Dana Gioia

Cách đây hai mươi năm, tôi bắt đầu cao học. Tôi là con của một người thuộc giai cấp công nhân gốc gác L.A. – lai nửa Ý nửa Mễ. Vào cao học môn Văn học Đối chiếu trường Harvard, tôi để ý kỹ đến văn học chung quanh, với tinh thần của một nhà nhân chủng, quan sát nghi lễ của một bộ lạc mới vừa khám phá. Tôi muốn hiểu thế giới văn chương hoạt động ra làm sao, nhất là những giả thuyết về thơ đương thời. Thế giới thơ đã được định nghĩa rõ rệt vào thời ấy, nhưng trong vòng hai mươi năm qua nó đã thay đổi ở vài phương hướng quan trọng, đôi khi rất kinh ngạc, mà đến nay vẫn chưa được hiểu thấu. Tối nay, với khoảng một tá nhận xét, tôi muốn trình với các bạn, bản tóm lược về tình trạng thơ Mỹ hiện nay. Điểm chung của những khuynh hướng khác nhau, là chúng đại diện cho những thay đổi có ý nghĩa trong văn học mà cách đây hai mươi năm, hoặc không thể tưởng tượng nổi, hoặc chúng có vẻ phụ thuộc bên lề, không tạo được ảnh hưởng. Tôi không chú tâm đến việc thẩm định những khuynh hướng này – chỉ nhận xét và tìm hiểu mà thôi.

Nhận xét đầu tiên, theo tôi, phương tiện chủ yếu trong việc xuất bản thơ mới Mỹ bây giờ là bằng lời nói. Trong khi sách vở và các tạp chí định kỳ tiếp tục xuất hiện và chú trọng về việc giữ gìn thanh danh văn học, chúng không còn hưởng độc quyền mổ xẻ thơ, nhất là thơ mới. Đối với hầu hết các nhà thơ Mỹ còn sống, những buổi đọc thơ, (trực tiếp hay qua radio, truyền hình, tivi, thu thanh), đang tạo nên một phương thức chính, tiếp cận độc giả. Trường hợp này áp dụng với các nhà thơ hàn lâm lớn tuổi như John Hollander hay Daniel Hoffman y hệt như với các nhà thơ trẻ đủ mọi trường phái.

Trở lại với các buổi trình diễn thơ, sự kiện này cho ta thấy có sự thay đổi lớn trong nền văn hóa in ấn. Mãi cho đến những lúc gần đây, phần lớn các nhà thơ đều không tổ chức đọc thơ cho đến khi tác phẩm đã được in ra, thành thử những buổi đọc thơ trước công chúng đều ít ỏi. Robinson Jeffers, một trong vài nhà thơ lớn của Mỹ ở thế kỷ hai mươi, và là người thật sự sinh sống nhờ thơ, đã 54 tuổi khi ông tổ chức buổi đọc thơ đầu tiên của mình; Wallace Stevens gần 60 mới có được một buổi. Nếu bạn nghe những bản thu thanh của họ, sẽ nhận ra ngay là cả hai đều không thoải mái khi lớn giọng đọc thơ của mình. Sự thay đổi từ in ấn qua nền văn hóa thính thị, điện tử đã tạo nên một chấn động lớn. Ngày nay, số người tham dự các buổi đọc thơ trực tiếp nhiều hơn số người đọc trên bản in.

Sự thay đổi từ xuất bản in ra diễn đọc, dẫn đến nhận xét thứ hai của tôi: đang có sự tái xuất khổng lồ của khẩu thơ bình dân, nhiều nhất là giữa những nhóm đã bị loại ra ngoài nền văn học chủ lưu, khoa bảng. Những trường phái mới của thơ bình dân gồm có rap, thơ cao bồi (cowboy poetry), thơ slams, tổng cộng số độc giả có thể lên đến hàng triệu. Không ai có thể tiên đoán được sự phát triển này cách đây hai mươi năm về trước. Lúc đó, điều chúng ta nhìn thấy là sự tăng trưởng trí thức và hàn lâm hóa thơ. Nhưng, lịch sử thường hoạt động một cách biện chứng, và có khuynh hướng đối nghịch. Cách đây hai mươi năm, cũng không có ai tiên đoán được phần lớn loại thơ diễn đọc này trở thành chính đáng – lúc mà những kỹ thuật xuất chúng của vần luật còn bị hoài nghi và ngộ nhận. Rap thường được cấu thành dòng 4-nhấn (từa tựa thơ Anglo-Saxon mà không có điệp vận) và thường là vần đôi. Thơ cao bồi chính yếu được viết với thể luật vần nhấn có liên quan với loại thơ truyện Anh. Điều thú vị là trong lúc thơ của họ trở nên chính thức, cả hai trường phái đều không dùng thể luật âm tiết nhấn là thứ mà chúng ta cho là liên quan với thơ hàn lâm.

Sự quan trọng của sự diễn đọc dẫn đến một phát triển khác. Nhận xét thứ ba của tôi là hình thức nghệ thuật lai mới xuất hiện, tuy liên quan đến thơ nhưng đồng thời cũng có gốc gác từ kịch thử nghiệm. Dĩ nhiên là tôi đang nói về diễn đọc thơ. Vì chủ yếu vai trò xã hội của nhà thơ đã thay đổi từ người tạo ra bản văn biến thành người tạo ra sự diễn đọc, có thể đoán được, sự thay đổi này ảnh hưởng đến chính nghệ thuật thơ. Diễn đọc thơ biểu trưng cho sự hòa trộn một vài kỹ thuật thơ nào đó với hình thức kịch nghệ – có khi là sân khấu sống thực, có khi là phim ảnh hay sân khấu video. Thơ truyền thống, ngay cả diễn đọc thơ như dân ca anh hùng, chú trọng ở nơi cấu tạo bản văn – thực hành, nếu không muốn nói là cố tình – để có thể ghi chép lại và truyền đi mà không cần sự có mặt thể chất của tác giả. Ngay cả khi bản viết bị thay đổi chút ít khi diễn đọc, phần nào ứng khẩu, nó vẫn giữ nguyên lý lịch chinh của nó. Thơ diễn đọc thì khác. Nó không chú tâm tới bản văn đọc; mà nhận biết và khai thác sự hiện diện thể chất của tác giả, khán thính giả, và khoảng không gian diễn xuất. Nói một cách khác, nó nhận biết môi giới mới để hoạt động. Có một lầm lẫn rất lớn trong phê bình thơ đương thời xuất phát từ sự kiện, nhà phê bình không thể phân biệt được hai thể loại nghệ thuật văn hóa này. Dù thơ và diễn đọc thơ có quan hệ rắc rối với nhau, trên căn bản, chúng theo hai thẩm mỹ khác nhau.

Nhận xét thứ tư tôi muốn đưa ra là văn hóa đại chúng hiện nay đã có nhiều, hay hơn thế nữa, ảnh hưởng trên những nhà thơ trẻ, hơn văn hóa cao. Văn hóa Mỹ đang có một kẽ nứt rất lớn giữa những thứ đã được gọi là văn hóa “cao” và “thấp”. Trong khi phần lớn các nhà thơ trẻ tiếp tục ngưỡng mộ văn chương của thời quá khứ, họ lại thiếu phần lớn nền tảng truyền thống trong văn chương và lịch sử mà thế hệ trước coi là chuyện đương nhiên có được. Điều mà nhà thơ trẻ hiểu biết rõ nhất là văn hóa đại chúng đương thời, và họ nhận ra rằng chỉ có văn hóa đại chúng mới là cái nền chung để chia sẻ với công chúng. Dường như có một điểm chung là hầu hết mọi trường phái các nhà thơ trẻ đều cố gắng sử dụng những hình thức và chủ đề của nghệ thuật đạichúng (popular art). Chủ nghĩa Tân hình thức chẳng hạn, thỉnh thoảng bị mô tả một cách sai lạc là một phong trào văn chương hàn lâm, thật sự ra là một mảnh nhỏ của rap và thơ cao bồi trong nhận thức về đặc tính nghe của thơ. Tham vọng của nó là tạo nên cây cầu nối liền văn hóa cao và thấp.

Điểm thứ năm, là vẫn còn một số độc giả khổng lồ cho thơ ở Mỹ, cũ và mới, nhưng bây giờ lại phân mảnh hầu như không có một nền tảng chung nào. Dòng chính có tồn tại trong thơ Mỹ, ít ra, giữa các nhà thơ dưới sáu mươi tuổi. Thay vào đấy, thơ mới Mỹ được phân chia bởi vùng, thẩm mỹ, hệ tư tưởng, phái tính, chủng tộc và thể loại. Nhóm văn hóa hàn lâm của thơ được đại diện bởi một số nhỏ, nhưng sự có mặt của nó rõ nét trong số độc giả rộng lớn, đa dạng và cốt lõi. Những nhà thơ này được đọc và bàn luận ở khu lower Manhattan nhưng không giống với những nhà thơ được đề cao ở Palo Alto và Seattle, hoặc bàn cãi ở San Antonio và Charlotte. Nếu ở Mỹ có nửa triệu độc giả thơ thường xuyên (và tôi chỉ có thể đoán được đó là con số nhỏ nhất), dường như không có đến hai người đọc cùng một tập thơ.

Tại sao không còn dòng chính? Sự tàn rụi của dòng chính, ít nhất một phần do ở chỗ nó không có khả năng giữ một chỗ có ý nghĩa trong đàm luận công chúng. Điều này dẫn dắt đến nhận xét thứ sáu của tôi – những tường trình báo chí toàn quốc về thơ không còn được duy trì, dù chỉ một chút ít ỏi. Chữ quan trọng ở đây là duy trì. Bạn có thể thấy một bài viết lẻ loi đâu đó về một nhà thơ, thường chẳng ăn nhập gì đến tác phẩm của họ. Thời mà Robinson Jeffers, T.S. Eliot hay Robert Lowell có thể xuất hiện trên bìa tạp chí Time, với những bài viết dài đứng đắn cho độc giả bình thường, đã hết. Cũng vậy, thời mà Edna St. Vincent Millay có thể có một chương trình radio hoặc có khi những bài thơ cũ nổi tiếng được dùng trong những chương trình đủ mọi thể loại trên radio cũng không còn (các chương trình radio này có ở Mỹ cho đến cuối thập niên năm mươi). Ngày nay, nhà thơ lẫn nhà xuất bản, kể cả độc giả lẫn chủ bút đều không thể kỳ vọng thơ có được một chỗ thường xuyên nơi đề mục của truyền thông quốc gia. Kết quả là khoảng cách này đang được lấp dần, đến mực độ nó có thể lấp được, một cách ngẫu nhiên bởi các chương trình địa phương hoặc các chương trình dành cho một số nhỏ khán thính giả nào đó, hẳn nhiên là khác nhau vì vùng, vì tạp chí định kỳ, vì thẩm mỹ. Có nhiều chương trình hơn trước, nhưng chúng lại dành riêng cho từng vùng thay vì tổng hợp lại cho công chúng.

Sự thiếu tường trình này lại trầm trọng hơn bởi một phát triển khác. Nhận xét thứ bảy của tôi là phê bình thơ, cách đây hai mươi năm có nhiều ảnh hưởng, nhưng bây giờ đang dần dần suy thoái. Trong khi phê bình vẫn còn một ưu thế nào đó, hình như càng ngày nó càng xa dần với những phát triển quan trọng trong thơ. Tôi không rõ, việc đứng bên lề của nó là nguyên nhân, hay ảnh hưởng, nhưng tôi sẽ đưa ra ít nhất là bốn chỉ trích không bè phái về tình trạng hiện thời của phê bình. Thứ nhất, chỉ có một số rất ít các nhà phê bình tên tuổi vẫn tiếp tục viết nghiêm chỉnh về thơ mới trong ngôn ngữ công chúng. Thứ hai, có rất ít các báo định kỳ nói chung có những bài phê bình thơ, ngay cả khi định nghĩa về phê bình nằm ở cái nghĩa thoáng nhất của nó, bao gồm những đặc điểm, phỏng vấn, cũng như điểm thơ và tiểu luận. Thứ ba, phê bình hàn lâm hiện nay quá hướng nội đến độ, một cách tổng quát, nó bỏ luôn cả những lưu tâm và ngôn ngữ của văn hóa chung. Phê bình hàn lâm thường nhắm vào một loạt vấn đề cốt yếu, khác với những gì hầu hết nghệ sĩ, công chúng và truyền thông lưu tâm đến. Thành thử cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi nó hoàn toàn không có độc giả ở ngoài giới đại học. Và thứ tư, ưu thế của lý thuyết văn chương đã biến hầu hết các thuyết phê bình hàn lâm mang vẻ giả dối đến nỗi hình như nó trở thành khô khan và không hiểu được, ngay cả đối với lớp độc giả phổ quát cực kỳ thông minh.

Thời mà chúng ta đọc bài các nhà báo viết về thơ đăng thường xuyên trên các báo định kỳ quan trọng đã qua. Ở cuối thập niên bốn mươi, bạn có thể tin chắc, sẽ thấy Robert Fitzerald trên The New Republic, Louise Bogan trên The New Yorker, John Ciardi trên The Saturday Review, và Randall Jarrell trên The Nation. Ngay cả hai mươi năm về trước một số báo bình thường của The New York Times Book Review cũng có một hoặc hai bài viết về thơ hay phê bình thơ. Chúng ta giờ chỉ còn những bản tường trình đứng đắn về thơ đến từ những tờ báo phân lẻ (như The Hudson Review, Poetry Flash, The New Criterion, The Exquisite Corpse, hay Verse), mỗi tờ dành riêng cho một số độc giả nhỏ. Ngay cả American Poetry Review, tờ định kỳ lớn nhất trong nhóm văn hóa thơ cũng có một số in rất nhỏ so với những báo chí thương mại, và dù mang cái tên như thế, nó chỉ có ít bài điểm thơ.

Nhận xét thứ tám của tôi, là thật sự ra không còn nữa một nghệ thuật cao, thiết yếu, tiền phong trong thơ Mỹ. Thuyết hiện đại thì không vãn hồi được, không chối cãi được là đã chết. Nó đã chết, thôi không còn là một chỗ sinh lợi cho các nhà thơ trẻ ít nhất đã hai mươi năm qua, và hiện nay, hầu hết những người thực hành chủ nghĩa nàyđã đi gặp người sáng lập ở bên kia thế giới. Đại học, một cơ quan trang bị tốt để gìn giữ văn hóa cũ hơn là nuôi dưỡng sự cấu tạo nên nghệ thuật mới, đã ướp một cách đẹp đẽ cái xác thuyết Hiện đại – nhưng không có người nào ngồi đợi nó hồi sinh. Nếu có một avant-garde trong thơ Mỹ hiện nay, nó sẽ được tìm ra ở bên ngoài các viện đại học và hầu hết là trong thơ diễn đọc. Nhưng tìm cho ra một avant-garde thực thụ ở bất cứ đâu thì rất gay go. Rap có thể khởi đầu như một phong trào avant-garde, nhưng sự đồng hóa nhanh chóng của nó trong tập đoàn kỹ nghệ giải trí, dần dần biến nó thành một loại thương cuộc – một thứ nhảm nhí như Penthouse hay Hustler, nhưng lại là một mặt hàng tiêu thụ đối với thế lực thị mãi. Nếu bạn không muốn định nghĩa hai phong trào đối nghịch của thập niên tám mươi và chín mươi, Tân hình thức và thơ Ngôn ngữ là avant-garde, thì tôi thấy rằng rất khó để cho bất cứ trường phái thơ mới nào khác là avant-garde – kể cả nghệ thuật trình diễn. Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng khái niệm avant-garde không còn ích lợi trong luận bàn văn chương đương đại. Làm sao có được avant-garde khi không còn dòng chính? Avant-garde de quoi? ta buộc phải thắc mắc. Những cơ quan thiết lập lâu đời – đại học, bảo tàng viện, foundations, phòng tranh thương mại, ngay cả tiểu bang – đã ôm ấp ý tưởng nghệ thuật thử nghiệm quá lâu đến nỗi avant-garde biến thành một khái niệm đã bị thuần hóa, chỉ còn là một phong cách truyền thống mà thôi.

Nhận xét thứ chín của tôi cũng để giải thích sự biến mất của dòng chính trong thơ. Kỹ thuật in ấn và viễn liên mới đã tiêu hủy khả năng dẫn đưa ý kiến của dòng chính. Máy vi tính, word processors, desktop publishing, mạng lưới điện tử, cốp py, thu băng, thu hình và mọi kỹ thuật liên hệ khác đã đem xuất bản vào trong địa hạt của phần lớn các nhà văn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, rất dễ để phổ biến tác phẩm hay tạp chí của mình hơn là để người khác xuất bản. Bạn có thể thấy rõ phương hướng này trong giới xuất bản thiểu số. Các nhóm thiểu số hiện nay đã tạo nên những cơ cấu riêng – tạp chí, báo, đại hội, địa điểm đọc – hơn là để cho những viễn ảnh bất đồng của họ bị đồng hóa vào dòng chính ngày càng khuếch tán và hỗn độn. Như Arte Publico ở Houston chẳng hạn, là nhà xuất bản dẫn đầu của văn chương Latino tại Hoa kỳ. Họ bán cả triệu đô la qua một mạng lưới riêng. Dù các nhà xuất bản trong nghề vẫn tập trung ở New York và Boston, truyền thống văn học ở Hoa kỳ đã hoàn toàn bị phân hóa. Giống như sự nảy nở của các đại học tiểu bang và đại học tư giữa thế kỷ đã đem nhà văn ra khỏi những làng văn bohemia nhỏ, địa phương và phân tán họ khắp Hoa kỳ, truyền thông mới đã hoàn toàn tán nhỏ đời sống vănchương Mỹ. Vì không còn một trung tâm địa lý nào trong đời sống văn học, một nhà phê bình ở New York hay San Francisco hiện nay cũng gặp nhiều phiền toái khi theo dõi những phát triển mới trong thơ y hệt như một độc giả ở Fargo hay Tuscaloosa.

Nhận xét thứ mười của tôi về một phương hướng không ngờ trong thơ Mỹ là sự hồi sinh rộng rãi của hình thức và truyện kể giữa nhiều nhà văn trẻ. Cách đây hai mươi năm không có một nhà phê bình dòng chính nào tiên đoán được phong trào này sẽ trở lại với nhịp, thể luật và truyện kể. (So sánh với sự ló dạng của thơ Ngôn Ngữ thì điều này có thể dễ xảy ra hơn, bỏ qua những khác biệt cấp tiến, vì nó nảy sinh từ cuộc mạo hiểm Hiện đại.) Điều kinh ngạc hơn hết về thứ gọi là Expansive Poetry, phần lớn những người thực hành đều đi làm và viết ngoài giới hàn lâm. Sự trộn lẫn văn hóa cao và văn hóa đại chúng đã đặc tính hóa Tân hình thức và Tân truyện kể (New Narrative), như thế, mỉa mai thay lại là đối nghịch với dòng chính hàn lâm, là thứ đã từ bỏ hình thức và truyện kể. Rất có ý nghĩa, các nhà thơ bất đồng này – như các nhà văn thiểu số – cũng đã thấy dễ dàng để tạo nên những tổ chức song song (tạp chí, báo, đọc, và hội họp) hơn là nhập vào dòng chính.

Đến đây, tôi muốn kết luận bằng hai điểm, nghĩa cổ điển, tin tốt cặp đôi với tin xấu. Điểm thứ mười một của tôi là tin xấu, rằng thị trường công việc hàn lâm cho nhà văn đã tàn lụi trong khi các chương trình khoa bảng chưa bao giờ sản xuất tích cực như vậy trong việc đào tạo nên những người đầy bằng cấp như bây giờ. Không có tháng nào mà không có người loan báo một chương trình cao học mới. Hoa kỳ đang có khoảng 250 chương trình cao học văn khoa. Chúng sẽ đào tạo trên 25,000 MFA mỗi thập niên, trong số đó chỉ có khoảng 10 cho đến 20% là có việc dạy học. Một nhà thơ trẻ chắc chắn là không bao giờ học quá chương trình cao học này, nhưng một MFA thường là không theo nghề làm thơ. Câu hỏi ở đây là những người này về đâu? Họ sẽ làm gì với chính họ?

Tin buồn về việc làm trong giới hàn lâm dẫn tới điểm nhận xét sau cùng, tôi nghĩ, lại là một tin tốt không ngờ được. Trong khoảng thập niên vừa qua, một khuôn nền đã được dựng nên một cách không hay biết cho một làng văn bohemia mới. Đây không phải là một làng văn theo nghĩa cổ điển ở đô thị không đắt tiền nơi mà nghệ sĩ và trí thức tụ tập, như North Beach ở San Francisco, hay Greenwich Village của New York. Những làng văn đó đã dần phai không còn hiện hữunữa cách đây đã ba mươi năm, vì thời giá địa ốc tăng cao và các nhà trí thức nhận ra là dễ sống hơn bằng nghề dạy học.

Tuy nhiên, hiện nay có một số khuynh hướng cho thấy là một làng văn mới đang ló dạng. Trước hết là sự tăng trưởng của những tổ chức không hàn lâm, như Poets House, Poetry Center ở San Francisco, Bảo tàng viện Nicholas Roerich, và Nuyorican Café, đã tạo ra một nơi họp công cộng cho nhà văn – những nơi mà nghệ sĩ và trí thức có thể tụ tập, và cũng là nơi mà nhà văn và độc giả có thể gặp nhau. Tụ tập, bàn luận, và trình diễn mà một làng văn hướng tới là một quan hệ nhân bản. Thứ hai, sự nảy nở của những tiệm sách độc lập và có hệ thống cũng tạo ra những tụ họp địa phương, không hàn lâm và là nơi trình diễn cho nhà văn và trí thức. Có một con số kinh ngạc về những tiệm sách ở Mỹ đã cung cấp một chỗ công cộng cho các nhà thơ nằm ngoài đại học. Những tiệm sách như Cody’s ở Berkeley hay Chapters ở Washington D.C. mang lại một chương trình hay hơn chương trình ở các đại học lớn. Có khi tôi nghĩ, hiện nay rất dễ cho một nhà thơ đi quanh Hoa kỳ và đọc thơ mỗi đêm ở từng tiệm sách. Thứ ba, mạng lưới vi tính, đại hội nhà văn, các nhà xuất bản độc lập và các trung tâm văn học địa phương, đều có tại chỗ hoặc trên dây cáp fiber-optics, phương tiện cho nhà văn gặp gỡ trao đổi ý kiến là những thứ cách đây hai mươi năm hoàn toàn không có. Sự tăng trưởng của các nhà xuất bản vô vụ lợi đứng đắn như Graywolf hay Story Line – không dính dáng với bất cứ đại học nào và nằm ngoài thủ đô in ấn miền Đông Bắc – đã chứng minh là rất quan trọng cho văn hóa Mỹ y hệt như sự nảy sinh của các nhà xuất bản đại học xảy ra cách đây ba mươi năm. Thứ tư, hiện nay lại có cả trăm đài radio và chương trình video cung cấp các chương trình văn học đến khán thính giả địa phượng và toàn quốc. Phần lớn các chương trình này đều buồn tẻ hoặc tầm thường, nhưng cũng có vài chương trình nghiêm trang và lôi cuốn – đặc biệt là những chương trình phổ biến rộng rãi dưới dạng radio thành lập bởi các nhà bình luận như Jack Foley, Terri Gross, Marty Moss-Coane, Tom Vitale, Colin Walters, và Wayne Pond. Radio có thể biến thành một môi giới âm thanh quan trọng cho phê bình văn học trong một nền văn hóa mà lối viết phê bình về thơ đã không đạt đến một số không lớn lắm độc giả ngoài kia. Sau cùng, điều thứ năm và là điều hay hơn hết là con số khổng lồ của nhóm trí thức và nghệ sĩ thất nghiệp sẽ bị đày ải nếu họ có một đời sống vô vị. Họ sẽ tìm cách sáng tác cho chính sự ham thích của mình ngoài vòng kềm tỏa của hàn lâm.

Đến năm 2000, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, đa số các nhà văn Mỹ trẻ sẽ sống và hoạt động bên ngoài các viện đại học. Sự thay đổi kinh tế và địa lý này đã tạo nên một đòi hỏi văn hóa có ý nghĩa, và chúng ta đang chứng kiến những khởi đầu của một chuyển dạng trong thi ca Mỹ. Làng văn mới sẽ đươc nguyên tử hóa, hủy tập trung hóa, liên chủ đề, vi tính hóa và nghịch-tổ-chức. Nó sẽ ôm lấy văn hóa diễn đọc mà không phải bỏ chữ viết. Nó sẽ gồm luôn cả giới hàn lâm mà không phải biến thành hàn lâm. Điều phức tạp tạo hình làng văn mới ra sao là điều không thể tiên đoán, nhưng tôi có thể tưởng tượng ra một vài Tiến sĩ thất nghiệp đang đục đẽo bảng tuyên ngôn thiên niên kỷ, ngay trong lúc chúng ta đang nói chuyện ở đây. “Các nhà văn Mỹ, hãy tập hợp lại!” hiện trên màn ảnh vi tính của hắn. “Bạn sẽ không bị mất mát gì cả ngoại trừ… ”.

Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch

từ nguyên bản: Notes Toward a New Bohemia.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.