, chúng ta sẽ có những tác phẩm vượt trội, thay thế những tên tuổi vượt trội của những thế kỷ trước.” Hướng tới tác phẩm của nhóm sáng tác, nhà bình luận thơ Mỹ, Angela Saunders, phát biểu, “Hiện thời, thế giới đang chín muồi cho một kỉ nguyên mới về thi pháp. Đây là thời gian duy nhất trong lịch sử khi có sự tiếp cận tức khắc với những nguồn năng và những tâm trí ở mãi tận phía bên kia của hành tinh trái đất, khi các nhà thơ ở mỗi châu lục có thể gặp gỡ trong thế giới ảo để so sánh, thăm dò, và khuếch trương nhau. Các nhà thơ có sự tiếp cận với những văn bản cổ đại xưa cũ, thơ từ những kỉ nguyên lâu dài trong quá khứ và với những hình thức không quen thuộc từ những nền văn hoá khác trên mạng trời vi tính (internet). Với những nguồn năng kì ảo đến thế, sẵn sàng, tự nhiên sẽ nảy sinh các nhà thơ thế giới từ ngày mai để tìm kiếm ra những ai nhìn thế giới qua những trường phái tư tưởng tương tự. Chính là qua phương tiện này đã có một sự kết nối phương Đông với phương Tây để mang lại một phong trào đang mọc lên được biết là thơ Tân hình thức Việt.”

Giao thừa Tết  Bính Thân 2016

 

Tham khảo

– A Primer on Postmodernism by Stanley J. Grenz, Wm. B. Eerdmans Publishing Co.

– The Poet’s Hand Book by Judson Jerome, Writer’s Digest Books.

– Missing Measures by Timothy Steele, The University of Arkansa Press.

– Handbook of Poetic Forms, The Teachers & Writers, Edited by Ron Padgett, Teachers & Writers Collaborative, New York.

– Poetry’s Secret Truth by Dr. Mark F. Sharlow.

– Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, NXB Văn Học.

– Hướng Tới Tác Phẩm Của Nhóm Sáng Tác, Khế Iêm.

– Đọc (Hay Trình Diễn) Một Bài Thơ Tân Hình Thức Việt.

– Đọc / Diễn Thơ Tân Hình Thức, Biển Bắc.

– Ngôn Từ Nói / Thơ Slam, Lisa Martinovic, Khế Iêm giới thiệu.

– Phụ Bản Báo Giấy số tháng 10-2015.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.